Vụ cha chém chết con rể: Xin hãy khoan hồng cho ông Nam

"Giết người là có tội nhưng phút cùng quẫn, kìm nén bao lâu nên có thể hiểu ông Nam chấp nhận chịu tội thay cả gia đình..."

"Giết người là có tội nhưng phút cùng quẫn, kìm nén bao lâu nên có thể hiểu ông Nam chấp nhận chịu tội thay cả gia đình. Mong pháp luật xử có tình có lý", độc giả chia sẻ.

Hai ngày sau khi đăng thông tin ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP HCM) chém chết con rể rồi chở xác đến đồn công an tự thú, hàng nghìn độc giả đã gửi ý kiến bày tỏ sự cảm thông và muốn xin pháp luật khoan hồng cho "sát nhân làm nhiều người rơi nước mắt".

"Thương chú quá chú ơi, đọc bài báo này con khóc nhiều lắm. Con hy vong pháp luật sẽ khoan hồng cho chú", độc giả Phi Yến chia sẻ khi biết mỗi lần con rể say rượu sang chửi bới dọa giết cả gia đình là ông Nam lại phải quỳ lạy xin con tha mạng cho cả nhà.
"Thương bác lắm, và cũng giận bác lắm"

Nhận là hàng xóm của hung thủ, Myni Nguyen cho biết, ông Nam rất hiền, chịu thương chịu khó, chẳng la mắng ai bao giờ, sống rất thân thiện với hàng xóm, và kinh tế gia đình cũng không khá giả gì

Vu cha chem chet con re: Xin hay khoan hong cho ong Nam hinh anh 1
Ông Nguyễn Văn Nam. Ảnh: Công an TP HCM

"Vì hoàn cảnh nên bác mới hành động như thế, vì con rể nhiều lần tới nhà quậy phá, đánh vợ, nhiều lần bác khuyên can còn bị đánh. Về pháp luật, bác sai hoàn toàn, về tình lý thì bác không sai. Trong xóm ai cũng xót xa, thương bác lắm, và cũng giận bác lắm...", độc giả này chia sẻ.

Lý giải cho hành động của sát nhân "có khuôn mặt khắc khổ", nhiều bạn đọc cho rằng tất cả xuất phát từ yêu thương, xót xa cho hoàn cảnh của con gái khi bị hành hạ, đánh đập quá nhiều lần. Vậy nên dù biết là mang tội nhưng ông Nam vẫn hy sinh mình để bảo vệ cho con gái.

“Đời là bể khổ vô biên, xã hội thì thiên biến vạn hóa. Bố cũng chỉ là người bình thường không phải thánh nhân để cam chịu được mọi nghịch cảnh. Mong bố được khoan hồng, xã hội luôn chào đón bố. Cũng mong rằng con rể bố mất đi sớm siêu thoát và tha thứ cho bố", độc giả Phúc Thịnh viết:

Nói về "sự hi sinh phải trả giá quá đắt" này, Việt Ken cho rằng, do hung thủ đã vượt quá giới hạn chịu đựng. "Biết rằng giết người là có tội nhưng phút cùng quẫn, vì bao lâu kìm nén nên có thể hiểu ông Nam đã chấp nhận chịu tội thay cả gia đình. Mong pháp luật xử có tình có lý và có hình thức giảm nhẹ".

Còn theo Minh Phương, có lẽ ông Nam chẳng còn cách nào khác khi đánh đổi cuộc đời già vào tù. "Cái tuổi được an nhàn con cái cung phụng giúp đỡ, ai dám đánh đổi cuộc đời vì gia đình và con gái? Vẫn biết là giết người phạm luật, nhưng ở trong cuộc mới hiểu", độc giả này chia sẻ thêm.

Trong vai nhà tâm lý học tội phạm, bạn đọc Đắc Trân phân tích, nếu nói ông Nam nhẫn tâm là "không hiểu tâm lý con người". "Giết người, một nhát đâm là đủ, đây chém cả đống nhát chỉ có 2 lý do: một là làm nạn nhân chết cho lẹ khỏi hấp hối, hai là vì quá phẫn uất và căm hờn nạn nhân tột độ dẫn đến việc giải phóng bức chế là chém nhiều nhát".

Sau khi đưa ra hàng loạt lý lẽ bào chữa cho hành vi của ông Nam, Đắc Trân kết luận: "Đây là dấu chấm hết cho bác nhưng là bước khởi đầu cho người con. Bác chấp nhận ở tù, thậm chí là tử hình vì nghĩ mình già rồi không còn gì để mất nữa, chỉ còn con cái - người bác muốn sống hạnh phúc. Chỉ có nghĩ không còn gì để mất mới khiến bác có động lực làm vậy".

Cũng mong pháp luật xử nhẹ tội cho "người cha đáng thương" này, nhưngKevin Ho thẳng thắn: "Hiểu được và đồng cảm được tình của người cha, nhưng cuộc sống thì phải có pháp luật, ai cũng giải quyết theo cách này thì thế hệ sau này sẽ như thế nào?".

Vu cha chem chet con re: Xin hay khoan hong cho ong Nam hinh anh 2

Khu nhà nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Lê Trai.

Bài học xương máu...

Nhiều bạn đọc đã thực sự đồng cảm khi cũng ở hoàn cảnh giống ông Nam. Họ cũng thừa nhận từng có những suy nghĩ tương tự nhưng may mắn là chưa dám hành động. Và họ ước, giá như ông có thể kiềm chế, giá như ông chọn cách giải quyết khác như nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đưa sự việc ra chính quyền là không hiệu quả. “Pháp luật Việt Nam không dứt khoát đối với những vụ say xỉn đánh vợ con, báo chính quyền thì cũng bị phạt vài trăm ngàn, cảnh cáo trước tổ dân phố. Nói thật, nhiêu đó không đủ răn đe một xíu nào”, bạn đọc Trần Bình Trọng chia sẻ.

Với nhiều người, đây là một cái kết đau lòng đối với cả hai bên gia đình. Tuy nhiên, cảnh này sẽ không xảy ra nếu nền giáo dục giúp mỗi người nhận thức rõ quyền mỗi người, nếu luật hôn nhân gia đình không chỉ là luật bỏ túi, nếu phụ nữ có thể quả quyết mạnh mẽ hơn chứ đừng là người cam chịu; và một chế tài xử phạt nặng hơn cho vấn đề bạo lực gia đình.

“Qua câu chuyện trên, nên đưa mắt nhìn xa hơn. Đó là bài học xương máu cho vấn nạn bạo hành gia đình. Đọc xong cũng ứa nước mắt. Tình phụ - tử mà. Người làm cha, làm mẹ nào mà không thương con cho được. Cái lý cái tình sẽ đến với bác... Tuy bác sai nhưng cũng mong được sự khoan hồng cho bác... Có thể đó là hành động đánh đổi sự sống vì con cái. Một hành động cao quý...", độc giả Johny Đỗ xót xa.

Còn với nhiều độc giả có hoàn cảnh tương tự, trong đầu họ vẫn văng vẳng câu hỏi chưa có lời đáp: "Là người cha, người con trong tình huống này, bạn sẽ giải quyết ra sao?"

Theo Nguyễn Tâm (Zing.vn)

đầu thú

chém chết con rể

tức nước vỡ bờ

khoan hồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.