Tăng giá: Điện vô tình trước khó khăn của DN

Chưa kịp vui với việc giá xăng giảm thì nay doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lại hoang mang vì giá điện đã tăng lên 5%.

 Chưa kịp vui với việc giá xăng giảm thì nay doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lại hoang mang vì giá điện đã tăng lên 5%. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng cởi trói tay này nhưng lại siết chặt tay kia thì DN vẫn luẩn quẩn trong bài toán chi phí giá đầu vào.

Giá điện: Bơm căng chi phí đầu vào

Bắt đầu từ 1/7, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất đồng loạt tăng bình quân 5%. Cụ thể, giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng. Tăng nhiều nhất là điện cho sản xuất, với mức cao nhất áp dụng từ 1/7 sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng. EVN cho rằng việc tăng giá điện lần này không mấy ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tuy vậy đối với khối DN thì đây không phải là chuyện nhỏ.

Bộ Công Thương lý giải do các thông số đầu vào như than, dầu, tỷ giá đều tăng trên dưới 10%, cùng với đó việc tăng giá này sẽ làm doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tăng thêm 3.710 tỉ đồng từ nay đến hết năm 2012. Tuy nhiên, tăng giá điện lại gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khi mà các DN đang sống dở chết dở với hàng tồn kho, lãi suất cao, đình đốn sản xuất. Vì vậy mọi tính toán của EVN hầu như không được các DN đồng tình.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, cho biết việc áp dụng giá điện tăng vào thời điểm này có thể là một quyết sách sai lầm. việc tăng giá điện là điều sớm muộn cũng phải làm nhưng cần chọn đúng thời điểm. Không thể tăng vào thời điểm mà đa phần DN quá khó khăn như bây giờ.

Với lượng điện năng tiêu thụ lớn các DN trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, thép... đã bắt đầu lo sợ cho chi phí hàng tháng bị đội lên đáng kể. Trước đợt điều chỉnh này giá bán điện cho ngành ximăng từ năm 2011 đến nay đã tăng 19%, cùng với các nguyên liệu đầu vào như than từ năm 2011 đến nay tăng 170%; dầu tăng 40%. Đầu vào tăng giá vẫn khó để hạ nên chi phí lợi nhuận cũng chấp nhận thu hẹp bởi những chính sách khuyến mãi để kích cầu.

Ông Nguyễn Văn Thiện Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam chia sẻ : "Khối lượng hàng tồn kho đã ở con số 6 triệu tấn, sức tiêu thụ của thị trường vẫn chưa thể khởi sắc. Phần lớn các DN ximăng từ đầu năm đến nay đều thua lỗ, một số nhà máy phải ngừng một phần dây chuyền sản xuất. Như vậy viễn cảnh bi đát đã mở ra trước mắt các DN trong ngành khi giá điện tăng."

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn cho biết, trước đây bình quân mỗi tháng công ty ông phải trả khoảng 5 tỷ đồng tiền điện. Giờ giá điện tăng thêm 5%, hằng tháng công ty phải trả thêm hơn 250 triệu đồng, chi phí quá lớn trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.

Sức mua yếu, DN đã gồng mình giữ giá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong tháng 6 thực chất không phải do giá giảm hay năng suất sản xuất của DN tăng lên mà do hàng tồn kho quá nhiều. Vì vậy, tăng giá điện sẽ gia tăng áp lực cho hầu hết các DN. Lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc ở Củ Chi DN cho hay, đơn cử Công ty mỗi tháng sẽ phải chi thêm gần 500 triệu đồng khi giá điện tăng. DN đã tính đến phương án bố trí lao động tăng cường vào giờ thấp điểm để hạn chế chi phí.

Thông tin giá nước sạch cũng điều chỉnh, với mức tăng khá lớn, khoảng 50% so với trước. Như vậy hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá thì tâm lý mua sắm của người tiêu dùng cũng bị tác động không nhỏ. Khi tiền điện góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa đắt đỏ thì khách hàng cũng không còn hào hứng chi tiêu.

Nỗ lực giải cứu vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ nét thì nay doanh nghiệp lại càng hoang mang hơn với "ma trận" chi phí đầu vào. Hiện nay hàng loạt chi phí tăng cao lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển... đã làm doanh nghiệp hụt hơi.

Đã "nghèo" lại còn gặp "eo"!

Thép là một trong những ngành sản xuất tiêu hao nhiều điện nhất, tăng giá điện sẽ tác động lớn đến kế hoạch sản xuất. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, chắc chắn giá điện tăng làm cho giá đầu vào của thép tăng. Trong khi đó, tiêu thụ thép tháng 6 đã sụt giảm, ước khoảng 290.000 tấn, lượng thép tồn kho tính đến ngày 30/6 đã lên tới 370.000 tấn.

Trung bình sản xuất 1 tấn phôi thép cần khoảng 500 kWh điện, 1 tấn thép cán tiêu hao 100kWh điện. "Giá điện thêm 5% sẽ khiến giá thành sản phẩm này tăng thêm ít nhất 40.000 đồng/tấn. Do đó việc tăng giá điện thời điểm này chẳng khác nào làm khó DN". Ông Cường chia sẻ.

Cùng cảng ngộ như ngành thép, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN cho hay, theo tính toán trong cơ cấu giá thành xi măng, giá điện chiếm khoảng 15%; giá điện tăng 5% sẽ làm giá xi măng tăng tương ứng khoảng 1%. Trong khi lượng tiêu thụ xi măng 6 tháng đầu năm giảm từ 7% đến 8% so với cùng kỳ, hàng tồn kho lên tới 2 triệu tấn thì việc tăng giá điện là cú sốc với DN.

Theo các DN, điện là yếu tố đầu vào cơ bản của các ngành sản xuất. Điện tăng sẽ kéo theo giá thành tăng, trong hoàn cảnh đình đốn sản xuất như hiện nay thì hầu hết các DN đều thừa nhận chưa có biện pháp nà ứng phó với tăng giá điện lần này.

Theo tính toán của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tăng giá điện dù ít hay nhiều sẽ tác động sản xuất và đời sống. Theo đó, giá điện bán cho sản xuất tăng bình quân khoảng 5% sẽ làm tăng giá thành của một số ngành dùng nhiều điện như giá thành xi măng tăng thêm khoảng 0,39-0,56%. Giá thành cán thép tăng khoảng 0,06%, giá thành nước sạch tăng khoảng 2-2,3%...

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Xuân Thuyên (Bộ KH&ĐT), người có nhiều năm nghiên cứu về thị trường điện cho rằng, tăng giá điện theo thị trường cạnh tranh là điều hợp lý nhưng khi EVN đang nắm quyền chi phối thì chưa thể gọi là cạnh tranh. Việc tăng giá điện của chúng ta mới chỉ xuất phát từ các bộ, ngành và chủ yếu là dựa trên các căn cứ và tính toán của ngành điện. Còn việc tăng giá đó hợp lý như thế nào, lấy cái gì làm căn cứ để đối chiếu thì người dân chưa thể nắm được đâu là giá cao hay thấp, lỗ hay lãi...

Hiện EVN đang chiếm trên 70% sản lượng điện sản xuất; chi phí sản xuất cũng như giá bán điện của EVN có ý nghĩa gần như quyết định. EVN cũng nắm giữ 100% lưới điện truyền tải và 95% khâu phân phối và bán lẻ điện.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, DN và người dân mong muốn ngành điện cần công khai minh bạch về tài chính, điều chỉnh tăng hợp lý đúng thời điểm. Không nên nhìn vào CPI giảm là cho tăng giá điện là điều sai lầm. CPI giảm do sức mua giảm sút, DN giảm sản xuất, sống cầm cự, bây giờ giá điện tăng, thử hỏi DN và người dân sẽ sống ra sao? Trong lúc nền kinh tế đình trệ, sản xuất khó khăn, chi phí đầu vào tăng lên, tồn kho lại đang tăng cao thì việc tăng giá điện trong lúc này như là một sự vô tình trước khó khăn của cả cộng đồng DN.

Theo VNE


Bình luận