Bị "ném đá" vì kể chuyện đi ăn cưới mừng 100 nghìn

Không ít người cho rằng, cô nàng này là người “đi lạc” từ hành tinh khác khi đi ăn cỗ cưới mà chỉ mừng có 100.000 đồng.

Không ít người cho rằng, cô nàng này là người “đi lạc” từ hành tinh khác khi đi ăn cỗ cưới mà chỉ mừng có 100.000 đồng.

Mới đây, trên một nhóm mạng xã hội có dành cho phụ nữ có hàng trăm nghìn thành viên, tài khoản H.A đã đăng tải status than thở với tâm trạng ức chế sau khi đi đám cưới bạn cấp 3 về. Cô viết: “Bình thường các chị đi ăn cưới bạn (không thân) bỏ phong bì bao nhiêu ạ? Hôm nay em bỏ 100 nghìn mà bị bà thím của chú rể ngồi nói móc nói mỉa suốt nửa tiếng ở nhà trai (em là bạn học cô dâu nhé).

Bà ấy kể con bà ấy cũng sinh viên ăn bám mà đám cưới nào cũng xin mẹ 200 nghìn, chả ai đi 100 nghìn cả. Em nghe bà ấy nói nhiều, bực quá chỉ luôn xuống cái quần bò rách, bảo: Nhà cháu nghèo lắm, quần cũng vá chằng vá đụp rách te tua, làm gì có tiền mà mừng cưới nhiều. 1 tháng 6 đám cưới là hết 2 tấn thóc của mẹ cháu.

Chỉ là bạn cùng lớp cấp 3, chưa chắc cưới mình nó đã đi, nói như kiểu phong bì ít thì đừng đi. Biết vậy em ở nhà luôn cho đỡ tốn tiền, tốn thời gian.
 

Em là sinh viên nhưng tự làm tự tiêu, không xin chu cấp nên chẳng dư dả gì. Đã thế còn bạn bè làm ăn các kiểu nên cưới xin cũng là một khoản nặng. Em cũng biết thời buổi này đi cưới 100 nghìn có vẻ hơi keo, nhưng nói thật, chả ai thừa tiền đi rải khắp nơi mà sau này mình cưới nó chẳng thèm mừng lại cả. Lại còn nói dài nói dai nữa. Trong bà ấy thì quần áo cũng bình thường, còn chả bằng mẹ em mà nói kiểu huênh hoang lắm. Chán quá!”

Có lẽ, khi đăng tải những dòng này, cô gái trẻ muốn tìm kiếm “đồng minh” vì cho rằng, mình đã phải chịu những ấm ức không đáng có từ phía người họ hàng của chú rể. Tuy nhiên, trái ngược với những gì H.A mong đợi, cô nàng này chẳng những không được an ủi, mà còn bị “ném đá” tơi bời vì chính câu chuyện của mình.

Phần đông chị em tham gia bình luận bài viết của H. A đều công nhận, ứng xử “vỗ mặt” như người nhà của chú rể, bàn tán về chuyện tiền mừng của bạn cô dâu ở ngay trong tiệc cưới, lại còn để H.A nghe thấy và đôi co quả là không hay. Tuy nhiên, mặc dù vậy, không ít người cũng thẳng tay bình luận “cay đắng” về H. A, vì cho rằng cô gái trẻ này keo kiệt, tính toán quá mức, và việc bị nói xéo như vậy cũng… không oan. Hàng loạt những bình luận như: “giờ mà đi đám cưới 100 nghìn thì quá ít em ạ, ở quê họ cũng đi 200 nghìn rồi”, “em nên gửi thì tốt hơn, đi mà 100 nghìn thì đúng là chị nghĩ ít thật”, “Nếu xác định không thân và chỉ mừng người ta khoảng 100 nghìn, tốt nhất là bạn nên lờ đi không đi đám cưới, không ăn cỗ luôn, chứ vác miệng đến ăn mà bỏ phong bì kiểu đó kỳ cục quá, bị nói là đúng rồi” nhanh chóng xuất hiện.

Chị em cũng nhiệt tình tư vấn mức tiền hợp lý khi đi ăn cỗ đám cưới cho H. A.  Nick Nguyen Quynh Anh cho rằng: “Đi ăn cỗ bây giờ, không thân, chỉ bình thường thôi là phải 200 – 300 nghìn, kể cả không đi ăn cũng cứ phải 200 nghìn, ai đi 100 nghìn nữa? Còn thân thiết thì 500 nghìn đến 1 triệu cơ bạn ơi”. Nick Đặng Diệu Hương cũng đồng tình vì “100 nghìn bị nói đúng rồi còn oan ức gì, chỉ tại bà ấy vô duyên để bạn nghe thấy thôi. Gì chứ bây giờ, ít cũng 200 – 300 nghìn là không thân rồi bạn ơi”.

Lý do hết sức tế nhị của chuyện H. A bị coi là mừng cưới “ky bo” cũng được chị em phân tích triệt để, đó là chi phí phong bì như vậy không thể “bù” được cho chi phí tổ chức, làm cỗ cưới, và nếu ai cũng như H.A, cô dâu chú rể sẽ “lỗ” nặng. Thẳng thắng nói về thực tế này, Facebooker Anh Cherry cho rằng: “100 nghìn với điều kiện là gửi người khác mừng giúp thôi. Biết là em không có tiền nhưng thời nào rồi mà còn mừng thế?Nếu đã không thân, muốn đi 100 nghìn thì đừng đến ăn nữa. Em đi thế, người ta có mà lỗ chỏng gọng nếu 1 mâm 6 người như em”.

Trúc Thanh, một thành viên sắp làm cô dâu cũng bình luận vui: “Mình sắp cưới đây, đặt bàn nhà hàng đã hết 4 triệu 3 rồi, gặp mấy người đi kiểu đó chắc trả nợ dài dài quá! Nói vui thôi chứ bạn bè đến mừng là hạnh phúc rồi, chỉ sợ nó cũng chả thèm đến đó chứ!”
 
Sau khi bị “ném đá” kịch liệt, H. A cố phân bua, mình sống ở quê, tiệc cưới là do người nhà tự nấu chứ không phải thuê ngoài, và mức 100 nghìn/người cũng không phải quá “bèo” so với thu nhập chung và văn hóa ở quê cô, và đó là mức tiền cả nhóm bạn thống nhất bỏ vào phong bì, cô không thể “chơi trội”. Cô cũng giải thích thêm, cô và cả nhóm bạn 8 - 9 người ngồi chung 1 mâm (thay vì 6 người/mâm như thường lệ) và H. A gần như không ăn được gì nên không thể tính rằng cô đến ăn cỗ được. Mặt khác, vì bạn mời nhiều lần, cô không nỡ từ chối, chứ thực ra H. A và cô dâu cũng không hẳn là thân thiết. Và câu chuyện cô muốn chia sẻ không phải là lấy ý kiến chuyện bỏ bao nhiêu tiền vào phong bì mừng cưới thì hợp lý, cũng không phải cô là người tính toán hay keo kiệt gì, mà vì bức xúc với chuyện bị “nói xóc” khiến cô không vui.


Bên cạnh những ý kiến “xâu xé” tình tiết mừng đám cưới 100 nghìn mà vẫn ăn cỗ mà H.A chia sẻ, bàn bạc đến chuyện lỗ, lãi của đám cưới, nhiều người cũng lên tiếng bênh vực cô gái trẻ. Một dân mạng cũng kể lại câu chuyện của chính cô, những người bạn mừng đám cưới cô, có người đi 300 nghìn, có người đi 500 nghìn, nhưng cô bạn thân nhất thì không mừng đồng nào mà chỉ có mặt hỗ trợ gia đình, nhưng cô vẫn thấy ấm lòng vì ngày cưới có bạn bè đến chung vui.

Nick Cao Thị Hà Giang cũng chia sẻ khá thoáng về vấn đề tiền mừng đám cưới: “Cái này thì tùy người thôi. Mình nghĩ, cô dâu chú rể đã là đãi tiệc và mời bạn bè đến thì không nên tính toán đi bao nhiêu, vì đãi tiệc không phải để kiếm lời cũng không phải ý nói: tôi đãi bàn này hơn 1 triệu, bạn đi ăn phải bỏ phong bì từng ấy chứ không là tôi lỗ. Ở nước ngoài, người ta đãi tiệc, khách mời thậm chí không tặng tiền, chỉ mua quà tặng cô dâu chú rể như là lời chúc mừng, thậm chí góp mặt chung vui đã là quý hóa lắm rồi. Do Việt Nam mình nặng hình thức và tiền bạc quá thôi, bởi giờ ai cũng thực dụng và lấy tiền làm thước đo mọi thứ. Huống hồ bạn là sinh viên, dù khó khăn cũng ráng đi, đó là quý rồi. Tất nhiên, nếu bạn khó khăn thật thì 100 nghìn quả thật là lớn.

Đợt mình cưới, em họ của mình thậm chí dẫn bạn nó theo và hai đứa không đi đồng nào, nó nói lý do sinh viên nghèo. Bản thân mình vốn không nghĩ tiền là to mà mình buồn vì nó có dư tiền mua điện thoại ip5s xài, có tiền mua váy dạ hội, giày dép, có tiền ăn diện vì nó xin tiền cha mẹ nó nhiều, vả lại còn đi hát kiếm tiền chứ không phải túng thiếu, vậy mà lại đi lấy cái mác sinh viên để khỏi phải chi. Đó mới gọi là keo kiệt, xài cho mình thì thả ga còn cho người khác một đồng cũng không dám. Trong khi đó, một con em mình quen ở Sài Gòn mấy năm nay, cũng sinh viên, nó đi có 100 nghìn trong khi nhà hàng mình đãi 1 bàn đã 4 triệu rồi, nhưng mình rất cảm động vì ngoài tiền, nó kẹp thêm cái bùa bình an xin ở chùa vào trong, nói là tấm lòng của nó gửi mình. Và cũng vì nhà nó quá xa, nó bắt xe ôm lên ăn cưới của mình hết 70 nghìn rồi, cực khổ lắm. Nên không phải nhìn vào giá trị 100 nghìn, mà phải nhìn vào cách họ cho đồng tiền đó đi như thế nào”.

Đồng tình với quan điểm trên, nick Hương Mắm ngạc nhiên: “Ơ hay, các mẹ sao đặt nặng vấn đề mừng bao nhiêu vậy nhỉ? Có nhiều mừng nhiều, có ít mừng ít, không có tiền thì mừng gọi cho có, gọi là có chút chúc phúc cho vợ chồng mới cưới để lấy may. Còn người cưới, họ muốn làm cỗ đãi anh em bạn bè là muốn thông báo với họ hàng, anh em, bạn bè là họ đi xây dựng gia đình chứ có gì đâu mà đặt nặng vấn đề tiền bạc, lãi lỗ quá vậy?”.

Chủ đề đi tiền mừng cưới bao nhiêu là vừa vốn động chạm đến túi tiền và thói quen, quan điểm chi tiêu của chị em nên hiện vẫn đang gây tranh cãi ồn ào trên diễn đàn.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.