Bạn có hiểu nước uống của mình?

Không phải đến bây giờ vấn đề đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua hàng mới được đặt ra với các nhà tiêu dùng thông thái. Nhưng, có một thực tế là, chính người tiêu dùng Việt Nam đang coi thường sức khỏe của chính mình bởi sự "lười" đọc nhãn sản phẩm.

Dừng chân tại quầy đồ uống của một vài siêu thị lớn trên thành phố, người viết được chứng kiến không ít người tiêu dùng chỉ dừng lại một phút trước quầy hàng để nhặt những loại đồ uống quen thuộc. Khi được hỏi, rất nhiều người đã "ngỡ ngàng" vì sao phải đọc kỹ nhãn sản phẩm khi đã biết hạn sử dụng của sản phẩm. Khách hàng dừng ở lề đường đợi chủ hàng mang chai nước uống ra trong một túi nilon sẵn và không hề có chuyện đọc kỹ nhãn mác.

Các nhà quản lý thì kể cho nhau nghe câu chuyện về một khách hàng bị đái tháo đường mua nhầm loại nước uống. Dù bác sĩ đã dặn kỹ là mua các loại nước uống dành cho người đái tháo đường, nhưng do không đọc kỹ nội dung (chỉ liếc qua tên sản phẩm và bao bì ghi rất nhiều hàng chữ về giá trị dinh dưỡng) anh vẫn mua phải những lon nước uống có đường. Sau khi uống hết nửa số nước ngọt mua về anh phải vào viện điều trị vì chỉ số đường huyết tăng quá cao mà không rõ nguyên nhân vì sao. Không biết câu chuyện này thật đến đâu nhưng nó là một tiếng nói cảnh báo về cái sự đọc nhãn sản phẩm của người dân Việt Nam.

Các chất phụ gia hiện được sử dụng khá rộng rãi trong các loại nước uống (Ảnh minh họa)

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, đọc nhãn sản phẩm làm gì khi đã biết công dụng của nó? Thực ra, nhãn một chai nước uống cũng như một bản lý lịch của mỗi cá nhân. Đọc bản lý lịch đó để chọn loại nước uống thích hợp với nhu cầu của bản thân. Bản lý lịch đó không chỉ cung cấp tên sản phẩm, thời hạn sử dụng mà còn là nơi cung cấp cho người tiêu dùng những giá trị dinh dưỡng, những chất phụ gia có trong chai/lon nước uống hay cách sử dụng loại nước này như thế nào cho hợp lý... Ngoài ra, bao bì còn là nơi cung cấp tên và địa chỉ, cách liên hệ của nhà sản xuất hoặc công ty nhập khẩu và phân phối sản phẩm (với các sản phẩm của nước ngoài).

Những con số không khó hiểu

Biết là phải đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua, nhưng một số người cảm thấy lúng túng trước các con số về dinh dưỡng và những chất phụ gia ghi trên đó, chúng có vẻ quá rắc rối, khó hiểu và mang màu sắc chuyên môn. Nhưng nếu tìm hiểu thì chỉ cần một vài lần là có thể giải mã được những con số này.

Ngoài những thông tin cơ bản như tên sản phẩm, ngày sản xuất và hạn sử dụng, tên, địa chỉ và cách liên hệ với nhà sản xuất, người tiêu dùng nên quan tâm đến các thành phần nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, các chất phụ gia được sử dụng. Dựa trên thành phần, bạn có thể tránh được những loại nước uống không được sử dụng (với người bệnh) hay những thực phẩm gây dị ứng với bạn. Ví dụ, nếu bạn bị đái tháo đường, bạn cần chọn các loại nước không có đường hoặc sử dụng các loại đường thay thế. Trong bảng thành phần, các thành phần thường được liệt kê theo thứ tự từ cao xuống thấp theo trọng lượng.

Ví dụ, trong một sản phẩm nước uống, các thành phần xếp trên cùng gồm nước và đường, thì chắc chắn thành phần dinh dưỡng khác có trong đó là rất ít.

Giá trị dinh dưỡng cũng là một thông tin quan trọng, nhất là đối với bệnh nhân hoặc người cần chế độ ăn đặc biệt. Giá trị dinh dưỡng thường được thể hiện bằng các chất đa lượng như đạm (protein), béo (lipid), đường (carbohydrate), năng lượng (energy) trên một đơn vị khối lượng thay thể tích. Một số nhà sản xuất còn liệt kê một phần hoặc toàn bộ các loại vitamin, khoáng chất. Hiểu được giá trị dinh dưỡng, bạn sẽ sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả, phù hợp. Ví dụ, nếu bạn không muốn tăng cân, thì hãy chọn những loại nước uống năng lượng thấp, ít đường, nhiều chất xơ. Khối lượng tịnh là khối lượng sản phẩm có trong gói, không tính khối lượng bao bì. Dựa vào khối lượng này, bạn có thể tính toán được lượng nước phù hợp.

Các phương pháp chế biến đặc biệt cũng thường được chỉ rõ trên bao bì. Các loại nước uống chiết xuất từ hoa quả sử dụng công nghệ biến đổi gene cũng thường được ghi rõ là GMO hoặc có sử dụng công nghệ gene. Công nghệ chiếu xạ cũng vậy. Dòng chữ "Irradiated food" cho phép người tiêu dùng cân nhắc trước khi sử dụng. Tại các nước phát triển, việc đưa chiếu xạ vào chế biến, bảo quản hoa quả, nước uống đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi.

Theo các nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng và bảo quản là vấn đề mà người tiêu dùng thường quên đọc. Do đó, không ít nhà sản xuất nhận được khiếu nại của khách hàng về sản phẩm bị hỏng hay dùng không tốt nhưng thực tế là do dùng và bảo quản sai. Các sản phẩm nghiêm túc đều có hướng dẫn cụ thể cách sử dụng và bảo quản. Nếu không tuân thủ theo các hướng dẫn này, bạn sẽ không đạt được kết quả mà nhà sản xuất mong muốn đem đến cho bạn, thậm chí, đôi khi còn phản tác dụng. Chế biến, bảo quản không đúng cách sẽ làm mất các chất dinh dưỡng và hương vị của các loại nước uống.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến một số thông tin khác. Ví như sản phẩm mang dòng chữ "Lượng calorie đã giảm" chỉ có 1/2 lượng chất béo so với dòng sản phẩm cùng loại. Sản phẩm có ghi "Không thêm đường/không ngọt" có nghĩa là không có thêm đường trắng nhưng vẫn có đường tự nhiên trong sản phẩm. Ví như các loại nước trái cây dù không thêm đường nhưng vẫn chứa đường từ trái cây. Những người có vấn đề với lượng đường trong máu cần chú ý đến dòng chữ này. Các sản phẩm được bổ sung chất xơ thường chứa ít nhất là 2g chất xơ trong mỗi sản phẩm.

Cẩn thận với chất phụ gia

Các chất phụ gia hiện được sử dụng khá rộng rãi trong các loại nước uống. Đa phần là chất màu, chất điều vị, chất bảo quản... Bộ Y tế cũng đã có một Quy định dài 46 trang về các chất phụ gia được phép sử dụng và liều lượng của từng chất với từng dạng sản phẩm. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể nhớ hết được liều lượng của các chất "thêm nếm" này.

Để tránh sự "man trá" của nhà sản xuất, các nhà quản lý đã đưa ra ký hiệu chung để hạn chế những chất không tốt cho sức khỏe và bắt buộc nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì. Ký hiệu E (hoặc A với Australia và New Zealand) với cụm 3 chữ số là mã số quốc tế để chỉ chất phụ gia được phép sử dụng. Tuy vậy điều này xem ra rất bất lợi đối với người tiêu dùng, vì họ không biết hoặc không nhớ được mã số ấy tương ứng với chất gì.

Để có thể biết được bản chất của các mã số chất phụ gia, người tiêu dùng cần có một danh sách các chất phụ gia và mã số để tra cứu khi cần thiết. Người tiêu dùng có thể tìm bản quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế để đối chiếu và tìm hiểu. Ví dụ E129: màu đỏ Allura red AC (thường dùng trong sữa uống hương dâu), E951: chất tạo ngọt Aspartame trong các sản phẩm ăn kiêng... Hoặc có thể tra cứu trên website: en.wikipedia.org/wiki/list_of_food_addi_tives.

Tuy nhiên, có một lưu ý là nếu trên nhãn sản phẩm, danh sách các chất E này càng dài thì càng không tốt bởi lẽ đưa vào cơ thể quá nhiều chất lạ là không cần thiết. Hơn nữa, dù các nhà nghiên cứu chưa đưa ra được chứng cứ xác thực trên người nhưng những thử nghiệm trên chuột (con vật có 95% gene tương đồng với người) đã cho những kết quả không khả quan. Có một số chất phụ gia khi dùng nhiều có khả năng gây ung thư ở chuột. Ngoài ra, những người không hợp với chất phụ gia có thể bị dị ứng gây nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, mẩn ngứa...

Theo Thùy Chi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.