NSƯT Thoại Mỹ: 'Khi anh Kim Tử Long gẫy đổ những cuộc tình, anh có nói với tôi nối lại với nhau đi'

Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, đến nay NSƯT Thoại Mỹ đã tìm được sự bình yên trong tâm hồn và trải lòng về những câu chuyện quá khứ.

Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, đến nay NSƯT Thoại Mỹ đã tìm được sự bình yên trong tâm hồn và trải lòng về những câu chuyện quá khứ.

"Có kiếp sau tôi vẫn mong được làm người nghệ sĩ cải lương"

Chào  NSƯT Thoại Mỹ, một thời gian dài cải lương trong giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên những năm nay, khán giả trẻ bắt đầu chú ý và yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Chị có cảm giác cải lương đã "hồi sinh" hay chưa?

Nhờ những sân chơi như các chương trình truyền hình, cải lương đang có dấu hiệu hồi sinh. Tuy nhiên, để cải lương trở về thời hoàng kim, tôi nghĩ cần phải có thời gian. Chúng ta cần có sự hỗ trợ mạnh về vật chất, có một sân khấu chuyên nghiệp hơn. Mọi người vẫn nghĩ là cải lương mai một, nhưng trên truyền hình có chương trình Chuông vàng vọng cổ hay Đường đến danh ca vọng cổ, khán giả vẫn ủng hộ cải lương. Không chỉ khán giả lớn tuổi mà còn có cả những khán giả trẻ cũng ủng hộ rất nồng nhiệt. Thậm chí, các bạn còn cho ý tưởng, hướng đi để chúng tôi bắt kịp thị hiếu cả giới trẻ hiện nay.

Nhờ một phần gameshow để nhắc nhở cải lương còn có thể làm được. Cải lương còn sống chứ không chết. Các bạn trẻ đã đến với cuộc thi, xem các chương trình về cải lương và cảm nhận được cải lương không bị mai một, không bị cũ xưa, không bị mất gốc. Họ có thể thay đổi một chút xíu để theo kịp nhịp sống bây giờ.

Theo chị, hiện tại bộ môn nghệ thuật cải lương đang cần thay đổi điều gì để thích nghi với thị hiếu khán giả và hoà nhập được với thị trường giải trí?

Từ những bài tân cổ hay những bài ca nhạc trẻ bây giờ, cuộc sống của các bạn như thế nào, các bạn cứ viết ra thành một bài nhạc. Từ những bài nhạc trẻ hiện đại, cải lương cũng có thể mang vào, gộp chung tạo thành một bài ca cổ giao duyên hiện đại. Những vở cải lương hồi xưa khắc hoạ thời phong kiến quá nhiều do tính chất thời đại. Chẳng hạn, tuồng cải lương Tô Ánh Nguyệt được xem là kinh điển nhưng con gái bây giờ có ai chịu khổ như thế, có ai cảm được nỗi khổ đó.

Những vở cải lương và các tiết mục sau này mang cuộc sống vào nhiều hơn để khán giả xem cải lương thấy được một phần cuộc sống của mình trong đó. Những vở cải lương bây giờ phải chạy theo, lấy những tình huống thực tế để mang vào và gây dựng nên một vở cải lương. Và mình dựng theo một hướng tích cực, người xem cảm thấy một lối ra. Ví dụ khi tôi ở trong câu chuyện đó, tôi bế tắc vì không biết giải quyết hướng nào, tôi sẽ đem câu chuyện vào vở diễn để mổ xẻ, tháo ghép mỗi người một ý. Từ đó, giúp người xem hiểu được việc gì cũng có nút thắt và nút tháo của nó, mình thắt được thì mình tháo được.

chuyện làng sao,sao Việt,NSƯT Thoại Mỹ,NSƯT Kim Tử Long

chuyện làng sao,sao Việt,NSƯT Thoại Mỹ,NSƯT Kim Tử Long

Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, đến nay NSƯT Thoại Mỹ đã tìm được sự bình yên
trong tâm hồn và trải lòng về những câu chuyện quá khứ.

Được hoạt động ở giai đoạn cải lương trong thời kỳ hoàng kim, chị có cảm thấy mình may mắn không? Nhìn lại thế hệ đàn em vẫn yêu nghề và theo đuổi nghề nhưng không may hoạt động trong thời kỳ cải lương đang trong giai đoạn khó khăn, chị có trăn trở gì không?

Có chứ. Chúng tôi may mắn hơn các bạn trẻ. Vì chúng tôi còn có cả một khoảng thời gian dài được hát, một khoảng thời gian dài ra mắt các vở cải lương qua video để các khán giả không chỉ trong nước mà còn ngoài nước biết đến mình.

Các em bây giờ lại hạn chế hình ảnh trên sóng truyền hình. Đã là sóng truyền hình thì phút, giây đều bị hạn chế. Các vở kinh điển nổi tiếng mang đi dựng lại nhưng vì thời lượng không cho phép nên phải cắt đi khá nhiều tình tiết khiến các em không có cơ hội thể hiện tốt khả năng ca diễn của mình. Những khán giả đã từng xem các vở diễn trọn vẹn trước đây khi xem các tuồng các em diễn lại sẽ có sự so sánh và cho rằng các em diễn không hay. Đó thật sự là một bất lợi cho các em.

Thêm vào đó, bây giờ sân khấu không còn thường xuyên hoạt động, không còn thường xuyên sáng đèn như trước nên sẽ không có cơ hội cho các em trau dồi cả ca lẫn diễn. Đứng ca hoài thì dù có ca hay đến đâu cũng sẽ bị chán. Vì ngoài nghe, khán giả còn muốn xem, không lẽ bắt họ nhắm mắt lại chỉ để nghe nghệ sĩ hát thôi à. Tôi cảm thấy rất tội cho các em.

Ngày xưa bén duyên với cải lương, có bao giờ chị nghĩ bản thân sẽ gắn bó sống chết với bộ môn nghệ thuật này không?

Có chứ. Đổ máu, đổ mồ hôi và nước mắt quá nhiều rồi. Bù lại, cái nghề này đã cho mình được nhiều thứ lắm. Nó cho mình được cái tên mà khán giả yêu mến, cho mình được một cuộc sống tốt, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn nghèo khổ.

Tôi may mắn là từ lúc vào nghề đến giờ chưa bị ai ức hiếp. Đến khi về nhà hát Trần Hữu Trang cùng chị Thanh Hằng, hai chị em phải chịu áp lực đầu tiên là từ khán giả vì họ đã quen với cặp đôi nghệ sĩ Vũ Linh và Thanh Thanh Tâm. Từ từ, chúng tôi cũng vượt qua. Tôi quan niệm làm nghề là mình nên biết vị trí của mình ở đâu là tốt, của mình là của mình, tới đó là đỉnh điểm thì chỉ tới đó, có cố vượt hơn hay tranh giành đều vô ích. Có kiếp sau tôi vẫn mong được làm người nghệ sĩ cải lương.

chuyện làng sao,sao Việt,NSƯT Thoại Mỹ,NSƯT Kim Tử Long

Chị là một nghệ sĩ có tiếng, dù cải lương không còn thời hoàng kim chị vẫn có cuộc sống ổn định. Còn các nghệ sĩ khác lại vô cùng vất vả mưu sinh, thậm chí bán vé số để duy trì nghề hát. Nhìn những người đồng nghiệp từng đứng chung sân khấu với mình chịu cực như thế, cảm giác của chị ra sao?

Lâu lâu gặp lại những bạn không hát nữa vì bận rộn tất bật chuyện mưu sinh, tôi đau lòng lắm. Có những anh chị chung khoá với tôi, khi mới ra trường họ toàn hát đào chánh kép chánh. Giờ nhìn lại đã bỏ nghề cả rồi, không còn ai. Ngày xưa, tôi và anh Kim Tử Long chỉ toàn hát đào nhì, kép nhì. Không ngờ, những anh chị nổi trội thuở nào đã không còn trụ được với nghề nữa. Các anh chị kém may mắn hơn khiến cái nghề cũng mai một đi. Khi cải lương không còn hát ở rạp nữa thì mỗi người một nơi. Nghĩ lại, tôi thấy mình vẫn còn may mắn, mình vẫn có nơi để mưu sinh, vẫn còn những bệ phóng là các cuộc thi để giữ được lửa nghề.

Ở thời hoàng kim, nghệ sĩ cải lương được xem là số một hẳn phải kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, đến nay nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đình đám một thời, lúc mất lại vô cùng nghèo túng, không có đến một cỗ quan tài đàng hoàng. Nhiều khán giả vô cùng đau xót và thắc mắc không biết vì sao lại ra nông nỗi?

Vì ngày xưa, các cô chú sống nay đây mai đó, sống tạm qua ngày, đi sông nước triền miên xa xôi để mưu sinh. Vì lẽ đó, sự gây dựng, tích góp khó khăn hơn rất nhiều. Những cô chú được hãng đĩa mời thu âm, làm video hay gia đình có cơ ngơi làm ăn đếm trên đầu ngón tay. Điển hình như cô Diệu Hiền là một cô đào rất nổi tiếng nhưng cô cũng phải hát ngày này qua ngày kia ở rất nhiều nơi, không có cơ hội để tích góp. Giả sử có tích góp được cũng chỉ trong thời hoàng kim đó, rồi những năm sau lại không sống được với nghề, vẫn yêu nghề bám nghề lại không có công việc khác để lấy ngắn nuôi dài thì ăn mãi núi cũng mòn. Hoặc qua thời gian đó, sức khoẻ của con người không thể khoẻ mạnh mãi, khi bệnh hoạn cũng phải lấy của để dành ra mà trang trải thuốc men, lo chi phí cuộc sống. Các cô chú ngày xưa không được như chúng tôi bây giờ, ở trong đoàn thì đoàn lo, có nhà cửa thành phố hẳn hoi. Các cô chú cứ mãi theo gánh hát trên sống nước, từ miền Tây qua miền Trung quanh năm suốt tháng.

"Khi anh Kim Tử Long gẫy đổ những cuộc tình, anh có nói với tôi nối lại với nhau đi"

Trước đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như chị được khán giả yêu mến đến mức tặng nhà, tặng tiền, tặng xe... bản thân chị có gặp trường hợp nào như thế không?

Tôi cũng có gặp đôi lần. Hồi xưa, nếu khán giả thích là đem hết cả gia đình của mình đi theo gánh hát luôn. Bây giờ không còn nữa, khán giả chỉ ủng hộ người nghệ sĩ ở mức nào đó. Và người nghệ sĩ cũng phải cân nhắc, đâu thể cái nào cũng nhận được. Tôi được nhiều lần được giúp rất thực tâm. Họ không cho tôi nguyên căn nhà mà giúp đỡ cho tôi công việc hoặc tạo điều kiện cho tôi mua được ăn nhà.

Chị thấy sự yêu thương và giúp đỡ của khán giả vô điều kiện là tốt hay xấu vì có nhiều trường hợp nghệ sĩ ỷ lại sự yêu thương ủng hộ từ khán giả mà dẫn đến ăn chơi sa đoạ?

Chỉ có vài trường hợp hiếm hoi làm mất niềm tin của khán giả thôi. Riêng tôi, tôi lại rất trân quý tình cảm đó của khán giả. Khi mình đã đầy đủ thì không nên nhận, còn đã lâm vào cảnh khó khăn cùng cực thì nhận sẽ cảm thấy quý giá vô cùng. Tôi gặp nhiều sóng gió trong đời. Những lần sóng gió ấy cũng nhờ sự yêu thương giúp đỡ của các anh chị em đồng nghiệp và khán giả mới vượt qua được.

chuyện làng sao,sao Việt,NSƯT Thoại Mỹ,NSƯT Kim Tử Long

Đóng cặp với nhiều nam nghệ sĩ nổi tiếng, chị đã bao giờ nảy sinh tình cảm với ai chưa?

Cái này thì chưa. Anh Kim Tử Long là mối tình đầu tiên, lúc còn học trong trường mới mười mấy tuổi thôi. Hai đứa quen nhau đến lúc ra trường cũng một thời gian. Tôi và anh ấy bắt đầu có tên tuổi chút chút thì lại nảy sinh những điều không vui. Tôi không có ghen bây bạ, vì tôi biết đó là khán giả của mình mà. Tuy nhiên, anh Long hay đi diễn xa rất nhiều, khiến tôi nghĩ ngợi và cảm thấy không được an toàn.

Có bao giờ chị nghĩ lại và tiếc mối tình với anh Kim Tử Long không?

Không. Khoảng thời gian đó tôi và anh Long cũng còn nhỏ quá. Chúng tôi chưa chín chắn nhận định đó là tình yêu. Chúng tôi là đôi bạn đẹp, cả hai chưa đi xa trong tình yêu. Tôi vẫn cảm thấy đây là một kỷ niệm đẹp.

Sau này, khi anh Kim Tử Long gẫy đổ những cuộc tình, anh có nói với tôi, cả hai nối lại lại đi. Nhưng khó lắm. Tôi biết nhiều quá, thấy nhiều quá, hiểu nhiều quá nên khó nối kết lại.

Cũng ngộ lắm, lúc anh Long lấy người vợ đầu tiên thì chị ấy lại rất thương tôi. Thời trẻ, tôi vẫn còn khổ lắm, nhiều khi đi hát không có xe, vậy là anh Long đến chở cả ba cùng đi. Nhiều khi tôi đi hát không có quần áo đẹp, vợ anh Long đã mua cho tôi. Nhớ lại vẫn thấy thật dễ thương.

"Tôi khát khao có một đứa con và có tìm cách để có con"

Như chị chia sẻ, chị mất tất cả: mất chồng, mất gia đình, mất tiền bạc.. .chỉ sau một đêm thức dậy. Vì sao lại ra nông nỗi?

Trong cuộc sống có quá nhiều khúc mắc, tôi không thể tháo gỡ nổi. Càng tháo không nổi, nút thắt càng chặt. Sau nhiều ngày tôi làm mọi cách đề giành giật lại hạnh phúc cho mình, tôi quyết định không thể uỷ mị bất lực đến chết. Tôi chỉ ngồi nói chuyện một buổi là đứng lên ra đi. Đến tôi còn ngỡ ngàng. Tôi tức bản thân vì không nói ra được, cứ làm khổ bản thân, nhan sắc xuống dốc, sức khoẻ kiệt quệ.

Thực sự tôi chưa từng nghĩ rằng tôi sẽ ly hôn. Khi vợ chồng lục đục, tôi có trình bày với ba mẹ chồng rằng, tôi muốn về nhà ba mẹ ruột ở một thời gian để chồng tôi cảm nhận được sự thiếu vắng vợ mà thay đổi và tự thức tỉnh bản thân. Tôi không ngờ khi tôi đi thì chồng tôi lại chấp nhận cho đi và không cho tôi trở về nhà.

Lúc đó, tôi cũng gạt tự ái, đến việc quay về nhà lấy quần áo cũng không về. Thậm chí, những hình ảnh, huy chương của tôi đạt được thay vì đem trả cho tôi, anh ấy lại đem bỏ, rồi người ta nhặt lại mang về cho tôi. Rốt cuộc, tôi ra đi với hai bàn tay trắng.

chuyện làng sao,sao Việt,NSƯT Thoại Mỹ,NSƯT Kim Tử Long

Mâu thuẫn vợ chồng tôi đã kéo dài cả năm. Trong thời gian ly thân, tôi nghe nhiều người nói đã bắt gặp anh ấy đi với người khác. Nhưng tôi chưa bao giờ nói ra điều này kể cả trên phiên toà. Tên tuổi của tôi ai cũng biết, làm cái gì vì ghen tuông cũng mất mặt. Ăn thua người chồng của mình thôi. Hơn nữa, tôi còn nói là còn thương, đã không nói đã trống rỗng là đã hết.

Anh ấy chưa bao giờ nhận lỗi của mình. Anh ấy rất bảo thủ. Thậm chí, anh ấy còn hăm doạ tôi là sẽ đăng báo huỷ danh dự của tôi. Tôi nói rằng, tôi không ngoại tình nên không sợ. Anh ấy hiểu điều tôi lo ngại là mang tai tiếng cho gia đình khiến người thân tổn thương. Ngày cả hai ra toà, anh ấy vẫn ngoan cố đòi lấy cái này lấy cái kia, trong khi những thứ đó là do tôi làm ra. Tôi vẫn nói với anh ấy muốn lấy gì cứ viết ra giấy và tôi cũng nói với thẩm phán là chồng tôi muốn lấy cái gì cứ giải quyết, miễn sao nhanh chóng kết thúc là được, vì tôi còn sống tôi còn làm lại được hết. Thứ tôi muốn giành duy nhất là con tim của chồng mình nhưng tôi không có được thì thôi.

Gặp lại người xưa, có bao giờ anh ấy nhận lỗi với chị không?

Anh ấy nói anh ấy hối hận lắm nhưng giờ đã muộn rồi.

Chị có từng hận chồng mình không?

Tôi chỉ buồn vì phí thời gian của mình. Tôi lo sợ không biết có còn thời gian gây dựng nữa không. Tôi giận anh ấy quá dở nhưng không hận. Chắc do nợ duyên của chúng tôi đã hết.

chuyện làng sao,sao Việt,NSƯT Thoại Mỹ,NSƯT Kim Tử Long

Mất bao lâu, chị mới làm lành được những tổn thương nơi con tim?

Cũng phải hơn một năm. Tôi đã mất hết tất cả rồi. Tôi là trụ cột kinh tế của gia đình nên phải tất bật kiếm tiền. Đêm về thì nằm khóc, ngày thì đi làm liên tục. Tôi đâu có muốn đổ vỡ đâu. Không ai bên cạnh vực dậy tinh thần cho tôi. Bởi tôi sống rất cô độc.

Sự cứng đầu và quyết đoát của một người phụ nữ mạnh mẽ đã vô tình làm khổ chị?

Có chứ. Đôi lúc tôi cảm thấy bản thân cứng nhắc và vội vàng quá. Nhưng nếu tôi không cứng nhắc thì càng khổ theo kiểu khác.

Đám cưới của chị ngày trước từng là mơ ước của nhiều người. Vậy khi hạnh phúc tan vỡ, chị có thấy chạnh lòng khi chứng kiến hạnh phúc của những đồng nghiệp khác?

Chạnh lòng và buồn lắm. Tôi nhìn các anh chị bạn bè có con, tôi cũng thèm lắm. Tôi khát khao có một đứa con và có tìm cách để có con nhưng mình đã lớn tuổi rồi nên cũng khó lắm.

Cảm ơn NSƯT Thoại Mỹ về những chia sẻ này!

Theo GĐVN


Kim Tử Long

Thoại Mỹ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.