Bắt cá mấy tay?

Không chỉ mấy người "cái gì cũng sợ mất" mới thích chơi trò "bắt cá hai tay" mà trong làng nghệ ngày nay, trò này khá phổ biến, bất chấp trên thực tế, những người "cái gì cũng sợ mất" như thế kết cục thường là mất tất cả...

Điển hình cho trào lưu bắt cá hai tay trong làng nhạc là những dự án đôi, từ album đến cả liveshow trở thành mốt trong giới ca sĩ 2-3 năm trước đây. Tháng 1/2006, Hồ Quỳnh Hương tung ra cùng lúc hai album: "14M-2222" và "Sao tình yêu" kèm theo tuyên bố: Kể từ đây cô sẽ luôn tung ra cùng lúc hai album với hai phong cách khác nhau, dành cho hai đối tượng nghe khác nhau, với lý do đầy thuyết phục: "Hương muốn thỏa mãn được cả hai đối tượng nghe: những khán giả khó tính, chịu chấp nhận những thử nghiệm mới và người nghe phổ thông của dòng nhạc thị trường". Hơn một năm sau, 4/2007, Hồ Quỳnh Hương tiếp tục có bộ đôi thứ hai theo kiểu này: "Kim cương đen" (loại một) và "Không dừng lại" (loại hai).

Theo bước Hồ Quỳnh Hương, ca sĩ Thy Dung cũng có bộ đôi album "Xưa" (nhạc tiền chiến) và "Một nửa đời em" (nhạc trẻ), Kasim Hoàng Vũ có bộ đôi "Mặt trời bên kia" (rock) và "Vì sao" (pop). Đàm Vĩnh Hưng, thậm chí còn có dự định làm bộ đôi liveshow - một dành cho khán giả nhạc trẻ, một dành cho khán giả nhạc xưa. Mỹ Lệ, đầu năm nay cũng có bộ đôi album nhạc trẻ ("Nhan sắc") và liveshow phong cách thính phòng opera ("Mỹ Lệ in Symphony").

Ở đây xin được mở ngoặc giải thích một chút về những bộ đôi "bắt cá hai tay" dường như là đặc sản riêng của thị trường ca nhạc Việt, rất khác với bộ đôi dạng tuyển tập mà các ca sĩ trên thế giới vẫn làm (ở Việt Nam các nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Đức Tuấn...cũng đã thực hiện tương tự). Những bộ đôi (thậm chí nhiều hơn thế) dạng tuyển tập nhiều về số lượng (tác phẩm) nhưng thống nhất về phong cách (tác giả hoặc ca sĩ), giúp cho các fan có cơ hội sở hữu bộ sưu tập (collection) của những tác giả và ca sĩ mà họ yêu mến.

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương

Ngược lại, bộ đôi "bắt cá hai tay" ngay từ đầu đã được sản xuất để nhắm tới hai đối tượng người nghe khác nhau, phong cách âm nhạc khác nhau, vì vậy mà ca sĩ phải "phân thân" thành hai "mảnh". Giống như một chàng trai cùng lúc phải hẹn hò với hai cô gái và không muốn mất cô nào, thời gian và tâm sức cũng phải phân đôi. Không có "tình yêu phân đôi" nào có đủ giá trị bằng "tình yêu trọn vẹn", và thực tế thì, những dự án đôi kể trên chỉ gây xôn xao dư luận lúc đầu như một hình thức tiếp thị mới, rồi sau đó đều "chìm xuồng" mà không để lại bất cứ dấu ấn nào đáng kể. Chưa nói, có trường hợp còn thất bại cả tiền bạc và danh tiếng. Đáng tiếc nhất trong trường hợp này là Hồ Quỳnh Hương.

Sau khi ra được cặp đôi album, Hồ Quỳnh Hương, người giàu "năng lượng" nhất trong việc đeo đuổi "sự nghiệp đôi" này đã lặng lẽ, không tuyên bố, từ bỏ dự án. Năm nay cô chỉ ra mắt độc nhất album "Năng lượng" (có kèm theo bản video và karaoke), không nói rõ dành cho đối tượng nào. Nhưng hai cặp đôi album trước đó với mục tiêu "thỏa mãn cả hai" đã kịp đưa Hồ Quỳnh Hương lên hạng...chơi vơi.

Trong số những cái tên ca sĩ kể trên, Hồ Quỳnh Hương là ca sĩ được đánh giá là có khả năng và tiềm năng hơn cả để đứng về một khu vực âm nhạc. Tuy nhiên, cùng một thời điểm, người ta thấy cô "sàng qua sàng lại" ở cả hai khu vực âm nhạc khác nhau. Kết cục, cho tới hiện tại, Hồ Quỳnh Hương là ca sĩ khó định vị nhất trên thị trường ca nhạc. Và cũng bởi vậy, phong cách của Hồ Quỳnh Hương ngày càng mờ nhạt, có thời điểm cô "giông giống" Mỹ Tâm, rồi sau đó lại "lai lai" Hồ Ngọc Hà. Sự đa dạng, nếu không ở một tài năng tầm cỡ, một ngôi sao đầy bản lĩnh như kiểu Madona, thì rất dễ thành...mất dạng (không còn phong cách riêng)!.

Với nhà sản xuất âm nhạc, nhà quản lý và lăng xê ca sĩ uy tín nhất trên thị trường hiện nay - Công ty - "Những gương mặt âm nhạc" (Music Faces) thì lại là một câu chuyện khác. Gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Đức Trí và thành công của anh trong việc tạo lập những hình tượng mới mẻ trên sân khấu âm nhạc, điển hình là trường hợp Hồ Ngọc Hà, sau này là Phương Vy, hay "lột xác" cho Lê Hiếu..., Music Faces đã từng và đang quy tụ nhiều tài năng được giới nghề thừa nhận như Võ Thiện Thanh, Huy Tuấn, Hoàng Anh - và đây chính là "thương hiệu nổi" của Music Faces trong 5 năm qua. Còn "thương hiệu chìm" cũng trong 5 năm qua, không được công khai thừa nhận ở Music Faces, là dòng nhạc bình dân với Lâm Chấn Huy (người có thâm niên độc quyền ở Music Faces còn lâu hơn Hồ Ngọc Hà). Chọn cái gì "nổi", cái gì "chìm" ở Music Faces trong thời gian gây dựng sự nghiệp thể hiện rõ chiến lược không ngoan của nhà sản xuất.

Nhưng khôn ngoan mấy cũng không học được chữ ngờ! Vào thời điểm Music Faces (và nhiều người khác) cùng tin tưởng ở thế và lực đã đủ để hợp nhất "2 trong 1", giữa thương hiệu "nổi" và thương hiệu "chìm", giữa Faces và New Faces, giữa sân khấu lớn và sân khấu tỉnh, giữa Hồ Ngọc Hà với Lâm Chấn Huy, liveshow xuyên Việt trong tháng 7 vừa qua của "Những gương mặt âm nhạc" lại bất ngờ làm "mất mặt" "Những gương mặt âm nhạc".

Lâm Chấn Huy

Ở đây khoan bàn tới nhưng nguyên nhân dẫn tới thất bại về doanh thu của của tour diễn kể trên, mà chỉ xin nói tới hai chữ "hợp nhất" ở Music Faces cũng đang có nguy cơ thất bại. Phản ứng đòi "ly thân" của ca sĩ Lâm Chấn Huy, người được ông giám đốc Music Faces tiết lộ là nguồn thu chính, chiếm tới 80% mảng kinh doanh online của công ty, rồi sau đó nghe đâu, là một cuộc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" giữa ca sĩ này với một thành viên khác thuộc thương hiệu "nổi" của Music Faces, là đỉnh điểm của những mâu thuẫn "2 trong 1". Đấy là sau hậu trường, còn trên sân khấu và trước khán giả Music Faces, sự lạc lõng của Lâm Chấn Huy khác xa với những gì mà ca sĩ này từng đón nhận khi đứng "một mình" ở sân khấu của mình - có lẽ đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhưng phản ứng tức thời ở ca sĩ này.

Vậy là, khi có tất cả (đủ loại ca sĩ với đủ phong cách âm nhạc đáp ứng mọi thị hiếu người xem), liveshow xuyên Việt của Music Faces không chỉ mất tiền (vốn dĩ được xem là đương nhiên trong thời kỳ liveshow Việt chỉ "show" chứ không "biz" hiện nay), mà còn mất cả danh.

Kịch xã hội hóa ở TP.HCM thì từ lâu đã chọn công chúng giải trí để phục vụ bằng những vở kịch sinh hoạt, hài hước, bằng những ngôi sao và thần tượng (tương tự như sân khấu ca nhạc). Nhưng thỉnh thoảng cũng gồng mình lên (vì đâu có tiền tài trợ của Nhà nước) cho những vở diễn lớn, những vở diễn vì nghệ thuật, cho những khán giả muốn thưởng thức nghệ thuật, cho những mục tiêu cao cả hơn ngoài chuyện giải trí. Như trường hợp của công ty Thái Dương (quen biết hơn với cái tên Kịch IDECAF) bỏ ra 400 triệu (gấp 4 lần vở kịch sinh hoạt bình thường) để dàn dựng "Ngàn năm tình sử", một tác phẩm bi hùng về người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Ngày 15/8 tới đây, vở mới chính thức công diễn, nhưng trước đó, những khán giả được xem là muốn thưởng thức nghệ thuật, chờ đợi nhưng giá trị nghệ thuật từ kịch IDECAF, gồm dân trong nghề và báo giới đã được thưởng thức trước, và sau đó nhiều người...hoang mang. Hoang mang về sự pha trộn thể loại sân khấu, pha trộn âm nhạc, pha trộn lời thoại lẫn phục trang..., nhưng sau cùng hoang mang về sự pha trộn giữa mục đích làm một vở kịch là chính nó và mục đích làm một vở diễn để ăn khách.

Cảnh trong Ngàn năm tình sử

Nếu "Ngàn năm tình sử" là chính nó, nên chăng "ngôi sao số 1 IDECAF" Thành Lộc lùi về làm một đạo diễn thuần túy, để có được sự tỉnh táo và tầm bao quát cần thiết, thay vì để vở diễn đôi khi sa đà vào những "rê dắt cá nhân".

Nếu "Ngàn năm tình sử" là chính nó, có cần thiết để "ngôi sao số 2 IDECAF" Thanh Thủy "ép vai" một biểu tượng tình yêu trẻ trung, thanh khiết trong khi toàn bộ cơ thể của chị, có thể nói, ở chiều ngược lại, mà kết cục, có lẽ đây là vai diễn kém duyên nhất của ngôi sao vốn rất duyên này.

Nếu "Ngàn năm tình sử" là chính nó, sẽ là một tác phẩm bi hùng, xứng đáng với tầm vóc của người anh hùng Lý Thường Kiệt (ngay cả phần đời thường của người anh hùng cũng xứng với vị thế của họ, không nên hiểu đời thường là tầm thường), thay vì một vở diễn bi hài như thực tế.

Ông bà xưa rất chí lý khi dặn rằng: "Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát" với những người "bắt cá hai tay". Lại có câu" "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", với những người làm nghệ thuật.

Theo Ái Nữ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.