Doanh nhân, năm Rồng và những nốt "thăng - trầm"

Năm Nhâm Thìn được kỳ vọng không chỉ mang đến sự hưng thịnh và may mắn mà còn đặc biệt được giới doanh nhân kỳ vọng gặt hái thành công trong sự nghiệp. Song, thăng - trầm là điều ai cũng trải qua.

Năm Nhâm Thìn được kỳ vọng không chỉ mang đến sự hưng thịnh và may mắn mà còn đặc biệt được giới doanh nhân kỳ vọng gặt hái thành công trong sự nghiệp. Song, thăng - trầm là điều ai cũng trải qua.

Đầu năm âm lịch Nhâm Thìn (năm Thìn mệnh Thủy), chuyên gia phong thủy nổi tiếng Philip Chow thuộc Tập đoàn môi giới và đầu tư “Các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương” (CLSA) của Hồng Kông cho rằng, trong năm, con Rồng - loài vật duy nhất được hư cấu trong 12 con giáp - được tạo ra từ những chất liệu mạnh mẽ sẽ tạo nên những sự suôn sẻ.

Trong khi đó, theo dự đoán của thầy phong thủy Master Lynn Yap, bà lại cho rằng, với mệnh Thủy,  năm nay sẽ tạo nên những thay đổi lớn, người giàu có thể trở thành người nghèo và ngược lại. Cùng với việc một số người "tiền vào như nước" thì một số khác sẽ mất lớn - một năm "dữ dội" với những vấn đề về tài chính.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2012, cùng Dân trí điểm lại những tên tuổi được chú ý với tình hình kinh doanh trong năm con Rồng này.

Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)

Doanh nhân, năm Rồng và những nốt thăng - trầm

Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sinh năm 1963 (năm nay 49 tuổi), là một doanh nhân thành đạt và nổi tiếng với vai trò một "ông bầu" bóng đá. Đó cũng chính là lý do, tên thường xuất hiện trên báo chí của ông lại là "bầu Đức".

Nếu không tính giai thoại về công tử Bạc Liêu cách đây gần 1 thế kỷ đã từng có  máy bay thì bầu Đức chính là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng. Điều này được ông lý giải: "hoàn toàn mua bằng tiền cá nhân và xuất phát từ nhu cầu làm ăn, kinh doanh chứ chẳng dại gì mà bỏ ra tới 7 triệu USD để chơi ngông".

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai đạt 153,81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, doanh thu thuần 1.145,66 tỷ đồng.

Khối lượng cổ phiếu HAG mà ông Đức nắm giữ đến thời điểm hiện tại là 259,67 triệu đơn vị, tương đương tỉ lệ 48,32% sau khi ông mua vào thêm 1,1 triệu đơn vị cổ phiếu này từ hồi đầu tháng 5 đến đầu tháng 7 vừa rồi.

Tình theo thị giá hiện tại của HAG là 22.600 đồng, tài sản nắm giữ của bầu Đức trên thị trường chứng khoán là 5.868,5 tỷ đồng. Ông xếp thứ hai trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện nay, khối lượng tài sản đã tăng trên 1.500 tỷ đồng so đầu năm 2012.

Sự kiện ồn ào nhất liên quan đến HAGL liên quan đến kết quả xếp hạng tin nhiệm của tổ chức xếp hạng quốc tế S&P.

Cụ thể, hồi đầu tháng này, ngay sau thông tin S&P công bố xếp hạng tín nhiệm dài hạn của HAG ở mức B- với triển vọng tiêu cực, đồng thời xếp hạng trái phiếu đáo hạn năm 2016 ở mức B- thì phía HAG đã lập tức phản hồi, cho rằng bản báo cáo của S&P chưa phản ánh hợp lý và sâu sát tình hình các hoạt động kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn..

S&P sau đó mặc dù rút lại tất cả đánh giá xếp hạng trên theo yêu cầu của HAG, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng thanh khoản của HAG còn yếu, triển vọng cải thiện lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh bất động sản, quặng sắt và các dự án cao su trong 6-12 tháng tới còn hạn chế.

Tổ chức này cho rằng, doanh thu bất động sản công ty bầu Đức sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ nay đến cuối năm do biến động của tiền đồng, lãi suất tương đối cao và tâm lý thận trọng của người mua. Trong khi đó, doanh thu từ các dự án thủy điện sẽ chỉ bù đắp một phần nhỏ thua lỗ ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Hiện, ngoài bất động sản, để đa dạng hóa danh mục đầu tư, HAG đã phủ nhiều kênh đầu tư khác, bao gồm thủy điện, cao su, đường... Đây cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh sang Lào cũng như định hướng sang các thị trường trong khu vực.

Ông Đặng Văn Thành

Doanh nhân, năm Rồng và những nốt thăng - trầm

Tên tuổi ông Đặng Văn Thành trong vòng 1 năm trở lại đây gắn với ồn ào xung quanh nghi vấn "thâu tóm" đối với ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mà ông chính là người xây những viên gạch đầu tiên đặt nền móng.

Kể từ sau "phát súng" đầu tiên của Eximbank hồi tháng 2, đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát của Sacombank với tư cách là cổ đông lớn và được ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số tại ngân hàng, liên tiếp những thông tin về thay đổi nhân sự quản trị, điều hành cũng như cơ cấu cổ đông tại Sacombank từ thời điểm đó đến nay đã tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Sau phiên họp ĐHĐCĐ "lịch sử" tại Sacombank, cơ cấu nhân sự quản trị ngân hàng đã bị xáo trộn đáng kể, với sự ra đi của hầu hết "bộ sậu" cũ, chỉ còn lại cha cong ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh. Trong số 10 người thuộc HĐQT thì có tới 8 gương mặt mới, chủ yếu đến từ Southern Bank và Eximbank.

Tuy nhiên, tại báo cáo quản trị bán niên của ngân hàng cho thấy, 6 tháng đầu năm, ông Đặng Văn Thành và 12 người liên quan vẫn nắm gần 80 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỉ lệ 7,7% - cao nhất tại Sacombank. Ông Trầm Bê và các con đứng sau với tỉ lệ nắm giữ 7,4%.

Trong thời gian gần đây, trước khi kết quả thanh tra của NHNN về việc thâu tóm tại ngân hàng này thì hàng loạt cổ đông liên quan đến HĐQT Ngân hàng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử phạt về hành vi "bán lén" cổ phiếu STB.

Tính đến 30/6/2012, tỉ lệ sở hữu của ông Thành tại ngân hàng còn 4,38% với 42,7 triệu đơn vị. Tính theo thị giá của STB đóng cửa phiên 12/10 là 19.700 đồng/cp thì giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Thành tại STB là 841,2 tỷ đồng.

Phát biểu trước báo giới gần đây, ông Đặng Văn Thành khẳng định, nếu khởi nghiệp trở lại, ông vẫn chọn làm doanh nhân và cách nhìn của ông sau tất cả những biến động trong thời gian vừa qua, thuận lợi vẫn nhiều hơn khó khăn.

Ông cũng thừa nhận rằng, trong thất bại của một doanh nhân, nếu xảy ra thì "sợ trách nhiệm với xã hội" có lẽ là điều đáng sợ nhất, mà cụ thể là tiền gửi của dân, thu nhập của cán bộ, nhân viên và gia đình... "Doanh nhân làm nhiều việc cho xã hội, giải quyết được nhu cầu việc làm cho người lao động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, nộp ngân sách cho Nhà nước, xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước, những đam mê đó nó “say sưa” lắm. Do đó, làm doanh nhân với tôi là một sự phân công", ông Thành trao đổi với tờ Doanh nhân Sài Gòn. "Doanh nhân nào không có tinh thần cầu tiến thì sẽ khó thành công. Có đam mê công việc thì dù làm bất cứ công việc gì cũng thấy say sưa".

Bà Mai Kiều Liên

Nhân vật nữ doanh nhân đầu tiên mà

Nhân vật nữ doanh nhân đầu tiên mà Dân trí muốn đề cập đến trong bài viết này cũng là người được Tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á (Corporate Governance Asia Journal - một tạp chí chuyên về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông) vinh danh một trong những Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á vào hồi tháng 5.

Tại giải thưởng này, bà Liên được ca ngợi "không chỉ có những đóng góp to lớn trong việc phát triển kinh doanh của công ty, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, mà Bà còn có những nỗ lực trong việc nâng cao các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Với những cam kết mạnh mẽ liên tục và bền bỉ của Bà Mai Kiều Liên và doanh nghiệp trong các vấn đề xã hội và môi trường trong khu vực. Bà đã đặt nền tảng quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa giá trị của các cổ đông công ty – điều này sẽ giúp Bà và doanh nghiệp có thể theo đuổi các cơ hội kinh doanh quan trọng".

Trước đó, bà cũng đã lọt danh sách "Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á" nhằm tôn vinh các nữ doanh nhân làm thay đổi bộ mặt của doanh nghiệp trong khu vực.

Tạp chí xếp hạng số 1 thế giới đưa ra nhận xét: bà là người "đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận cao nhất mà còn được kính trọng khắp châu Á" sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2003 và bà trở thành chủ tịch HĐQT.

Hiện tại, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam chỉ nắm khoảng 1,5 triệu cổ phiếu VNM, song với thị giá cao ngất ngưởng của mã này 118.000 đồng/cp, tài sản trên TTCK của bà Liên vẫn đạt 177 tỷ đồng.

Công bố doanh thu lợi nhuận 9 tháng 2012, Vinamilk cho biết, đã gặt tổng doanh thu 20.100 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch.

Ông Đặng Thành Tâm

Nhân vật nữ doanh nhân đầu tiên mà

Ông Tâm sinh năm Giáp Thìn – 1964, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Việt và là một trong Top 10 người giàu nhất Việt Nam năm 2011.

Ông là một trong những doanh nhân tham gia vào nghị trường Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Từ 3/2007đến nay, ông được Thủ Tướng Chính phủ chuẩn y bổ nhiệm làm Thành viên chính thức Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, Chuyên tư vấn kinh tế cho 21 Nguyên thủ quốc gia APEC và hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn cao cấp Chương trình Hành động hậu WTO của Chính phủ.

Sở hữu nhiều mã cổ phiếu, do đó, với những biến động của thị trường trong thời gian gần đây, khối tài sản của ông Tâm không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Tâm hiện vào khoảng 865 tỷ đồng.

Ngoài ra, quyết định thoái toàn bộ vốn (22 triệu cổ phiếu) tương đương tỉ lệ nắm giữ 20% khỏi Công ty khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn  (SQC) chỉ trong vòng 1 tuần, ông Đặng Thành Tâm đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt.

Liên quan đến những sở hữu của doanh nhân này tại các tổ chức, doanh nghiệp, trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố, để minh chứng cho vấn đề sở hữu chéo ngân hàng, tác giả bản báo cáo đã dẫn ví dụ về trường hợp của ông Đặng Thành Tâm với Ngân hàng Navibank và Ngân hàng Phương Tây.

"Tuy ông Đặng Thành Tâm chỉ sở hữu 2,97% tại Navibank và không có cổ phần tại Ngân hàng Phương Tây, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả hai ngân hàng này.
 
Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn, nơi ông nắm 23,69% và thông qua Tổng công ty phát triển nhà Kinh Bắc (KBC), nơi ông nắm 34,94% cổ phần. Công ty cổ phần viễn thông Sài Gòn trực tiếp sở hữu 9,41% Ngân hàng Phương Tây. Còn KBC đầu tư 483 tỉ đồng tại Công ty cổ phần năng lượng Sài Gòn - Bình Định, vốn chiếm 9,85% vốn sở hữu tại Ngân hàng Phương Tây và 11,93% tại Ngân hàng Navibank", dẫn báo cáo.

Tuy nhiên, theo phản hồi của KBC, thì  "hiện nay KBC vẫn là cổ đông lớn của SGT, nhưng SGT cũng không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của Ngân hàng TMCP Phương Tây. KBC chỉ còn là cổ đông nhỏ của Công ty cổ phần Năng lượng Bình Định và hiện nay Công ty Cổ phần Năng lượng Bình Định cũng không còn sở hữu cổ phần nào ở Ngân hàng TMCP Phương Tây".

Trên thực tế, việc một nhà đầu tư có cổ phần tại nhiều tổ chức không hiếm thấy. Tuy nhiên, việc sở hữu chồng chéo đang đặt ra những vấn đề trong minh bạch thông tin, có nguy cơ dẫn đến việc các ngân hàng thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng - một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ xấu tăng cao.

Ông Nguyễn Đức Kiên

Nhân vật nữ doanh nhân đầu tiên mà

Nhân vật cuối cùng bài viết muốn đề cập tới là ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), cũng là một doanh nhân tuổi Thìn (Giáp Thìn - 1964). Trước khi vướng vào vòng lao lý, ông Kiên được nhắc đến như một trong những doanh nhân "bí ẩn" nhất của ngành ngân hàng cũng như là một nhân vật nối tiếng của bóng đá Việt Nam.

Riêng về lĩnh vực bóng đá, ông Kiên được đánh giá có nhiều đóng góp bằng hàng loạt các phát biểu, hành động mang tính "cách mạng" cho bóng đá trong nước và cũng là người khởi xướng thành lập CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, chiều tối ngày 20/08/2012, ông Kiên đã bị bắt giữ để làm rõ hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. Theo đó, cơ quan điều tra cho biết, ông Kiên có liên quan tới sai phạm của 3 công ty con do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (3 công ty gồm công ty đầu tư thương mại B&B, công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và công TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội).

Đến 17/9, ông Kiên chính thức bị khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù các tổ chức, doanh ngiệp, ngân hàng đều phủ nhận về vai trò của ông Kiên trong điều hành, quản trị. Song, sự việc ông Kiên bị bắt đã tạo nên một hiệu ứng lớn cho thị trường. Trên thị trường chứng khoán, hàng tỉ đồng bị "bốc hơi" do cổ phiếu giảm sàn hàng loạt, mà chịu thiệt hại lớn nhất là những mã trong nhóm cổ phiếu ngân hàng như ACB, EIB (Eximbank), STB (Sacombank)...

Rõ ràng, với bất cứ quốc gia nào, kinh tế cũng là xương sống, rường cột phát triển, trong đó, không thể phủ nhận vai trò ngày càng lớn của các doanh nhân. Bên cạnh những đóng góp của giới doanh nhân với xã hội, đất nước, như ông Đặng Văn Thành đã đề cập (tạo công ăn việc làm, nộp thuế...) thì "nhất cử nhất động" của họ cũng đều có những tác động nhất định đến xã hội xung quanh. Do đó, không ngẫu nhiên mà xã hội luôn kỳ vọng ở những người kinh doanh, không chỉ tầm hiểu biết mà còn tâm sức với cộng đồng.
Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.