Bệnh còi xương ở trẻ

Còi xương làm giảm hấp thụ canxi ở ruột, dẫn đến việc cơ thể phải huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương.

>> Những sai lầm khi ngừa còi xương cho trẻ

>> Trẻ có thể còi xương vì... sữa hộp

Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì lứa tuổi này hệ xương đang phát triển mạnh. Hậu quả của bệnh còi xương thường ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ đồng thời có thể gây biến dạng xương và tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là viêm phổi.

Triệu chứng còi xương

Nguyên nhân gây ra bệnh còi xương ở trẻ là do thiếu vitamin D, điều này làm giảm hấp thụ canxi ở ruột, dẫn đến việc cơ thể phải huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Biểu hiện sớm của bệnh còi xương này là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu. Nếu không điều trị sau vài ba tuần, cơ thể trẻ sẽ dần dần xuất hiện các triệu chứng ở xương. Tùy theo lứa tuổi mà trẻ bị còi xương sẽ có các biến đổi ở xương khác nhau như:

Ở trẻ nhỏ: Có thể sờ thấy xương sọ mềm, do tư thế nằm đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc một bên. Nếu trẻ bị còi xương ngay từ trong bụng mẹ, biểu hiện dễ thấy nhất trong 3 tháng đầu sau sinh là có bướu đỉnh đầu, bướu trán (trán dô). Trẻ cũng sẽ chậm mọc răng, men răng xấu.

Ở trẻ lớn hơn: Bệnh còi xương thường gây ra biến đổi ở xương lồng ngực, chuỗi xương gờ lên trên xương sườn ở vị trí dọc hai bên xương ức (chuỗi hạt sườn), các xương chi xuất hiện vòng cổ tay, cổ chân. Các cơ mềm, nhẽo làm cho trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại di chứng ở hệ xương làm cho lồng ngực biến dạng, ngực dô phía trước như ngực gà, gù vẹo cột sống, chân tay còng, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X) khung chậu hẹp.

Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi. Ngoài ra trẻ còi xương còn bị xanh xao thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Đối với trẻ gái, xương chậu phát triển không đầy đủ có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh đẻ sau này.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng còi xương

Tình trạng thiếu vitamin D dẫn đến chứng còi xương ở trẻ thường do những nguyên nhân sau:

Thiếu ánh sáng mặt trời: Tuy xứ nhiệt đới không thiếu nắng nhưng nhiều người, do ảnh hưởng phong tục tập quán đã kiêng cữ giữ trẻ trong nhà, không cho ra nắng làm hạn chế sự tiếp xúc da trẻ với ánh sáng mặt trời. Ngoài ra những yếu tố tự nhiên khác như vị trí địa lý, khí hậu, thời tiết, vùng miền, nhà ở chật chội, ô nhiễm môi trường...cũng ảnh hưởng đến điều kiện hấp thu ánh sáng mặt trời của trẻ.

Tình trạng thiếu vitamin D ở người mẹ trong thời gian mang bầu: Việc thiếu vitamin D và canxi ở người mẹ mang thai dễ làm cho trẻ bị còi xương sớm vì trẻ sơ sinh chủ yếu dựa vào lượng vitamin D dự trữ thu được qua rau thai (hàm lượng vitamin D cũng có trong sữa mẹ nhưng thấp hơn).

Do chế độ dinh dưỡng của trẻ: Dù hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ và sữa bò đều thấp (10-20 đơn vị/100ml nhưng trẻ nuôi nhân tạo sữa bò dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ vì vitamin D trong sữa mẹ dễ hấp thu và có tỉ lệ canxi/photpho thích hợp hơn. Tuy nhiên không thể dựa vào nguồn sữa mẹ duy nhất để phòng chống còi xương. Ngoài ra, viềc cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) sớm các loại bột, mắm, muối, mì chính cũng làm trẻ dễ bị còi xương vì trong bột có nhiều axit phytic làm giảm khả năng hấp thu vitamin D, canxi ở ruột.

Tình trạng dinh dưỡng của trẻ: Trẻ đẻ thấp cân (dưới 2.500g) hay bị còi xương do cơ thể không dự trữ đủ muối khoáng và vitamin D trong thời kỳ bào thai đồng thời hệ thống men tham gia chuyển hóa vitamin D còn yếu. Những trẻ suy dinh dưỡng cũng sẽ bị rối loạn hấp thu các chất dinh dưỡng kể cả vitamin D, canxi đồng thời thiếu hụt men trong chuyển hóa vitamin D dẫn đến còi xương.

Ngoài những yếu tố trên, những bệnh như tiêu chảy kéo dài, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm gan tắc mật..., cũng có thể ảnh hưởng đến hấp thu vitamin D ở trẻ.

Phòng và điều trị còi xương ở trẻ

Còi xương là bệnh có thể phòng tránh được và ít tốn kém vì nước ta quanh năm đều có ánh nắng mặt trời. Trong thời gian mang thai, người mẹ nên tắm nắng bằng cách đi dạo ngoài trời để tiếp nhận vitamin D, đồng thời ăn uống đủ chất để phòng tránh đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Sau khi sinh, trẻ cần được bú mẹ ngay và cố gắng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ 6 tháng trở lên bắt đầu cho ăn bổ sung, chú ý thêm dầu mỡ, rau xanh, thực hiện "tô màu bát bột" để trẻ cảm thấy thích thú với việc ăn.

Phòng ở của trẻ cần thoáng mát có nhiều ánh sáng. Từ tháng đầu sau sinh, cả mẹ và con đều cần được tắm nắng (chú ý không để trẻ bị nhiễm lạnh hoặc quá nóng) chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn có thể tắm nắng buổi sáng, thời gian tăng dần từ 15-20 phút.

Đối với những trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trẻ đẻ thấp cân (dưới 2.500g), từ tuần thứ hai nên cho uống vitamin D 400 đơn vị/ngày và uống liên tục trong năm đầu. Nếu trẻ bị còi xương thì cho uống vitamin D 2.000 - 4.000 đơn vị/ngày kéo dài 6-8 tuần. Lưu ý là không dùng vitamin D liều cao vì dễ gây ngộ độc (biểu hiện với những triệu chứng nôn, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, táo bón hoặc tiêu chảy... các triệu chứng này sẽ hết khi ngừng uống vitamin D). Trong một số trường hợp, việc uống quá liều vitamin D kéo dài sẽ làm tăng canxi máu và vôi hóa mạch máu gây sỏi thận.

Trẻ còi xương do thiếu vitamin D thường thiếu cả canxi nên cần cho trẻ uống thêm canxi (0.5-1g/ngày). Ngoài ra cũng cần cho trẻ tắm nắng kết hợp với chế độ ăn đủ protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả điều trị còi xương.

Bổ sung vitamin D cho trẻ

Vitamin D là vitamin tan trong chất béo và có trong thức ăn động vật như gan, cá, trứng, sữa...Nhưng nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể là do cơ tểh tổng hợp vitamin D từ chất tiền vitamin D ở dưới da (7-dehydrocholesterol) dưới tác động quang hóa của tia cực tím ánh sáng mặt trời.

Theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng Quốc gia ở trẻ dưới 5 tuổi, nhu cầu vitamin D là 400 đơn vị/ngày và canxi 300mg/ngày đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và 500mg/ngày đối với trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.