Cô bé 13 tuổi, vừa gặp đã theo bạn trai về...'làm vợ'

Theo hồ sơ vụ án, Thừa và Ngọc quen nhau qua mạng xã hội, thường xuyên liên lạc bằng điện thoại di động, sau đó nảy sinh tình cảm.

Quen nhau qua mạng xã hội, Kiêm Thừa (SN 1987, ngụ ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã đưa bé Trần Thị Ngọc (sinh ngày 15/8/2003) về nhà sống với mình như vợ chồng. Vụ việc bị phát giác, Thừa bị tuyên phạt 3 năm tù, bồi thường cho nạn nhân 12,1 triệu đồng.


Người bà cho biết cháu gái coi như “mất cha, mất mẹ” vì cha bỏ đi, mẹ biệt tích

Mối tình qua mạng xã hội

Theo hồ sơ vụ án, Thừa và Ngọc quen nhau qua mạng xã hội, thường xuyên liên lạc bằng điện thoại di động, sau đó nảy sinh tình cảm.

Ngày 29/11/2015, cả hai hẹn gặp ở nhà Ngọc thuộc ấp Hòa Khanh (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Thừa chạy xe máy BKS 83H6-0670 từ nhà xuống ấp Hòa Khanh đón Ngọc.

Khi Thừa xuống đến điểm hẹn là cây xăng Khánh Hào, Ngọc đã chờ sẵn. Lúc đó là 15h ngày 30/11/2015. Nghe Thừa rủ về nhà chơi, dù chưa biết người thanh niên lần đầu gặp mặt ở đâu, gia đình như nào, bé gái vẫn nhận lời.

Thừa chở cô bé một mạch “về dinh” ở ấp An Nhơn, xã Thới An Hội. Cặp đôi sống với nhau như vợ chồng.

Theo lời khai của Thừa, từ ngày 01/12-10/12/2015, Thừa và Ngọc ngủ chung trong buồng của gia đình Thừa. Cả hai thường xuyên quan hệ tình dục trong 5 ngày, từ ngày 01-05/12/2015. Những ngày sau đó, cặp đôi giận nhau do Thừa ghen khi Ngọc kể về bạn trai cũ.

Về gia đình Ngọc, bà ngoại (66 tuổi) thấy cháu “bỗng dưng mất tích” nên cùng người nhà đổ xô đi tìm. Đến ngày 10/12/2015, gia đình phát hiện Ngọc đang “làm vợ” Thừa ở xã Thới An Hội nên đưa cháu về.

Sang ngày 11/12/2015, bà ngoại Ngọc đã tố giác hành vi của Thừa đến Công an xã Thới An Hội và Công an huyện Kế Sách.

Tiếp nhận tin báo, nhận thấy Ngọc chưa đủ 13 tuổi nên Công an huyện Kế Sách đã chuyển vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng điều tra theo thẩm quyền.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã trưng cầu giám định pháp y về tình dục và giám định tuổi đối với Ngọc. Kết luận pháp y cho biết vào thời điểm giám định (tháng 12/2015), tuổi của Ngọc từ 13 đến 13 năm 6 tháng và đã quan hệ tình dục.

Căn cứ trên độ tuổi này, hồ sơ vụ việc lại được Công an Sóc Trăng chuyển về cho Công an huyện Kế Sách thụ lý theo thẩm quyền.

Tại CQĐT, Thừa đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Công an huyện Kế Sách đã khởi tố Thừa về tội “Giao cấu với trẻ em”.

Ngày 27/6/2016, TAND huyện Kế Sách đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, bà ngoại đại diện cho bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho cháu mình 30 triệu đồng.

Bị cáo cho rằng gia đình mình cũng nghèo khổ nên mức bồi thường 30 triệu là quá cao. Hơn nữa, theo bị cáo, việc thực hiện quan hệ tình dục giữa bị cáo và bị hại là do bị hại tự nguyện. Bị hại chỉ chấp nhận bồi thường 10 triệu đồng.

Phút buồn lòng của nạn nhân

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Thừa 3 năm tù vì tội “Giao cấu với trẻ em”, buộc bồi thường cho gia đình bị hại 12,1 triệu đồng (tương đương 10 tháng lương tối thiểu).

Không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm, bà ngoại bị hại kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc bị cáo bồi thường 30 triệu đồng.

Ngày 25/8/2016, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án và giữ nguyên bản án sơ thẩm, với lý do: “Cấp sơ thẩm đã áp dụng mức cao nhất theo quy định của pháp luật”.

Hai cảnh éo le

Ngày 27/8, khi PV đến nhà, bà Lê Thị Son (bà ngoại bị hại) giãi bày về hoàn cảnh éo của gia đình mình và cô cháu gái Trần Thị Ngọc.

Căn nhà của 3 ông cháu, bà cháu Ngọc là một căn nhà tình thương do địa phương xây dựng, nhưng chưa xong nên trống trước hở sau. Vật dụng không có gì đáng giá ngoài chiếc vô tuyến cũ kỹ và chiếc giường.

Bà Son cho biết: Gia đình bà là người dân tộc Khmer ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên. Gia đình không có đất đai sản xuất nên sống chủ yếu bằng làm thuê làm mướn. Vợ chồng bà có 4 người con, 3 gái, 1 trai, tất cả đều lập gia đình và ai cũng nghèo khổ. Trong đó, một người con trai đã qua đời vì tai nạn giao thông.

Về hoàn cảnh cháu Ngọc, người bà kể: “Con gái tôi (mẹ Ngọc - PV) không được học hành nhiều. Lớn lên, gặp và lập gia đình với một thanh niên người dân tộc Khmer cùng xã. Nhưng khi có bầu Ngọc, chồng nó say xỉn tối ngày rồi bỏ mẹ con nó đi biệt xứ.

Sau khi Ngọc được 2 tuổi, mẹ nó để con lại cho vợ chồng tôi nuôi, nói đi Sài Gòn làm công nhân kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng mất biệt từ đó đến nay, không biết ở đâu.

Nhiều lần gia đình dò hỏi nhưng không ai biết nó sống chết nơi nào. Chúng tôi muốn thông báo trên báo đài nhưng nhà không có tiền nên không thực hiện được”.

Bà Son thở dài: “Coi như vợ chồng tôi mất con, con Ngọc mất cha, rồi mất luôn mẹ. Còn bên nội Ngọc ở ngay xã này nhưng cũng không ngó ngàng gì tới”.

Cuộc sống của vợ chồng bà Son từ đó vốn đã vất vả lại càng khó khăn hơn. Nhất là cách đây 5 năm, chồng bà Son (66 tuổi) bị tai biến nằm một chỗ. Cuộc sống của hai vợ chồng già và đứa cháu ngoại càng chật vật.

Kể từ khi ông ngã bệnh liệt giường, hàng ngày Ngọc ở nhà chăm sóc ông, còn bà Son làm thuê kiếm sống bằng nhiều việc như rửa chén bát cho quán ăn, giặt giũ, cắt cỏ, dặm lúa… Ai kêu gì làm nấy để có tiền lo cơm gạo cho chồng và cháu. Nhưng công việc cũng không thường xuyên, bữa có bữa không.

Nói về cháu Ngọc, bà Son tỏ vẻ phiền muộn: “Nó học xong lớp 5 thì phải nghỉ vì nhà quá nghèo, ông ngoại lại bị bệnh. Bữa nó bỏ nhà đi, tôi không biết nó đi đâu, cứ sợ bị người ta lừa đem đi bán qua biên giới thì khổ.

Sau khi tìm được ở nhà Thừa, biết cháu mình bị hại nhưng tôi cũng không trách cứ gì phía nhà họ nhiều, vì lỗi cũng do cháu mình một phần”.

Bị cáo cũng nghèo, không biết chữ, cha bỏ đi

Bà Son cho biết, sau khi phát hiện sự việc, gia đình Thừa có cậu và mẹ Thừa đã xuống nhà bà nhận lỗi, mong gia đình bỏ qua, đồng thời xin cưới Ngọc cho Thừa.

Bà Son không chịu vì cháu gái mới 13 tuổi. “Lúc đó thấy họ cũng tội nghiệp nên tôi chỉ yêu cầu họ bồi thường cho cháu mình 15 triệu đồng. Nhưng họ hứa rồi đi “một hơi” về luôn”, bà Son cho biết.

Về phán quyết của tòa, bà Son chua chát: “Đời cháu tôi mà họ chỉ bồi thường 12,1 triệu đồng thì không thể nói gì hơn. Chúng tôi là dân nghèo, ít học, ít hiểu biết pháp luật. Tòa tuyên sao biết vậy. Chứ biết làm sao giờ? Họ nói cháu tôi chỉ bị tổn thất về tinh thần nên bồi thường như vậy là đúng, thì chúng tôi biết vậy.

Chúng tôi biết gia đình Thừa cũng là người Khmer, cũng nghèo, Thừa không biết chữ. Hơn nữa, nó cũng rơi vào cảnh ngộ cha bỏ đi từ khi nó còn nhỏ. Nhưng chúng tôi thấy gia đình nó cũng thiếu trách nhiệm với con cái, với cháu tôi”.

Với nạn nhân trong vụ án, Ngọc cúi đầu nói: “Hồi đó con đi học vui lắm, học luôn đạt loại khá. Khi đi học, con mơ ước sau này được làm cô giáo nhưng do nhà ông bà nghèo nên không tiếp tục học được nữa.

Nghĩ lại chuyện vừa xảy ra, con buồn lắm. Con không trách, không giận anh Thừa, vì con cũng có lỗi. Nhưng sau này anh ra tù, nếu có trở lại với con thì con sẽ từ chối. Mong ước của con bây giờ là có tiền chữa bệnh cho ông ngoại và tiếp tục đi học để sau này có nghề sinh sống”.

Tên nạn nhân và người thân đã được thay đổi.

“Đời cháu tôi mà họ chỉ bồi thường 12,1 triệu đồng thì không thể nói gì hơn. Chúng tôi là dân nghèo, ít học, ít hiểu biết pháp luật. Tòa tuyên sao biết vậy. Chứ biết làm sao giờ?

Theo PLO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.