Lừa đảo trong bệnh viện

Với nhiều kịch bản hoàn hảo, các đối tượng đã khiến nhiều người “sụp bẫy” dễ dàng. Đáng nói, dù bảo vệ bệnh viện “nhẵn mặt” nhưng một số đối tượng vẫn không bị xử lý vì... chưa đủ chứng cứ

Với nhiều kịch bản hoàn hảo, các đối tượng đã khiến nhiều người “sụp bẫy” dễ dàng. Đáng nói, dù bảo vệ bệnh viện “nhẵn mặt” nhưng một số đối tượng vẫn không bị xử lý vì... chưa đủ chứng cứ

Bên hành lang Khoa Chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, một phụ nữ bộ dạng thất thểu, nước mắt chảy dài, mếu máo: “Trời ơi, con tôi bị xe tông chấn thương sọ não, đang chờ đóng viện phí để mổ gấp. Tôi đi vay được vài triệu đồng mà bị kẻ gian rạch túi lấy hết, giờ tôi không biết phải làm sao...?”.


Băng nhóm lừa đảo Nguyễn Thị Thùy Dương, Nguyễn Công Cường, Tạ Lâm (ảnh lớn) và đối tượng Lê Trần Thái (ảnh nhỏ) (Ảnh do bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp)

Những kịch bản hoàn hảo

Liền lúc đó, một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến nhét vào tay người phụ nữ 200.000 đồng, nói: “Chị cầm đỡ số tiền này đi, tôi không giàu có gì nhưng thấy người nghèo khó gặp nạn nên nhường cơm sẻ áo... Biết đâu bà con ở đây rủ lòng cho thêm để thuốc thang cho cháu”. Người đàn ông vừa dứt lời, một thanh niên khác cũng đến dúi vào tay người phụ nữ 500.000 đồng. Thấy vậy, một số người nuôi bệnh khác cũng đến góp tiền. Tuy nhiên, khi thấy  bóng dáng bảo vệ, người phụ nữ và 2 người đàn ông vội lẻn đi nhưng đã bị bảo vệ phát hiện, mời về phòng làm việc.

Tại đây, cả nhóm khai  tên Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1987) trong vai người bị mất tiền, Nguyễn Công Cường (SN 1979, quê Đồng Tháp) và Tạ Lâm (SN 1990, ngụ quận Bình Tân - TPHCM) làm “cò mồi” để những người xung quanh thấy tội cho tiền. Chỉ trong vòng 10 phút, nhóm này đã lừa lấy được gần 2 triệu đồng. Chị Đỗ Thị Hồng C. (quê An Giang) cho biết: “Thấy cô ta khóc than tội nghiệp quá, tôi cầm lòng không được, rút 200.000 đồng giúp đỡ, nhiều người khác thấy vậy cũng ủng hộ. Không ngờ mình nhẹ dạ quá nên đã “sụp bẫy”... Họ làm vậy, tôi thấy rất buồn vì tình thương mình đặt  nhầm chỗ”.

Mới đây, trong lúc ngồi trước phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Hồng T. (30 tuổi, quê Bến Tre) được một phụ nữ chừng 50 tuổi lân la làm quen rồi nhờ chị giữ giùm 2 giỏ xách để vào phòng cấp cứu lo cho người nhà. Sau đó, chị T. cũng không ngần ngại nhờ người này giữ giùm giỏ để vào thăm người nhà. Khi chị T. quay ra, người phụ nữ và giỏ xách của chị biến mất, chỉ còn lại 2 giỏ xách của người này bên trong chỉ có giấy báo và giẻ rách.

Theo ông Trần Cư, đội trưởng đội bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài những thủ đoạn trên, các đối tượng còn điều nghiên kỹ  hoàn cảnh gia đình nạn nhân rồi gọi điện thông báo con em họ bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi nạn nhân đến nơi, kẻ lừa đảo yêu cầu hoàn tiền  đã đưa vào bệnh viện; phát hiện bị lừa thì chúng đã cao chạy xa bay. Một số kẻ lừa đảo còn mặc áo blouse có logo Bệnh viện Chợ Rẫy, yêu cầu người nuôi bệnh đưa tiền để được mổ sớm… Cũng theo ông Trần Cư, toàn bệnh viện có 63 bảo vệ luân phiên tuần tra ở các khoa, phòng, hành lang và một hệ thống camera dày đặc nhưng kẻ gian vẫn trà trộn vào.

Bắt rồi lại thả

Trong nhóm lừa đảo, trộm cắp, đối tượng Lê Trần Thái (SN 1978, ngụ  Đồng Nai) đã nhiều lần “chạm mặt” với các bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy. Thái ăn mặc lịch sự, sử dụng điện thoại iPhone, trang sức đắt tiền vào bệnh viện la cà ở hành lang, chỗ đông người, lợi dụng sơ hở là dùng dao lam rạch túi nạn nhân lấy tiền. Đã 2 lần Thái bị bảo vệ bắt giao công an nhưng sau đó được thả vì... không có bằng chứng.

Khoảng 3 giờ ngày 14-12-2012, bảo vệ phát hiện Thái dùng dao lam rạch túi anh Trần Sĩ Phú (SN 1989, ngụ Bình Dương). Tiến hành kiểm tra, bảo vệ phát hiện trong người Thái có 7,3 triệu đồng nên lập biên bản bàn giao Công an phường 12, quận 5 xử lý. Tại công an, anh Phú khai bị mất bóp bên trong có 225.000 đồng cùng nhiều giấy tờ khác. Do số tiền trộm cắp không đủ điều kiện xử lý hình sự, Thái bị công an ra quyết định xử lý hành chính 1,5 triệu đồng, bàn giao chính quyền địa phương theo dõi.

Tuy nhiên, rạng sáng 17-2, Thái tiếp tục vào bệnh viện móc bóp ông Đỗ Văn Bạch (60 tuổi, quê Sóc Trăng) mà theo lời khai của ông bên trong có  9,4 triệu đồng. Thái bị bảo vệ bắt giữ tại chân cầu thang tầng trệt với số tiền trong người là 8,3 triệu đồng. Bảo vệ lập biên bản giao công an phường. Tại công an, Thái không thừa nhận hành vi dù nạn nhân xác định Thái là thủ phạm. Cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội, công an chỉ lập hồ sơ lưu, cho Thái viết cam kết rồi thả.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trung tá Lương Minh Khánh, Phó trưởng Công an phường 12, quận 5, xác nhận: “Đối tượng Thái đã bị xử lý hành chính do có hành vi rạch túi một nạn nhân để móc bóp. Tuy nhiên, số tiền không đủ xử lý hình sự nên chúng tôi chỉ phạt tiền. Riêng vụ ngày 17-2, Thái không thừa nhận hành vi trộm tiền, không có nhân chứng, vật chứng nên không thể xử phạt được”.

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.