Đồng Lan: "Đàn ông Việt bây giờ Tây lắm"

"Tôi là người Việt nên vẫn ưu ái trai Việt hơn vì dù ít dù nhiều cũng chung ngôn ngữ".

"Tôi là người Việt nên vẫn ưu ái trai Việt hơn vì dù ít dù nhiều cũng chung ngôn ngữ".

Cô dạy trẻ lương tháng 700 nghìn đồng

Trước khi theo ca hát, Đồng Lan từng làm cô giáo trông trẻ. Cô bảo, mình cực mê trẻ con. Các thiên thần nhỏ ấy chính là thứ bảo bối hiếm hoi còn sót lại giúp cô nhìn thấy những điều sáng trong đẹp đẽ. Bọn trẻ nhắc nhở và dạy cô vứt mọi toan tính đi.

Đồng Lan kể bằng giọng tâm đắc: "Chị thấy không, người lớn có thể giận nhau lâu, ghét nhau dài nhưng trẻ con chúng giận ba hồi rồi ba hồi lại quay ra tí tởn nói cười. Trẻ con chẳng giận ai lâu bao giờ và cũng chẳng có người lớn nào giận trẻ con được. Với tôi, trẻ con như là một thực thể đẹp nhất thế giới, đẹp cả trong lẫn ngoài, chưa bao giờ tôi thấy một đứa trẻ nào không đẹp cả". Tháng lương đầu tiên trong đời từ nghề trông trẻ được khoảng 700.000 đồng, cô mang về biếu mẹ và dành một ít để thưởng cho mình món quà nho nhỏ.

Yêu trẻ con nhưng lại mê mẩn những khoảng không tự do để có thể tư duy sáng tạo nên cô giữ trẻ mau chán công việc hiện tại. Rồi duyên tới, một chương trình dành cho thiếu nhi cần tuyển biên tập xuất thân từ nghề giáo, biết chơi với trẻ, giúp chúng thể hiện bản thân tự nhiên trước ống kính cũng như viết kịch bản, nghĩ ý tưởng. Cô nàng yêu trẻ quyết định chuyển sang làm biên tập. Lương từ công việc này có khá hơn chút đỉnh so với nghề "gõ đầu trẻ", nhưng cũng chỉ là mức lương của nhân viên văn phòng, đủ chi trả các khoản sinh hoạt phí hàng tháng, thỉnh thoảng dư dả để đi "phượt" đâu đó cho thỏa chí tự do tự tại của cô nàng.

Sau khi thử qua vài công việc khác với mức lương tốt hơn, Đồng Lan chợt nhận thấy cuộc sống quanh mình nhàm chán và bí bách. Tiền bạc lúc này trở thành thứ yếu trong suy nghĩ của cô gái thích rong ruổi này. Thời gian đó, cô thường tới ban nhạc Lãng Du hát để tích cóp, học hỏi được nhiều kỹ năng và cảm giác sân khấu. Cái tôi khát khao khám phá và bản năng nghệ sĩ trong cô trỗi dậy. Ngày 16/9/2010, cô khăn gói vào Sài Gòn. "Tôi không giỏi nhớ nhưng 16 là con số đặc biệt. Tôi đã đặt vé vào ngày đó và thầm mong nó sẽ mang lại may mắn và niềm vui cho mình", cô bồi hồi nhớ lại.

Đồng Lan: "Đàn ông Việt bây giờ Tây lắm" - 1

Đồng Lan là học trò cưng của Đàm Vĩnh Hưng khi tham gia cuộc thi The Voice.

Hành trang Nam tiến

- Một mình vào Sài Gòn lập nghiệp, gia đình không ngăn cản chị sao?


- Tôi là con út nên tất nhiên được cưng chiều nhất nhà. Gia đình lại có truyền thống tự lập cao nên ngay từ nhỏ, tôi đã học cách sống tự lập và khá bướng bỉnh, thích làm mọi thứ theo ý mình. Cuộc di cư vào Sài Gòn cũng là một minh chứng cho sự bướng bỉnh đó.

Bố mẹ không muốn con gái theo nghiệp hát vì lo sợ tôi đa đoan, chịu khổ, vả lại cũng khó lấy chồng vì thị phi, tai tiếng trong giới showbiz. Cả nhà chỉ muốn tôi làm cô giáo nối nghiệp mẹ thôi. Cả khi tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, gia đình vẫn động viên tôi đi hát như một nghề tay trái để cuộc sống thêm màu sắc. Mãi đến khi tôi tham gia cuộc thi The Voice, mọi việc "bại lộ" trên truyền hình thì mọi người mới chấp nhận và chính thức ủng hộ ước mơ, sở thích của tôi. Tôi nghĩ ai cũng chỉ sống một lần và quan trọng nhất là chẳng ai giúp được mình cả, tôi cần có trách nhiệm với chính những đam mê và quyết định của bản thân.

- Chị chuẩn bị gì cho cuộc di cư khi ấy?

- Đến bây giờ, bạn bè vẫn nói tôi "điếc nên không sợ súng". Khi ấy, mọi người đều nghĩ tôi đã chuẩn bị sẵn một số vốn liếng nhất định nên mới dám từ bỏ tất cả để vào Nam. Đến lúc tiễn tôi đi, ai nấy đều chưng hửng bởi tôi chẳng có gì ngoài chiếc va ly quần áo và trái tim khát khao khám phá. Trong Sài Gòn, lúc đó tôi chỉ có duy nhất một người bạn thân.

- Vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, chị không ngại khổ sao?

- Ban đầu, tôi ở ghép với một người bạn của cô bạn thân ở quận 1 nên không phải lo lắng chuyện nhà cửa. Tôi cũng là người dễ sống, chưa bao giờ nhu cầu vật chất cao hơn tinh thần nên khó khăn duy nhất buổi đầu là vượt qua nỗi nhớ quê và thích nghi những điều mới lạ, từ giọng nói, thức ăn, thói quen sinh hoạt. Khi ấy, tôi ngại nhất là giao tiếp vì ngôn ngữ miền Nam và miền Bắc rất khác nhau nên sợ mình hiểu sai ý mọi người, nói cái gì cũng phải hỏi lại vài lần cho chắc, đi ăn chẳng may gọi món nào quá ngọt chỉ biết... ngồi cười.

Tính tôi không thích nhàn hạ lâu nên vừa an cư được vài ngày, tôi đã nhờ bạn giới thiệu đi hát. May mắn, đi tới đâu người ta cũng nhận và thích thú vì nhạc Pháp vốn là "hàng lạ". Mệt nhất là chuyện đi lại, lúc đầu đi taxi tốn kém quá nên tôi chuyển qua xe ôm, không biết đường nên bị đưa lòng vòng muộn giờ, đành phải chạy guốc thấp guốc cao, hổn hển xin lỗi vì tới trễ. Bị nhiều lần đâm ra bực, tôi quyết định tậu chiếc Dio ZX bé xíu, vừa chạy vừa dừng coi bản đồ dưới đèn đường. Tôi thấy vui và bắt đầu gắn bó với vài góc phố, những cơn mưa bất chợt. Nhớ lại quãng thời gian đó rất thi vị, có khó khăn nhưng toại nguyện vì được tự do, được lao động hết mình.

- Chị đi hát phòng trà liệu có đủ sống?

- Tôi thấy mình thật sự may mắn. Từ công việc đến con người, tôi đều gặp toàn chuyện thuận lợi và có những đồng nghiệp dễ thương chỉ bảo nhiều điều. Sài Gòn cứ như chẳng từ chối kết nối cho bất cứ ai cần nó và hồn nhiên yêu nó. Mọi người biết nhau không mấy khó khăn và cứ thế người này giới thiệu cho người kia nên chỗ làm lúc đó thực sự không thiếu, chỉ cần lòng mình có sẵn sàng lao động hay không.

Vì muốn nuôi dưỡng sức sáng tạo nên tôi chạy show ít lại, chỉ hát ở những nơi mình thích và tại đó cũng có nhiều khán giả thích mình. Mặc dù chưa có tên tuổi nên cát-xê đi hát phòng trà không nhiều, nhưng được hát và sống bằng nghề hát là vui. Tôi hạnh phúc với những gì mình kiếm được và luôn nghĩ trời sẽ không phụ những người lao động đam mê và chăm chỉ. Đến giờ, tôi vẫn quan niệm, mọi khó khăn chỉ dành cho người suốt ngày ngồi than vãn thôi.

Từng thất bại tại "Vietnam Idol 2010"

- Trước khi tham gia "The Voice", chị có từng thử sức với cuộc thi nào chưa?

- Tôi từng có ý định từ bỏ các cuộc thi kể từ sau lần thất bại ở Vietnam Idol 2010. Tôi vẫn nhớ mãi vòng đầu tiên, nhạc sĩ Quốc Trung tặng câu nói rất thâm thúy: "Giọng hát của em lớn quá, vượt ra khỏi cuộc thi, em nên tìm một cuộc thi khác phù hợp với mình".

Tuy nhiên, chuyến đi vào Sài Gòn cùng top 100 Vietnam Idol năm đó đã giúp tôi nhận ra mình muốn thử sống ở thành phố này. Năm 2012, khi ổn định cuộc sống tại đây, tôi tò mò tham gia The Voice - Giọng hát Việt vì khá thích phiên bản Mỹ của chương trình và hy vọng đây là một cuộc thi chỉ dành cho giọng hát.

Đồng Lan: "Đàn ông Việt bây giờ Tây lắm" - 2

"Mai Khôi là người động viên tôi thi The Voice và chia sẻ cho tôi nhiều kinh nghiệm".

- Được biết chị và ca sĩ Mai Khôi là đôi bạn rất thân. Mai Khôi có giúp đỡ chị nhiều trong ca hát không?

- Khôi chính là người bạn thân duy nhất khi tôi quyết định vào Sài Gòn "rong chơi" dài hơi. Hai đứa quen nhau trong một sự kiện âm nhạc và mến nhau giọng hát. Tôi tin những người có duyên sẽ dễ cảm nhận và tìm ra nhau đâu đó, cũng như luôn có một tần số đặc biệt để gắn kết họ. Cô ấy cũng động viên tôi đi thi The Voice và chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm ca hát. Với tôi, Mai Khôi không chỉ là người bạn mà còn là người chị, người thầy trong nghệ thuật.

- Sau thành công từ cuộc thi, chị có nhiều lời mời show hơn không?

- Chẳng dám nói có nhiều show hơn không, nhưng chắc chắn sau The Voice tôi muốn đi hát nhiều hơn để cảm ơn, tri ân đến những khán giả đã yêu quý cô gái nhạc Pháp Đồng Lan. Tôi cũng muốn mang niềm vui và thành công của mình để tri ân cho gia đình vì đã tin tưởng tôi.

- Ngày trước gia đình đã không muốn chị theo nghiệp cầm ca vì sợ thị phi showbiz, còn giờ chị làm sao để thuyết phục lòng tin của bố mẹ?

- Không cám dỗ, thị phi, không phải là showbiz. Ngày nhỏ mẹ tôi luôn nhắc nhở khi ra khỏi nhà phải mang mũ, nhưng đôi khi mưa hay nắng to quá, mình cũng chẳng tránh được. Đã thế tôi lại vụng dại và hay quên nên  cứ đầu trần ra đường, nhỡ đâu có người thấy mình khờ khờ lại cho mượn ô che cũng nên. Vậy nên, tôi chẳng phải chuẩn bị tinh thần đối phó thị phi gì cả. Chẳng ai đối phó với mình nếu mình không có ý định đối phó với họ. Mình cứ khờ khạo thế này, biết đâu người ta thương (cười lớn).

Đàn ông Việt bây giờ Tây lắm!

- Nhiều người mặc định Đồng Lan là một cô nàng cá tính. Chị có nghĩ vậy?


- Bạn có thấy tôi cá tính không (cười)? Nếu được hỏi một câu như vậy, hẳn tôi cũng phải có ít nhiều cá tính. Thật ra, cá tính là những ấn tượng đọng lại trong cảm nhận riêng từng người nên không thể nói thay được. Mỗi người sẽ có cách cảm nhận cá tính của tôi khác nhau. Cứ để ngỏ cho phong phú vậy.

- Nhiều người bảo kiểu người như chị dễ thu hút trai Tây lắm. Chị có ý định lấy chồng Tây không?


- Có phải mẫu người trai Tây thích là gầy, tóc xù, da ngăm không? Tôi là người Việt nên vẫn ưu ái trai Việt hơn vì dù ít dù nhiều cũng chung ngôn ngữ nên dễ thấu hiểu nhau. Tôi nghĩ đàn ông Việt bây giờ cũng Tây lắm.

- Nghe kể chị từng yêu sâu đậm một người rồi chia tay?

- Là con gái, khi yêu ai cũng chân thành và hết mình. Tôi từng yêu và cũng từng đổ vỡ nhưng tình yêu sâu đậm nhất, chắc có lẽ là mối tình âm nhạc và tôi chưa nghĩ đến chuyện chia tay "chàng". Tôi vẫn hay đùa, nhiều lúc tự cho phép mình ngoại tình để tơ tưởng đến các "chàng" khác như nhảy múa, vẽ vời, du lịch, nhiếp ảnh... Trong đó, "chàng" âm nhạc vẫn quyến rũ và khó cưỡng nhất.

- Nhiều người bảo chị không đẹp nên khó lấy lòng khán giả, chị nghĩ sao?

- Nhiều người lại bảo tôi rất đẹp khi hát, không biết những người thấy tôi không đẹp có buồn vì điều đó không?

- Nhưng cứ bị chê xấu hẳn cũng tự ti lắm, chị có định "tút" lại nhan sắc như nhiều nghệ sĩ khác vẫn làm?

- Tôi thích làm đẹp bằng nhiều cách khác hơn bởi đôi khi son phấn cũng hay phản tác dụng. Tôi vẫn trung thành với câu nói của mình: "Xấu là vẻ đẹp tự nhiên".

- Khép lại "The Voice", chị có vẻ hơi lặng lẽ so với các thí sinh khác?


- Tôi và ê-kíp vừa hoàn thành album đầu tiên Cánh lan dại sẽ ra mắt trong tháng 4. Album bao gồm 8 ca khúc song ngữ Pháp - Việt do nhạc sĩ Quốc Bảo và ca sĩ - nhạc sĩ Mai Khôi sáng tác. Tiếp theo sẽ là vài dự án khác liên quan đến nhạc Pháp xưa và các sáng tác của tôi.

Cảm ơn Đồng Lan!

heo Mốt và Cuộc sống


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.