Nhìn lại 6 “đại án” tham nhũng Trung ương chỉ đạo sớm xét xử

Đến nay, đã có 2 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, còn lại đang ở giai đoạn kết luận điều tra hoặc truy tố.

Năm 2016, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp, thống nhất đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử trong năm và đầu quý I/2017. Đến nay, đã có 2 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, còn lại đang ở giai đoạn kết luận điều tra hoặc truy tố.

Hà Văn Thắm và đồng phạm
Hà Văn Thắm và đồng phạm

Một là, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank.

Trong các ngày 1 và 2/12, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phạm Ngọc Ngoạn (60 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty in - thương mại và dịch vụ Ngân hàng Agribank và Đỗ Tất Ngọc (67 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Agribank ra xét xử tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển Nhà máy In Ngân hàng 1 (số 10 Chùa Bộc, Hà Nội) ra khỏi nội đô thành phố và tìm địa điểm hợp lý để xây dựng nhà máy in tiền, ông Ngoạn đã trực tiếp giao dịch, thỏa thuận với công ty INED để nhận chuyển nhượng 20.373m2 đất tại khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội với giá trị gần 94 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 20.373m2 tại Khu công nghiệp Quang Minh của ông Ngoạn là trái quy định của Luật Đất đai năm 2003…Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo trước toà, HĐXX tuyên phạt bị cáo Ngoạn 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Ngọc 30 tháng tù treo.

Nhìn lại 6 “đại án” tham nhũng Trung ương chỉ đạo sớm xét xử ảnh 1
Các bị cáo trong vụ Vinawaco

Hai là, vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco).

Sai phạm xảy ra tại dự án Nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân. Quá trình đấu thầu, công ty Tân Việt đã kí kết với Ban điều hành các dự án nạo vét phía Bắc hợp đồng trị giá 4,6 tỉ đồng.

Để trúng được gói thầu này, Trịnh Văn Thắng (Giám đốc) và Vũ Thanh Huyền (Chủ tịch HĐQT) đã thỏa thuận sẽ “cắt” 50% giá trị hợp đồng để hối lộ cho Phạm Đình Hòa (cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường) và Hồ Thành Nghĩa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án nạo vét phía Bắc) tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Hòa và Nghĩa bị truy tố tội "Nhận hối lộ"

Công ty Tân Việt đã gian dối về vị trí đổ chất thải cũng như cự ly vận chuyển chất thải từ công trình đến địa điểm tập kết. Qua đó, đơn vị thi công này đã “ăn không” hơn 7,8 tỷ đồng của Nhà nước. Huyền và Thắng cùng bị truy tố về các tội "Đưa hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan đến hành vi trên, một loạt các cán bộ thuộc Tổ tư vấn giám sát (Ban Quản lý dự án hàng hải II, Cục Hàng hải Việt Nam) cũng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/7/2016, HĐXX đã trả lại hồ sơ điều tra bổ sung vụ án. Lý do HĐXX sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung là sau khi một số bị cáo trong vụ án bị chuyển tội danh sang tội “Nhận hối lộ”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 279-BLHS với mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình nhưng các bị cáo này không có luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra. 

Cùng với lý do trên, HĐXX còn cho rằng quá trình thẩm vấn các bị cáo trong ngày đầu xét xử đã bộc lộ một số mâu thuẫn mà không thể làm rõ ngay tại phiên tòa.

Ba là, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.

Ngày 9/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ vụ, đồng thời đề nghị truy tố 6 bị can về các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản; “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chủ mưu trong vụ án này là vợ chồng bị can Doãn Ngọc Giang, Kiều Thị Thanh Hương – là chủ mưu trong vụ án hiện đang bỏ trốn nên cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra bị can khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Kết luận điều tra nêu rõ, năm 2005, vợ chồng Giang – Hương thành lập 2 Cty cổ phần Dệt Quế Võ và Cty cổ phần  Dệt may xuất khẩu Chương Dương nhờ anh em và người thân trong gia đình đứng tên làm giám đốc để lập hồ sơ vay 45 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh nay là Phòng giao dịch Bắc Ninh thuộc Sở giao dịch I, Ngân hàng phát triển Việt Nam để đầu tư nhập thiết bị máy Dệt  tại Khu công nghiệp Quế Võ. 

Sau đó, vợ chồng Giang – Hương chỉ đạo các bị can lập khống các hồ sơ về việc nhập khẩu máy móc thiết bị để làm căn cứ giải ngân cho khoản vay, rồi mang tiền sử dụng vào mục đích khác.

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác định cặp vợ chồng Giang – Hương đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 66 tỷ đồng của ngân hàng (cả gốc lẫn lãi). Sau khi chiếm đoạt số tiền này, vợ chồng Giang – Hương đã bỏ trốn. Ngoài ra vợ chồng Giang - Hương còn thành lập 2 công ty tư nhân khác để vay vốn, hiện còn chiếm đoạt gần 2,4 tỷ đồng của Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển.

Nhìn lại 6 “đại án” tham nhũng Trung ương chỉ đạo sớm xét xử ảnh 2
Giang Kim Đạt

Bốn là, vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.

Ngày 24/10/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 4 bị can gồm: Trần Văn Liêm, 61 tuổi, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Trần Văn Khương, 66 tuổi, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt, 39 tuổi, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines, cả ba bị truy tố về tội tham ô tài sản. Còn Giang Văn Hiển, 66 tuổi, trú tại phường Bình An, quận 2, TP Hồ Chí Minh (bố đẻ của Giang Kim Đạt), bị truy tố về tội rửa tiền.

Theo cáo trạng, từ tháng 7/2006 – 3/2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua ba con tàu Vinashin Summer , Vinashin Island và Vinashin Phoenix. Liêm giao cho Giang Kim Đạt thực hiện đàm phán mua tàu. Trong quá trình thực hiện, Giang Kim Đạt đã có hành vi “gửi giá” để tham ô tài sản nhà nước. Cáo trạng kết luận, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, ba bị can Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền là 260,5 tỉ đồng.

Trong đó, bị can Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỉ đồng, Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỉ đồng, Trần Văn Khương chiếm đoạt 110.000 USD. Đối với hành vi của Giang Văn Hiển, cơ quan tố tụng xác định bị can này sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình thì đã rút tiền mặt ra đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và mua đi bán lại 13 xe ôtô đứng tên mình và người thân trong gia đình.

Nhìn lại 6 “đại án” tham nhũng Trung ương chỉ đạo sớm xét xử ảnh 3
Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại toà

Năm là, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty).

Ngày 6/12, Viện KSND Tối cao có cáo trạng truy tố Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978), nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro ngân hàng Vietinbank, cùng 11 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, bị can Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng của chi nhánh ngân hàng này) bị truy tố về tội lừa đảo.

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank - Chi nhánh TPHCM và đã trực tiếp gặp, thoả thuận với người môi giới, người đại diện của 5 Cty để các Cty này gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định của nhà nước.

Để dụ các Cty này, khi tiếp xúc với đại diện đơn vị, người môi giới, Huỳnh Thị Huyền Như đã cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định 14%/năm còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, thực tế phần trả thêm, bị can Như sử dụng tiền cá nhân để trả. Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ cá nhân với tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của 5 Cty nêu trên là hơn 1.085 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại phiên xét xử phúc thẩm trước đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng số tiền của các Cty đã được gửi vào hệ thống của Vietinbank, do đó Như chiếm đoạt số tiền này là chiếm đoạt tiền của Vietinbank chứ không phải lừa đảo của khách hàng và Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn tại Vietinbank nên hành vi của bị can này không phải lừa đảo mà là tham ô tài sản…Tuy nhiên quá trình điều tra lại, cơ quan tố tụng kết luận không có căn cứ để thay đổi tội danh từ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “tham ô tài sản”.  

Sáu là, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank.

Cách đây ít ngày, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và một số đơn vị liên quan, truy tố bị can Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) và 46 bị can khác về các tội danh nêu trên.

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần lãi suất, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.

Hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank. Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng…

Theo Dương Lê (Tiền Phong)

đại án tham nhũng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.