7 cách tự phòng chống virus tử thần MERS

Một bệnh nhân nam giới Hàn Quốc (61 tuổi) được phát hiện nhiễm virus "tử thần" MERS sau chuyến công tác dài ngày tới Kuwait.

Một bệnh nhân nam giới Hàn Quốc (61 tuổi) được phát hiện nhiễm virus "tử thần" MERS sau chuyến công tác dài ngày tới Kuwait.

Loại virus này được các bác sĩ cảnh báo nguy hiểm như SARS, do chưa có cách điều trị cụ thể.

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, Hàn Quốc đã ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV đầu tiên trong năm 2018 về từ Trung Đông.

Bệnh nhân là nam, 61 tuổi, có tiền sử làm việc tại Kuwait từ ngày 16/8 đến ngày 06/9/2018 với biểu hiện sốt, ho có đờm nhiều và nhập bệnh viện tại Seoul, Hàn Quốc ngày 07/9/2018.

Kết quả xét nghiệm dương tính với MERS-CoV - hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung đông.

Như vậy, đây là trường hợp bệnh xâm nhập về từ khu vực có dịch. Để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, Bộ Y tế Hàn Quốc đã triển khai điều tra tích cực và thực hiện các biện pháp phòng bệnh quyết liệt.

Hiện nay, có 20 người tiếp xúc gần bao gồm cả nhân viên phục vụ chuyến bay, các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đã được theo dõi chặt chẽ về sức khỏe và cách ly tạm thời tại nhà. Chưa có thông tin về trường hợp lây truyền thứ phát.

Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông hay còn gọi là MERS (Middle East Respiratory Syndrome) là bệnh gây ra bởi corona, cùng họ với virus đã gây ra bệnh SARS vào năm 2003. Mức độ lây lan của MERS không như SARS nhưng độ nguy hiểm không kém, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 40%.

Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều xuất phát từ các nước gần hoặc trong bán đảo Ả Rập. Tên gọi hội chứng hô hấp vùng Trung Đông có nguồn gốc từ nguyên nhân này.

Bệnh MERS được ghi nhận lần đầu tại Ả Rập Saudi vào tháng 9/2012, nhưng sau đó các quan chức y tế xác định lại rằng vào tháng 4/2012 đã có người bị MERS tại Jordan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến cuối tháng 5/2015 đã có 1.154 trường hợp nhiễm MERS-CoV ở 26 quốc gia trên thế giới được ghi nhận, trong đó ít nhất 434 người đã tử vong.

Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Người mắc bệnh MERS – CoV có triệu chứng viêm đường hô hấp như: ho, sốt trên 380C, khó thở, viêm phổi nặng và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp. Người có nguy cơ cao nhiễm MERS-CoV khi có tiền sử đi hoặc đến từ vùng Trung đông trong vòng 14 ngày hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV và có các biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp.

Để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

4. Tăng cường thông khí tại nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế,... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ.

5. Những người đi/đến từ các nước đang có dịch bệnh MERS-CoV cần chú ý và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.

6. Cán bộ y tế thực hiện nghiêm túc việc phòng ngừa lây chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện và sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân khi thăm khám, điều trị, chăm sóc người bệnh.

7. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp như: sốt trên 38°C, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Theo VTC


virus MERS


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.