Kiều nữ ngân hàng lừa đảo để có tiền sang chảnh

Ai cũng ngưỡng mộ sự giàu có của Linh mà không ngờ rằng số tiền cô ta có được là do lừa đảo.

Ai cũng ngưỡng mộ sự giàu có của Linh mà không ngờ rằng số tiền cô ta có được là do lừa đảo.

Có trình độ hiểu biết, được học hành bài bản, thế nhưng thay vì áp dụng những kiến thức đã có vào công việc, Nguyễn Thị Linh (SN 1990, trú tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - cựu nhân viên một ngân hàng TMCP lại chọn cách đi lừa đảo để có tiền sắm các món đồ hàng hiệu đắt tiền.

Lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tiền

Sinh ra trong một gia đình bố công tác trong quân đội, mẹ là giáo viên, Linh được cha mẹ nuông chiều từ bé. Quen với cuộc sống hưởng thụ, lớn lên, lập gia đình nhưng Linh chẳng mấy khi để tâm đến tổ ấm nhỏ.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Linh thường xuyên chia sẻ cuộc sống xa hoa với những chuyến du lịch trong và ngoài nước cùng các món hàng hiệu đắt tiền. Bạn bè, đồng nghiệp ai cũng ngưỡng mộ sự sung túc, giàu có của Linh mà không ngờ rằng số tiền cô ta có được là do lừa đảo. Chỉ đến khi Linh bị lực lượng chức năng bắt giữ, mọi người mới ngã ngửa về sự thật phía sau những hào nhoáng ấy.

Kiều nữ ngân hàng lừa đảo để có tiền sang chảnh
Nguyễn Thị Linh đã bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Số tiền Linh lừa đảo chiếm đoạt khi làm việc tại Phòng giao dịch một Ngân hàng ở tỉnh Bắc Giang từ cuối năm 2016 đến khi bị bắt giữ tổng cộng gần 2 tỷ đồng và được sử dụng vào việc chi tiêu, mua sắm cá nhân.

Gương mặt ưa nhìn, vóc dáng cân đối, lại luôn tỏ ra cởi mở, thân thiện nên Nguyễn Thị Linh được nhiều khách hàng tin tưởng. Thay vì đến ngân hàng để giao dịch, khách hàng lại giao thẻ tín dụng cho Linh để nhờ hủy khi không có nhu cầu sử dụng.

Sự sơ hở này của khách hàng đã vô tình tạo kẽ hở cho Linh thực hiện hành vi trái pháp luật. Nữ nhân viên này đã mang thẻ tín dụng của khách để thanh toán các khoản chi tiêu, rút tiền chiếm đoạt.

Thậm chí có trường hợp vay vốn tại nơi đối tượng làm việc còn tin tưởng ký sẵn vào biểu mẫu đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử chưa điền thông tin mà Linh đưa cho.

Sau đó, Linh tự điền nội dung, sử dụng sim rác để đăng ký dịch vụ chuyển qua mạng. Khi khách hàng nộp tiền trả nợ, đối tượng đã sử dụng số điện thoại đăng ký trên để chuyển tiền vào tài khoản của mình.

Không chỉ dừng ở việc lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi, tinh vi hơn, Linh còn làm giả hồ sơ, sử dụng tài liệu thông tin của một số khách hàng đã mở thẻ tín dụng lập hồ sơ khống vay tín chấp. Thông qua hình thức này, Linh đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của ngân hàng.

Theo lời khai của đối tượng, số tiền Linh lừa đảo chiếm đoạt khi làm việc tại Phòng giao dịch Ngân hàng từ cuối năm 2016 đến khi bị bắt giữ tổng cộng gần 2 tỷ đồng và được sử dụng vào việc chi tiêu, mua sắm cá nhân.

Xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng khi đối tượng lừa đảo nhiều cá nhân, tập thể nên lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc điều tra, mở rộng vụ án.

Đến thời điểm này, ngoài hai chi nhánh tại tỉnh Bắc Giang, Linh khai đã dùng thủ đoạn tương tự như trên để chiếm đoạt tiền của một ngân hàng tại Hà Nội. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nỗi ân hận muộn màng

Trở lại phía sau song sắt nơi Nguyễn Thị Linh đang bị tạm giam. Không còn vẻ rạng rỡ của một kiều nữ hôm nào, Linh hôm nay trông hốc hác, bơ phờ và gầy guộc. Ánh mắt xa xăm bất định về khoảng hư vô phía trước, Linh không biết sau này sẽ bắt đầu cuộc sống lại ra sao.

Càng ân hận, cô lại càng dằn vặt về nỗi đau mà mình đem đến cho người thân. Lẽ ra, trong những ngày xuân ấm áp, gia đình quây quần sum họp thì Linh phải đón năm mới nơi trại giam. Lạnh lẽo, cô đơn khiến cô càng thấm thía về tội lỗi của mình.

Mặc dù gia đình đối tượng đã khắc phục hầu hết thiệt hại do Linh gây ra nhưng bản án tù giam là điều không thể tránh khỏi đang chờ Linh. Đây là bài học đắt giá không chỉ với đối tượng mà còn cảnh tỉnh những ai có ý định trục lợi bất chính cần sớm giác ngộ, làm ăn chân chính.

Đại tá Hoàng Văn Ân, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, để đối tượng có thể lừa đảo số tiền lớn trên một phần do sự chủ quan, lơ là của khách hàng khi giao thẻ tín dụng, ký giấy tờ, tài liệu mà không có nội dung.

Bên cạnh đó, công tác quản lý của ngân hàng còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm tra, xác thực thông tin hồ sơ khách hàng và giám sát nguồn vốn sau khi giải ngân. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện hành vi sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa tình trạng tượng tự xảy ra, Công an tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang thông báo phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội tới các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không thực hiện bất cứ giao dịch hay đăng ký dịch vụ gì khi chưa nắm rõ nội dung. Tuyệt đối không giao các thẻ tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin cá nhân cho người khác.

Về phía các ngân hàng cần tăng cường quản lý, giáo dục đối với cán bộ, nhân viên; giám sát chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ, thẩm duyệt hồ sơ cho vay cũng như mục đích sử dụng nguồn vốn.

Theo Thái An (Soha/Trí Thức Trẻ)


lừa đảo

kiều nữ

sang chảnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.