Đoan Trang - Giỏi, thông minh mới được mời làm giám khảo

Là một ca sỹ là chấp nhận để người ta nghe, xem và nhận xét; là một thí sinh là chấp nhận để giám khảo “cân-đo” – Đoan Trang đã trải nghiệm và hiểu được điều ấy. Vậy khi vào vai giám khảo cô ấy sáng tỏ được những gì?

Là một ca sỹ là chấp nhận để người ta nghe, xem và nhận xét; là một thí sinh là chấp nhận để giám khảo “cân-đo” – Đoan Trang đã trải nghiệm và hiểu được điều ấy. Vậy khi vào vai giám khảo cô ấy sáng tỏ được những gì?

Khen dễ hơn Chê đấy…


Người đời vốn thường quen nên dễ nhìn ra “điểm đen” ở người khác, nhưng vào vai giám khảo Đoan Trang lại khẳng định là mình thấy Khen dễ hơn Chê. Bởi với cô, cái để khen “là những điều bộc lộ ra rất rõ, khiến người xem mãn nhãn, nên thấy được là điều đơn giản.” Còn chê là phải nhìn ra được điểm khuyết ở đâu trong bài thi vừa rồi của thí sinh, và Đoan Trang tin rằng “phải là người có nghề, cao cơ mới nhìn ra được điều đó”. Ngoài ra, cô nghĩ mục đích “chê” của người giám khảo là hoàn toàn khác với “chê” ở ngoài đời, tức là phải “chê” thế nào để thí sinh lắng nghe, tâm phục, khẩu phục, rút ra được những bài học và có được những tiến bộ trong những lần thi sau. Vậy nên, “người giám khảo cần phải có thái độ khách quan, xây dựng và lời nói, cử chỉ thân thiện, thuận tình, thuận lý. Chê phải có nghệ thuật, điều đó mới là khó.” Đoan Trang bộc bạch.

Khi làm giám khảo trong cuộc thi Vũ điệu xanh, vì thí sinh còn trẻ nên Đoan Trang phải tìm cách nói nhẹ nhàng, dễ hiểu để cho em thấy phần biểu diễn vừa rồi chưa thực sự được như mọi người mong muốn ở bản thân em, và để giúp thí sinh hiểu được rằng: “Bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng bạn có thể làm tốt hơn, nên lần sau cần tập trung và cố gắng hơn.” Cô bảo: “Khi chỉ ra các khuyết điểm thì Trang cố gắng nói bằng thái độ gần gũi nhất, thân thiện nhất để các em dễ lắng nghe, tiếp nhận và thay đổi một cách nhẹ nhàng.”
 



Tự nhiên, thể hiện theo cách của mình là bí quyết…

Khi ở vai trò thành viên ban giám khảo Đoan Trang rất tự tin, nói mạch lạc và dễ chịu. Bí quyết hay nhất mà cô học được và sử dụng là “giữ mình tự nhiên, diễn như không diễn, không diễn mà diễn.” Và trong quá trình làm nghề, cô quan sát và học hỏi từ mọi biểu hiện hay – dở của đồng nghiệp, của những người xung quanh. Cô bảo: “Một người nghệ sỹ mà cứ đều đều, thì sẽ tẻ nhạt nên có lúc cần phải “cương” nhưng đừng quá. Có nhiều người, mặc dù chuyên nghiệp nhưng dường như họ không kiểm soát được bản thân hay sao ấy nên đôi khi họ diễn lố.” Trang cũng thường đọc sách và xem các nghệ sỹ quốc tế và chợt ước không biết bao giờ mình được như họ - rất chuyên nghiệp nhưng lại rất tự nhiên, diễn mà như không diễn, dễ gần nhưng không dễ đụng. Cô bảo mình luôn cố gắng học hỏi từ họ nhưng thể hiện là cái của chính mình chứ không phải là chuyện sao chép đơn giản.

Trang kể, khi VTV6 mời làm giám khảo, cô đã nói với ban tổ chức rằng “Trang sẽ nói theo cách của Trang”. Với Bước nhảy hoàn vũ cũng vậy, lúc ban đầu Trang có chút băn khoăn, nhưng được anh Lại Văn Sâm “tiếp sức” bằng lời dặn: “Em cứ là chính em!” cộng với suy nghĩ “họ mời mình làm MC chứ không phải mời một ai khác, và sau những gì mình đã thể hiện thì họ đã biết mình thế nào rồi nên mới mời” nên Đoan Trang đã tự tin để thể hiện mình một cách “tự nhiên”. Nhưng cô cũng “bật mí” rằng: “Tất cả những điều đó chỉ là 50% thôi, còn lại Trang cũng phải bám theo kịch bản chương trình, chỉ đạo của đạo diễn. Trang kết hợp cả cái “tôi” và cái của “chúng ta” để có được sự hài hòa nhất cho chương trình mà vẫn không mất đi cái chất của mình.”

Thông minh, giỏi mới được mời làm giám khảo


Nhiều người sốc khi nghe giám khảo nhạc sỹ Trần Tiến bảo rằng “ngu nhất mới nhận làm giám khảo” nhưng Đoan Trang lại cho rằng đó là một cách nói đậm chất Trần Tiến, và theo cảm nhận của cô thì thông điệp của câu đó không phải là như vậy. Cô thấy “Trần Tiến là một nghệ sỹ rất “hoang dã”, rất đặc biệt, ông có đủ tuổi đời, tuổi nghề để có những nhận xét, bình luận rất mang tính Trần Tiến”, nên khi nghe nói vậy cô cười và cho rằng: “Đó là một cách mà ông muốn “chơi ngông” thôi, chứ chắc chắn sâu trong đó, chú Tiến cũng như mọi người đều hiểu rằng phải thông minh nhất, phải giỏi mới được mời làm ban giám khảo. Mặc dù Trần Tiến thẳng thắn nhưng trong Bước nhảy hoàn vũ, ông chưa thể hiện hết những gì là Trần Tiến đâu.”

Với nhạc sỹ này, Đoan Trang vốn mặc định có cái nhìn: Trần Tiến là phải sốc, phải thẳng, phải ngông cho nên những gì diễn ra cô không cảm thấy sốc. Cô bảo, tiếp xúc nhiều với Trần Tiến, cô “thấy con người chú Trần Tiến thật và lành”. Cho nên, nếu có khoảnh khắc hơi sốc thì cô nghĩ có lẽ “do chất ngông trong con người Trần Tiến bộc phát thôi, chứ không phải cố ý làm điều gì đó gây hấn, chơi trội đâu”.




Muốn chính xác còn phải cần kinh nghiệm


Từng làm, từng thi, từng chấm điểm, Đoan Trang thấy rằng để là giám khảo giỏi với nghĩa ra quyết định đúng, công tâm, công bằng thì “phải có kinh nghiệm, phải có một quá trình hoạt động trong lĩnh vực đó, kinh nghiệm về chuyên môn và về quá trình hoạt động nghệ thuật”. Cô ví dụ: “Là giám khảo trong cuộc thi hát tiếng Anh của sinh viên, Trang đã từng là người đi hát, từng học tiếng Anh, từng là một sinh viên, là một người trẻ nên Trang có thể nhận xét chính xác 100% về kết quả thể hiện của một thí sinh.”

Còn trong cuộc thi khiêu vũ, Trang mới làm quen với việc này chưa bao lâu, vậy sao họ lại mời Trang vào vai giám khảo? Trang bảo đó là vì “kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật hơn 10 năm của Trang, và Trang cũng từng là một thí sinh thi nhảy nên Trang được “chia”: quan sát và đánh giá về thần thái chung của thí sinh trong bài nhảy đó, còn phần chuyên môn sẽ do Trí Anh và Khánh Thi đảm nhiệm.”

Áp lực từ bên trong chứ không đến từ bên ngoài


Do yêu cầu đúng và công bằng mà khi làm giám khảo Đoan Trang cũng cảm thấy áp lực, nhất là khi thí sinh không thể hiện rõ điều khác biệt, ấn tượng sẽ khiến cô phải cân não khá căng để xem xét kỹ hơn các khía cạnh khác như ý tưởng, chuyên môn, trang phục, hình thức, cách biểu diễn,… Dĩ nhiên, “nếu ai giỏi thực sự thì điều nổi bật sẽ hiện lên rõ nét ngay và như thế là mình khỏe rồi.” Nhưng Đoan Trang không cảm thấy áp lực từ ban tổ chức bởi cô nghĩ: “Người ta đã mời mình tức là đã thấy mình hội tụ đủ những điều kiện mà họ cần.” Nên cô thấy mình đủ tự tin, bản lĩnh để không phụ lòng tin của họ.

Như vậy có phải là quá tự tin? Đoan Trang phân trần: “Tự tin là cần thiết phải có, nhưng cái khôn là ở chỗ mình phải biết giữ độ tự tin bao nhiêu để có thể kiểm soát được mọi việc. Ví dụ: nếu có người mời Trang làm ban giám khảo của một cuộc thi nào đó quá ghê gớm thì Trang phải coi lại. Nếu thấy nó quá tầm tay của mình thì phải cân nhắc xem mình có nên tham gia vào hay không.”
Theo Tinnhanh


Bình luận