Mạng xã hội đang bị "đầu độc" bởi những hội, nhóm nhố nhăng

Việc tham gia hội, nhóm (Group) trên mạng xã hội từ lâu đã được nhiều người ưa thích vì đây là nơi thuận tiện để giao lưu, kết bạn và chia sẻ.

Việc tham gia hội, nhóm (Group) trên mạng xã hội từ lâu đã được nhiều người ưa thích vì đây là nơi thuận tiện để giao lưu, kết bạn và chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề là ngày càng có nhiều những Group mang tính chất nhố nhăng, tục tĩu dễ khiến cho những người tham gia chưa khi nhận thức sẽ dễ đánh mất mình và thậm chí là sa ngã.

Muôn vẻ nhố nhăng

Gây tranh cãi vì khoe của, công kích sỉ vả nhau, biến cộng đồng thành “chợ tình” hoặc thậm chí “khoe” chuyện phản bội chồng,… Đó là những nội dung mà một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ khi tham gia vào những hội, nhóm có tính chất nhố nhăng.

Dạo một vòng trên mạng xã hội facebook, thật không khó để tìm ra những hội như: “Hội máy bay…”, “Hội phi công..”, “Hội quý bà…”, “Hội chăn chuối…”, “Hội chán học”, “Hội ăn chơi”,… Ở mỗi hội này, đều có những thể thức hoạt động được giới cộng đồng mạng đánh giá là nhảm nhí.

Nhiều hội, nhóm trên facebook mang tính chất nhố nhăng, tục tĩu. Ảnh chụp màn hình.
 
Đơn cử, “Hội ăn chơi” với lượng thành viên “khủng” trên 231 nghìn người tham gia. Tham gia vào hội này, các thành viên sẽ chia sẻ ảnh với nhau để làm quen. Tuy nhiên, cũng có một số thành viên chuyên đăng những thông tin gây tranh cãi.

Cụ thể, tối 9/10, một thành viên của Hội này có nickname là L.C.C đã đăng một bức ảnh “khoe” tiền với dòng cảm xúc “Chỉ những người không có tiền mới bảo ăn chơi là hư hỏng thôi. Tiền nhiều thì làm chi phải nghĩ”. Ngay lập tức, nhiều người đã phản ứng lại với ý kiến của thành viên này và cho rằng là hành động khoe của và thích thể hiện.

Trong khi đó, “Hội chăn chuối…” với 59 nghìn lượt thích và theo dõi cũng thường xuyên đăng tải những thông tin dạng tâm sự của các thành viên với nội dung tục tĩu của các “quý bà”. Đáng nói hơn, có cả trường hợp vào Hội này chia sẻ chuyện phản bội chồng và chia sẻ kinh nghiệm để tìm nhân tình.

Hội, nhóm nhố nhăng - nơi để giới trẻ “sống ảo” và khoe của.
 
Ngoài ra, nhiều hội khác như hội “máy bay..”, “phi công…”, “quý bà...” còn hoạt động như “chợ tình di động”. Vào những hội này, người dùng sẽ choáng ngợp với những hình ảnh mát mẻ kèm thông tin tục tĩu như : “gái xa chồng tìm em trai”, “máy bay tìm phi công” hay như “em trai tìm chị gái nuôi…”. Tất cả các nhóm này đều có người quản lý và các thành viên hoạt động khá sôi nổi.

Tình hình hoạt động rầm rộ của những hội này khiến những “tay” chơi vô công rỗi nghề nhưng lại muốn hưởng thụ bị thu hút. Mặt khác, ở một số hội nhóm khác, tình trạng các thành viên vì muốn “câu like”, câu sub (lượt người theo dõi) cho trang cá nhân của mình nên đã chia sẻ những thông tin thất thiệt vẫn diễn ra điều đặn. Tất thảy tạo nên một sự bát nháo và lộn xộn chưa từng có.

Có nên “sống chung với lũ”?

Theo nhiều người dùng mạng xã hội facebook, việc họ thường xuyên bị các hội nhóm có nội dung không lành mạnh làm phiền là điều rất dễ xảy ra. Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Khánh Phương ( Nhân viên văn phòng, ngụ quận 5, TP HCM) cho biết, chị đã dùng mạng xã hội facebook được hơn 5 năm và thỉnh thoảng vẫn bị các hội, nhóm có nội dung không lành mạnh làm phiền.

“Họ tự thêm mình vào nhóm. Sau khi thấy những nhóm có nội dung tục tĩu mình đã rời khỏi nhóm. Nhưng sau đó lại có người mời vào tiếp nên mình phải chặn những nhóm kiểu như thế. Đáng nói hơn, vài hôm sau lại có hội nhóm khác thêm mình vào. Thấy nội dung không phù hợp, mình lại phải tự thoát khỏi nhóm” – chị Phương chia sẻ và cho biết, dù cảm thấy rất phiền nhưng không biết cách để ngăn người khác tự động thêm mình vào những hội nhóm lạ nên chị đành chấp nhận cảnh “sống cùng lũ”.

Dòng tâm sự chuyện phản bội chồng và chia sẻ kinh nghiệm của một thành viên được đăng trên “Hội Căn Chuối..”
 
Tương tự, là một người từng gắn bó với facebook từ những ngày mạng xã hội này có mặt ở Việt Nam, anh Huỳnh Ngọc Quý (Ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng cho rằng, hiện nay đang có rất nhiều hội nhóm nhố nhăng, bừa bãi và tục tĩu đang hoạt động.

Theo anh Quý, điều rất lạ là những hội nhóm này đều có số lượng thành viên đông đảo và hoạt động tích cực. “Mạng xã hội như con dao 2 lưỡi, nếu không biết cách né thông tin xấu, người ta dễ sa lầy và khó thoát ra” – Anh Quý bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ với Phóng viên về vấn đề này, Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Lê Thị Thảo cho biết, xét về góc độ tâm lý, chúng ta đều có nhu cầu bày tỏ tâm tư tình cảm cá nhân mình cho người khác hiểu, mục đích là để người khác hiểu đồng cảm và chia sẻ, với một số người thì mỗi khi đăng tải một vấn đề lên mạng xã hội là cách để họ tìm được một tiếng lòng chung từ đám đông, đó là sự thông cảm mặc dù chính bản thân họ sẽ phải là người vượt qua, giải quyết vấn đề của bản thân.

Bên cạnh người dùng thông minh, biết cách chia sẻ đăng tải thông tin cá nhân thì cũng rất nhiều người dùng lại bị cuốn vào việc chia sẻ những thông tin cá nhân một cách tiêu cực hoặc không nên khiến cho hình ảnh bản thân ngày một xấu đi. ai cũng muốn được quan tâm, một số người lại muốn được nổi tiếng, được đám đông chú ý, trở thành tâm điểm của mạng xã hội. Chính xuất phát từ động cơ muốn mình trở nên nổi tiếng và nổi bật hơn nên họ đã sẵn sàng đăng tải mọi thông tin cá nhân lên mạng xã hội.

“Bản thân tôi là một người không quan tâm nhiều đến các hội nhóm trên mạng xã hội trừ nhóm của công việc và học hành. Còn về việc các nhóm tự phát trên facebook có rất nhiều người theo dõi chia sẻ và đăng tải những thông tin như trên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, một số người dùng tự nguyện tham gia vào nhóm vì tò mò, vì muốn khám phá cái mới và nhiều người cả thích chơi trội.

Với những người như vậy thì thiết nghĩ không thể vội vàng đánh giá nhân cách của họ. Tuy nhiên, nếu bản thân cá nhân cứ dễ dàng thích được nổi tiếng bằng mọi cách như vậy sẽ là con dao hai lưỡi, một ngày nào đó họ sẽ không còn giữ được bản thân mình, vì như chúng ta đều biết thì mọi thói quen hành vi bắt đầu từ suy nghĩ. Đừng vội vàng, đừng mong cầu để nhanh được nổi tiếng, được mọi người quan tâm chú ý. Vì có thể bạn sẽ đánh mất mình vì nó!” – Thạc sĩ Lê Thị Thảo chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo thạc sĩ Lê Thị Thảo, với người dùng Facebook nói chung thì nếu bị thêm vào những nhóm như vậy ngay lập tức vào mục thiết lập để rời nhóm, một điều nữa các bạn cũng nên nhớ là không để sự tò mò của mình bị cuốn vào đó, vì một tính năng của facebook là bạn đã xem trang nào thì ngay lập những trang đó sẽ hiện lên trang chủ facebook nhà bạn như một lời mời hấp dẫn để bạn truy cập vào trong đó.

Thạc sĩ Lê Thị Thảo chia sẻ thêm: “Còn với các bạn trẻ, dù là dùng mạng xã hội thì các bạn cũng phải có một cái đầu thật tỉnh để giải quyết tình huống trong khi dùng Facebook, nếu không biết thì có thể tìm hiểu các thông tin để biết cách rời các nhóm khiến các bạn mất thời gian. Hãy có một thái độ kiên quyết với các nhóm như vậy, luôn cài chế độ tự động.

Đừng để sự tò mò đánh mất đi hình ảnh của bản thân mình các bạn trẻ nhé! Dù ở cuộc sống bên ngoài hay dùng mạng xã hội thì rất cần ở các bạn một cái đầu lạnh để có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất! Hãy biết nói không với những điều tiêu cực ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi các bạn!”.

Theo CA. TPHCM

mạng xã hội

Facebook

giới trẻ

nhóm kín

tệ nạn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.