Cú ngã cay đắng cuối đời của bà lang vườn

Nghe anh xe ôm quen biết kể có người Trung Quốc đang kiếm vợ, bà Thiện nghĩ ngay tới đứa cháu họ bị chồng bỏ, không ngờ lần dẫn cháu đi xem mặt ấy khiến bà phải vào tù..

Nghe anh xe ôm quen biết kể có người Trung Quốc đang kiếm vợ, bà Thiện nghĩ ngay tới đứa cháu họ bị chồng bỏ, không ngờ lần dẫn cháu đi xem mặt ấy khiến bà phải vào tù..

Sau khi xem mặt, cô cháu đã đồng ý ở lại làm vợ người đàn ông nọ song trước sức ép của gia đình người phụ nữ kia, bà Thiện phải sang dẫn người về để rồi sau đó bị kết án 3 năm tù về tội buôn bán phụ nữ. Ở cái tuổi 65, bà Thiện không ngờ lại dính vòng tù tội chỉ vì thương người. 

Từ một bà đỡ mát tay, lành bệnh

Khuôn mặt phúc hậu, mái tóc dài để ngôi giữa và một đôi mắt nâu mở to, bà Nguyễn Thị Thiện, sinh năm 1949 ở Linh Hồ, Vị Xuyên, Hà Giang, trông hiền lành như cái tên bố mẹ đặt cho. Hỏi đã lên chức bà chưa, người phụ nữ có khuôn mặt bầu bĩnh, vóc dáng phốp pháp bỗng đỏ hoe đôi mắt. “Tôi có 8 cháu nội, ngoại rồi, đầy đủ dâu, rể, cứ tưởng cuối đời chỉ ngồi nhà hưởng phúc, ai ngờ lại vào đây”.

Chậm rãi đưa khăn tay lên chấm nước mắt vừa trào ra, bà Thiện khẽ thở dài. Từng đi thoát ly, có thời gian công tác xã hội, bà Thiện thừa hiểu việc đưa người ra nước ngoài bán là phạm pháp, là đi tù nhưng sự đời vẫn thường ngoắt nghéo, đâu có thẳng băng như bà nghĩ. 

Thuở son trẻ, bà Thiện cũng vào loại đẹp gái nhưng vì gia đình có nghề bốc thuốc, bản thân lại được tham gia một lớp học sơ cấp về y nên bà chẳng ưng bụng trai bản nào vì chê họ thấp kém hơn mình. Thời gian bán hàng thuốc đông y dưới thị trấn Vị Xuyên, bà Thiện có cảm tình rồi nên nghĩa vợ chồng với một anh lính quê tít tận dưới xuôi, lên Hà Giang làm kinh tế mới.

Lấy quê vợ làm nơi lập nghiệp, do tháo vát nên ngoài làm ruộng, anh lính phục viên yêu cô vợ vùng cao này còn biết cách làm tăng thu nhập kinh tế gia đình bằng cách chăn nuôi và trồng xen canh các loại cây vụ đông như ngô, đỗ, lạc. 


Phạm nhân Nguyễn Thị Thiện.

Chồng giỏi trồng cấy, vợ lại có nghề bốc thuốc chữa các loại bệnh như thần kinh, dạ dày, thận và nhất là nghề đỡ đẻ thì bà Thiện rất mát tay nên kinh tế gia đình cũng thuộc vào diện có bát ăn, bát để. Người vùng cao ít tới trạm xá sinh nở nên nghề đỡ đẻ tại nhà của bà Thiện trở thành đắt giá. Bà đi suốt ngày, ai tới gọi là đi, không nề hà mưa gió hay đêm đông giá lạnh. 

Người dân trong vùng ai cũng biết đến bà, mến bà bởi đứa trẻ nào do bà đón đỡ cũng mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, chưa kể bài thuốc về dạ dày, sỏi thận mà bà kê thang bốc thuốc cho người bệnh đều rất mau khỏi. Chuyện công tác, chuyện gia đình con cái nhưng cái tình cái nghĩa với người dân thôn bản đã khiến bà Thiện không thể cùng lúc hoàn thành được mọi việc nên một thời gian sau, bà xin về mất sức. 

Kể từ đó, bà Thiện ở nhà bốc thuốc chữa bệnh và đi đỡ đẻ. Nói về gia đình mình, bà Thiện bảo do cả vợ cả chồng đều có chút ít kiến thức nên cuộc sống khá bình yên. Họ không đẻ nhiều như đa số các gia đình trong bản nên cả ba người con cả trai lẫn gái của vợ chồng bà, người nào cũng được vợ chồng bà cho ăn học đến hết khả năng thì thôi.

Tất cả các con bà tuy không công tác xã hội nhưng đều biết cách làm ăn nên kinh tế rất khá giả. Trong số 8 cháu nội, ngoại của bà Thiện có 2 người đang học trung cấp y như nghề của bà nội. “Con cháu trưởng thành, ở cái tuổi như tôi, bốc thuốc, chữa bệnh cho vui thôi, ai ngờ cuối đời lại phải vào đây hưởng an nhàn”, bà Thiện lại thở dài, đôi mắt ngấn nước.

Đến lòng thương không đúng chỗ

Tuổi cao nhưng vì đỡ đẻ mát tay nên mỗi khi có người tới nhờ vả, mặc dù con cháu không cho đi nữa vì sợ sức già đi lại vất vả song bà Thiện vẫn đi bởi cái tâm lý: “Không ai nhờ thì thôi chứ đã có người báo là sốt ruột như thể họ chính người thân của mình”, và cũng vì một lý nữa là “nhớ nghề”.

Một lần đi đỡ đẻ ở bản xa, đêm tối không nhìn rõ đường nên bà Thiện bị ngã, gãy tay, di chứng đến tận bây giờ. Kể từ đó, đi đâu bà Thiện lại thuê xe ôm chở và đó chính là duyên phận đưa đẩy để bà quen với Dìn Văn Minh, ở thị trấn Đồng Văn, người đã dẫn bà thành kẻ phạm tội.

Một lần chở bà đi bốc thuốc, Minh vui miệng kể vừa quen một vị khách người Trung Quốc. Anh ta ngỏ ý muốn nhờ kiếm một phụ nữ Việt Nam làm vợ, nếu được sẽ trả công. Từng có thời gian ra xã hội công tác, bà Thiện hiểu thế nào là buôn người nên khuyên Minh đừng lừa người đi bán, kẻo mà phạm tội. Minh cười vì cho rằng bà Thiện già cả, hay lo xa nên giải thích rằng sẽ chỉ hỏi những ai ế ẩm, hoặc chồng bỏ, nếu đồng ý thì dẫn sang cho xem mặt, nếu không thích thì về chứ không mua bán. 

Nghe có lý, bà Thiện chợt nghĩ tới Phan Thị Nghĩa, đứa cháu họ nhà mình. Nghĩa không còn trẻ, lại có hai con rồi nhưng cuộc sống vất vả khó khăn, vì không sinh được con trai nên bị chồng đuổi về nhà để lấy vợ khác. Thương Nghĩa thui thủi một mình đi nương, đi rẫy nên đi đâu về, có món gì ngon bà Thiện đều gọi cô cháu này sang cho một ít mang về. 

Không nói ra ý định của mình, bà chỉ hỏi Minh có biết nhà người đàn ông cần vợ kia không, gia cảnh thế nào, cả chuyện kinh tế nữa rồi im lặng. Trong thâm tâm, bà Thiện chỉ muốn Nghĩa có người bầu bạn nên tính chuyện sẽ hỏi Nghĩa có muốn lấy chồng nước ngoài không rồi sẽ liệu tính.

“Tôi hỏi Nghĩa có muốn lấy chồng nữa không. Nó bảo muốn nên tôi mới hẹn Minh đưa nó đi. Tôi còn bảo Nghĩa rằng sẽ dẫn nó sang đấy, nếu ưng bụng thì ở lại còn không thì về, chứ nào có bán chác, được xu tiền công nào đâu”, bà Thiện kể. Lần này thì người phụ nữ 65 tuổi không thể kìm nén được nữa, ôm mặt khóc nức nở.

Sau khi gọi điện cho người lái xe ôm tên Minh, bà Thiện cùng cô cháu gái đón xe ra biên giới, cùng Minh sang nhà người đàn ông nọ. Tại đây, ba người được tiếp đón chu đáo và sau cuộc trò chuyện, Nghĩa đồng ý ở lại nên bà Thiện cùng Minh quay về nước.

Cứ nghĩ việc mình làm là có ích, bà Thiện kể với bố mẹ Nghĩa, không ngờ bị họ phản ứng gay gắt. Họ bắt bà Thiện bằng mọi cách phải đưa Nghĩa trở về, mặc cho bà giải thích rằng Nghĩa đã ưng bụng lấy người kia làm chồng. Không còn cách nào khác, bà Thiện phải quay ngược lại Trung Quốc, thuyết phục Nghĩa quay về. Điều mà bà không tưởng lại xảy ra là khi vừa đặt chân về nước, Nghĩa đã làm đơn tố cáo bị lừa bán và đó là lý do khiến bà Thiện phải trả giá bằng bản án 3 năm tù.

Từ một bà đỡ mát tay trở thành kẻ phạm tội, vì suy nghĩ, tóc bà bạc đi trông thấy. Nhìn mái tóc bà bạc trắng thành từng vệt, tôi cảm thấy ái ngại cho người phụ nữ đã ở cái tuổi lên ông, lên bà, chắc đã khóc, đã nghĩ nhiều lắm.

Bà bảo tuổi già, tay gãy còn di chứng nên tuy không phải lao động nặng nhọc nhưng cứ nghĩ tới thân tù đày là bà lại mất ngủ, suy nghĩ. Con cháu thi thoảng vài tháng lại xuống thăm, gửi thuốc thang và những lời động viên nhưng càng nghĩ bà càng thấy ân hận. Theo lời bà Thiện thì bà chỉ có một niềm an ủi: "Cũng may ông nhà tôi mất được 2 năm rồi chứ còn sống thì tôi đau khổ, nhục nhã lắm".

Theo Xzone


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.