Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển

Bi kịch nhất của loài người không phải là nỗi đau. Vì nếu một ngày nhận ra, nỗi đau ấy còn có thể bị đem ra làm trò cười, thì phải chăng, ta mới đủ hiểu lòng người thiên biến vạn hóa đến thế nào.

Bi kịch nhất của loài người không phải là nỗi đau. Vì nếu một ngày nhận ra, nỗi đau ấy còn có thể bị đem ra làm trò cười, thì phải chăng, ta mới đủ hiểu lòng người thiên biến vạn hóa đến thế nào.

Nam châm trái dấu thì hút nhau, chuyện gì càng ngược tâm, càng đối nghịch thì càng thu hút dư luận. Bởi thế mới có chuyện người ta dễ dàng đem nghịch cảnh để đổi lấy chút tiếng tăm nhằm thỏa mãn cái nhu cầu ích kỉ của cá nhân.  

1. Khi đám tang người nổi tiếng trở thành "cái sân khấu để xem" của những thành phần hiếu kì

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển - Ảnh 1.

Đây có lẽ là hình ảnh buồn và chạnh lòng nhất trong đám tang của Minh Thuận.

Đôi khi, nỗi đau của người này lại là niềm vui của người khác. Ngẫm đi ngẫm lại, câu nói này quá đúng đối với những người nổi tiếng như ca sĩ Minh Thuận, Wanbi Tuấn Anh hay người mẫu - diễn viên Duy Nhân, khi mà lễ tang của họ lại vô tình bị biến thành một "cái sân khấu để xem" nhằm thỏa mãn tính hiếu kì của người đời.

Đã không còn lạ gì cái cảnh năm ấy người dân chen lấn, xô đẩy, thậm chí là cả hò hét, rủ nhau "đi xem" đám tang ca sĩ Minh Thuận. Nhưng thay vì đến viếng nhân vật chính thì họ lại đến để xem có những người nổi tiếng nào tới, họ ăn mặc ra sao và biểu cảm khuôn mặt thế nào. Họ tranh nhau phá hàng rào phân cách, cãi tay đôi với lực lượng an ninh để được tiếp cận với người mà mình hâm mộ, xin chút chữ ký, chụp vài bức ảnh selfie kỉ niệm rồi hí hửng ra về.

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển - Ảnh 2.

Đám đông reo hò cổ vũ khi Hoài Linh xuất hiện tại lễ tang của Duy Nhân.

Rồi điều ấy cũng lặp lại trong đám tang của Duy Nhân, khiến những ngôi sao nổi tiếng sau mỗi lần đi viếng về là lại được "chỉ mặt, điểm tên" với hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười. Khi danh hài Hoài Linh có mặt tại lễ tang, đám đông không ngừng reo hò, hô vang tên anh với những tràng pháo tay thật giòn giã. Thậm chí, lúc đưa tang người nhà nam người mẫu còn phải đứng ra xin đường, đám đông mới chịu cho xe tang đi qua.

Bên trong thì khóc, bên ngoài thì cười. Hai cảm xúc tréo ngoe cùng một thời điểm khiến người ta chỉ còn biết thở dài ngao ngán.

2. Chụp ảnh, quay phim để check-in hiện trường tai nạn

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển - Ảnh 3.

Người phụ nữ đang gội đầu dở mà vẫn xông ra để gí sát máy ảnh quay cận mặt nạn nhân.

Cứ gắn đến hai chữ "tai nạn" thì ai cũng đủ nhận thức để hiểu đó không phải là một chuyện đùa và đáng để đem ra đùa. Ấy thế mà, bên cạnh những người dân sẵn sàng xắn tay áo xông vào cứu giúp, hoặc ít ra cũng bày tỏ được niềm thương xót với nạn nhân, thì vẫn tồn tại những cá thể xem đó là một cơ hội có một không hai để quay phim, check-in hiện trường.

Tháng 4 năm ngoái, một vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi mạng sống của hai giảng viên một trường Cao đẳng ở Nam Định. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tới, vài người dân đã sốt sắng tìm cách cứu các nạn nhân ra khỏi chiếc ô tô 7 chỗ bị thùng hàng container đè trúng. 

Tuy nhiên, thay vì giúp đỡ, một người phụ nữ đang gội đầu dở từ salon tóc gần đó bất ngờ phi ra, gí sát điện thoại vào mặt nạn nhân vẫn còn đang thoi thóp. Tất cả những gì người phụ nữ này cần, đó là những hình ảnh cận mặt của nạn nhân để thỏa mãn sự hiếu kì của mình.

Vẫn biết, trên đời không có bất cứ điều luật nào bắt buộc mỗi người phải ra tay cứu giúp người khác khi bị nạn. Tuy nhiên, nếu thử đặt mình vào hoàn cảnh bất lực đó, thì cũng chỉ còn cách phó mặc mạng sống cho cái tâm của người khác mà thôi.

3. Đoàn rước kiệu ở Hà Nội thích thú chặn đầu xe cứu hỏa

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển - Ảnh 4.

Xe cứu hỏa bị chặn cứng không thể di chuyển.

Một câu chuyện khác để dân ta nhìn lại văn hóa ứng xử và những bài học mang tên "ý thức". Gần đây, trên Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh đoàn xe cứu hỏa đang trên đường làm nhiệm vụ thì bị đoàn rước kiệu chặn trước xe không cho đi. Mặc cho lực lượng chức năng đã phải bắc loa ra yêu cầu nhường đường, đoàn rước kiệu trái lại còn múa lượn nhiều vòng trước đầu xe cứu hỏa, thậm chí yêu cầu tắt còi ưu tiên đi thì họ mới chịu dừng lại.

Đáng buồn thay, rất nhiều người qua đường - vốn không tham gia lễ hội - cũng hùa vào cổ vũ, hò hét. Quả là một minh chứng đáng sợ cho mặt trái của hiệu ứng đám đông. Không hiểu họ không đủ nhận thức để phân biệt sự khác nhau giữa xe cứu hỏa và xe bình thường hay vốn dĩ chỉ biết đến trước mắt, biết đến bản thân mà không lường trước được hậu quả sau đó.

"Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" – chưa nhìn thấy những người đang từng phút từng giây chỉ có thể trông mong vào hi vọng duy nhất là chiếc xe cứu hỏa thì có lẽ đám đông này vẫn chưa thể tỉnh ngộ. Chúng ta cũng chỉ có thể ngán ngẩm nhìn nhau không biết sẽ còn bao nhiêu người vô tội phải mất mạng vì những hành động xốc nổi như thế này nữa.

4. BTC The Voice Kids mang thảm họa Carina ra làm trò tiêu khiển

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển - Ảnh 5.

Dù BTC đã nhanh tay xóa đi nhưng vẫn bị cư dân mạng chụp lại màn hình.

Rạng sáng 23/3, dọc khắp hành lang tòa chung cư Carina Plaza ở Sài Gòn vang lên tiếng la hét thất thanh, khói đen bốc lên nghi ngút. Hàng trăm con người hoảng loạn chen chúc tháo chạy, ngoài ban công, khung lan can như bị uốn cong trước sức nặng của những chiếc thang dây tự chế... Những tiếng khóc ai oán không ngớt, cùng 13 số phận bất hạnh đã phải dừng chân trong cái đêm kinh hoàng đó vẫn chưa thôi ám ảnh dư luận.

Vậy mà, khi đau thương còn chưa kịp qua đi thì những trò đùa vô thưởng vô phạt lại bắt đầu xuất hiện. Tối 30/3, fanpage của chương trình truyền hình The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) đã bất ngờ đăng tải bức ảnh với nội dung giễu cợt trận hỏa hoạn ở chung cư Carina.

Theo đó, bức ảnh này ghép hình ảnh của 5 quán quân qua 5 mùa Giọng hát Việt nhí vào khung cảnh hỏa hoạn ở chung cư kèm theo dòng chữ "S.O.S - Bạn sẽ cứu ai đầu tiên?". Ngay sau đó, bức ảnh đã làm dậy sóng cả cộng đồng mạng, đồng thời nhận về vô số chỉ trích trước hành động thiếu suy nghĩ, không biết cảm thông với nỗi đau của đồng loại. Dù BTC chương trình đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi, nhưng vẫn không thể dập tắt được "ngọn lửa" tức giận từ phía dư luận.

Khi trò vui được tạo nên từ những nỗi đau: Xin đừng lấy thảm hoạ ra làm thú tiêu khiển - Ảnh 6.

Nhìn những hình ảnh này, liệu có nên đem ra để làm một trò đùa vô nghĩa?

Kí ức về một thảm kịch con người vùng vẫy tìm đường sống, về hơn 200 chiến sĩ PCCC trắng đêm cứu người và hàng loạt tấn bi thương không kể đâu cho hết sẽ luôn là một nỗi đau canh cánh trong lòng mỗi chúng ta. Sẽ chẳng hay ho gì khi biến mất mát thành công cụ phục vụ cho mục đích riêng của một cá nhân, hay một tổ chức nào đó. Vì đám cháy tuy đã tắt, nhưng tiếng khóc ai oán ngoài kia vẫn còn…

Theo Helino


hành động xấu xí

hành động thiếu ý thức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.