Bi hài chuyện cậu bé có tới 3 người giành làm... “cha mẹ“

Không cha mẹ từ khi mới chào đời, cậu bé Mai Ngô Thiên Phú (SN 2005, ngụ phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi lên 5 tuổi lại thêm một lần mồ côi khi mẹ nuôi qua đời vì bạo bệnh.

Không cha mẹ từ khi mới chào đời, cậu bé Mai Ngô Thiên Phú (SN 2005, ngụ phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi lên 5 tuổi lại thêm một lần mồ côi khi mẹ nuôi qua đời vì bạo bệnh.

Bất ngờ sau đám tang mẹ, cậu bé bất hạnh bỗng chốc có đến 3 “cha mẹ” cùng đến giành quyền được nuôi. Cứ ngỡ những “người tốt” đó vì yêu thương đứa trẻ mà có hành động nhân văn, ai ngờ thấp thoáng sau vụ kiện này là các bằng chứng giả dối, thể hiện toan tính tham lam với khối tài sản cậu bé mồ côi được thừa kế.

Đứa trẻ hai lần mồ côi

Năm 2005, đứa trẻ được bà Mai Thị Chí (SN 1948) nhận nuôi từ khi còn là đứa bé đỏ hỏn bị bỏ rơi tại một nhà hộ sinh trên phố Lò Đúc. Bà Chí khi đó cũng đã gần 60 tuổi, sống một thân một mình ở ngôi nhà do cha mẹ để lại tại quận Long Biên. Cuộc sống tưởng như sẽ êm đềm trôi đi trong cảnh người mẹ luống tuổi vun vén chăm sóc cho đứa con nuôi. Nhưng 5 năm sau đó, bà Chí mắc bệnh nặng, phải nhập viện điều trị suốt nhiều ngày.


Cháu bé mồ côi “được” 3 người giành quyền nuôi. Ảnh do gia đình cung cấp

Bà lão không ngờ rằng căn bệnh đau xương cốt của mình thực ra là biểu hiện của tình trạng suy thận, và chẳng bao lâu sau khi nhập viện, bệnh thận đã tiến triển rất nguy hiểm: Bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, sức khỏe suy sụp nhanh chóng.

Bà Chí ốm nặng khá lâu, những người chị em ruột của bà mới biết tin để đến chăm nom. Trong thời gian gần hai tháng từ khi bà ngã bệnh đến lúc người nhà biết tin, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân là bà Thẩm Thị Chuyển, một người họ hàng xa cũng là người giúp việc cho bà Chí vài năm trước đó.

Cuối năm 2010, mẹ nuôi qua đời, cậu bé Thiên Phú lại một lần nữa trở thành trẻ mồ côi. Lo ma chay xong xuôi cho chị, những người chị em ruột của người đã khuất họp bàn, quyết định giao nhiệm vụ nuôi cậu bé Phú cho bà Mai Thị Hữu (SN 1937, trú tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là chị của bà Chí. Hơn nửa năm sau đó, đầu tháng 8/2011, UBND phường Đống Mác đã ra quyết định công nhận bà Hữu là người giám hộ cho đứa trẻ mồ côi.

Tài sản người mẹ để lại theo thông báo về khai nhận thừa kế của văn phòng công chứng là quyền sử dụng một mảnh đất và gần 130 triệu đồng gửi tiết kiệm. Do bà mẹ mất mà không để lại di chúc, nên theo quy định của pháp luật, đứa con nuôi là người được hưởng toàn bộ tài sản của mẹ nuôi để lại, ước tính cả giá trị đất thì khối tài sản lên đến tiền tỉ.

Ai là người giám hộ cho cháu bé sẽ được quản lý số tài sản này và có thể sử dụng các tài sản này để chăm sóc, chi dùng cho các nhu cầu cần thiết của cháu cho đến khi cháu Phú đủ 18 tuổi.

Cùng thời gian đó, bà Hữu nhờ con cái chở đi nhiều cơ quan, ban ngành để làm thủ tục thanh toán chế độ tử tuất cho em gái, đồng thời hỏi han về các thủ tục nhận di sản thừa kế cho cháu. Thế nhưng đến lúc này bà mới "ngã ngửa" ra là có đến hai người khác cũng “xí phần” sẽ nuôi nấng, chăm lo cho cậu bé bơ vơ.

Cha nuôi “trên trời rơi xuống”

Trong quá trình bà Hữu đến Phòng bảo hiểm xã hội quận Ba Đình (nơi bà Chí có hộ khẩu thường trú) để làm thủ tục xin nhận tiền tử tuất cho em gái mình và làm chế độ trợ cấp cho cháu Phú đến 18 tuổi thì có đơn khiếu nại, đề nghị dừng giải quyết chế độ. Theo đơn của ông Ngô Văn Thụ, từ năm 1998, người đàn ông này sống chung sống với mẹ nuôi của cậu bé như vợ chồng, do “vợ” đã nhiều tuổi nên không sinh đẻ được, năm 2005 hai người nhận cháu Phú về làm con nuôi.

Người đàn ông này cũng xuất trình với các cơ quan chức năng giấy khai sinh của cháu bé do UBND phường Đống Mác cấp ngày 20/7/2006, trong đó ghi tên cha là Ngô Thụ và mẹ là Mai Thị Chí. Từ căn cứ là giấy khai sinh này, ông đề nghị được chính quyền công nhận là người giám hộ cho cháu bé, thay thế cho người bác. Để lời đề nghị của mình “nặng ký” hơn, ông còn “tố cáo” là trước khi mất, giữa “vợ” mình và chị gái còn “mâu thuẫn sâu sắc”.


Giấy khai sinh bản chính của cháu bé chỉ có tên mẹ nuôi, phần khai về người cha bỏ trống

Giấy khai sinh do người đàn ông này đưa ra sau đó đã được cơ quan chức năng xác định là “có vấn đề”. Ông Lương Sơn Hùng, cán bộ tiếp dân Văn phòng UBND phường Đống Mác, người thụ lý và giải quyết vụ việc cho biết những giấy tờ của ông Thụ là không có căn cứ.

“Chúng tôi đã lấy hồ sơ gốc ra để kiểm tra thì thấy giấy khai sinh của cháu bé đúng là được cấp ngày 20/7/2006, nhưng giấy khai sinh này chỉ có tên mẹ nuôi mà không có tên cha. Khả năng là ông Thụ đã tự viết tên mình vào giấy khai sinh để đòi quyền giám hộ”, ông Hùng cho biết.

Đơn xin nhận giám hộ bị bác, ông Thụ tiếp tục “đánh chặn” ở cửa khác bằng cách gửi đơn đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội ngừng giải quyết trợ cấp. Việc làm này khiến số tiền tử tuất của người đã khuất, tiền trợ cấp hàng tháng cho cháu bé mồ côi tạm thời bị “ách” lại.

“Việc nuôi dưỡng cháu bây giờ rất tốn kém: Tiền ăn, tiền học, tiền thuốc men khi bệnh… Vừa rồi cháu đi mổ thoát vị bẹn cũng mất ngót 6 triệu. Tôi đã già rồi, chỉ tiền lương hưu của tôi thì không cáng đáng được, chủ yếu là các con tôi lo. Biết là vất vả nhưng em tôi ra đi để lại đứa cháu như vậy thì chẳng lẽ mình không cưu mang”, bà Hữu giãi bày.

Người giúp việc “xung phong” nuôi con gia chủ

Thế nhưng vẫn chưa hết, vụ rắc rối với “cha nuôi trên trời rơi xuống” vừa xong, cậu bé mồ côi lại có thêm một “người giám hộ” mới không mời mà đến. Đó là bà Chuyển, người giúp việc cũ của mẹ nuôi, cũng là người chăm sóc mẹ nuôi cậu bé những ngày cuối đời.

Trước khi bà Chuyển tìm tới, những người thân của mẹ nuôi cậu bé đã có nhận định người giúp việc này khá ranh ma khi lợi dụng tình cảnh bà chủ ốm đau, người nhà chậm trễ kiểm tra tài sản của người đã mất, nên bà Chuyển đã… giữ luôn sổ đỏ một mảnh đất của bà chủ và cuốn sổ tiết kiệm trị giá gần 130 triệu đồng.

Sau khi bà chủ mất, người giúp việc này hồn nhiên tìm tới UBND phường Long Biên, nơi bà chủ sống trước khi qua đời, nhận sẽ chăm sóc cháu bé. Tuy nhiên, chiếu theo luật, xét thấy người giúp việc không đủ điều kiện nên chính quyền phường đã ra văn bản khẳng định: “Bà Chuyển không đủ điều kiện để giám hộ cho cháu Phú”.

Theo một trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Thành phố Hà Nội, khối di sản mà mẹ nuôi cháu bé để lại có thể chính là nguyên cớ khiến cho nhiều người cùng “nhiệt tình” nhận nuôi đứa trẻ vốn bất hạnh từ nhỏ.

Chưa rõ “cuộc chiến” xung quanh việc nhận nuôi đứa bé mồ côi bao giờ mới kết thúc, nhưng hậu quả thấy rõ là cháu Phú hiện không được nhận tiền trợ cấp hàng tháng; và gia đình bà Hữu, người giám hộ hợp pháp của cháu Phú, cũng không thể sử dụng số tiền mẹ nuôi của Phú để lại để nuôi dưỡng cháu. Vị chuyên gia trợ giúp pháp lý nhận định về vụ việc: “Chỉ vì lòng tham của người lớn mà giờ đây quyền lợi chính đáng của đứa trẻ đã tội nghiệp, lại càng thiệt thòi”.

Theo PLVN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.