Suy nghĩ cuồng điên của người đàn bà giết con

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, người đàn bà có tên Vũ Thị Dung đó chỉ khóc. Nhưng dù có khóc nhiều thế nào đi nữa thì nước mắt cũng không thể gột rửa được lỗi lầm mà chị ta đã gây ra với chính đứa con trai mình.

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, người đàn bà có tên Vũ Thị Dung đó chỉ khóc. Nhưng dù có khóc nhiều thế nào đi nữa thì nước mắt cũng không thể gột rửa được lỗi lầm mà chị ta đã gây ra với chính đứa con trai mình.

Chỉ vì giận chồng và cũng chỉ vì muốn chồng phải suy nghĩ lại mà Dung sẵn sàng đánh đổi cả sinh mạng của đứa con trai mình dứt ruột đẻ ra…

Giận chồng ném con xuống sông

Cuộc đời của Vũ Thị Dung (Nghĩa Hưng, Nam Định) là một chuỗi dài những ngày tháng buồn. Lúc bạn bè còn tung tăng cắp sách tới trường thì cũng là lúc Dung cất bước theo chồng bỏ cuộc chơi. Mười sáu tuổi Dung làm vợ rồi làm mẹ. Những đứa con thơ cứ lần lượt ra đời trong khó khăn chồng chất. Cuộc sống thuần nông không đủ để đôi vợ chồng trang trải nuôi mình và bốn đứa con thơ. Sự khó khăn ấy đã khiến vợ chồng Dung nhiều khi rơi vào bế tắc.

Đang loay hoay không biết sẽ làm gì để duy trì cuộc sống thì vợ chồng Dung được một người quen xin cho làm việc tại một xưởng sắt vụn ở Quảng Ninh. Như người chết đuối vớ được cọc đôi vợ chồng trẻ gửi lại ba đứa con thơ cho ông bà nội nuôi nấng rồi cùng nhau khăn gói quả mướp lên Quảng Ninh lập nghiệp. Chỉ duy nhất đứa con trai vì còn quá bé bỏng nên được bố mẹ đem theo chăm sóc.

Những tưởng cuộc đời sẽ sáng sủa hơn khi vợ chồng Dung kiếm được một việc làm để tăng thêm thu nhập. Ai ngờ mọi bi kịch lại bắt đầu từ chính nơi này. Làm việc tại xưởng sắt vụn được một thời gian, chồng Dung bắt đầu nảy sinh nghi ngờ vợ mình và ông chủ xưởng có tình ý với nhau. Dù chỉ là nghi ngờ nhưng chồng Dung đã không tiếc lời chửi bới và đánh đập vợ. Không chỉ dừng ở đó, có lần anh ta còn đòi họp cả hai bên gia đình nội ngoại rồi một mực đòi đuổi Dung về quê.

Sáng ngày 23/3/2004, Dung và con trai út là cháu Nguyễn Văn Tỵ bắt xe từ Quảng Ninh về Nam Định. Về đến nhà ngoại, Dung gọi điện cho chồng về để giải quyết chuyện gia đình. Khi đó chồng Dung không những không về mà còn nói với Dung rằng anh ta nghi ngờ đứa con trai út vừa tròn hai tuổi không phải là con của anh ta. Đau khổ vì cảm giác bị xúc phạm nặng nề, trong lúc cùng quẫn nhất trong đầu Dung xuất hiện ý nghĩ giết con để trừng phạt chồng.


 
Phạm nhân Vũ Thị Dung

Mẹ đẻ Dung không hề biết ý đồ đó của con gái thế nên bà một mực khuyên Dung về nhà hàn gắn với chồng. Bởi theo bà thì một sự nhịn là chín sự lành, là phụ nữ dù có lỗi hay không thì cũng cứ xin lỗi chồng một câu cho gia đình được yên ổn. Nhưng Dung thì không nghĩ thế. Với Dung thì cách hành xử của chồng là không thể tha thứ. Sống với nhau mà cạn tàu đến thế thì có cố cũng không được. Thế nên Dung một mực xin mẹ cho ở lại. Trước sự bướng bỉnh, cứng đầu của con gái mẹ Dung đành phải buông những lời nói khó nghe những mong con gái vì tức giận mà đưa con về nhà chồng. Quả đúng như những gì bà mong muốn. Dung lấy xe đạp đèo hai con là cháu Thìn (lúc này đang ở nhà bà ngoại) và cháu Tỵ bỏ đi khỏi nhà mẹ. Nhưng Dung vẫn không về nhà chồng mà tìm đến nhà một người bạn thân để tâm sự.

Sau khi cả ba mẹ con cùng ăn xong bữa tối ở nhà người bạn thân, Dung đưa cho hai con mỗi đứa một viên thuốc ngủ và bảo chúng uống. Thấy vậy, bạn của Dung hỏi Dung cho con uống thuốc gì thì Dung trả lời là thuốc cảm.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, Dung rời nhà bạn chở hai con đi. Lần này Dung vẫn không về nhà mà đạp xe thẳng ra bến đò Ninh Mỹ thuộc xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng.

Tại đây Dung để cho cháu Thìn tiếp tục ngủ rồi bế cháu Tỵ đi xuống phía bờ sông. Trong một phút điên rồ Dung đã buông tay mình ra để mặc cho cháu Tỵ rơi xuống lòng sông.

Không hiểu sao trong khoảnh khắc ấy, Dung làm việc đó nhẹ bẫng cứ như thể Tỵ không phải là con của mình vậy. Xong việc, Dung lên bờ đón cháu Thìn và quay trở lại nhà bạn tiếp tục xin ngủ nhờ. Thấy quần áo Dung bị ướt, bạn của Dung hỏi lý do vì sao thì Dung bảo: “Cãi nhau với chồng, bị chồng đẩy ngã vào nước”. Hỏi tiếp: “Cháu Tỵ đâu?”. “Nó ở nhà với bố”.

Sáng sớm hôm sau Dung trở dậy bắt xe từ Nam Định đi Quảng Ninh, có đưa cháu Thìn đi cùng. Thời gian Dung lên xe cũng là lúc có một người đàn ông làm nghề chài lưới đã nhìn thấy xác của con Dung nổi trên bờ sông. 23 giờ cùng ngày, Dung bị bắt tại nhà ông chủ sắt vụn dưới Quảng Ninh.

Những tháng ngày sám hối

Sự kiện Vũ Thị Dung ném con xuống sông khiến những người dân chân lấm tay bùn ở Nghĩa Hưng không tài nào hiểu nổi. Họ không lý giải được vì sao một người mẹ lại có thể đang tâm vứt bỏ chính đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Ở nơi thôn quê ấy người ta sống với nhau bằng tình nghĩa thì hành động này thật khó dung thứ. Khi tòa xử, Dung bị kết án chung thân.

Bảy năm qua Dung ngồi bóc lịch trong nhà giam. Không hiểu quãng thời gian ấy đã đủ dài để một người mẹ vô lương như Dung hiểu được tội ác mà mình gây ra hay chưa. Ngay lúc này đây khi ngồi trước mặt tôi và kể cho tôi nghe về hành vi phạm tội của mình Dung đã khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt ấy không thể gột rửa tội lỗi, cũng không thể tránh cho Dung khỏi tiếng ác muôn đời.

Dung bảo, chính Dung cũng không hiểu tại sao khi ấy Dung làm việc đó cứ hiển nhiên như nó phải thế. Cơn tức ngùn ngụt bốc lên. Ý định trả thù chồng cứ nung nấu. Và đứa con trai út – một trong những nguyên nhân của mọi nghi ngờ và rạn nứt, Dung nghĩ Dung phải giết nó để nó không còn là cái “gai” trong mắt chồng nữa. Và cũng là để cho chồng một phen hối hận.

Bảy năm qua, chưa đêm nào Dung ngủ ngon giấc. Hễ cứ nhắm mắt là gặp ác mộng. “Thằng Tỵ rất hay hiện về trong giấc ngủ chập chờn của em. Nhưng mà lạ lắm, chưa một lần nào nó trách mắng em. Mà em cũng chả thấy nó khác xưa tí nào. Vẫn nhỏ xíu, giọng còn ngọng líu ngọng lô. Lúc thì nói đòi em mua kẹo, lúc lại đòi mua quần áo mới”. Bao nhiêu lần Dung ước, giá trong giấc mơ nó hờn trách Dung, có lẽ Dung sẽ thấy thanh thản hơn là cứ nhìn con ngô nghê, nũng nịu mẹ. Mới mấy hôm trước thôi, Dung chiêm bao thấy con mình đang xấp ngửa chạy theo đòi mẹ mua cho quả bóng để đá.

Con chết, Dung mất luôn cả chồng. Chỉ chưa đầy một năm sau ngày Dung bị bắt, chồng Dung lấy vợ mới. Anh ta cũng đã 2 lần vào trại nơi Dung cải tạo nhưng không phải để thăm Dung mà để dụ dỗ Dung ký vào giấy bán nhà. Những thứ quý nhất Dung cũng đã mất rồi thì còn gì đâu mà tiếc. Nhà cửa giờ này đâu còn ý nghĩa gì. Dung chấp nhận ký.

Ở trong này nếu cố gắng cải tạo tốt Dung vẫn có thể được giảm án, được đặc xá. Nhưng điều Dung lo sợ nhất là, nếu một ngày Dung được trở về, liệu mọi người có đón nhận Dung không. Hai đứa con lớn của Dung không biết có tha thứ cho lỗi lầm của mẹ không. Sẽ chẳng có gì đau đớn hơn nếu ngày trở về, hai đứa con – niềm hy vọng cứu rỗi tâm hồn Dung lúc này – sẽ không đón nhận mẹ. Dung sợ lắm. Chỉ cần ý nghĩ ấy chợt thoáng qua là tim Dung đau nhói. 7 năm rồi không gặp, giờ Dung cũng không thể mường tượng được xem chúng lớn đến đâu. Cuộc sống không có mẹ chắc chúng đã phải cố gắng rất nhiều.

Biết Dung bị dằn vặt và ám ảnh bởi lỗi lầm của mình nên mẹ Dung luôn gắng viết thư động viên. Thư nào bà cũng khoe hai đứa con Dung ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ và nhớ mẹ nhiều. Song Dung chả dám tin, bởi lẽ chúng đều đã lớn. Con gái đầu năm nay cũng đã mười bảy tuổi, con trai thứ hai cũng đã mười tuổi rồi. Không biết chúng học có giỏi thật hay không nhưng chí ít thì chúng cũng đọc thông viết thạo. Nếu nhớ Dung thật chúng sẽ viết thư hỏi thăm mẹ chứ. Đằng này bao nhiêu năm rồi chúng có liên lạc với Dung đâu. Dung không trách chúng, mà chỉ lo trong đầu chúng khái niệm về mẹ quá mơ hồ và xa vời. Điều này cũng không khó hiểu, bởi hai đứa con Dung đang sống cùng bố. Có thể trong đầu chúng đã được nhồi nhét những suy nghĩ rất không hay ho về mẹ. Nên chúng ghét mẹ và không có nhu cầu cần liên lạc với Dung cũng là điều dễ hiểu.

Người đàn bà tội lỗi ấy không chỉ khóc trong lúc tỉnh mà khóc cả trong tiềm thức. Cái tiềm thức bản năng ấy luôn gào thét chửi bới Dung. Nước mắt có thể gột rửa tâm hồn nhưng không thể lấy lại những gì đã mất. Và có những lỗi lầm người ta có thể tha thứ được, nhưng có những lỗi lầm dù có trả giá hết cả cuộc đời cũng không bao giờ được thứ tha

Theo Cảnh sát toàn cầu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.