Ám ảnh những cái chết… vô lý

Những vụ tử vong bất thường, những ca bệnh “ngày càng nặng sau khi nhập viện” thời gian qua khiến vấn đề y đức và năng lực người thầy thuốc thực sự trở thành nỗi ám ảnh của không ít bệnh nhân và cả xã hội.

 Những vụ tử vong bất thường, những ca bệnh “ngày càng nặng sau khi nhập viện” thời gian qua khiến vấn đề y đức và năng lực người thầy thuốc thực sự trở thành nỗi ám ảnh của không ít bệnh nhân và cả xã hội.

Những cái chết… vô lý

Vụ việc gần đây nhất xảy ra ngày 25/7 ở Nghệ An. Anh Chế Hùng Cường SN 1966, (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu, truyền dịch vì nghi bị rắn cắn. Người nhà bệnh nhân cho biết, khi ống truyền dịch đã hết, nhân viên y tá rút kim ra thì anh Cường đột ngột bị choáng và ngã vật xuống, đầu đập vào sàn nhà và bị cháy máu miệng.


Người nhà gào khóc vây quanh bệnh viện.

Khi thấy bệnh tình của anh Cường có chiều hướng nặng hơn, gia đình bệnh nhân sốt ruột đề nghị đưa lên bệnh viện tuyến trên nhưng phía bệnh viện không đồng ý. Suốt đêm hôm đó, không có bác sỹ nào đến thăm khám hay kiểm tra cho bệnh nhân.

Theo gia đình bệnh nhân, dù họ đề nghị đưa anh Cường lên tuyến trên nhưng các bác sỹ cho biết đã chậm và phải giữ lại để mổ. Thậm chí,  khi anh Cường có dấu hiệu sốt cao, giãn đồng tử mà bệnh viện vẫn không cho phép chuyển ra BV Việt Đức. Phải đến khi gia đình bệnh nhân gây sức ép thì bệnh viện mới làm giấy chuyển viện. Tuy nhiên anh Cường đã tử vong trên đường ra Hà Nội.

Ngoài ra, nhiều cái chết được đánh giá là rất vô lý, bởi trước khi nhập viện, bệnh nhân chỉ mắc những căn bệnh đơn giản, thậm chí họ còn rất… khỏe.


BV huyện Tam Dương, nơi Thảo tử vong do cắt Amidan.

Sáng 17/5, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1989, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đến BV huyện Tam Dương cắt Amidan. Tuy nhiên, sau vài giờ đồng hồ chị Thảo đã tử vong (?). Ông Nguyễn Hữu Quyền, bố nạn cho hay: Buổi sáng, Thảo đi cắt Amidan trên bệnh viện huyện, sức khỏe vẫn bình thường. Đi cùng nó là vợ tôi (bà Trương Thị Sơn - PV), 2 mẹ con đi chung một xe do Thảo cầm lái.

Trước đó, ngày 2/4, anh Ngô Văn Tuấn (28 tuổi, ở Hải Phòng) cũng tử vong khi vào bệnh viện để khám, chữa… Amidan. Anh Ngô Văn Cường - em trai anh Tuấn - kể: Trước khi nhập viện,  sức khỏe của anh Tuấn hoàn toàn bình thường. Anh Tuấn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, thỉnh thoảng bị sốt, viêm họng nên xin về Việt Nam để cắt Amidan.

Nhức nhối sản phụ tử vong “bất thường”

Thật thương tâm khi chứng kiến một số sản phụ sức khỏe tốt nhưng sau khi vào viện sinh con đều tử vong.

Ngày 18/4, sản phụ Hương Lê Thị Hương (23 tuổi, Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) có dấu hiệu chuyển dạ. Chị Hương đến BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chờ sinh.  Xác định sản phụ khó sinh thường, gia đình đề nghị sinh mổ nhưng BV không đồng ý. Và chị Hương đã tử vong ngay khi đứa con chào đời.


Người nhà sản phụ Lê Thị Hương khóc ngất tại bệnh viện.

Một trường hợp khác đau lòng không kém, đó là sự mất mát của gia đình sản phụ Đào Thị Hạnh (SN 1981, Khoái Châu, Hưng Yên). Chị Hạnh đã chết tức tưởi do BS không đồng ý cho sinh mổ. Theo gia đình bệnh nhân, sáng ngày 19/4, sản phụ Hạnh vào BV Đa khoa tỉnh chờ sinh. Đến tối cùng ngày thấy sức khỏe chị Hạnh yếu, gia đình đề nghị mổ vì thai to nhưng bác sỹ không đồng ý. Sáng hôm chị Hạnh đã tử vong vì cố sinh thường bé trai nặng 4 kg.

Trước đó, ngày 25/3, sau khi gây mê cho sản phụ Dương Thị Ni (SN 1988 Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) ê kíp bác sĩ Khoa sản - Bệnh viện Đa Khoa Đồng Hới (Quảng Bình) mổ lấy thai nhi. Khi rạch  sản phụ gào lên kêu đau nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục mổ. Sau khi lấy được thai nhi, sản phụ bị trào ngược dịch dẫn đến viêm phổi và tử vong. Theo anh Quân chồng sản phụ Ni: “Sai sót của bệnh viện chính là lúc BS gây tê rồi rạch dao mổ mà lúc đó vợ tôi còn đang tỉnh, kêu đau mà bác sĩ vẫn tiếp tục rạch. BS hút dịch không sạch, vợ tôi bị trào ngược dịch dạ dày nên tử vong".


Nội dung tin nhắn sản phụ Ni gửi cho chồng trước khi mất.

Không thể phủ nhận những đóng góp của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người dân,  không thể không ghi nhận sự tận tâm với người bệnh của phần nhiều y, bác sĩ. Tuy nhiên, trước những cái chết rất “vô lý” của không ít bệnh nhân thời gian qua, nỗi ám ảnh về năng lực chuyên môn và đạo đức người bác sĩ cứ đeo bám mỗi người khi phải bước chân vào bệnh viện.

Theo Khampha


Bình luận