Hành động của cụ ông ĐH Kinh Tế Quốc Dân khiến nhiều bạn trẻ phải suy ngẫm

Trong suốt 17 năm qua, các thế hệ sinh viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều nhớ tới dáng người gày luôn cần mẫn với công việc và cả những lời "mắng" của cụ Nhậm.

Trong suốt 17 năm qua, các thế hệ sinh viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều nhớ tới dáng người gày luôn cần mẫn với công việc và cả những lời "mắng" của cụ Nhậm.

Cụ Nguyễn Văn Nhậm, một cụ ông vô cùng đáng kính, là một người bạn của thiên nhiên, của môi trường trong khuôn viên trường đại học Kinh tế Quốc dân. 

Cụ chính là một trong những con người thầm lặng, hằng ngày góp công sức của mình tạo nên những mầm xanh, chăm sóc, vun vén cho từng cây hoa, khóm lá.

17 năm qua đối với cụ, công việc luôn luôn mang lại niềm vui và cả sự tươi trẻ, yêu đời. Mỗi hàng cây đều gắn với nhiều kỉ niệm, có cả những bóng cây trên sân kí túc xá có tuổi đời cũng gần bằng thời gian công tác tại trường của cụ, do chính tay cụ trồng và nuôi nấng.

Hình ảnh cụ Nhậm đang chăm sóc cây trồng đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Điều khiến cộng đồng mạng, mà đặc biệt là các sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân dành sự quan tâm đặc biệt đối với cụ.

Phùng Linh Giang, K54, lớp Địa Chính, trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ với cụ Nhậm: "Mình ở kí túc xá trong suốt 4 năm đại học. Cũng có lần thấy nhiều cô chú khác tưới cây nhưng chủ yếu là một mình cụ chăm hết. 

Kí túc trường mình thì rộng lớn, ấy vậy mà không có bất kì ngóc ngách nào không có hoa cụ trồng, nào lan, hoa cúc, hoa súng...đủ cả. Nhờ vậy, kí túc xá của trường mình nhiều cây nhiều hoa giống như công viên ấy, đẹp lắm.

Có lần đi học về thấy cụ đang trồng cây, mình có dừng lại nói chuyện. Mình hỏi cụ trồng cây gì mà giống cỏ thế. 

Cụ bảo là cây Tóc Tiên đấy. Trồng cây đẹp cho chúng mày mà chúng mày chả biết giữ. Ông cứ trồng rồi chăm, rào hẳn hoi rồi mà có đứa vẫn cứ vô ý giẫm vào hỏng hết cây của cụ.

Một lần khác, bọn mình đi tập văn nghệ trên sân kí túc, ngồi và để cặp trên bồn cây đè cả vào cây của cụ, cụ ra mắng: Mấy con vịt giời này đè chết hết cây của ông rồi, bỏ cặp xuống dưới sân đi! Cụ đáng yêu lắm.

Tụi mình yêu kí túc xá trường lắm, và ai cũng quý mến cụ bởi nếu không có cụ thì làm sao bọn mình có kí túc xá đẹp thế này để ở, có sân kí túc mát mẻ để tập thể dục nữa".

Không chỉ tâm huyết với công việc dù đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, cụ còn rất tươi vui, yêu đời và sở hữu nhiều tài lẻ.

Cụ ông đặc biệt ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Ảnh 1.

Hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ, mắt kém chân chậm vẫn hằng ngày cần mẫn lao động, cống hiến đã thật sự thức tỉnh nhiều bạn trẻ.

Một sinh viên khác của trường đại học Kinh tế Quốc dân kể lại: "Có lần em và bạn ngồi dưới sân tập thổi sáo. Ông đang trồng cây ở vườn, thấy 2 đứa cầm sáo, ông đi qua bảo hồi trước ông cũng thổi sáo.

Em liền năn nỉ cụ thổi một bài để thưởng thức tài nghệ của bậc tiền bối. Lúc đầu ông cũng hơi ngại ngần vì lâu lắm rồi không thổi. Thế rồi em cứ bảo ông thổi tiếp. Ngày xưa hình như ông từng học nhạc, viết nhạc gì ấy vì ông đọc cảm âm rất nhanh.

Thế là em bảo: bà ngoại cháu rất thích bài Xe chỉ luồn kim, hồi trẻ ông ngoại thổi bà nghe, cháu muốn học mà không tìm được cảm âm bài này, ông biết không?. Vậy là cụ Nhậm nhẩm nhẩm nhạc rồi tuôn cảm âm luôn. Ông vừa cần mẫn, nhiệt tình lại hiền hoà nữa".

Suốt một thời trẻ tuổi, sức khỏe tốt, cụ đã cống hiến hết mình cho công việc mà mình lựa chọn. Thế nhưng, điều đáng nói là, cho đến hôm nay, khi đã tuổi cao sức yếu, cụ vẫn tiếp tục cần mẫn với công việc của mình, chỉ với duy nhất một mong ước là gieo mầm xanh cho thế hệ con cháu mai sau.

Theo Thế giới trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.