Nữ nhà báo bỏ việc, về quê băng rừng, lội suối "đặt tên" cho đặc sản

Một cô gái nhỏ nhắn với ước mơ sẽ mang những đặc sản của núi rừng xứ Quảng đi khắp nơi, bằng lòng yêu quý và tự hào quê hương.

Một cô gái nhỏ nhắn với ước mơ sẽ mang những đặc sản của núi rừng xứ Quảng đi khắp nơi, bằng lòng yêu quý và tự hào quê hương. Chọn cách tạo dựng lòng tin bằng những sản phẩm chất lượng, Võ Thị Minh Nga đang khiến nhiều người cảm phục…

nu nha bao bo viec, ve que bang rung, loi suoi "dat ten" cho dac san hinh anh 1

Minh Nga và đặc sản của đồng bào Bh’noong.Ảnh: LÊ QUÂN

Bỏ phố về quê

“Mình bỏ tất cả cơ hội rộng mở để về quê. Làm một cuộc trở về sau 10 năm bôn ba. Với mọi người, đó có thể là quyết định sai lầm khi mình đã gầy dựng được sự nghiệp, tuy không bằng ai nhưng đã là niềm tự hào với gia đình và bản thân mình” - Minh Nga mở đầu câu chuyện. Từng là một nhà báo chuyên viết về văn hóa văn nghệ tại TP.Hồ Chí Minh với rất nhiều giải thưởng, Minh Nga rẽ ngang trong niềm tiếc nuối của nhiều đồng nghiệp. Trở về quê, cô gái này lập tức xắn tay áo lên đi tìm “đặc sản”. “Mười năm ăn cơm trọ ở Sài Gòn, mình đã hiểu được mối nguy hại về thực phẩm bẩn. Rồi mình nghĩ, tại sao ở quê mình nhiều thứ ngon, sạch thế mà người thành phố lại không sử dụng được?” - Nga chia sẻ. Nỗi đau đáu vì những câu chuyện trong bữa cơm trọ thôi thúc cô gái này trở về.

Tháng 3.2016, Minh Nga khăn gói trở về quê nhà Hiệp Đức. “Khi quyết định về quê, khó khăn nhiều vô kể. Một cô gái quen váy áo xúng xính, giày dép cao gót, son đỏ má hồng... phải xông xáo với áo quần bụi bặm băng rừng lội suối.  Sụt cân, da đen, mặt mũi hốc hác. Mình chấp nhận hết!” - Nga nói. Chưa kể, những lời “bàn ra” của nhiều người về sự lựa chọn của cô gái này. Chú tâm vào đam mê là cách đưa cô gái này bền bỉ với câu chuyện đưa đặc sản của người miền núi trở thành nguyên liệu để làm ra mỹ phẩm, thực phẩm sạch. Hướng tới thực phẩm hữu cơ cũng là mơ ước của cô gái này. Và những chuyến lội rừng cũng bắt đầu từ đó.

 nu nha bao bo viec, ve que bang rung, loi suoi "dat ten" cho dac san hinh anh 2

Mật ong rừng là đặc sản của xứ Quảng mà Nga đang phát triển thương hiệu 

Từ những chuyến đi rừng “săn ong” vất vả, Nga nói, cô hiểu rằng giá trị của những sản vật, thực phẩm sạch, chất lượng, ngoài việc được thiên nhiên tạo ra, nó phải có nỗ lực từ bàn tay con người. “Chuyến đi đầu tiên, mình còn nhớ nỗi sợ hãi khi được một anh người Bh’noong chở phía sau để băng qua những con đường vắt vẻo mà vào rừng già săn ong.

Con đường từ bản của người đồng bào ở các xã Phước Năng, Phước Đức, Phước Chánh (Phước Sơn) vào bìa rừng dài hàng chục ki lô mét với nhiều đồi dốc, sông suối, thác ghềnh. Mỗi chuyến đi là một con đường khác nhau. Không dốc cao thì lầy lội, bùn sình. Khi xe chết máy, chúng tôi phải xúm nhau đẩy những con Win nặng trịch ra khỏi vũng nước lầy. Nếu đoạn đường đi từ bản vào bìa rừng khổ một thì đoạn đường đi trong rừng già lại khổ gấp trăm lần. Rừng sâu nhiều chỗ không có lối đi buộc anh em phải vừa đi vừa chặt những cây nhỏ để tìm đường” - Nga nói.

Và dù dưới chân là đường rừng khó di chuyển nhưng mắt mọi người vẫn cứ phải hướng lên trời để tìm tổ ong với tín hiệu duy nhất để khỏi lạc nhau là tiếng hú. “Người ta bảo của một đồng, công một nén chẳng sai; công đi, công săn, công leo trèo, công cõng về, công vắt mật, công lọc mật… Và họ cũng như tôi, hiểu được giá trị của giọt mồ hôi mình. Chúng tôi hoàn toàn có quyền tự hào về đặc sản của quê hương” - Nga quả quyết.

Lòng tin từ nguồn gốc sản phẩm

Bột gạo lức mè đen, mật ong rừng, tinh bột nghệ làm ra từ củ nghệ núi của đồng bào, mứt gừng núi… Tất cả sản phẩm cùng chung tên “Xù” được Minh Nga và một người bạn cẩn trọng trong tất cả quy trình. Nga nói, từ những chuyến săn ong, cảm nhận được khó khăn trong câu chuyện mưu sinh của họ, đồng thời nhìn thấy những hạt lúa rẫy không hề được chăm bón bằng hóa chất, lòng đầy ngưỡng mộ. “Mình nghĩ phải làm gì đó, để đưa hạt lúa của người vùng núi đi xa hơn. Bằng cách tạo thêm thu nhập cho họ, và để họ tin rằng những sản phẩm do họ làm nên cực kỳ quý giá” - Nga nói.

Bôn ba qua từng ngôi làng, mỗi nơi lại có một luật tục khác nhau, trước khi đến làng phải tìm hiểu kỹ, dần dà Nga không biết mình yêu quý cuộc sống của họ từ bao giờ nữa. Người dân Bh’noong quý hạt gạo như quý chính cuộc sống của họ.

“Chữ tín của đồng bào được đặt lên hàng đầu, nên khi họ đã quý ai thì chỉ bán cho người đó. Mình và bạn hiểu điều đó nên cố gắng làm sao để luôn giữ được lòng tin yêu của đồng bào dành cho mình” - Nga nói. Những bản làng mà người đồng bào Bh’noong ở Phước Sơn sinh sống có rất nhiều đặc sản và nguồn nguyên liệu cực kỳ sạch, giống lạ, với cách trồng trọt không bón phân phun thuốc hóa học. Ngoài mật ong rừng còn có nghệ núi, gừng núi, lúa sạch, chè xanh núi, chè vằng, các loại đậu, chuối hột rừng, khổ qua rừng, măng rừng... Nga nói cô tự tin lẫn tự hào khi mang những đặc sản này đến với người thành phố.

Bắt đầu từ những nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, Minh Nga lại tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Ban đầu, khách hàng là những diễn viên, nghệ sĩ ở TP.Hồ Chí Minh mà Nga đã từng làm việc chung. Thông qua mạng xã hội và kênh giới thiệu của các nghệ sĩ, thực phẩm cũng như mỹ phẩm được bào chế từ thiên nhiên của Nga được tìm tới nhiều hơn.

“Ngày nào mình cũng làm mới, bột gạo lức mè đen mỗi ngày làm 10kg, doanh số hằng tháng luôn ở mức 100 triệu đồng” - Nga nói. Chưa kể, xưởng làm việc của cô gái này mỗi ngày có hơn 10 người cùng làm, đây là những phụ nữ đông con tranh thủ giờ nhàn rỗi, một số khác gia đình khó khăn không có công ăn việc làm. “Ban đầu ba mẹ phản đối khi mình về quê và làm những công việc tay chân vất vả như vậy. Nhưng dần dần thấy thực phẩm của mình được nhiều người ủng hộ, tạo công ăn việc làm cho một số người khó khăn ở quê, ba mẹ đã ủng hộ và giúp sức rất nhiều” - Nga chia sẻ.

Từng nghĩ mình là một người rất thiếu tự tin về bản thân, nhưng Nga nói, có hai thứ khiến cô luôn tin vào mình, là bài báo mình viết ra và sản phẩm sạch mình làm nên.

 nu nha bao bo viec, ve que bang rung, loi suoi "dat ten" cho dac san hinh anh 3

Tất cả quy trình chế biến đều đảm bảo vệ sinh từng công đoạn.

“Bởi mình có tự trọng của bản thân, tự hào quê hương nên tuyệt đối không làm ăn chụp giựt. Bán những thứ tận tay làm, tận chân đi lấy và mang bản thân ra thử nghiệm. Những đánh đổi của mình không thể nào cân đo đong đếm” - cô gái “liều lĩnh” này nói. Muốn là một cánh chim, dù nhỏ bé, mỏng manh thôi để  chuyên chở những gì thiên nhiên nhất, thuần khiết nhất từ núi rừng quê hương ra thành phố và cả nước ngoài, là điều mà Nga tâm niệm. Tất cả quy trình chế biến đều đảm bảo vệ sinh từng công đoạn. Cũng như mọi sản phẩm làm được, cô gái này đều tự mình thử nghiệm trước.

Lấy tiêu chí của người làm báo mà kinh doanh: trung thực, khách quan, đúng sự thật, giấc mơ của cô gái tuổi 30 này đang lớn lên mỗi ngày. Cũng như từ đây, lan tỏa cảm hứng về việc hình thành một thói quen sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc. Hiện tại, mọi sản phẩm của Minh Nga đều được bao gói cẩn thận với tên gọi chung là “Xù”.

Theo Dân Việt


nhà báo

đặc sản

lập nghiệp trên quê hương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.