Hoa khôi chuyển giới Việt, chuyện Tết giờ mới kể

Dù chưa có vương miện hoa khôi đội lên đầu nhưng Thu Hương được cộng đồng chuyển giới phía Bắc tôn làm “hoa khôi” vì vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà.

Dù chưa có vương miện hoa khôi đội lên đầu nhưng Thu Hương được cộng đồng chuyển giới phía Bắc tôn làm “hoa khôi” vì vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà.

Ngày Tết, từng có một gia đình

Thu Hương sinh ra với cơ thể của một cậu con trai trong một gia đình khá giả có gồm 4 chị em ở khu tập thể nhà máy dệt 8/3, Hà Nội. Từ khi lên 6 tuổi, cậu bé Hưng đã thích đóng làm công chúa, thích cải lương sướt mướt. Anh đi hát, đi biểu diễn ở trường khá đình đám. Học hết cấp 3, Hưng làm kinh doanh nhà hàng karaoke.

Năm 1991, anh vào Sài Gòn học uốn tóc. Sau, anh gặp Lê Duy, một chuyên gia trang điểm và cũng là người chuyển giới và theo Lê Duy học nghề. Số phận gặp bạn hợp cảnh, Viết Hưng và Lê Duy cùng hợp tác mở cửa hàng áo cưới và trang điểm cô dâu.

Năm 2005, Hưng bắt đầu tiêm hormone để da dẻ được mềm mại, dáng vẻ được thanh thoát. Anh để tóc đuổi, ngực bắt đầu nhô lên như gái mới lớn. Năm 2006, Hưng quyết tâm sang Thái Lan chuyển giới. Sau khi ở bên Thái 18 ngày, Hưng được xuất viện. Khi đi, Hưng mang hình hài con trai. Khi về, Hưng đã có hình dáng của một cô gái xinh đẹp, cao 1,71 m, nặng 57 kg. Từ thời điểm đó, Hưng chính thức có một cái tên con gái là Phan Thu Hương.

Sau một thời gian dài, gặp lại chị, người đẹp chuyển giới Thu Hương vẫn sắc sảo và đẹp. Nhưng ở người đàn bà ấy, vẫn có nỗi u uất của một người bị mất gì đó.

Người đẹp chuyển giới Thu Hương.

Trong câu chuyện của chị, hình dáng những người đàn ông bạc tình vẫn phảng phất. Chị cố quên, nhưng người ấy vẫn hiện hữu, dù chị bảo: “Giờ chị không còn nhớ khuôn mặt của người đó nữa”. Ngày Tết đến, những kỷ niệm đẹp một thời yêu được lại trở về.

Chị vốn giàu có vì gia đình có điều kiện, chị lại kinh doanh tiệm áo cưới trang điểm Lê Duy nên cũng khá. Nhiều người đàn ông đến với chị vì tiền, vì lợi dụng chị. Nhưng có một người khiến trái tim mỏng manh dễ bị tổn thương ấy thổn thức.

Tiếc thay, người đàn ông ấy mắc vòng lao lý. Chị đã vào trại thăm, đã chăm sóc, tắm giặt cho anh đã cung phụng anh, đã hy sinh vì anh.

Những ngày vắng anh, chị thay anh về quê thăm bố mẹ anh. Ngày Tết, chị rộn ràng về quê anh, cùng dọn dẹp nhà cửa. Lúc đó, dù chưa cưới nhưng anh gọi chị là vợ, bố mẹ anh coi chị như con dâu. Chị thấy cuộc sống thật tươi đẹp, đầy hy vọng.

Đó là cái Tết đúng nghĩa gia đình với chị. Năm đó, chị cùng gia đình anh đi chúc Tết họ hàng, cùng nhau quây quần.

Kể đến đây, niềm vui trong mắt người đàn bà đẹp chuyển giới sáng bừng nhưng rồi lại ánh nên giọt nước mắt. “Nhưng sau khi ra tù chỉ 6 tháng anh ta đã quay gót đi với một người đàn bà khác mà không một lời từ biệt.

Thế là, khát khao đến cháy bỏng rằng sẽ tìm được một người đàn ông đi bên cạnh mình tan thành mây khói. Từ đây, chị ghét đàn ông. Giờ, chị không nghĩ đến bất cứ người đàn ông nào khác”.

Giờ, chị sợ Tết và lờ đi cái Tết, chị về thăm bố mẹ chớp nhoáng rồi lại đi. Chị sợ nhìn cảnh gia đình hạnh phúc. Nhất là cảnh gia đình quây quần mỗi khi Tết về. Bố mẹ chị nay đã già lắm rồi, nhưng 2 cụ vẫn quấn quít bên nhau. Chị hâm mộ điều ấy, nhưng nhìn thấy chị chỉ buồn thêm.

Trái tim yêu thương

Chị từng mơ ước có một cái Tết như bao nhiêu gia đình khác.

Trong ngày xuân này, kế hoạch của Thu Hương là sẽ rong ruổi từ Hà Nội xuống Quảng Ninh. Chị đi một mình nhưng đến đâu, chị cũng có bạn cùng giới. Họ hiểu nhau và chia sẻ được những điều mà họ mới hiểu.

Chị muốn tránh xa cái Tết ở Hà Nội ồn ào, tránh xa bức tường quen thuộc. Có thể chị sẽ đến một bãi biển nào đó để lòng được vui. Nhân chuyến đi này, chị muốn tìm thêm địa điểm đẹp để cho các cô dâu của chị chụp ảnh cho ngày cưới.

Một năm đã qua, nói về chuyện tình cảm riêng, người đẹp chuyển giới Thu Hương chỉ buồn bã. Nhưng nói đến công việc, chị lại hào hứng. Chị vui vì có Lê Duy, một chuyên gia trang điểm hàng đầu cùng chung tay với chị. Chị vui vì đã làm cho bao đôi bạn trẻ hạnh phúc với những tấm ảnh cưới, với những bộ váy cô dâu tuyệt đẹp trong ngày trọng đại. Những khách hàng đến với chị chủ yếu do truyền tai nhau. Họ được chị tư vấn nhiệt tình nên họ thích.

Trong buổi gặp ấy, nghe tôi kể chuyện về cậu bé Cao Xuân Hùng bị bệnh tim đang nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức, gia đình đã kiệt quệ kinh tế, rất cần giúp đỡ.

Chị Hương nghe xót xa nói: “Hùng không may mắn nên mắc bệnh. Cũng như chị, chính chị cũng là một người tật nguyền vô phương cứu chữa. Chị chỉ mong được sống 1 ngày là người đàn ông hoặc một người đàn bà trọn vẹn mà có được đâu”.

Theo VTC



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.