Mỹ Linh: Con người nổi tiếng cũng là người

Dạy con ân cần, nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực là những điều nhiều người ấn tượng về chị, một diva nổi tiếng nhưng vô cùng giản dị.

Dạy con ân cần, nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực là những điều nhiều người ấn tượng về chị, một diva nổi tiếng nhưng vô cùng giản dị.

Chậm không có nghĩa là kém

- Theo chị, dạy con trẻ khó nhất điều gì?

- Tôi rất thích câu nói của một người bạn người nước ngoài: "Be careful what you say to child" - Hãy cẩn thận về những điều bạn nói với trẻ. Dạy con, cha mẹ cần ân cần, trả lời đến cùng mọi câu hỏi, thắc mắc của trẻ. Đồng thời, bạn cũng cần kiên nhẫn lắng nghe con hỏi và trả lời. Nếu con hiểu sai một vấn đề, chúng ta cần nắn lại cho đúng hướng. Tôi luôn dạy các con mình phải tự tin. Các con tôi không giấu dốt, không cảm thấy ngượng ngùng khi phải hỏi một ai đó.




- Việc dạy con ở gia đình chị thường do ai đảm trách?

- Nhà có bố, có mẹ thì đương nhiên cả hai vợ chồng cùng phải chung tay lo việc dạy dỗ con cái. Ưu tiên chính của Mỹ Linh bây giờ là sự phát triển của các con. Anna đã 17 tuổi, cô bé lớn trước tuổi và khá chín chắn, đã biết phân biệt đúng - sai và không còn chịu nhiều tác động của người khác, nên không phải kèm cặp nhiều nữa. Có chăng, cha mẹ giúp con phát triển sự nghiệp sau này. Nhưng Anh Duy (13 tuổi) và Mỹ Anh (10 tuổi) còn rất nhỏ nên không thể không kèm cặp các cháu được. Ở lứa tuổi này, chúng rất dễ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu từ người khác. Đây là giai đoạn bản lề quan trọng và tôi không dám lơ là.

Sáng, tôi lần lượt đưa các con đi học, chiều lại đến trường văn hóa đón con về hoặc chở con đi học nhạc viện. Anh Quân thường hướng dẫn các con học môn nhạc, dạy con các quan điểm sống, trong cuộc sống cái nào là chính, cái nào là phụ. Còn Mỹ Linh giải đáp khúc mắc của các con về các môn học như toán, văn... Kiến thức thì các con đã được học ở trường rồi, ở nhà, chủ yếu vợ chồng tôi dạy các con cách tư duy làm thế nào để học tốt, làm thế nào để tìm hiểu thế giới và dạy con cách nhìn cuộc sống.

- Vợ chồng chị có bao giờ phải dùng đến roi vọt để dạy con?

- Quan điểm "thương cho roi cho vọt" chỉ đúng với thời phong kiến ngày xưa. Tôi nghĩ, thời hiện đại bây giờ không còn thích hợp để áp dụng quan điểm đó nữa rồi. Tôi ít khi phải dạy con bằng roi vọt mà quan niệm rủ rỉ rù rì, mưa dầm thấm lâu. Cha mẹ nên làm cho con cái tin tưởng mình, đừng làm cho con cái phải thất vọng. Muốn làm được điều đó thì lời nói phải đi đôi với việc làm.




Chưa biết, học rồi sẽ biết

- Vợ chồng chị là những người nổi tiếng, anh chị có kỳ vọng gì ở con không?

- Nói thực, tôi không đặt áp lực nào cho con mình, không kỳ vọng điều gì to tát. Khi con đi học ở nhà trường, tức học làm người, học kiến thức. Ngoài ra, con còn phải học cách tư duy, cách sống trong cộng đồng. Nhà trường chính là một xã hội thu nhỏ. Tôi không quan trọng con đi học phải đạt thành tích cao. Có lúc bé Mỹ Anh đi học về tâm sự với mẹ rằng bé không kịp hiểu cô giáo. Bé có vẻ rất buồn nhưng tôi thấy vấn đề này không có gì quá nghiêm trọng. Không biết chúng ta mới phải đi học. Chưa biết, học rồi sẽ biết, chẳng có gì phải xấu hổ. Chậm không có nghĩa là kém. Quan trọng là cuối cùng bạn vẫn về tới đích. Nếu con chưa kịp hiểu, con có thể đề nghị cô giáo cho con dừng lại giây lát để suy nghĩ. Điều quan trọng là con có thể trả lời đúng chứ không nhất thiết phải trả lời thật nhanh. Trả lời nhanh mà sai thì hỏng. Trước tiên, cần đúng đã rồi mới tới nhanh.




- Vì sao chị lại chọn toàn trường quốc tế cho con theo học?

- Đùng nghĩ rằng Mỹ Linh sính ngoại, ban đầu tôi đều cho con đi học trường công, nhưng vì một vài rắc rối mới phải chuyển các con vào học ở trường quốc tế. Tôi nhận thấy, ở trường học Việt Nam có một số môn học không thực sự cần thiết, trong khi đó, các kỹ năng sống quan trọng thì lại không được đưa vào chương trình giảng dạy.

Khi Anna đi học ở trường công lập, cháu từng bị cô giáo nói mỉa: "Đừng có tưởng bố mẹ nổi tiếng mà muốn làm gì thì làm nhé". Câu nói thiếu tế nhị đó của giáo viên đã khiến Anna rất sợ hãi. Con người nổi tiếng thì cũng là người, cũng có sai sót. Tôi nghĩ, các cô giáo không nên mang sự nổi tiếng của cha mẹ để gây áp lực cho trẻ. Thật buồn là có không ít giáo viên hiện nay chỉ dạy học mà không dạy trẻ làm người. Tôi cho con học trường quốc tế vì ở đó, không ai biết bố mẹ các cháu là Anh Quân và Mỹ Linh. Đó là cách tôi bảo vệ các con mình. Hơn nữa, học ở các trường quốc tế không có tiêu cực, áp lực học hành không quá căng thẳng. Thời gian học ở trường quốc tế không mất cả ngày nên tôi có thể đồng thời cho Anh Duy và Mỹ Anh học thêm ở Học viện Âm nhạc Việt Nam.




- Người ta nói phải là con em người nước ngoài mới được học trường Liên Hợp Quốc, làm thế nào mà Anna và Anh Duy lại được theo học vậy?

Anna quốc tịch Đức, cháu có thẻ xanh nên đương nhiên được quyền học ở trường Quốc tế Liên Hợp Quốc. Nếu có anh/ chị/ em đang theo học thì anh/ chị/ em còn lại cũng sẽ được học cùng. Anh Duy ham hiểu biết, cháu chỉ học tiếng Anh ở trường, không học thêm ở nhà hay các trung tâm ngoại ngữ mà vẫn thi đỗ được vào trường Quốc tế Liên Hợp Quốc. Còn Mỹ Anh hiện đang học tại một trường của Pháp.

Theo Gia đình trẻ




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.