Trúc Diễm: Không đánh mất quyền sở hữu đời mình

Trúc Diễm tự lập. Cái tự lập được hiểu theo nghĩa đầy đặn nhất khi nó được đặt bên cạnh một từ khác mang tính chất bổ trợ: Tự trọng. Những năm gần đây, nếm đủ mùi cay đắng của hai chữ “chia sẻ”, Trúc Diễm gần như im lặng trước những điều xảy đến trong cuộc sống của mình.

Trúc Diễm tự lập. Cái tự lập được hiểu theo nghĩa đầy đặn nhất khi nó được đặt bên cạnh một từ khác mang tính chất bổ trợ: Tự trọng. Những năm gần đây, nếm đủ mùi cay đắng của hai chữ “chia sẻ”, Trúc Diễm gần như im lặng trước những điều xảy đến trong cuộc sống của mình. Sau tất cả những vui buồn, tổn thương và bế tắc, cô đang viết lại một câu chuyện khác của cuộc đời mình. Và đó có phải là một câu chuyện với kết thúc có hậu?

Cuộc chơi âm nhạc làm tôi tổn thương

- Chị vỡ mộng “chân dài đi hát” rồi phải không?

- Đừng hỏi ác thế chứ! Tôi chỉ nói là tôi tạm ngưng với âm nhạc, nhưng đừng mỉa mai tôi vì thực lòng tôi thấy tôi đã có được những trải nghiệm thú vị và những bài học cay đắng. Gọi “vỡ mộng” cứ như người ta mất tất cả. Nhưng tôi thấy mình được nhiều mà.

- “Được bài học” là cách mà người ta thắng lợi tinh thần, chị ạ!

- Mọi người có cách nghĩ của mọi người và tôi tôn trọng cách nghĩ đó. Khi đã thích làm điều gì đó, tôi sẽ làm. Nhất là khi tôi còn tuổi trẻ và còn đủ thời gian, nếu không thành công với điều này thì tôi còn kịp làm điều khác. Tôi không thể chờ mình đến ngoài 30 mới thử sức với âm nhạc, chắc chắn thế.

Tôi đã dồn nhiều tâm sức của mình vào âm nhạc và có những khó khăn đúng là tôi không lường trước được.

- Nhưng trước chị, những đàn chị đình đám hơn, có những bệ đỡ chắc chắn hơn, rốt cuộc cũng phải đầu hàng giấc mơ ca hát đấy thôi? Ai cũng nghĩ thị trường là đơn giản, đẹp và nhảy nhót là đủ, mà giọng hát thì sao nhãng…

- Khi tham gia âm nhạc, tôi cũng là một người có tên tuổi trong lĩnh vực thời trang rồi. Nếu tôi sao nhãng, thì điều chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi của tôi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là làm một điều gì đó để thỏa một đam mê và tin vào đam mê. Nhưng thực sự mà nói đam mê chỉ là một yếu tố, cộng sự là một yếu tố cần thiết nữa.



Bản thân tôi không thể biết được hết đường đi nước bước, trong khi đó, chọn một người định hướng cho mình thì lại chọn sai. Tôi chấp nhận là giọng hát của tôi không hay để tham vọng thành sao này sao nọ trong làng nhạc nhưng nó không phải là quá dở để không có ai nghe. Tôi đã chọn không đúng ê-kíp làm việc chung để biết cách giúp cho mình phát huy những thế mạnh.

- Ngay từ đầu, khi chị ca hát, nhiều người đã e ngại. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận thoáng hơn, đó là lựa chọn. Và từ suy nghĩ đó, nếu tôi là nhạc sĩ Trần Tiến, tôi sẽ không làm chị tổn thương đến thế!

- Tôi nghĩ là mình không được đối xử công bằng từ phía dư luận. Nhưng tôi chẳng trách móc ai trong chuyện này cả. Nếu như mình có gan muốn làm thì mình cũng có gan chấp nhận tất cả. Kể cả cái hậu quả là tiêu tốn ba năm và tạm ngừng cuộc chơi. Cuộc chơi âm nhạc đã làm tôi bị tổn thương trước những lời lẽ nặng nề. Tôi cũng buồn một thời gian nhưng rồi tự trấn an mình bằng suy nghĩ có thể tôi chưa chọn đúng thời điểm bên cạnh những sự chưa đúng khác. Nhưng có những điều mình cũng không nên nói ra làm gì nữa, mình hiểu và một số người thân của mình hiểu là đủ rồi.

- Vậy chị có tiếc thời gian 3 năm dành cho cuộc chơi âm nhạc mà cuối cùng chị chấp nhận thua cuộc? Và nếu 3 năm đó chị tập trung cho thời trang thì cái tên Trúc Diễm còn sáng hơn nhiều?

- Có, nhưng tiếc một chút thôi. Đúng hơn là tôi buồn về con người và mất lòng tin với một số thứ. Và dù như thế, tôi cũng đã có một trải nghiệm với âm nhạc và có thêm một bài học cho mình trong cuộc sống. Nó cũng như một điều kiện cần để mình trưởng thành hơn.

3 năm theo âm nhạc để rồi phải nói lời tạm biệt, tôi biết bài học này cũng khá đắt, nhất là với một phụ nữ thì 3 năm tuổi trẻ vô cùng quan trọng. Đành rằng thành hay bại ở cuộc sống ai cũng có thể gặp và tôi không ngoại lệ. Tôi học được cách đối mặt nhưng có những thời điểm ta không được quyền thất bại nữa. Tôi cũng không tự thắng lợi rằng “thất bại là mẹ thành công” mà từ sự không thành công này, tôi biết cách trân trọng thời gian sống của mình nhiều hơn và làm những điều để thấy thời gian đang đi qua mình một cách có ý nghĩa.

Tuy nhiên, ngừng cuộc chơi âm nhạc không có nghĩa là tôi bỏ cuộc trong nghệ thuật. Đúng hơn, từ cuộc chơi này tôi nhìn ra mình rõ hơn, là Trúc Diễm đã đang và nên trọn vẹn với thời trang. Tôi cũng rút ra được, nếu muốn chinh phục đam mê thời trang, tôi phải tập trung hoàn toàn cho nó chứ không nên lãng phí thời gian của mình nữa.

- Sự quay lại đầy “ân hận” này có muộn màng không, khi mà tất cả các người đẹp làm người mẫu đều phải chắt chiu từng ngày tuổi trẻ để được sống với nghề một cách… chật vật?

- Không. Tôi nghĩ, càng có nhiều khó khăn, thử thách và chông gai thì bản thân tôi càng được tiếp thêm nhiều nghị lực để chứng tỏ khả năng và sức lực của mình. Dĩ nhiên, có những lúc tôi cũng hơi đuối, nhưng tôi đã học được cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Nghề người mẫu tưởng đơn giản nhưng lại rất nghiệt ngã, luôn đòi hỏi sự sáng tạo, trau dồi từ bản thân của người mẫu. Sự sáng tạo không nên vội vã. Là tôi đang nói với tư cách một người đã trải qua nghề, đã nếm cảm giác thất bại, chứ không phải tự ru ngủ mình đâu. Cách đối xử của tôi với chính mình là không làm quá mọi chuyện, nuốt tất cả những trở ngại vào trong để bước tiếp.

Đừng tìm sự đồng cảm ở số đông

- Tôi gặp chị ngày chị mới tốt nghiệp loại giỏi ngành Marketing của một trường Quốc tế tại Việt Nam. Nhưng từ đó đến giờ, chẳng thấy chị đả động đến cái ngành này thì phải?

- Tôi có quá nhiều kế hoạch và bây giờ tôi đang có một học bổng toàn phần ở trường cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Hiện tại tôi đang cân nhắc việc đi học thêm một khóa về quản trị nhân sự. Trong số những bộ môn trường dạy, tôi thấy ngành nhân sự khiến mình thích thú hơn cả. Vì con người vốn đa dạng cá tính và phức tạp cuộc sống nên quản lý được không phải dễ. Không dễ thì phải học. Từ bài học âm nhạc tôi lại càng ngấm hơn rằng mình không vội vàng điều gì cả. Thực ra năm qua không thiếu những lời mời tôi làm giám đốc marketing nhưng tôi đã từ chối. Vì chưa đúng thời điểm. Giờ này, nếu không kỹ càng để rồi thất bại, thì vô tình mình làm tổn hại đến nhiều thứ và nhất là với chính mình. Tôi cần thêm thời gian vì sự học thì không thể vội vã.

- Như chị nói, chị phải “thử sức” với một số thứ trước 30 tuổi để sai thì còn có thời gian làm việc khác. Sao với marketing chị lại thủng thẳng thế?

- Vì đó là sự nghiệp. Anh có thể chọn một thứ gì do anh yêu thích tức thì nhưng khi anh chọn sự nghiệp thì anh không thể xem đó là cuộc dạo chơi được. Đành rằng tôi tốt nghiệp loại xuất sắc, nhưng đối với các ngành nghề thì kinh nghiệm thực tế bao giờ cũng tốt hơn và là điều quyết định. Thực ra việc làm người mẫu của tôi cũng được hỗ trợ nhiều, được gặp nhiều người ở nhiều lĩnh vực và  tôi cũng học hỏi được khá nhiều từ các anh chị nhân viên, trưởng phòng hay những cấp cao hơn. Khi nói chuyện với họ thực sự có nhiều thứ mà tôi không biết. Nên khi nhận được các lời mời công việc tôi chưa thể nhận lời được, không phải vì lương hay vì gì mà chính là vì sự tự trọng đối với năng lực của mình. Hơn nữa, tôi thấy mình cũng đang tập trung thời gian cho sàn diễn nữa.

- Khôn nhỉ? Bước trên sàn diễn đến khi mỏi gối chồn chân hơn thế hệ sau thì quay về với marketing?

- À, tất cả đều là đam mê mà. Thực sự tôi đang muốn học và một khi mình có kiến thức vững vàng thì chẳng sợ gì cả. Tôi cần thêm nhiều kinh nghiệm sống và các mối quan hệ hơn nữa. Nhưng trong tương lại, tôi cũng không gác thời trang lại đâu. Tôi cũng sẽ chọn một công việc có liên quan đến thời trang, chắc chắn là như thế.

Trước mắt tôi vẫn đi trên sàn catwalk và rồi tôi sẽ chuyển từ từ, đi ít dần lại và một ngày nào đó anh sẽ nhận được một tấm thiệp khai trương. Cuộc sống là một bài toán mà chính mình phải tự giải được bài toán của mình bằng những phép toán rõ ràng. Nếu không thì sẽ rơi vào luẩn quẩn mà tôi thì không lựa chọn điều đó.

- Như chị chia sẻ trước đây, cuộc sống của chị cứ quanh co giữa hạnh phúc và khổ đau. Bây giờ thì phần nào nhiều hơn?

- Tôi cũng có được đủ thứ thành công, hạnh phúc, thất bại… Và điều đặc biệt là trong những năm đầu tôi nhìn thấy phần hạnh phúc nhiều hơn. Những khoảng giữa tôi thấy sự chua chát và nhìn thấy rõ hơn những mặt trái của một số người xung quanh mình, một số việc trong cuộc sống. Những năm sau này tôi học cách đối diện một cách kỹ hơn và chỉ tập trung cho những gì tốt nhất và mình làm được tốt nhất mà thôi.

Có những thứ giờ đây, tôi hiểu là mình nên cất vào để tránh làm mình tổn thương thêm nữa.



- Là chị đang nói về mối tình buồn ngày cũ và cuốn tự truyện chưa kịp ra? Viết ra thì làm mình nhớ mãi nó, và có thể vô tình làm mình và người khác tổn thương nhiều hơn. Nhưng tự cất vào thì nặng nề lắm!

- Cách tôi đối xử với quá khứ của mình là tôi cất vào trong lòng mình chứ không phải quên nó. Ngay cả việc viết hồi ký chẳng hạn, tôi chỉ nghĩ đó là cách mình trân trọng người trong quá khứ của mình mà đơn thuần chỉ là sự chia sẻ nhưng tôi đã bị nhìn sai.

Nhưng lại một bài học nữa, là không phải cái gì cũng có thể chia sẻ. Khi bị người đời vẽ vời và bán tán bằng những thứ đi qua đời mình thì mình và những người trong cuộc càng tổn thương nặng. Nên, hãy trân trọng quá khứ bằng cách đừng đi tìm sự đồng cảm ở số đông vốn dĩ không nhiều người hiểu được thế nào là nỗi đau và sự chia sẻ nó.

- Không cần phải làm theo ý muốn của người đời đâu chị! Hãy làm những gì khiến mình thanh thản và người trong cuộc hiểu là được rồi. Dư luận bao giờ cũng cay nghiệt và đám đông không phải lúc nào cũng đúng.

- Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi có thể chia sẻ công việc, gia đình, dự định tương lai. Còn chuyện cá nhân thì thôi, nên để yên cho người khác. Ở ta nhiều khi mình không thể sống yên được nếu như mình quá thoáng với dư luận. Một phút không kiềm được cảm xúc nhiều khi hậu quả lại khôn lường. Tôi im lặng không phải vì tôi sợ đối mặt mà như tôi đã nói, là sự bình yên của những người xung quanh mình thôi.

- Biết trân trọng tình cảm dù có thể đó là những tình cảm đi qua đời mình quá lâu. Điều đó đâu dễ có ở thời buổi ngoại tình là mốt, yêu nhanh quên vội, đồng tiền thay lời muốn nói như hiện nay, nhỉ?

- Đơn giản thôi, nếu anh muốn người ta đối xử với anh như thế nào thì anh cứ đối xử với họ như thế. Hãy trân trọng người khác thì mới đòi hỏi người khác trân trọng mình. Cũng như hạnh phúc sẽ không có chỗ cho những người không biết trân trọng hạnh phúc. Tôi thì không làm khác được vì chính tôi, một người yêu sức lao động của mình, luôn thèm khát một hạnh phúc như ba mẹ tôi đã có được nó để chúng tôi được lớn lên trong một môi trường dễ chịu và ấm ấp vậy. Đối với tất cả mọi người, từ người tôi yêu, người trong gia đình hay bạn bè, đều là những người đáng để tôi trân trọng.

- Nhưng nếu nghiêng nặng theo những chuyện đã qua, mình sẽ chông chênh trong hiện tại lắm!

- Thì hãy cứ chiều theo cảm xúc của mình một thời gian, khi nào thấy đã đủ, đã trọn vẹn thì hãy cất quá khứ vào một ngăn tủ của tâm hồn mình và tiếp tục sống tiếp, mở lòng với nhiều điều mới mẻ khác. Phụ nữ luôn cần một bờ vai và ít ai có thể tự gặm nhấm hết nỗi đau khổ của mình được. Tôi không mạnh miệng nói rằng tôi đủ dũng cảm để đối mặt với tất cả vì tôi không thể điều hành mình như điều hành một công việc được. Nhưng có lẽ chỉ có cuộc sống mới làm cho con người ta thay đổi. Vấp váp nhiều, chua chát ê chề nhiều, tôi thấy mình lớn hơn, biết yêu thương và trân trọng mình hơn và cũng đã học được cách vượt qua những ám ảnh quá khứ.

- Chị cân bằng như thế nào?

- Đi du lịch. Có một thời gian tôi đi du lịch khá nhiều, khi thì theo nhóm, khi thì một mình. Nếu thấy cần đi, một mình tôi có thể xách ba lô theo tàu cánh ngầm đến Vũng Tàu, đứng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ rồi đi về, lòng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Những lúc tôi thấy mình tổn thương, tôi cầu nguyện nhiều và những lời nguyện cầu đã cho tôi lấy lại được niềm tin từ những điều đáng sợ xung quanh. Tôi sống bình dân lắm, nên khi định đi đâu, mọi thứ được quyết định rất nhanh và hành trang rất đơn giản. Tôi học được nhiều ở những chuyến đi, cái mà trước đó tôi chưa có điều kiện. Khi đi học thì bố mẹ kèm rất kỹ. Khi đi làm thì nướng mình cho công việc, xong thì về nhà. Bạn bè tôi cứ kêu trời rằng chẳng bao giờ thấy tôi đi chơi đâu cả.

Đã có lúc tôi kiệt sức

- Chị còn sống trong sự kèm cặp của bố mẹ ở Hóc Môn chứ?

Không. Giờ thì bố mẹ đã tin tưởng hơn rồi. Tôi thuê nhà sống cùng hai đứa em ở trên trung tâm và cứ nửa tháng mẹ lên đây ở với ba chị em, nửa tháng còn lại sẽ dành cho bố. Đứa em gái vừa tốt nghiệp đã đi làm, em trai thì còn đi học. Ba chị em đùm bọc nhau.

Bây giờ, mẹ đã cho tôi quản lý tài chính của mình bởi vì lúc này mẹ cũng muốn tôi phải tự tích lũy được tiền để có thể mua một căn hộ nhỏ ở thành phố chứ không muốn mấy chị em đi thuê nhà nữa. Tôi thì không quan trọng việc thuê hay mua mà muốn để tiền làm kinh doanh nhưng mẹ tôi sẽ không yên tâm nếu như thấy mấy chị em vẫn chưa “an cư”. Tôi hiểu suy nghĩ đó và không muốn làm khác ý mẹ. Mỗi tháng, tôi vẫn trích một phần giúp đỡ gia đình mình đều đặn. Ba mẹ tôi cũng có kinh doanh riêng nhưng giờ ba mẹ cũng đã lớn tuổi nên việc kinh doanh cũng hẹp lại ít nhiều.

- 5 năm đi làm, lại là một người mẫu sáng giá, có nhiều bước thuận lợi trong công việc mà chị vẫn chưa gom đủ tiền mua một căn hộ. Có vô lý quá không?

- Chuyện đó bình thường mà, vì tôi đâu phải chỉ có lo cho mỗi bản thân tôi? Tôi có cả gia đình để phải lo và có đủ loại chi phí cho nghề nghiệp mà tôi phải lo nữa. Với tôi, khi gia đình mình có một sự ổn định nhất định nào đó tôi mới lo cho bản thân mình.

- Thực ra, nếu chị muốn, từ đàn ông, thì nhiều căn hộ cũng dễ dàng, nói gì là một căn?

- Có lẽ tại tôi không muốn phụ thuộc. Hoặc cũng có thể tôi không giỏi chiều người khác như người ta. Tôi sẽ trả lời mọi chuyện bằng công việc của mình là hơn cả chứ bây giờ cứ ngồi nói tôi thế này hay thế nọ cũng chẳng giải quyết được việc gì. Người ta có lựa chọn của người ta, có cuộc đời của người ta và tương tự, tôi cũng có cuộc đời của tôi và lựa chọn của tôi. Mỗi người có một cách trả giá cho cuộc đời của mình và tôi không lấy làm xấu hổ khi giờ đây tôi vẫn ở nhà thuê và đang gom góp tiền mua một căn hộ nhỏ. Tôi chỉ nói rằng, tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi chính mình được sở hữu cuộc sống của mình. Còn khi để người khác sở hữu cuộc sống của mình và mình cứ cười cười nói nói cho vui đời ai đó thì tôi không làm được.

- Tự lập làm cho người phụ nữ mạnh mẽ nhưng cũng dễ làm cho người ta khô cứng…

- Người ta bảo phụ nữ nên yên phận một chút nhưng có lẽ cái số của tôi nó thế. Tôi không nói là tôi không cần đến một bờ vai. Vì phụ nữ dù mạnh mẽ đến mấy cũng nên cần một người đàn ông, để mình yêu và được yêu, để mình thấy cuộc sống được cân bằng. Thực ra, một bờ vai vững chắc ai mà chẳng cần. Nhất là như tôi, đã có những lúc quá mệt mỏi với những lo toan và cảm thấy nặng vì mình vác quá nhiều thứ.

Có nhiều khi tôi thấy đầu như búa bổ và không có cảm giác với xung quanh. Đôi khi tôi cũng không hiểu sao mình tồn tại. Điều làm tôi vui là tôi vun vén được ít nhiều, cũng sửa sang xây lại được nhà cửa cho ba mẹ, và ít nhất ba mẹ cũng không phải lo tiền học phí cho mấy chị em.

- Thế còn thời gian để yêu?

- Tôi vẫn yêu đấy thôi. Và tình yêu đã làm cho tôi thấy mọi thứ bớt khô khan đi nhiều. Dù không phải là mức rất tốt nhưng tôi biết cuộc sống riêng của tôi đang khá hạnh phúc. Đủ để mình có đủ bình yên, đủ sự chia sẻ để cuộc sống nhẹ nhàng. Tôi chỉ cần thế.




Người chị mẫu mực

Trúc Diễm tâm sự, hai giá trị lớn nhất của người Việt cô đã làm một cách đầy trách nhiệm đó chính là sự hiếu thảo và tình thương, trách nhiệm với những người thân. Tất cả đều được cô đặt lên cao nhất và làm một cách trọn vẹn. Trong cuộc sống, Diễm là người rất tiết kiệm. Cô hạn chế chi tiêu nhiều nhất có thể để lo phụ giúp gia đình chăm sóc hai người em ăn học. Ba chị em, mỗi người mỗi tính. Diễm cho rằng cô hơi mềm yếu bên ngoài nhưng ý chí khá mạnh. Em gái kế cô thì hoạt náo hơn nhưng lại có sự yếu đuối bên trong. Em trai thì ít nói, trái ngược với hai cô chị. Bây giờ, cô em gái đã tốt nghiệp đại học và có việc làm. “Ngày mà em gái tôi xin được việc làm, tôi mừng như bắt được vàng, vì tôi biết em mình đã bắt đầu trưởng thành. Khi làm ra đồng tiền, người ta mới biết trân trọng đồng tiền”.

Cậu em đang đi học tính nhút nhát, ít nói. Cô khuyên em đi ra ngoài kiếm thêm một việc làm bán thời gian để tiếp xúc với mọi người, để không bỡ ngỡ trước cuộc sống. “Tôi muốn em tôi đi làm, làm những công việc bình thường và không quan tâm người ta nói gì. Được cái là em rất chịu khó, đạp xe đạp đi làm đủ các công việc từ PG, hay những việc tay chân. Giờ em cũng bắt đầu cởi mở hoạt náo hơn rồi”.

Hoa hậu mỗi ngày xài  20 ngàn đồng

Ba tôi người Bắc, mẹ người Nam nhưng có lẽ mẹ tôi khó hơn cả ba tôi nữa. Từ khi tôi còn nhỏ, ba mẹ tôi kỳ vọng ở tôi rất nhiều, là con mình phải giỏi.

Tôi nghĩ, nếu để ba mẹ hài lòng, ngoài nghệ thuật ra, tôi cũng phải học thêm mọt ngành sở trường. Tôi có một chút năng khiếu về giao tiếp nên tôi học marketing. Hướng đi này bố mẹ không can thiệp. Chỉ có điều học phí rất cao, ba mẹ tôi không đủ tiền để lo nên tôi phải đi làm. Đúng lúc đó, tôi vừa đỗ Á hậu xong và quyết định làm người mẫu và dùng tiền đó đầu tư cho vấn đề học tập.

19 tuổi tôi ra đời đi làm nhưng còn ngố lắm. Vì suốt 12 năm đi học chưa bao giờ tôi được đi chơi ra khỏi nhà. Ba mẹ chở tới trường, hết giờ thì đưa về. Rồi tôi lên thành phố đi làm, ba mẹ lại càng lo hơn. Mẹ sợ tôi trong quá trình tiếp xúc với mọi người dễ sai sót vấp váp, nhất là với những người lớn tuổi hơn.

Một khoảng thời gian dài từ khi đi làm đến khi nổi tiếng, bao tiền làm được tôi để mẹ giữ, để phụ giúp thêm cho gia đình. Chắc bạn sẽ khó tin, Á hậu, người mẫu mỗi ngày đi học, chỉ có 20 ngàn đồng trong túi và không dám mời bạn bè đi ăn?

Tôi tự hào vì nền giáo dục của gia đình đã giúp tôi vượt qua được những cám dỗ.

Theo TG NNT


Bình luận