Những vụ cướp kinh hoàng nhất năm 2012

Tình trạng tội phạm đường phố trở nên nóng bỏng vào năm 2012, đặc biệt là ở Sài Gòn. Ngoài ra vấn nạn sử dụng “hàng nóng” cũng trở nên đáng quan ngại, gây bất an xã hội...

Tình trạng tội phạm đường phố trở nên nóng bỏng vào năm 2012, đặc biệt là ở Sài Gòn. Ngoài ra vấn nạn sử dụng “hàng nóng” cũng trở nên đáng quan ngại, gây bất an xã hội...

Cướp giật bị truy đuổi, hạ sát người đi đường

Vụ trọng án xảy ra vào khoảng giữa tháng 9/2012 tại đường Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Hung thủ gây án là Cao Xuân Lập (SN 1984, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM – từng có tiền án về tội “cướp giật tài sản”) đã phục kích giật túi xách chứa máy tính xách tay của anh Hoàng Ngọc Tri (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Định).

Khi bị anh Tri và người dân truy đuổi, Lập đã manh động chống trả đến cùng, khiến anh Tri tử vong và nhiều người khác bị thương. Lập bị bắt giữ tại hiện trường.

Đối tượng gây ra vụ cướp giật chấn động này sau đó bị khởi tố nhiều tội danh như: “cướp tài sản”, “cướp giật tài sản” và “giết người”.

Lời khai của Lập tại cơ quan công an khiến nhiều người hãi hùng: Lập đặt ra quy định, đã đi “săn mồi” (tức cướp giật) thì không được phép về tay không.

Cao Xuân Lập, hung thủ vụ cướp máy tính xách tay, hạ sát người đi đường

Những clip cướp giật hãi hùng

Những đoạn clip phát tán trên mạng đã phần nào phản ánh tình trạng cướp giật khá phổ biến ở Sài Gòn, làm người dân run sợ, bất an mỗi khi ra đường.

Điển hình là vụ cướp giỏ xách táo bạo trên cầu Sài Gòn, Q.Bình Thạnh, xảy ra cuối tháng 9/2012.

Hơn 40 ngày sau, Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM đã bắt giữ 2 kẻ gây án là Lê Minh Pha (SN 1993, ngụ Q.Thủ Đức) và Diệp Tấn Dũng (SN 1993, ngụ Q.6, TP.HCM).

Ngoài ra, hàng loạt vụ cướp giật khác do người dân tình cờ quay được, phát tán trên mạng Internet như: ngang nhiên giật dây chuyền của cô dâu tại đám cưới ở huyện Bình Chánh, TP.HCM (tháng 11/2021); vụ  lao xe trên lề giật giỏ xách của người đi đường trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5…

Clip cướp giật cầu Sài Gòn được phát tán trên mạng Internet.

Chặt tay để cướp xe máy SH

Xảy ra cuối tháng 11/2012, vụ chặt tay cướp xe SH từng gây rúng động Sài Gòn.

Trong đêm vắng trên đoạn đường Vành đai phía Đông, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1984, ngụ Q.2) đã bị 4 tên cướp tấn công, dùng mã tấu chặt đứt tay phải để cướp xe; rất may do có nhiều người dân can thiệp, chúng không lấy được xe, chỉ cướp được túi xách của nạn nhân.

Ngay sau đó trinh sát công an huyện Nhà Bè và Q.2 phối hợp bắt giữ nhóm đối tượng gây án tại một khách sạn thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.

Tất cả 7 tên trong băng cướp nguy hiểm này khai đã thực hiện 15 vụ cướp với cách thức chém người, cướp xe ở khắp các quận, huyện của TP.HCM.

Ngoài ra trong năm 2012 cũng có nhiều vụ cướp táo bạo, thủ đoạn tàn độc như: băng cướp chuyên sử dụng dao phay tấn công người đi đường; băng cướp núp bóng công nhân hay băng cướp do Hoàng “thư sinh” (tức Nguyễn Thủy Hoàng, SN 1988, ngụ Q.Phú Nhuận) gây ra 28 vụ cướp khắp Sài Gòn.

Những tên cướp gây ra vụ chặt tay, cướp xe SH tàn độc ở Q.2, TP.HCM.

Âm mưu cướp ngân hàng bằng súng rúng động

Để thực hiện ước mơ đổi đời, Phạm Anh (SN 1984) và Trần Quang Khải (SN 1981, cùng ngụ TP.Đà Nẵng) sắm súng ngắn đến phục kích trước ngân hàng Agribank Cà Mau và Đông Á, dự tính cướp ngân hàng.

Tuy nhiên chưa kịp gây án, chúng đã bị cảnh sát địa phương nghi ngờ, kiểm tra. Anh bị bắt giữ tại hiện trường; còn Khải đã thực hiện màn đấu súng kinh hoàng làm 2 cảnh sát bị thương và dùng súng khống chế người đi đường, cướp xe tẩu thoát.

Cuối tháng 12/2012 khi bị cảnh sát truy bắt tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, Khải đã chống cự đến cùng và tự sát.

Hung khí đoạt mạng vô danh

Đó là loại súng bút – có hình dạng như 1 cây bút học trò đã được giang hồ vặt, mới nổi ở Sài Gòn tàng trữ, sử dụng để giải quyết ân oán.

Điển hình là từ vụ va quẹt trên đường, hai đối tượng Phan Văn Sơn và Võ Minh Nhựt (cùng SN 1990, ngụ Q.Gò Vấp) đã bắn bị thương anh Nguyễn Hoàng Thọ  (SN 1994, ngụ Q.Bình Thạnh) vào cuối tháng 10/2012. Công an vào cuộc bắt 2 đối tượng thu giữ 3 khẩu súng bút.

Mới đây nhất, tuần tra trên đường Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, cảnh sát 113 đã bắt giữ 2 đối tượng “lận lưng” 5 khẩu súng bút và 2 bịch ma túy.

Súng bút - loại vũ khí được giang hồ Sài Gòn ưa chuộng.

Giang hồ đi ô tô đọ súng với cảnh sát

Xảy ra đầu tháng 9/2012 tại chung cư 590 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3. Mới đây công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã đối tượng cầm đầu, là Trương Công Phi (SN 1984, ngụ tỉnh Bình Định).

8 đàn em của Phi mang theo mã tấu, bom xăng…đến  thanh toán băng nhóm đối thủ tại chung cư nhưng bất thành.

Khi chúng vào lại khu chung cư thì bị cảnh sát hình sự đặc nhiệm công an Q.3 tiếp cận kiểm tra.

Lúc này Phi và một số đàn em khác đi chơi về trên chiếc ô tô 7 chỗ; biết đàn em bị cảnh sát vây hãm, Phi xuống xe rút súng hoa cải nã đạn vào cảnh sát. Sau đó băng nhóm của Phi lên ô tô tẩu thoát…

Tên giang hồ Trương Công Phi đang bị truy nã gắt gao sau màn đọ súng với cảnh sát hình sự Q.3, TP.HCM.

Đòi nợ bằng súng kinh hoàng giữa thủ đô

Vì mâu thuẫn tiền bạc, đến cuối tháng 11/2012 Hà Phương Lương (SN 1962, ngụ Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội)  mang theo súng, mìn tự chế tìm đến 1 ngôi nhà ở phố Yên Phụ, P.Yên Phụ, Q.Tân Hồ…để đòi nợ.

Tại đây Lương nã súng bắn bị thương 1 người và dự tính dùng mìn nổ sập căn nhà con nợ, nhưng do bất cẩn Lương đã tử vong.

Hiện trường vụ đòi nợ bằng súng ở P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội

Nở rộ các băng nhóm “xử” nhau bằng “hàng nóng”

Mới đây công an TP.Hà Nội đã khởi tố, bắt giam 15 người, thu giữ 3 khẩu súng liên quan đến vụ thanh toán băng nhóm ở ngã ba Quán Quạ, TT.Phùng, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội, xảy ra vào trung tuần tháng 11.

Vì mâu thuẫn giữa các thiếu nữ, 2 băng nhóm đã dàn trận bằng súng, dao rựa, tuýp sắt để hỗn chiến. Hậu quả Nguyễn Duy Lập (SN 1984) tử vong và 2 người khác bị thương.

Trước đó, đầu tháng 11/2012 vì mâu thuẫn trong việc giành địa bàn làm ăn, 2 băng nhóm đã truy sát nhau bằng súng hoa cải và súng colt tại thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội. Rất may vụ này không có ai thương vong.

Mô hình 141 được áp dụng tại TP.HCM

Trước tình trạng tội phạm đường phố ngày càng lộng hành, cuối cùng công an TP.HCM cũng đã thành lập 34 tổ CSCĐ phối hợp với cảnh sát hình sự đặc nhiệm, CSGT…nhằm trấn áp, phòng ngừa tội phạm đường phố.

Tại buổi họp báo diễn ra vào thời điểm cuối năm, đại tá Lê Anh Tuấn – Chánh văn phòng, phát ngôn viên của Công an TP.HCM nhìn nhận: “Công an TP.HCM sẽ kế thừa và phát huy mô hình lực lượng 141, được thực hiện thành công tại TP.Hà Nội”.

Người dân hi vọng với mô hình mang tên “141 TP.HCM”, thành phố sẽ trở nên yên bình hơn, tội phạm đường phố sẽ hết đất sống.

Theo Vietnamnet


Bình luận