Mẹ bác sĩ Tường: 'Tôi sẵn sàng đi tù hoặc chết thay con'

Bà Trần Thị Nguyệt, 72 tuổi, nói trong nước mắt: 'Tôi cảm thấy như muôn vàn vết dao đâm vào tim. Tôi muốn chết đi'.

Bà Trần Thị Nguyệt, 72 tuổi, nói trong nước mắt: 'Tôi cảm thấy như muôn vàn vết dao đâm vào tim. Tôi muốn chết đi'.

Cả thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam đã bàng hoàng khi nghe hung tin về bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Đối với người dân trong làng, và đặc biệt trong mắt người mẹ tảo tần, đó là điều không thể.

“Bây giờ, nếu tôi đi tù hay chết thay cho con, tôi sẵn sàng làm điều đó”, bà Trần Thị Nguyệt, năm nay đã 72 tuổi, nói trong nước mắt về đứa con trai của mình. 

me-Tuong-6697-1382695232.jpg

Bà Trần Thị Nguyệt đau đớn khi nghe tin về con trai. Ảnh: Linh Hoàng

Tối 22/10, khi đang đi tụng kinh, bà Nguyệt nghe được tin dữ. Có người trong xóm nói rằng trên Hà Nội có tin một bác sĩ tên Tường đã làm chết bệnh nhân, sau đó ném xác xuống sông phi tang. Bà nghe xong không mảy may nghi ngờ con trai mình. Nhưng một ngày sau đó, khi truyền hình đưa tin, thấy con trai bị công an dẫn đi thì bà đã ngã gục. 

Gia đình bà Nguyệt có 4 người con. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là con cả, cũng là con trai duy nhất. Ba cô em gái đều bị nhiễm chất độc màu da cam, trong đó cô em thứ hai bị nặng nhất, phải nằm một chỗ. Hai cô em út sinh đôi (một người đã lấy chồng) hiện làm việc tại Hà Nội, được bác sĩ Tường cưu mang. Bố bác sĩ Tường đã qua đời cách đây hơn 10 năm. Ông cũng là bác sĩ, từng là bộ đội chống Mỹ và khi trở về bị nhiễm chất độc màu da cam. “Ông nhà tôi đi bộ đội, bị nhiễm chất độc màu da cam trong kháng chiến chống Mỹ. Thằng Tường được sinh ra sau một lần ông về nghỉ phép, khi đó chưa bị nhiễm độc", bà Nguyệt kể.

Mọi hy vọng của cả nhà đều được đặt hết vào bác sĩ Tường. Trong con mắt của người mẹ già, bác sĩ Tường là một người tốt, có ý chí vươn lên trong cuộc sống khó khăn và rất thương gia đình. “Tôi còn nhớ khi tốt nghiệp đại học bố Tường thưởng một chuyến đi Sài Gòn chơi, nhưng cuối cùng Tường quyết định lấy số tiền đấy để mua TV cho cả nhà xem. Nó bảo rằng nhà mình còn nghèo, không thể phí tiền được. Nó luôn biết nghĩ cho mẹ và các em. Ra trường, nó đi làm thêm rất nhiều và lấy tiền gửi về nhà. Nó học giỏi, chuyên môn tốt, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Bao nhiêu hàng xóm lên Hà Nội chữa bệnh đều được nó lo chu đáo. Tôi thì chỉ ở quê chăm đứa em, có lên Hà Nội được đâu", bà Nguyệt nói thêm. 

que1-6225-1382694617.jpg

Từ khi nghe tin, nhiều họ hàng cũng có mặt để động viên bà Nguyệt trong căn nhà của gia đình. Ảnh: Soha

Từ hôm có tin dữ, người thân và hàng xóm lúc nào cũng có mặt ở nhà bà Nguyệt để động viên bà. Phó chủ tịch thị trấn cũng buồn rầu nói: "Gia đình bà Nguyệt được mọi người quý lắm. Đó là gia đình mẫu mực, luôn giúp đỡ mọi người. Thằng Tường xưa nay nó hiền lành lắm, sống trong khó khăn nhưng luôn biết vươn lên trong cuộc sống". Những người khác cũng đều có chung quan điểm trong mỗi câu chuyện họ kể. Những tiếng thở dài kèm theo những lời tiếc nuối: "Tội quá, thằng Tường xưa nay nó hiền lắm, sao lại quẫn trí thế. Khổ thân bà Nguyệt". 

Chia tay mọi người, bà Nguyệt khóc nghẹn: ​"Nó làm sai thì phải chịu tội thôi, nhưng tôi già thế này rồi, nếu nó phải đi tù thì chắc mẹ con tôi không còn thấy nhau nữa rồi".

Theo Ngôi sao


Bình luận