Vân Dung: Trần đời không sợ gì bằng đi đẻ

"Cũng thích nghe tiếng con trẻ nô đùa, cười vang khắp nhà… Nhưng mà sợ đẻ lắm!".

"Trần đời tôi chưa bao giờ sợ gì như sợ đẻ. Đi vào thăm người nhà trong bệnh viện, chứng kiến cảnh người ta đau đẻ mà toát hết mồ hôi hột. Ngày xưa tôi cũng khó đẻ, đau lên đau xuống, hàng mấy tiếng đồng hồ mới đẻ được nên nhìn thấy người ta đau là thương lắm... và cũng không dám đẻ" – Táo Y tế Vân Dung chia sẻ về chuyện sinh thêm con.

Vẫn như gái son khi chuẩn bị lên sân khấu


Tại sao lâu lắm rồi chị không tham gia bất kỳ một bộ phim truyền hình nào?


- Thực ra, bên hài bọn tôi không có duyên với phim ảnh lắm. Nếu để ý mọi người sẽ thấy, thời gian gần đây, kể cả các tên tuổi khác của làng hài cũng rất ít khi đóng phim. Một năm giỏi lắm cũng chỉ tham gia có vài bộ phim truyền hình là cùng.

Các chương trình như: Gala cười, Gặp nhau cuối tuần, Táo quân… mới là chương trình của chúng tôi. Bản thân tôi từ xưa đến nay cũng rất ít tham gia phim. Những bộ phim tôi tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị đóng đinh nhiều năm với các vai Táo trong “Gặp nhau cuối năm”. Vậy với chị, vai Táo nào từ trước tới nay khiến chị khó quên nhất?

- Tôi đóng Táo quân từ khi chương trình “Gặp nhau cuối năm” ra đời. Trong tất cả các vai táo đó, chỉ có mỗi một năm là tôi chưa ưng ý lắm, còn lại vai nào tôi cũng vừa lòng cả. Tôi không ưng ý vai Táo năm 2010.

Mọi người xem thấy hay nói hay, thấy dở nói dở chứ thật ra không ai biết các vai Táo là chọn lọc tinh hoa của bao nhiêu con người. Để có được một vai Táo cho “Gặp nhau cuối năm”, êkip đã phải lên kế hoạch từ giữa năm. Phải 6 người cùng tham gia viết kịch bản. Ngần ấy con người tập đêm tập ngày, vắt hết chất xám và sức lực để nghĩ ra bao nhiêu tinh hoa cho từng vai diễn.

Vân Dung: Trần đời không sợ gì bằng đi đẻ - 1

Vân Dung cùng cậu con trai kháu khỉnh

Chị có thói quen xem lại các vai diễn của mình sau khi đóng xong không?

- Tôi thường có thói quen không nhận show nào từ ngày 30 Tết cho đến mồng 5. Ngày đó, tôi thường dành để nghỉ ngơi và vui tết bên gia đình, bạn bè. Đó cũng là thời gian tôi được ngồi xem lại các vai diễn của mình, nhất là “Gặp nhau cuối năm”.

Nói thật, khi mở đĩa xem lại “Gặp nhau cuối năm” tôi thích lắm. Cứ “độc chiếm” chiếc tivi ở phòng khách để xem đi xem lại bao nhiêu lần mà không thấy chán. Bởi vì mình xem không chỉ xem mà cứ đến đoạn nào ký ức lại òa về. Chẳng hạn, đến đoạn đó thì mình học thoại như thế nào, chuẩn bị trang phục ra sao, run rẩy như thế nào khi chuẩn bị bước ra sân khấu… Cảm giác thích thú đó không dễ gì có được.

Sự duyên dáng, dí dỏm của Vân Dung trên sân khấu hài thì không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, chị có thấy mình càng có tuổi thì độ “hừng hực” của mình bị suy giảm đi ít nhiều?

- Tôi không thấy như thế. Bởi, có những vai diễn, tôi diễn đến thời điểm này là hàng trăm lần mà vẫn đầy “lửa” như thế. Thậm chí còn “lửa” hơn ngày xưa. Điều này tùy thuộc vào bản thân mỗi người, nếu cho mình đang làm vì nghệ thuật thì chỉ cần lên sân khấu là bạn có được cảm giác thăng hoa với vai diễn, còn nếu cho mình là một “máy diễn” để kiếm tiền thì chẳng bao giờ có thể thăng hoa được.

Tôi bước vào nghề từ năm 1992, trải qua hàng trăm vai diễn và hàng nghìn lần xuất hiện trên sân khấu nhưng đến bây giờ, cứ lúc nào chuẩn bị bước ra sân khấu cũng hồi hộp, háo hức như “gái son” chuẩn bị về nhà chồng vậy (cười).

Tại sao? Tại vì ngày xưa mình mới bước vào nghề, còn bỡ ngỡ và lúng túng, chưa biết con đường nào mình sẽ đi, vai diễn mình sẽ diễn như thế nào. Bây giờ thì mình đã chọn được đúng hướng và có một chút kinh nghiệm sân khấu nên không phải lo lắng nhiều. Bây giờ, đang diễn mà rơi mic là có thể cúi xuống nhặt lên diễn tiếp chứ không phải như ngày xưa không có mic mà vẫn nói vo trên sân khấu.

Năm nay chị vẫn tham gia “Gặp nhau cuối năm” chứ?

- Tất nhiên, thiếu làm sao được, mong chờ nhất, sợ nhất, khổ nhất, “đã” nhất cũng là Táo quân. Năm nay, kịch bản chưa hoàn thiện nên chưa biết mô tê gì. Thường thì chỉ gần sát Tết mới có kịch bản và khi vào tập rồi còn sửa đi sửa lại bao nhiêu lần.

Vân Dung: Trần đời không sợ gì bằng đi đẻ - 2

Vân Dung và hai bạn diễn Quang Thắng, Quốc Khánh.

Tôi còn nhớ, có lần, còn 30 phút nữa là mở màn thế mà đạo diễn còn đưa cho anh Quốc Khánh 3 trang A4 kịch bản mới tinh. Anh Quốc Khánh chỉ có đúng 20 phút để học thoại và nắm tinh thần kịch bản. Thế là cái ông “to” chức nhất trên thiên đình đành phải chui vào góc kín nhất là toilet để học thoại thôi. Bao nhiêu năm như thế quen rồi nên cái khổ giờ không thấm tháp gì với chúng tôi nữa.

Bức xúc nhất là vụ “xe không chính chủ”. Năm nay chị định làm một cú lội ngược dòng xin làm Táo giao thông?

- Ôi, Táo Giao thông thì không dám mơ đâu. Vai đó đóng đinh với anh Chí Trung rồi. Anh ấy đóng vai này rất hay. Năm nay chắc vẫn lại Y tế thôi. Thực ra thì năm nào Giao thông và Y tế vẫn có nhiều vấn đề nổi cộm nhất. Chính vì thế Táo Y tế bao giờ cũng có nhiều đất để diễn. Sợ nhất là cứ năm nào đóng Táo Y tế là năm đó nhà có người đi bệnh viện (cười lớn).

Thích trẻ con nhưng sợ đẻ lắm!

Con trai lớn nhà chị đã học lớp 6. Tại sao chị vẫn chưa quyết định sinh thêm con?

- Cũng yêu trẻ con lắm đấy. Cũng thích nhà đông con để lúc nào đi làm về cũng được nghe tiếng con trẻ nô đùa, cười vang khắp nhà… nhưng mà sợ đẻ lắm. Trần đời tôi chưa bao giờ sợ gì như sợ đẻ. Đi vào thăm người nhà trong bệnh viện, chứng kiến cảnh người ta đau đẻ mà toát hết mồ hôi hột. Ngày xưa tôi cũng khó đẻ, đau lên đau xuống, hàng mấy tiếng đồng hồ mới đẻ được nên nhìn thấy người ta đau là thương lắm.

Vậy ngày xưa vợ chồng chị cưới nhau được bao nhiêu năm thì có con đầu lòng?


- Chúng tôi cưới được một năm, năm sau có em bé luôn. Thời kỳ đó tôi mang thai nhẹ nhàng lắm. Sát ngày đẻ vẫn còn tung tăng đi mừng sinh nhật, rồi đi diễn tỉnh, chợ búa, siêu thị… như thời son rỗi vậy. Chỉ có đến lúc đẻ mới khiếp.

Thời kỳ đó đã có đẻ mổ nhưng tôi chọn đẻ thường. Đẻ thường nhưng vì con bị tràng hoa quấn cổ nên đau mãi mới đẻ được. Thiếu nước ông xã nhà tôi trèo lên mái ngói bò đi bò lại (theo quan niệm dân gian “khi vợ khó đẻ, chồng thường trèo lên mái ngói bò đi bò lại để vợ dễ đẻ” – PV) như các cụ xưa vẫn làm thôi.

Vân Dung: Trần đời không sợ gì bằng đi đẻ - 3

Vân Dung trong một bộ phim truyền hình

Nhưng nhà cửa rộng rãi thế này mà chỉ có mỗi hai vợ chồng và một con thì chắc cũng buồn lắm?

- May mắn là các nhà bên cạnh, nhà nào cũng có trẻ con. Cứ khi nào buồn lại qua bế chúng qua nhà mình chơi. Hoặc không thì cứ chiều tối lúc đi học về chúng lại tụ tập nhà tôi chơi đông vui lắm, cứ như vườn trẻ vậy. Cũng nhờ thế mà nhà không khi nào vắng trẻ con.

Suy cho cùng thì đó vẫn là con cái của người ta đấy chứ?

- Thật lòng mà nói thì đẻ chỉ là một phần, nuôi dạy con mới khó. Bây giờ, để nuôi được một đứa con trưởng thành, cha mẹ phải đối diện với biết bao nỗi lo. Không như các cụ ngày xưa, nuôi một lúc 9, 10 đứa con nhẹ nhàng như chơi.

Đơn giản vì ngày xưa, nhà nào cũng khổ như nhà nào. Nhà có rau cùng ăn rau, có cháo cùng ăn cháo, lại không có cám dỗ gì nhiều như bây giờ. Trẻ con ngày xưa toàn chơi ném ống bơ, chơi chuyền, ô ăn quan rồi trốn tìm, bịt mắt bắt dê…

Trẻ con bây giờ chẳng đứa nào chơi những trò đó cả. Trẻ con bây giờ là game, truyện tranh, nhảy hiphop, trượt patin… Nếu không có sự quản lý thường xuyên của cha mẹ thì con cái rất dễ bị sa đà, hư hỏng. Bằng chứng là rất nhiều con trẻ bây giờ nghiện game, nghiện truyện tranh kiếm hiệp. Nghiện rồi không bỏ được nên toàn nói dối, xin tiền bố mẹ, trốn học để nướng vào quán điện tử. Gần nhà tôi có bé ba tháng liền trốn học thêm đi chơi game mà bố mẹ không hề biết.

Thế nên nuôi dạy một đứa con bây giờ khó gấp nhiều lần ngày xưa. Thấy nhà nào cũng kêu. Kêu không phải vì không có tiền chăm con hay không có thời gian kèm cặp con mà kêu là vì trẻ con bây giờ có quá nhiều cám dỗ vây quanh.

Vân Dung: Trần đời không sợ gì bằng đi đẻ - 4

Cặp diễn khá ăn ý: Vân Dung và Quang Thắng

Người ta thường nói, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Bản thân con trẻ vẫn chịu nhiều hơn cả sự giáo dục từ chính bố mẹ và người thân mình. Chẳng lẽ chị không tự tin vào khả năng giáo dục con của chính mình?

- Gia đình nào, phụ huynh nào người ta cũng nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Có nhiều gia đình có ba người con, đều giáo dục họ như nhau và đều được nuôi dưỡng trong môi trường giống nhau. Thế nhưng, khi lớn lên, không phải cả ba đều ngoan hoặc cả ba đều hư.

Chúng ta không thể uốn con trẻ giống bản thân mình mà chỉ có thể định hướng cho con theo hướng phát triển tốt nhất. Trong bản thân mỗi con trẻ, dù con do chính mình đẻ ra thì vẫn có những cái mình không thể nào biết hết được. Chúng ta chỉ kiểm soát được con trong những giai đoạn nhất định mà thôi.

Lúc học tiểu học còn dễ nhưng càng lớn thì rõ ràng là khó dần. Và khi đến đại học thì rõ ràng việc kiểm soát khó khăn hơn rất nhiều. Lúc này không chỉ bố mẹ giáo dục nữa mà xã hội giáo dục. Vì thế, giáo dục một đứa trẻ con không phải là chuyện đơn giản. Mình muốn con thế này nhưng chưa chắc con đã theo như ý mình.

Vậy là hai vợ chồng chị đã quyết định sẽ chỉ thế này thôi?

- Cũng chưa chắc đâu. Cu nhà tôi năm nay đã 12 tuổi rồi, tuổi sắp thành người lớn và tôi cũng thích trẻ con nhưng không phải nói muốn đẻ là đẻ. Con cái là lộc trời cho. Hơn nữa, cũng phải có kế hoạch chứ không thể làm bừa được (cười).

Con trai học về là tôi lại lôi vào tắm

Với chị, trong tất cả các công việc liên quan đến chuyện nuôi dạy con, việc gì là khó nhất?

- Với tôi thì việc rèn con học là chuyện khó khăn vô cùng. Cháu rất thích chơi thể thao và quan hệ xã giao rất tốt nhưng lại rất lười học. Bố mẹ lúc nào cũng phải kèm cặp rất sát sao. Lúc nào cũng phải nhắc nhở sàn sạt thì cu cậu mới chịu làm.

Mỗi lần vào học là rửa tay đến 4 lần, 5 phút lại đi uống nước, rồi đi toilet 3 lần. Toilet xong ngồi vào ghế lại gãi. Tôi bắt được bài của cu cậu nên giờ đi học về cái là bắt vào tắm luôn. Ngày nào cũng thế, mùa đông cũng như mùa hè. Tắm để không còn cớ mà gãi (cười).

Thế nhưng cũng có những việc không cần nhắc mà cu cậu vẫn tự làm. Ví dụ những việc nho nhỏ trong nhà dọn nhà, quét nhà, lau nhà, dọn cơm, tráng trứng, tiết kiệm đồng nát… Nhưng để “Con ơi! Con vào học đi” thì phải nhắc đến 4 lần mới được. Hôm nào thích học chỉ trong vòng 10 phút cu cậu đã làm xong 3 bài toán nhưng không thích học thì hàng vài tiếng đồng hồ vẫn chưa xong một bài.

Vân Dung: Trần đời không sợ gì bằng đi đẻ - 5

Vân Dung và Công Lý trong một tiểu phẩm hài

Ngoài thể thao, cu cậu có bộc lộ năng khiếu gì về nghệ thuật?

- Cu cậu cũng yêu nghệ thuật đấy nhưng mà chưa thấy có năng khiếu gì. Thích nhảy hiphop và mê diễn viên Hàn Quốc lắm. Trong phòng dán đầy ảnh diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim của Hàn Quốc. Quan điểm của vợ chồng tôi là không ép con theo một lĩnh vực gì mình thích.

Cũng có nói với con, chơi thể thao là tốt nhưng học văn hóa cũng quan trọng không kém bởi là nền tảng để con bước vào đời. Tuy nhiên, vì cu cậu đang nhỏ nên cũng dạy bảo cháu từ từ. Thêm nữa, sức khỏe cháu cũng yếu, người còi lắm nên chúng tôi chỉ cho con chơi ở mức độ vừa phải.

Đã bao giờ chị và ông xã bất đồng với nhau về quan điểm dạy con?

- Cũng có. Ông xã tôi hay bảo: “Con muốn chơi vi tính cứ để cho con chơi. Em cứ không kiểm soát được con thì lại cấm. Như thế là không được. Em cho con chơi nhưng phải nhắc cho con nhớ là sau khi chơi xong thì con phải học. Con muốn được bố mẹ cho chơi thì con phải chăm học. Em càng cấm con nó càng đối phó, mẹ đi vắng nó lại chơi nhiều hơn”.

Tôi không đồng ý với ý kiến đó: “Theo em là một tuần chỉ cho con chơi đúng 1 lần, mỗi lần như thế chỉ giới hạn trong 45 phút trở lại”. Thực ra thì anh ấy có cái lý của ông ấy, tôi có cái lý của tôi. Nếu chơi nhiều sẽ thành nghiện, nghiện thì sẽ không tốt. Bất kỳ cái gì mà quá thì cũng đều không tốt. Vợ chồng cũng chỉ hay bất đồng với nhau điều đó thôi.

Vân Dung có hay dùng tiếng cười trên sân khấu để hâm nóng không khí trong gia đình không?


- Hiếm lắm. Chỉ khi nào cả gia đình ăn uống cùng người ngoài hoặc tụ tập bạn bè thì tôi mới pha đôi chút hài hước để tăng thêm không khí vui vẻ thôi. Mà không chỉ tôi như thế đâu, các bạn diễn của tôi cũng đều như thế cả. Bởi suy cho cùng thì nghệ sỹ hài sống rất hướng nội.

Mọi người cứ để ý mà xem. Các sự kiện hoặc các buổi tiệc, rất ít khi chúng tôi có mặt. Không phải chúng tôi làm cao không xuất hiện mà thực sự bình thường khi lên sân khấu chúng tôi đã quá ồn ào rồi. Nên ngoài thời gian lên sân khấu chúng tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi trong mái ấm của mình thôi.

Ông xã và con trai có bao giờ than phiền về chuyện đó?


- Ông con trai thi thoảng vẫn thắc mắc: “Sao trên sân khấu thấy mẹ cười mà về nhà mẹ chẳng cười gì cả?”. Nhưng khi nghe mẹ nói: “Con mà chăm học thì lúc nào mẹ cũng sẽ cười nhưng con lười học thì mẹ không thể nào cười được”. Thế là cu cậu lại tiu nghỉu ngay.

Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.