Bỏng mắt vì gói chống ẩm

Khi đang nghịch gói chống ẩm dạng bột lấy ra từ 1 gói bánh bằng cách cho vào miệng cắn, một bé 2,5 tuổi đã bị bỏng giác mạc vì bột chống ẩm rơi vào mắt.

  Khi đang nghịch gói chống ẩm dạng bột lấy ra từ 1 gói bánh bằng cách cho vào miệng cắn, một bé 2,5 tuổi đã bị bỏng giác mạc vì bột chống ẩm rơi vào mắt.

Mang họa vì nghịch gói chống ẩm

Đây là một tai nạn rất hi hữu và lần đầu tiên BV Mắt TƯ tiếp nhận ca bỏng giác mạc do gói chống ẩm gây ra. Bệnh nhân là cháu Trần Tuấn Dũng (2,5 tuổi ở TPBắc Giang) hiện đang được điều trị tại khoa Kết - Giác mạc BV Mắt TƯ và bệnh nhi này sẽ phải phẫu thuật mắt, tuy nhiên bác sĩ chưa thể đưa ra tiên lượng thị lực của bệnh nhân.
 
Tổn thương mắt trái của bé Dũng do gói chống ẩm dạng bột gây ra. Ảnh: H.Hải
Tổn thương mắt trái của bé Dũng do gói chống ẩm dạng bột gây ra. Ảnh: H.Hải

Chị Trần Huyền Trang, mẹ cháu Dũng cho biết, đây là loại bánh gạo chị vẫn thường xuyên mua cho con ăn. Lần nào mua về, chị cũng bóc ra lấy  gói chống ẩm vứt đi. Hôm đó (chiều 29/11), vừa mua về thì thấy Dũng đang chơi với một bé nhỏ hơn, chị liền bóc bánh ra cho con rồi chơi với đứa nhỏ mà chưa kịp vứt gói chống ẩm đi.

“Lúc đó mình không để ý con đang tí toáy nghịch gói chống ẩm. Chỉ khi nghe con khóc thét lên, chạy vội ra với con thì thấy có bột bụi phủ lên mắt trái của con. Mình vội vàng lấy vạt áo khô lau cho con, nhưng con cứ nhắm tịt mắt, kêu đau rát, mình vội đưa con đến phòng khám gần nhà, bác sĩ sơ cứu, rửa mắt rồi khuyên gia đình đưa bé lên BV Mắt TƯ khám.

Cháu Dũng được vào khoa Kết - giác mạc (BV Mắt TƯ) điều trị trong tình trạng mắt trái sưng húp, không mở được. Sau 4 ngày điều trị ở viện bé mới có thể mở mắt nhưng toàn bộ mắt trái của cháu mờ đục, ở tròng đen mắt xuất hiện những đốm mờ trắng. Bệnh nhi được xác định bỏng giác mạc và sẽ phải phẫu thuật điều trị.

Các bác sĩ bệnh viện Mắt TƯ cho biết, bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, thường bỏng hai mắt và có thể bỏng rất nặng. Tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cần rửa mắt ngay nơi xảy ra tai nạn

PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, chất chống ẩm dùng trong bánh kẹo thường là Silica gel. Tính chất của Silica gel là hút ẩm, hút nước. Nếu không may bị dính vào mắt, những hạt Silica gel này lập tức làm “nhiệm vụ” và nhanh chóng hút hết nước ở trong mắt. Lúc này, cần bình tĩnh chớp mắt, nhỏ nước muối, thậm chí chỉ là nước lã từ từ để hạt chống ẩm no nước và bong ra, tuyệt đối không nên rụi, lôi vội ra sẽ dễ lôi theo cả giác mạc mắt.
 
Tổn thương mắt trái của bé Dũng do gói chống ẩm dạng bột gây ra. Ảnh: H.Hải
Thông thường, chất chống ẩm làm từ Silica gel là ở dạng hạt. Nhưng với gói chống ẩm này là dạng bột nên phải thử mới biết chính xác có phải là từ Silica gel hay không. Ảnh: H.Hải

Bình thường, gói chống ẩm là những hạt tròn nhỏ. Giải thích về gói chống ẩm bằng bột này, PGS Trần Hồng Côn cho rằng, rất khó để đánh giá chất lượng của gói chống ẩm này. “Bình thường, nếu được làm từ Silica gel thì nó sẽ là dạng hạt. Còn với những hàng không rõ nguồn gốc thì không ai có thể khẳng định được liệu nó có là Silica gel hay không, thậm chí nó có thể là vôi bột.  Chỉ có thế thử bằng cách dùng giấy quỳ thử, nếu giấy quỳ chuyển sang kiềm thì không phải Silica gel mà là vôi bột. Vôi bột cũng có tác dụng hút nước nhưng nguy hiểm hơn, khi bắn vào mắt gây bỏng kiềm, ăn mòn, làm hỏng giác mạc. Còn Silica gel là dạng  trung tính nên hầu như không gây hại, có thể chỉ làm khô nhất thời chỗ giác mạc đó nhưng không ăn sâu”, TS Côn nói.

Chất hút ẩm không độc hại, không dễ cháy hay phản ứng với những chất thông thường khi ta sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, nó cũng có thể kích thích đường hô hấp, có thể gây kích thích đường tiêu hóa, bụi từ các hạt này có thể gây kích ứng cho da và mắt.

Bỏng mắt là cấp cứu nhãn khoa và phải tiến hành sơ cứu nhanh để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực. Theo các BS chuyên khoa mắt, tiên lượng của mắt bị bỏng phụ thuộc vào việc cấp cứu ở những phút ban đầu sau bị bỏng, do đó việc xử trí cấp cứu ở nơi xảy ra tai nạn là điều rất quan trọng. Vì thế, việc cần làm ngay là loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa mắt với nhiều nước và kéo dài bằng nước sạch, nước muối sinh lý, thậm chí trong điều kiện không có nước sạch thì phải chấp nhận cả nước không sạch (nước ao, hồ, ruộng...) để rửa mắt. Ngay với gói chống ẩm này, nếu để chất chống ẩm hút hết nước tự nhiên trong mắt cũng gây ảnh hưởng thị lực, nên cần sơ cứu bằng cách nhỏ nước liên tục, nằm nghiêng một bên để dị vật từ mắt trôi ra ngoài. Quan trọng hơn hết là cần giáo dục cho trẻ những nguy cơ này để phòng tránh.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.