Bức thư bố bệnh nhi gây bão facebook Bộ trưởng Y tế

Người bố có con trai mắc bệnh động kinh gửi tâm thư về nam điều dưỡng nơi con điều trị. Bức thư nhận nhiều chia sẻ ngay khi được đăng tải trên facebook của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

 Người bố có con trai mắc bệnh động kinh gửi tâm thư về nam điều dưỡng nơi con điều trị. Bức thư nhận nhiều chia sẻ ngay khi được đăng tải trên facebook của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Cậu con trai 10 tuổi của anh Nguyễn Khắc An (Nghệ An) không may mắc bệnh động kinh. Nhiều năm nay, anh cần mẫn đưa con ra BV Việt Đức để thực hiện thủ thuật điện não đồ video giúp xác định chính xác các cơn động kinh, dạng cơn và vùng não phát ra cơn.

Tuy nhiên đã không dưới 5 lần, 2 bố con đi rồi lại về vì để đo được, bệnh nhi phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng. Lần nào, các bác sĩ cũng thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực là cháu tỉnh giấc.

Ngày 2/8 vừa qua, anh An lại tiếp tục đưa con trai đến BV Việt Đức nhập viện. GS Pierre Jallon, Đại sứ quốc tế về bệnh động kinh của Hội chống động kinh Quốc tế trực tiếp thăm khám. Dù vậy, để có chẩn đoán chính xác, bệnh nhi vẫn cần phải đo điện não đồ.

Gia đình đã xin bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm. Trực cùng anh An tại phòng bệnh là nam điều dưỡng tên Hiếu.

Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, Hiếu và anh An cùng ngồi trong phòng để đợi đến 12 giờ đêm khi cháu ngủ thật say mới bắt đầu dán điện cực.

Nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần lượt mấy chục cái điện cực chi chít lên đầu đều không sao, nhưng đến cái kẹp tai cuối cùng... thì cháu bật dậy. Mọi sự công cốc khi đồng hồ điểm 1h sáng.

Anh An nói với Hiếu: “Thôi bạn mệt rồi, về phòng nghỉ đi, mai tính tiếp”. Hiếu trả lời: “Ta cố một lần nữa anh”.

Cứ thế, 2 anh em vừa chờ vừa nói chuyện để chống ngủ gật. 1h30 sáng, cuộc chiến thứ hai bắt đầu. Lại nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán nhưng lần này mới được nửa đầu thì bé bỗng mở mắt thao láo. 2 anh em lại cần mẫn gỡ ra.

Anh An khẩn thiết nói với nam điều dưỡng: “Thôi Hiếu ạ, Hiếu về phòng nghỉ đi” nhưng Hiếu nán lại, nói anh An đưa giường xếp để nằm tạm và sẽ cố thêm lần nữa.

“Nói thế nhưng không ai ngủ được cả, trong căn phòng rộng chừng 6 mét vuông ấy, cả 2 lại thức chờ. Nóng, chật và không có ai cả, cả 2 vận quần đùi cho tiện, thú thực lúc ấy không thấy có bất kỳ một khoảng cách nào giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ bệnh viện nữa”, anh An chia sẻ.

2h45, cuộc chiến thứ 3 bắt đầu, Hiếu lại rón rén dán từng cái. Ơn giời lần này thành công. Cả 2 anh em ngồi đợi máy chạy đến 5h sáng để in lấy kết quả.

“Hiếu cười như thể vừa chính phục được đỉnh Everest vậy. Thương và cảm phục bạn ấy quá. Tôi bỏ chút quà gọi là cảm ơn nhưng Hiếu kiên quyết từ chối. Hiếu nói: ‘Anh cứ cầm đi, anh còn nhiều việc phải lo cho cháu, em không nhận đâu anh ơi”, anh An xúc động chia sẻ.

Nhờ có kết quả điện não nên con trai anh An đã được thăm khám và kết luận. Dù nhận được cái lắc đầu của GS Pierre, dù phía trước còn nhiều chông gai nhưng khi chia tay, Hiếu vẫn động viên: “Cố lên anh nhé!”.

Anh An tâm sự, cả đời gắn với bệnh viện nhưng chưa bao giờ gặp được một người nào tốt hơn Hiếu.

Cảm động trước sự tận tuỵ không biết mệt mỏi của điều dưỡng Hiếu, anh An đã gửi một bức thư ngỏ đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến như một lời tri ân.

“Những nỗ lực của ngành y thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng ước gì có nhiều hơn những người như Hiếu. Có tiền chúng ta có thể sắm thiết bị máy móc hiện đại, có tiền chúng ta cũng có thể nâng cao trình độ chuyên môn nhưng y đức thì phải chắt chiu từ những tấm gương như là Hiếu phải không chị”, anh An gửi gắm đến Bộ trưởng Kim Tiến.

Bức thư này sau đó cũng đã được fanpage của Bộ trưởng Kim Tiến đăng tải lại, nhận được rất nhiều lượt chia sẻ.

Qua tìm hiểu, điều dưỡng Hiếu tên thật là Nguyễn Đức Hiếu, 24 tuổi, hiện đang là điều dưỡng tại khoa Nội hồi sức thần kinh, BV Việt Đức.

Dưới đây là toàn bộ nội dung thư ngỏ:

"Thưa Bộ trưởng,

Tôi biết những dòng này khó đến được với Bộ trưởng, lịch trình công việc dày đặc của một vị Bộ trưởng không cho phép tâm sự của tôi len vào, tất nhiên rồi. Vâng, tôi không dám nhân lên sự bận rộn của Bộ trưởng, đây chỉ là một dòng trạng thái thiên về cảm xúc cá nhân trên facebook thôi.

Con trai tôi 10 tuổi, nhập viện Việt Đức hôm 2/8, Giáo sư Pierre Jallon đã trực tiếp khám cho cháu.

Trước khi được tiếp xúc với chuyên gia hàng đầu thế giới Pierre Jallon, cháu đã phải mấy lần ra BV Việt Đức để thực hiện thủ thuật điện não đồ video. Bộ trưởng biết rồi đấy, với cái này thì bé nhà tôi phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng đồng hồ. Không dưới 5 lần các bác sĩ thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực thì cháu nó lại thức. Hôm mùng 2 tôi cho cháu được nhập viện để xin các bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm (khi cháu đã ngủ thật say).

Đêm 2/8 kỹ thuật viên trực tên là Hiếu. Thú thực với Bộ trưởng, cả đời tôi gắn với bệnh viện nhưng chưa bao giờ gặp được một người nào tốt hơn Hiếu. Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, tôi và Hiếu ngồi riêng trong phòng điện não đợi đến 12 giờ đêm khi cháu ngủ thật say mới bắt đầu nhẹ nhàng dán điện cực. Nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần lượt mấy chục cái điện cực chi chít lên đầu không sao cả, nhưng đến cái kẹp tai cuối cùng thì. Oái, cháu bật dậy. Thế là công cốc, lúc ấy tròn 1 giờ sáng. Tôi nói với Hiếu, “thôi bạn mệt rồi, về phòng nghỉ đi, mai ta tính tiếp”. Hiếu trả lời “Ta cố một lần nữa anh”. Hai anh em lại vừa chờ vừa nói chuyện để chống ngủ gật. 1h30 sáng, cuộc chiến thứ hai bắt đầu. Lại nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần này thì chưa đến cái kẹp tai, mới được nửa đầu thì cu cậu bỗng mở mắt thao láo. Hai anh em lại lúc cúc gỡ ra. Em khẩn thiết nói với Hiếu “Thôi Hiếu ạ, Hiếu về phòng nghỉ đi”.

Hiếu đưa cho tôi mượn một chiếc giường xếp và nói “bây giờ thay nhau, cố thêm một lần nữa”. Nói thế nhưng không ai ngủ được cả, trong căn phòng rộng chừng 6 mét vuông ấy bọn tôi lại thức chờ. Nóng, chật và không có ai cả, bọn tôi vận quần đùi cho tiện, thú thực lúc ấy tôi chả thấy có bất kỳ một khoảng cách nào giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ bệnh viện nữa.

3 giờ kém 15 cuộc chiến thứ 3 bắt đầu, lần này bọn tôi kẹp 2 tai trước dán keo điện cực sau, tôi và Hiếu lại rón rén từng sợi một, ơn giời lần này thành công. Ngồi đợi máy chạy đến 5 giờ sáng. Hiếu thay đồ, xuống máy in kết quả. Hiếu cười như thể vừa chính phục được đỉnh Everest vậy. Thương và cảm phục bạn ấy quá, tôi bỏ chút quà gọi là cảm ơn, nhưng Hiếu kiên quyết từ chối. Hiếu nói, “Anh cứ cầm đi, anh còn nhiều việc phải lo cho cháu, em không nhận đâu anh ơi”.

Nhờ kết quả điện não nên cháu đã được thăm khám và kết luận.

Tôi biết bệnh tình con em không đơn giản, chiều hôm qua tôi vẫn đủ bình tĩnh để nói một câu bằng tiếng Anh cảm ơn cho dù nhận được cái lắc đầu của giáo sư Pierre Jallon.

Chia tay, Hiếu động viên tôi “Cố lên anh nhé”.

Thưa Bộ trưởng, tôi hay nghe ca nhạc trên mạng, nhưng đến lúc này chỉ có hai bài hát thực sự làm tôi tan chảy đó là “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do Chu Hoàng Tuấn cùng Thanh Điền thể hiện và bài “Người con gái sông La” do Bộ trưởng trực tiếp hát tặng nữ anh hùng La Thị Tám tại nhà riêng.

Cả hai đều hát mộc, không sân khấu, không ánh đèn và chỉ được quay bằng điện thoại di động nhưng nó diết da chạm đến tận cùng cảm xúc. Ở đời đôi khi là vậy, không cần chi to tát hoành tráng cả. Hiếu cũng vậy, một cậu con trai 9x, không chức vụ gì, không màu mè hoành tráng mà thật đáng yêu, đáng trân trọng.

Những nỗ lực của ngành y thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng ước gì có nhiều hơn những người như Hiếu. Có tiền chúng ta có thể sắm thiết bị máy móc hiện đại, có tiền chúng ta cũng có thể nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng y đức thì phải chắt chiu từ những tấm gương như là Hiếu phải không thưa Bộ trưởng.

Cảm ơn Bộ trưởng, cảm ơn Hiếu, cảm ơn giáo sư Pierre Jallon, tiến sĩ Tuấn và khoa Nội thần kinh, BV Việt Đức.

Tôi

Nguyễn Khắc An".

Theo Vietnamnet


bệnh động kinh

mạng xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.