Bé trai 20 tháng tuổi suy kiệt vì mắc HIV

Từ khi chào đời, bé Chiến liên tục ốm yếu. Chỉ khi mẹ mất vì HIV, bé mới được xác định dương tính với căn bệnh này.

Từ khi chào đời, bé Chiến liên tục ốm yếu. Chỉ khi mẹ mất vì HIV, bé mới được xác định dương tính với căn bệnh này.

Tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé Hà Mạnh Chiến (20 tháng tuổi, ở Thôn Thượng, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) được xác định dương tính với virus HIV. Hiện, bé bị viêm phổi, viêm tai giữa và tiêu chảy… Dù gần 2 tuổi, Chiến còi cọc, thân hình chỉ như bé sơ sinh, chưa biết nói, biết đi.

Các bác sĩ cho biết đối với bệnh nhi này, ưu tiên số một là điều trị viêm phổi, tiêu chảy, sau đó nâng cao thể trạng, rồi mới tính đến phương án điều trị dự phòng HIV.

Bé Chiến ốm yếu vì căn bệnh thế kỷ. Ảnh: HQ.

Anh Hà Văn Chưởng (sinh năm 1990) là cha bé Chiến cho biết từ khi nhập viện đến nay con trai anh không ăn được, ngoài những lúc chạy máy, truyền thuốc, bé chỉ nằm trong vòng tay bà nội.

3 năm trước, anh Chưởng lập gia đình. Con trai chào đời là niềm vui cho gia đình nghèo nơi miền quê. Tuy nhiên, bắt đầu từ lúc 2 tháng tuổi, bé Chiến thường xuyên phải đi viện vì bị ho, viêm phổi và tiêu chảy.

Khi bé gần 18 tháng, vợ anh bỗng nhiên ốm nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tại đây, vợ anh được chẩn đoán bị viêm phổi nặng và điều khiến cả gia đình choáng váng khi bác sĩ thông báo chị nhiễm HIV.

Ngay sau đó, anh Chưởng và con trai cùng làm xét nghiệm và kết quả đều dương tính với HIV. Hai ngày sau, vợ anh qua đời. Kể từ đó, anh Chưởng và con trai bị nhiều người xa lánh. Điều đó khiến người đàn ông này tuyệt vọng. Hơn một lần, anh đã nghĩ tới cái chết.

“Lo việc cho vợ xong, tổng tài sản trong gia đình chỉ còn một triệu đồng. Tôi dự định để số tiền đó để lo hậu sự khi con qua đời. Thế nhưng hàng đêm nhìn con khóc trong đau đớn, tôi không đành lòng và quyết định bắt xe đưa con ra viện tỉnh thăm khám, tại đây do bệnh tình con quá nặng nên bé đã được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị”, anh Chưởng chia sẻ.

“Dù căn bệnh của tôi và con không thể chữa khỏi, nhưng vẫn có thuốc để duy trì sự sống. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để mong sao cho con nhanh hồi phục”, anh Chưởng hy vọng.

Anh Chưởng chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Ảnh: HQ.

Ông Qoách Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng, nơi anh Chưởng sinh sống, cho biết ở địa phương Chưởng là thanh niên hiền lành, không nghiện ngập, chơi bời, lêu lồng… Gia đình anh Chưởng là hộ cực nghèo ở địa phương, giờ đây bản thân và con cái ốm đau nên khó khăn, chồng chất khó khăn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng điều trị HIV/AIDS của Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết năm 2017, tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm HIV chiếm 50%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm từ trước và trong mang thai thấp, chỉ 53%.

Hiện có xu hướng gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV, do đó, việc kiểm soát, tư vấn và xét nghiệm cho đối tượng này còn khó khăn, dẫn tới công tác phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con gặp nhiều thách thức.

“Tỷ lệ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong chuyển dạ còn cao, chiếm 47% làm tăng nguy cơ mất dấu, giảm hiệu quả lây truyền mẹ con, khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Xét nghiệm VL trong theo dõi triệu trị của phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn hạn chế. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận với dịch vụ phòng lây truyền mẹ con. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong phòng lây truyền mẹ con chuyển đầu mối sang hệ sức khỏe sinh sản thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng”, bà Lan Hương nói.

Mục tiêu, đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%.

Theo Zing


Nhiễm HIV

Bệnh nhân HIV

lây nhiễm HIV


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.