Hối hận muộn màng của những người cha tội lỗi

Mỗi người một hoàn cảnh phạm tội nhưng lại có kết cục chung là nhận án tử hình. Đến lúc phải trả giá cho tội lỗi, họ van vỉ xin được sống bởi nghĩ đến những đứa con.

Mỗi người một hoàn cảnh phạm tội nhưng lại có kết cục chung là nhận án tử hình. Đến lúc phải trả giá cho tội lỗi, họ van vỉ xin được sống bởi nghĩ đến những đứa con.

Khúm núm trước vành móng ngựa một ngày cuối tháng 8, Trần Minh Long (nguyên kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước chi nhánh huyện Nhà Bè, TP HCM) cúi gằm mặt, đôi tay siết vào nhau khi nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án. "Bị cáo còn con nhỏ, bị cáo không muốn sau này con mình lớn lên phải mang một nỗi ám ảnh về người cha bị tội chết vì phạm pháp. Nếu được sống bị cáo sẽ dạy cho con trai của mình trở thành người có ích chứ không sai trái như mình", Long khẩn khoản.

Phía dưới khán phòng, vợ của Long gục đầu, khuôn mặt nhợt nhạt lộ rõ vẻ mệt mỏi ở đôi mắt thâm quầng. Trước đó, khi VKSND Tối cao đề nghị toà giữ nguyên án tử hình với Long, ánh mắt ấy đã dại đi.


Bị cáo Long tại tòa. Ảnh: H. G.

Giờ nghị án chị tâm sự, từ ngày chồng vướng lao lý, dù tinh thần suy sụp chị vẫn cố gắng đi làm để nuôi con nhỏ. "Nhiều lần con trai hỏi về cha, nhưng tôi đều phải nói dối ba cháu đang đi công tác xa. Anh ấy mà được sống thì suốt đời này có cực khổ đến đâu để trả nợ tôi cũng cam lòng", người vợ trẻ đưa tay quẹt nước mắt.

Bản án sơ thẩm xác định, Long đã lợi dụng vai trò là Kế toán trưởng, tham ô hơn 44 tỷ đồng để cá độ đá banh. Với hành vi này, Long bị TAND TP HCM tuyên án tử hình. Vì số tiền thất thoát quá lớn không thể khắc phục được, TAND Tối cao tại TP HCM hôm ấy cũng bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên mức án cao nhất đối với bị cáo.

Không gào thét đau đớn, người vợ trẻ chỉ lẳng lặng nhìn chồng bị dẫn giải đi với ánh mắt buồn rười rượi. Long cố ngoảnh lại nhìn vợ, vành mắt ngấn nước rồi vội bước theo cán bộ dẫn giải ra xe tù. Vừa phải nén nỗi đau mất chồng, người vợ trẻ ấy còn phải giữ cả bí mật về sự ra đi của người cha cho đứa con của mình.

Ngược lại, với con trai của Huỳnh Hữu Nghĩa thì tội lỗi của người cha sẽ là nỗi ám ảnh tâm trí non nớt của bé. 11 tuổi em đã chứng kiến cha bị xét xử về tội Giết người, lĩnh án tử hình.

Giữa tháng 8, Nghĩa bị đưa ra xét xử lưu động tại khu dân cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh (TP HCM) với sự chứng kiến của hàng trăm người. Con trai 11 tuổi của Nghĩa cũng theo bà nội đến phiên tòa. Cậu bé khôi ngô, sáng sủa, luôn khép nép khiến nhiều người để ý.


Bị cáo Nghĩa cố nhìn theo đứa con trước khi bị dẫn giải lên xe tù. Ảnh: Hải Duyên.

"Tội nghiệp thằng bé, từ nhỏ cha mẹ đã sớm ly hôn, giờ lại chứng kiến cảnh cha bị đưa ra xét xử, không biết rồi cuộc đời nó sẽ ra sao" người đàn bà trung tuổi lắc đầu, nhìn đứa bé với ánh mắt ái ngại.

Theo cáo trạng, do không có việc làm ổn định, vào tháng 11/2011, Nghĩa nảy sinh ý định ăn trộm bình ắc quy ôtô. Bị phát hiện và truy hô, trong lúc chạy trốn gã đánh rơi dép và điện thoại. Phi vụ không thành lại bị "lỗ", Nghĩa quay lại bắt gia chủ phải bồi thường. Trong lúc gây sự, hắn đã đâm chết người nhà gia chủ.

Từ đầu phiên xử Nghĩa tỏ ra khá bình tĩnh, nhưng đến khi bị VKS đề nghị mức án tử hình, anh ta trở nên bấn loạn, nước mắt đầm đìa khi thấy mẹ ngất lịm và con trai nức nở sau lưng. Giọng lạc hẳn, bị cáo nói: "Xin HĐXX cho tôi một con đường sống để làm lại cuộc đời. Tôi vẫn còn phải nuôi dạy con nhỏ".

Giờ tuyên án, Nghĩa lại ráo riết nhìn xung quanh tìm con. Thấy đứa trẻ đứng tận góc xa, người cha tội lỗi giàn giụa nước mắt. Bé định nhào đến gần nhưng bị người thân ghìm lại. Suốt thời gian nghe toà tuyên án, Nghĩa không rời mắt khỏi con.

Ngoài hành vi giết người côn đồ, Nghĩa còn có tiền án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy... nên HĐXX tuyên phạt mức án tử hình. Vị chủ tọa vừa dứt lời, Nghĩa loạng choạng rồi khụy xuống nhưng vẫn cố nhìn về phía con. Phiên tòa kết thúc từ lâu nhưng cậu bé vẫn đứng ngẩn ngơ nhìn về hướng chiếc xe tù đã khuất bóng.

Cũng chung hoàn cảnh, con của Tân mới hơn một tuổi nhưng cùng lúc phải chịu cảnh cha mẹ chia tay rồi không lâu sau người cha cũng phải đền mạng vì gây tội ác.

Trần Vương Nhật Tân (21 tuổi) là bảo vệ cho một công ty tại Bình Dương. Rạng sáng 16/2, trong lúc đi tuần tra gã bảo vệ trẻ thấy chị Việt, nữ phiên dịch viên, ngủ trong phòng của công ty nên đã nảy sinh thú tính. Hắn cạy cửa vào thực hiện hành vi đê hèn rồi nhẫn tâm giết nạn nhân bịt đầu mối.

Hồi tháng 4, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt mức án tử hình đối với Tân về các tội Giết người và Hiếp dâm. Ba tháng sau, trong phiên xử phúc thẩm xin giảm án, Tân tỏ ra ăn năn khi thừa nhận toàn bộ tội lỗi. Anh ta cũng nhắc đến đứa con còn nhỏ dại của mình, mong được pháp luật khoan hồng để có cơ hội nuôi dạy con.


Bị cáo Tân sau phiên phúc xử. Ảnh: Hải Duyên.

Luật sư bào chữa cho Tân cũng tha thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo đã có thái độ ăn năn hối cải, động viên gia đình khắc phục một phần hậu quả. Bị cáo cũng là lao động chính trong gia đình, có con còn nhỏ, vừa ly dị vợ, phạm tội trong tình trạng say rượu… Nghe vị luật sư bào chữa, Tân ngồi trầm ngâm trên băng ghế dài với vẻ mặt căng thẳng.

Xác định tội ác của Tân "là không thể tha thứ, không còn tính người...", Toà Phúc thẩm TAND Tối cao vẫn giữ nguyên án sơ thẩm.

Lặng người sau phán quyết của HĐXX, Tân lê những bước đi nặng nhọc theo cảnh sát. Không ai biết Tân nghĩ gì khi đôi mắt thỉnh thoảng lại nhắm nghiền...

Theo Vnexpress


Bình luận