“Con giết mẹ” một mực kêu oan

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, bất chấp lời kêu oan của các bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại; những mâu thuẫn về địa điểm, thời gian, cách thức thực hiện hành vi...

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, bất chấp lời kêu oan của các bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại; những mâu thuẫn về địa điểm, thời gian, cách thức thực hiện hành vi...

Ngày 9-1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa vụ án giết người, che giấu tội phạm ra xét xử đối với 2 bị cáo Huỳnh Văn Quyên (SN 1962, ngụ huyện Long Hồ - Vĩnh Long) và Lê Thị Tám (SN 1967) theo đơn kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại. Các nhân chứng đều vắng mặt tại tòa.

Những cơ sở buộc tội

Theo nhận định từ bản án sơ thẩm ngày 28-2-2012 của TAND tỉnh Vĩnh Long  và lời luận tội của đại diện VKSND Tối cao tại TPHCM, mặc dù các bị cáo không nhận tội, nhưng căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, như lời khai của người làm chứng Trần Thị Ngọc Yến, Dương Quang Phuông, cùng kết quả giám định, tang vật thu được, tờ thú nhận tội của các bị cáo... đã chứng minh được khoảng 2 giờ ngày 7-2-2007, Quyên gọi mẹ ruột là bà Dương Thị Tám thức dậy đi Cà Mau như đã hẹn với bà Nguyễn Thị Sứ.
 
Bà Tám không đi Cà Mau mà tiếp tục la rầy vợ chồng Quyên về việc ép chuối và tổ chức đám giỗ không đúng ý bà.  Quyên liền dùng tay trái bóp vào cổ áo bà Tám, tay phải ôm sau lưng kéo lại.
 
Bị cáo Huỳnh Văn Quyên tại phiên tòa
 
Bị cáo Huỳnh Văn Quyên vẫn bị tuyên mức án tù chung thân như tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TỐ TRÂM
 
Khi bà Tám không còn cử động, nghĩ bà đã chết, vợ chồng Quyên khiêng xác nạn nhân xuống bến sông trước nhà để dùng xuồng chở ra sông phi tang. Lúc này có bà Yến (đang hái trộm bưởi trước sân nhà Quyên) nhìn thấy.
 
Trên đường vợ chồng Quyên bơi xuồng về nhà, ông Phuông đi soi ếch bằng xuồng về và bà Yến đang đi bộ trên đường đều nhìn thấy. Theo kết quả giám định, nguyên nhân nạn nhân tử vong là do ngạt nước, suy hô hấp cấp, trụy tim mạch.
 
Theo đại diện VKSND Tối cao, nạn nhân chết lâm sàng trước khi xuống nước, vì vậy loại trừ lời khai của bị cáo và đại diện hợp pháp người bị hại cho là bà Dương Thị Tám tự cột bao gạch vào người tự vẫn. Những người giam cùng phòng với 2 vợ chồng Quyên có lời khai “nghe các bị cáo kể về việc Quyên bóp cổ mẹ chết”.
 
Tại tòa, Quyên khai có báo với công an sau khi phát hiện xác của mẹ nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện. Vợ chồng Quyên liên tục kêu oan, cho rằng không chèo xuồng ra khỏi nhà nhưng các nhân chứng Yến và Phuông khai có thấy các bị cáo và họ cam kết lời khai này trước pháp luật nên trở thành căn cứ của vụ án.
 
CQĐT tỉnh Vĩnh Long không dựng lại hiện trường do Lê Thị Tám sợ xấu hổ với bà con. Vợ chồng Quyên cho rằng nhận tội vì bị ép cung, dùng nhục hình nhưng CQĐT tỉnh Vĩnh Long khẳng định không dùng nhục hình, bức cung, cũng không nhận được đơn khiếu nại của các bị cáo...
 
Từ những cơ sở đó, đại diện VKSND Tối cao đề nghị giữ nguyên mức án tù chung thân đối với bị cáo Quyên về tội giết người và 4 năm 4 tháng 7 ngày tù đối với bị cáo Lê Thị Tám về tội che giấu tội phạm.

Đầy rẫy mâu thuẫn

Tranh luận với đại diện VKSND, luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng các kết luận giám định y khoa về nguyên nhân chết và giám định vi thể đã chứng minh bị cáo Quyên không phạm tội giết người. Lập luận của CQĐT và VKSND tỉnh Vĩnh Long về hành vi của các bị cáo mâu thuẫn nghiêm trọng với các kết luận giám định y khoa về nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Nếu vì tức giận mà Quyên bóp cổ mẹ với một lực mạnh, vì sao trên cổ nạn nhân không có dấu vết? Giả sử nạn nhân chết lâm sàng do bị bóp cổ thì thời gian chết lâm sàng là bao lâu? Có thể hơn cả 1 giờ không?

Nguồn chứng cứ là lời khai không chứng minh được tội phạm, vì các lời khai tự mâu thuẫn và chống lại kết quả giám định về nguyên nhân chết cũng như kết luận vi thể. Lời khai nhân chứng Yến tự mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo, nhân chứng khác và thực tế khách quan về thời gian nhìn thấy vợ chồng Quyên “khiêng vật dài, nặng”, địa điểm đứng nhìn, vị trí chiếc xuồng chở xác phi tang, mực nước sông...
 
Nhân chứng Phuông chỉ xuất hiện sau gần 4 năm diễn ra vụ án. Vì sao trong suốt thời gian đó, ông Phuông hoàn toàn giấu kín, không hề kể cho ai? Nguồn chứng cứ là vật chứng (chiếc xuồng, túi gạch...) không thu giữ đúng luật, không chứng minh được sự liên hệ trực tiếp với các cơ chế và dấu vết của tội phạm.
 
Đặc biệt, theo luật sư Tùng, động cơ giết mẹ ruột hoàn toàn không thuyết phục khi các anh chị của bị cáo đều khẳng định không có xung đột, mâu thuẫn nghiêm trọng, không có sự tranh giành hay tranh chấp đất đai. Ngược lại, theo các bị cáo và đại diện hợp pháp người bị hại, nạn nhân từng có ý định tự tử vì “già rồi, chết cho khỏe, nằm một chỗ làm khổ con cháu”...

Theo NLĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.