Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo

Nghề nào cũng có những vất vả riêng mà không phải người ngoài nào cũng nhìn thấy và thông cảm.

Nghề nào cũng có những vất vả riêng mà không phải người ngoài nào cũng nhìn thấy và thông cảm. Nghề chạy xe ôm công nghệ cũng vậy thôi.

Nhiều người nói, thời buổi kinh tế thị trường, các dịch vụ xe ôm công nghệ giá rẻ đã và đang vô tình giết chết xe ôm truyền thống, kéo theo là những mảnh đời sống nhờ vào những chuyến xe ôm nhọc công ít tiền phải lâm vào cảnh khốn cùng, đói khổ.

Ngược lại, những ai đang hành nghề xe ôm công nghệ thì sung sướng biết bao, có công ty, có phần mềm điện thoại, có lượng khách hàng đông đúc ổn định, thì lo gì khổ, lo gì đói.

Vậy mà có mấy ai biết được, đằng sau mỗi nghề đều tồn tại một mặt trái chua chát. Cái nghề chạy xe ôm công nghệ phần mềm điện thoại cũng vậy, cũng có khi đói, khi nhọc, cả những khi buồn tủi vì gặp phải kiểu khách hàng ẩm ương chướng tính, lọc lừa tàn nhẫn.

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 1.

Câu chuyện "Một góc nghề lái xe ôm công nghệ" được một anh chàng thanh niên đăng tải trên mạng xã hội, đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. (Ảnh: Facebook)

Tất cả những điều đó, mới đây vừa được một anh chàng sinh viên làm nghề chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Tất cả nội dung anh chàng đã viết, khiến biết bao nhiêu người phải ngẫm nghĩ:

"Chiều hôm nay cũng như mọi ngày. Tôi - cậu viên năm 2 vác xe ra chạy. Bật ứng dụng 3 tiếng được 2 cuốc xe tổng cộng 32k. Nắng nóng! Đợi khách lâu nên thành ra mỏi mệt, với 1 chút bực tức trong người. Như một thói quen, tôi kiếm chỗ mát mẻ dừng lại ngay sau khi trả khách. Đợi tiếng ting ting của ứng dụng kêu, đợi một chút may mắn mỉm cười.

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 2.

Chạy xe ôm thông qua ứng dụng điện thoại, tưởng không cực nhưng cực không tưởng. (Ảnh minh họa)

Nhưng không! Nửa tiếng trôi qua vẫn im lặng, miên man suy nghĩ tại sao càng ngày càng ít khách, như này thì tháng này không đủ tiền phòng rồi. Bỗng có tiếng nói bên cạnh, câu nói quen thuộc mà đồng nghiệp chúng tôi hỏi nhau:

- Được nhiều chưa cháu?

Tôi im lặng vài giây. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của bác pha lẫn chút buồn:

- Cháu chạy từ trưa đến bây giờ mới đủ tiền bát phở bác ạ! (Đưa màn hình điện thoại cho bác xem).

- Thế là cháu còn hơn bác rồi! (Nhìn trên màn hình của bác online 2 tiếng 45 phút được 18k)

- Hôm nay ít khách thật bác ạ! Nhưng hôm trước bù cho hôm sau thôi bác ạ.

Bác bảo lại ngay: Bác đen từ hôm qua rồi. Đêm qua 10h cố chạy thêm cuốc nữa rồi về nhà còn bị thằng thanh niên nó quỵt mất 35k. Chạy vào gần đến trong ngõ nó bảo chờ nó 2 phút. Nó chạy lên trên nhà lấy ít đồ xong chở nó quay lại chỗ cũ.

Nhìn mặt mũi cũng hiền lành nên bác chờ nó, 5 phút... Rồi 10 phút... Bác rút điện thoại ra gọi nó xem xuống chưa nhưng nó tắt máy rồi. Biết mình bị lừa nên thôi quay về. Coi như làm không công vậy".

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 3.

Những bình luận đầy tình cảm của cư dân mạng sau khi đọc xong câu chuyện trên. (Ảnh: Facebook)

Tôi cười nhạt, cũng buồn thay cho bác. Bác nói tiếp:

"Vừa nãy chở con bé này này (Vừa nói vừa chỉ vào màn hình điện thoại cuốc xe 18k), nó bảo đợi nó 1 tí, nó đang xuống rồi. Chờ nó khoảng hơn 10 phút thì nó xuống. Bác vẫn vui vẻ chở nó đi, chả dám than phiền câu nào.

Nó đặt đến số nhà 54 bác dừng lại thì nó bảo chở nó đi tiếp vào ngõ 54 bên cạnh, có 1 đoạn thôi. Một đoạn đấy là sang đến phố bên kia rồi gần 1km chứ ít ỏi gì.

Nó xuống xe. Thanh toán tiền cho bác. Tổng cộng hết 18k, nó đưa 15k rồi bảo: "Mọi lần đi hết có 15k thôi". Bác bảo: "Đây là máy nó tính mà, tôi có ăn bớt đồng nào của chị đâu?". Kì kèo một lúc thì nó cũng đồng ý trả 18k. Nó rút ví ra tờ 500k nó đưa bảo "Bác trả lại đi. Không thì cầm lấy 15k này".

Trong bụng tôi nghĩ, có chết thì bác cũng phải lấy bằng được 3k này. Nhưng bác thì khác, bác vẫn nhận 15k vì trong túi bác cũng chẳng đủ 500k tiền lẻ để trả cho chị ta.

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 4.

Làm nghề chạy xe ôm, sợ nhất là gặp khách hàng "xấu tính". (Ảnh minh họa)

Tôi nghĩ bụng, 4 cây số 18k mà nó vẫn còn mặc cả thì tốt nhất đi bộ. Xe ôm cũng chẳng giàu có gì nhưng tôi sẵn sàng bỏ ra 10 - 20k cho người khó khăn thật sự. Nhưng với những con người như chị ta thì có 1k tôi cũng phải đòi bằng được. Vì cái công sức mình bỏ ra nó đáng để nhận được bằng đấy mà.

Lúc sau bác dựng xe sát vào lề đường rồi bảo: "Hôm nay bác mỏi quá. Để ý cho bác tí nhá, bác chợp mắt tí cho đỡ mỏi. À này! Bao giờ đi nhớ gọi bác dậy nhá".

- Vâng! Bác cứ nghỉ đi cho đỡ mệt. Bao giờ có khách cháu đi thì cháu gọi!

Bác cũng gục xuống xe, chắc bác cũng mỏi lắm rồi. Vất vả cực nhọc là vậy nhưng số tiền nhận được cũng chẳng đáng là bao. Đến tôi thanh niên còn thấy oải nữa là bác. Ngồi trên xe 8 tiếng là đã thấy nhừ người rồi. Có nhiều người cũng hiểu tài xế xe ôm lắm, những người quá quắt cũng chẳng đếm hết được.

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 5.

Ông bác trong câu chuyện, nằm gục suốt vì quá mỏi mệt. (Ảnh: Facebook)

Càng ngồi ngẫm càng thấy đúng. Nhiều lúc chỉ đón khách thôi mà muốn chửi các bác ạ. Ai đời lại đón tận cửa nhà, đưa về tận ngõ cụt mà vẫn mặc cả tiền. Nào là "đợi mình 1 tí", "mình đang xuống", "anh đi vào sâu trong này đón e, nhà em ngay đầu ngõ", "đưa chị vào sâu trong ngõ 1 tí".

Sợ cái "MỘT TÍ" của các thượng đế lắm. Toàn ảo thuật với bốc phét thôi. 500m thì bảo là 500m, đợi 5 phút hay 10 phút thì phải bảo 5 phút hay 10 phút cho tài xế đỡ xót ruột.

Thực sự thì nếu mà số nhà không hiển thị được trên bản đồ thì phải nói với tài xế từ trước. Thành ra mất 2 cuộc điện thoại và chả được thêm đồng nào.

Trước khi làm xế thì tôi cũng từng làm khách, tôi hiểu. Đi đúng thì trả đúng, muốn đi thêm thì dĩ nhiên phải thêm. Chứ nhiều vị khôn lỏi lắm, khôn hết cả phần của người khác.

Đi nhiều mà cứ muốn trả tiền ít thì bao giờ khá lên được. Hay là tại tôi - một thằng trẻ con mới ra đời chưa đầy 20 cái xuân xanh không hiểu chuyện đời các bác nhỉ?

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 6.

"Khách mà có bực bội thì mình vẫn cứ nhẫn nhịn rồi nở nụ cười cho cuộc sống nó tươi hơn thôi". (Ảnh: Facebook)

Trong đầu nghĩ miên man vậy chứ cũng chẳng dám kêu than với ai. Vì mình là người chọn nghề nên theo nó thôi. Sinh viên có đồng ra đồng vào là cũng đỡ rồi, chứ nếu cứ ở phòng chơi nhiều lại sinh hư. Khách mà có bực bội thì mình vẫn cứ nhẫn nhịn rồi nở nụ cười cho cuộc sống nó tươi hơn thôi. Giữ cục tức trong người thì nhanh bỏ nghề lắm.

Trải lòng 1 chút vậy thì điện thoại tôi cũng vang lên tiếng kêu quen thuộc. Tiếp tục đi phục vụ mọi người thôi...".

Vậy đó, nỗi lòng của những người dãi nắng dầm sương, để kiếm vài đồng còm cõi lay lắt sống qua ngày như cậu thanh niên và ông bác trên, có mấy ai hiểu được.

Những khi cực, khi vật vờ chờ khách, hay cả ngày chạy xe cũng không đủ tiền mua bữa trưa, rồi gặp khách hàng trời ơi đất hỡi có mấy ai thấy không, hay chỉ tin rằng những người chạy theo công nghệ thì chắc sẽ sung sướng hơn?

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 7.

Chân dung anh chàng viết lại câu chuyện đăng tải trên mạng xã hội - Hà Ngọc Kiêm.

Liên hệ trực tiếp với cậu thanh niên thì được biết, cậu thanh niên trên tên Hà Ngọc Kiêm, đang học tại đại học xây dựng Hà Nội. Kiêm chia sẻ rằng mình chỉ mới tham gia tại xe ôm trên ứng dụng điện thoại được hai tháng.

Với cậu đây là khoảng thời gian tuyệt vời để cậu trải nghiệm một công việc khá mới mẻ và đây cũng là cơ hội để Kiêm có thêm một ít thu nhập để trang trải cho cuộc sống đi học xa quê.

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 8.

Ngọc Kiêm còn kể, cái nghề chạy xe ôm thông qua phần mềm điện thoại này còn giúp mình rành đường ở thành phố hơn. (Ảnh: Facebook)

Kiêm còn nói, những điều Kiêm kể trên chỉ là một mặt trái buồn của cái nghề chạy xe ôm công nghệ thôi. Chứ cũng có nhiều câu chuyện khác về những vị khách tốt bụng khiến cậu cảm thấy có niềm tin vào cuộc sống hơn: "Ví dụ như là gặp một số anh chị tốt, đi những chuyến ngắn mà anh chị thương, thường tip thêm rất nhiều, gấp đôi gấp ba.

Có lần em chở một anh cả đi cả về hết 20k.Đi đường 2 anh em nói chuyện và biết em cũng đang là sinh viên lên trên này học, bằng tuổi em trai anh ấy. Anh ý trả hẳn 200k, em chẳng dám nhận hết! Anh dúi vào túi, em chẳng biết từ chối kiểu gì nên nhận một nửa. Sau đó anh mời ăn cơm, sau này thỉnh thoảng đi đâu anh ý vẫn gọi em chở đi".

Ngoài ra, Kiêm nói cái nghề này không hẳn là sung sướng như nhiều người vẫn nghĩ: "Chạy xe ôm mà, có sung sướng gì. Có những người khó khăn hơn, phải cố gắng rất nhiều, ngày có thể ngồi chở khách 12, 13 giờ đồng hồ chỉ hy vọng kiếm được một số tiền kha khá để gửi về quê cho gia đình và nhiều bạn sinh viên, giống như em nhưng vất vả hơn, sáng đi học chiều về chạy xe ôm đến tối khuya mới về đến phòng trọ".

Kiêm còn kể về một kỷ niệm vui mới đây của cậu: "Kỉ niệm vui thì như tháng trước có một chị ở Bệnh viện Nhi Trung ương đặt xe xuống đến Bến xe Nước ngầm để về quê. Đến đón thì mãi mới tìm được chị ấy, vừa bế con vừa xách 2 túi đồ to. Thấy hoàn cảnh của chị khổ quá, quần áo chắp vá. Lúc thanh toán chị móc tiền ra trả mà em cũng không nỡ nhận vì thấy chị khổ quá.

 Câu chuyện về chú xe ôm công nghệ bị quỵt tiền sẽ khiến bạn suy nghĩ lại mỗi khi định mặc cả với người nghèo - Ảnh 9.

Không riêng gì xe ôm thời công nghệ, xe ôm nào cũng vậy cả thôi. Cũng tồn tại những vui buồn mà ít ai nhìn thấy được. (Ảnh minh họa)

Hỏi chị ăn gì chưa? Chị cũng không nói gì. Em bảo chị đợi một chút, tìm được quán bánh mì mua cho 2 cái với 1 dây sữa cho chị. Lúc nhận chị còn khóc, cứ bảo đứa nhỏ cảm ơn chú đi. Chẳng đáng là bao đâu nhưng mà em vui lắm".

Vậy đó, suy cho cùng nghề nào cũng là nghề, cũng tồn tại những mặt tốt và xấu khác nhau. Hy vọng thông qua câu chuyện và những lời chia sẻ chân tình trên, mọi người có thể thấy được một góc khuất nào đó của những ông bác, những cậu sinh viên chạy xe ôm, để trân trọng và thông cảm cho họ, dễ tính và thương tình một tí cho cuộc đời bớt mệt nhọc nhé!

Theo Thời Đại


xe ôm

nghề xe ôm


Thông tin bất ngờ vụ nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn”
Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.