Nhận xét của Nguyễn Ánh 9 vượt trên sự chỉ trích cá nhân

Hai nhạc sĩ trẻ gồm nhạc sĩ Trần Huân (“Họa mi tóc nâu”) và Đức Tiến (“Người đàn bà đi nhặt mặt trời” lên tiếng ủng hộ những nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Hai nhạc sĩ trẻ gồm nhạc sĩ Trần Huân (“Họa mi tóc nâu”) và Đức Tiến (“Người đàn bà đi nhặt mặt trời” lên tiếng ủng hộ những nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Nghịch lý vé hạng A nghệ thuật hạng C

Là những nhạc sĩ sáng tác trẻ, hai anh có đồng cảm và chia sẻ gì với những nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về một số tên tuổi trong làng nhạc hiện nay?

NS Trần Huân: Khi ông nhận xét về ca sĩ hát phòng trà như Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng,..., tôi cho đó là hợp lý. Bởi lẽ xét về tuổi tác cũng như tuổi nghề trên sân khấu phòng trà, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đóng góp và nhận xét thì cũng nên nghe và đôi khi ta cần phải hết sức bình tĩnh để nhìn nhận những ý hay của ông ra sao. Nhất là khi ông đã và đang làm việc tại phòng trà trong giai đoạn này và giai đoạn những năm về trước.

NS Đức Tiến: Tôi rất đồng cảm với nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 vì những nhận xét của ông vuợt trên sự chỉ trích cá nhân và nói lên được mặt bằng chung âm nhạc VN hiện nay! Qua những nhận xét của ông với những giọng ca "đình đám" từ sân khấu đến đời thường thì gần như âm nhạc hiên nay chú trọng bề nổi hơn là chuyên môn! Đó là điều nghịch lý vì khi bạn bỏ một số tiền để đươc xem nghệ thuật hạng A nhưng những gì bạn chứng kiến lại là hạng C.

Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ, thị trường, nhạc Việt, Trần Huân, Đức Tiến

Nhạc sĩ Đức Tiến (trái) và nhạc sĩ Trần Huân

Khán giả họ có quyền chọn lựa theo cách thuởng thức của họ, nhưng không phải ai cũng biết đâu là hạng A, B, hay C. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nói rất rõ về thứ hạng trong bài phỏng vấn của ông, khán giả và những nhà chuyên môn cần cám ơn ông khi ông nói thẳng thắn ra điều này. Điều ông đã phát biểu đó là cái gốc, là sự kinh điển của một nền âm nhạc phải có nếu ca sĩ thế hệ sau còn thành ý phát triển! Nhiều người cho rằng mỗi thời mỗi khác, với tôi đó chỉ là những lời bao biện tạm thời vì khi họ có ý niệm giữ gìn tai nghe của họ và người thân của họ, họ sẽ khác!

Hành trình giết chết nhạc cảm

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có đề cập nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay có kỹ thuật thanh nhạc nhưng không có nhạc cảm. Theo hai anh, vì sao sân khấu âm nhạc lại đang có chỗ đứng cho quá nhiều “thợ hát” như vậy?

NS Trần Huân: Điều đó cũng đã được nói lên, dĩ nhiên đâu phải hát đúng kĩ thuật tốt thì cho là cảm thụ hay hiểu được chất bài hát đó theo đúng người nhạc sỹ viết. Sân khấu có quá nhiều chỗ đứng cho “thợ hát” hiện nay cũng vì người không biết nhạc thì đi làm nhạc và giúp đỡ cho người không hiểu gì về nhạc thì làm sao không gọi là thợ. Không cộng với không thì bằng không, chứ không thể thành một được.

NS Đức Tiến: Mọi loại hình nghệ thuật tác phẩm có giá trị  đều phải đươc rung lên từ bên trong trái tim. Nhạc cảm là năng khiếu, là tâm hồn, là quả tim của người nghệ sỹ! Không phải ai sinh ra cũng có nhạc cảm, và người có nhạc cảm chưa hẳn biết giữ gìn! Là ca sĩ hiện nay, không đơn thuần bạn chỉ cần hát là phát triển được nghề nghiệp, bạn phải có mối quan hệ trong giới và ngoài giới, từ đó mà năng lượng được dàn trải vào những mối quan hệ này thay vì chỉ dành cho giọng hát, nhạc cảm cũng mất đi từ đó bởi những mưu tính, lo toan và tham vọng, có khi là ảo vọng! Hành trình " tự thiêu" đó dẫn đam mê thuở đầu đi vào những "nhà máy" nơi ca sĩ tự đổi tên thành "công nhân hát" để hy vọng trở thành những ngôi sao. Còn khán giả của "nhà máy" thì miễn bàn, họ khóc, xỉu, gào thét đủ cả.

“Lửa thử vàng” không phải trên mặt báo

Trong sinh hoạt của thị trường âm nhạc hiện nay, các nhạc sĩ có quyền can thiệp để chỉnh sửa lại cách hát cho đúng, hay việc thể hiện như thế nào là toàn quyền của ca sĩ mua độc quyền ca khúc?

NS Trần Huân: Quyền hay không ăn thua ở phía nhạc sĩ và ca sĩ phải có sự tương tác và đối trọng nhau mới có được tác phẩm hoàn chỉnh cho người nghe khi ra sản phẩm.

NS Đức Tiến: Khi một ca sỹ thu âm một ca khúc hoàn toàn mới hay là cũ, ca sỹ đó cần sự có mặt góp ý của tác giả ca khúc đó hoặc một người có chuyên môn, từ trong nghề gọi là "người kiệu bài". Việc mua độc quyền hay tác quyền ca khúc không thể đảm bảo rằng bản thu âm của ca sỹ sẽ hay nếu thiếu "người kiệu bài" và đặc biêt ca sĩ trẻ luôn cần điều này.

Thị trường nhạc Việt hiện đang thiếu điều gì để giúp người nghe định lại các chuẩn mực, khi mà ca sĩ có thể dùng tiền bạc và các mối quan hệ để dàn dựng các chiêu trò nhằm chứng tỏ mình được hâm mộ và công nhận?

NS Đức Tiến: Những chiêu trò dù biết rằng để mua vui nhưng cần phục vụ cho cái đúng. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không nhân danh điều gì để nói lên nhận xét các ca sĩ nổi tiếng ngoài việc ông mong mỏi một nền âm nhạc tốt hơn. Việc Đàm Vĩnh Hưng nhân danh fan hâm mộ cả nuớc nói Nguyên Ánh 9 là “ngụy quân tử” bằng kiểu diễn từ như vậy nó chỉ thể hiện rõ trình độ văn hoá của một cá nhân. Nếu nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng nhân danh fan hâm mộ thì chưa chắc rằng fan ai đã đông hơn!

Vì thế làng âm nhạc VN chỉ cần sự trung thực là đủ. Nếu có sự thật người ta sẽ không phải vay mượn hay nhân danh điều gì!. Và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nói " tất cả những gì cứ để thử lửa đi, vàng vẫn cứ là vàng", thì rõ ràng việc minh chứng "tôi là vàng" của một ca sĩ đã nổi tiếng không phải nằm ở trên mặt báo hay trong những diễn từ vụng về!

Theo Vietnamnet.vn


Bình luận