Các bệnh da hay gặp trong mùa lạnh

Thời tiết mùa đông ở miền Bắc thường lạnh kèm theo hanh, khô. Số người mắc các bệnh về da theo đó tăng lên.


Đến mùa đông, nhiều người lại bị nứt nẻ, khô tay. Ảnh: M.H.

Thời tiết mùa đông ở miền Bắc thường lạnh kèm theo hanh, khô. Số người mắc các bệnh về da theo đó tăng lên.

Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội tư vấn một số bệnh về da hay gặp trong mùa đông:

1. Viêm da cơ địa bàn tay, bàn chân

Dân gian quen gọi là á sừng, đây là bệnh hay gặp nhất. Đến thời tiết lạnh, da tay, chân có biểu hiện bị khô, khô, nứt nẻ, bong vảy, thường xuất hiện ở đầu ngón sau đó làn dần hết cả bàn. Bệnh nhân khó trong vận động như co duỗi ngón tay, làm việc, sinh hoạt khó khăn.

Có người vào mùa hè thì không sao nhưng cứ đến mùa lạnh, hanh khô lại bị. Ngoài ra, có trường hợp mùa hè cũng bị nhưng nhẹ, đến mùa đông thì nặng lên.

2. Viêm môi do lạnh

Da môi rất khác với da mặt và các phần da khác trên cơ thể, nó rất dễ bị khô, nứt. Nguyên nhân là do không khí ngoài trời khô, lạnh và liếm môi khi môi khô. Việc liếm môi không làm môi hết khô được, thậm chí nước bọt còn làm môi càng nứt nẻ hơn.

Vì thế, bạn đừng quên sử dụng kem dưỡng ẩm cho môi.

3. Viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh ở mặt

Hiện tượng này xảy ra ở một số người có cơ địa dị ứng với lạnh. Khi đi xe máy trong mùa đông mà không trùm kín mặt là ngay lập tức da mặt sẽ đỏ hồng lên, ngứa, khô, bong vảy nhẹ.

Không chỉ bị ở mặt, mà bất cứ phần cơ thể nào hở gặp lạnh như mu bàn tay cũng bị đỏ, ngứa.

4. Viêm da cơ địa chung

Người dân quen gọi là bệnh chàm, thường hay gặp vào mùa đông. Biểu hiện là tổn thương khô da chân, mặt, tróc vảy, đỏ. Yếu tố lạnh làm bệnh trở nặng hơn.

Bệnh có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh, đến 7-8 tuổi thường tự khỏi. Khi không khỏi bệnh chuyển thành viêm da cơ địa người lớn, thành mãn tính.

Phòng các bệnh về da trong mùa lạnh:

- Điều quan trọng đầu tiên là giữ ấm cơ thể.

- Thời tiết lạnh thường kèm theo hanh, khô nên bạn đừng quên sử dụng kem dưỡng làm ẩm da phù hợp với từng vị trí da: môi, mặt, tay, chân, cơ thể. Cần thiết thì bạn có thể đến bác sĩ để được tư vấn.

Trong trường hợp bôi kem dưỡng không hiệu quả thì nên kết hợp thuốc bôi đặc trị.

- Chế độ dinh dưỡng, ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất.

- Chế độ sinh hoạt, làm việc, tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, xà phòng.

Đa phần những trường hợp bị nứt tay chân là phụ nữ, làm công việc nội trợ. Nguyên nhân một phần do hóa chất trong xà phòng, nước rửa bát... làm mất sự tiết chất nhờn của da, làm da bị tổn thương. Không phải tiếp xúc với xà phòng một lần là bị ngay mà cả quá trình dài, có người làm nội trợ 5-10 năm sau mới bị.

Vì thế, dù hiện giờ chị em chưa bị nứt nẻ tay thì cũng nên chú ý khi giặt quần áo hay rửa bát nên đi găng tay bảo vệ, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Những người đã bị nếu không đi găng tay thì da sẽ bị nứt, khô nặng hơn.

- Tắm nước ấm, không tắm nóng quá, dễ gây ngứa.

Nếu đã tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách nhưng da vẫn không đỡ thì cần đến các phòng khám da liễu khám kịp thời.

Theo VNE


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.