Chủ động phòng ngừa dịch sốt xuất huyết

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi (trung gian lây bệnh sốt xuất huyết) phát triển và gây dịch.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi (trung gian lây bệnh sốt xuất huyết) phát triển và gây dịch.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.

Miền Nam: “ổ” dịch sốt xuất huyết

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 39.897 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 52 tỉnh thành, trong đó có 26 ca tử vong, tập trung vào đối tượng trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, dịch chưa tấn công ra miền Bắc nhưng những ổ dịch lớn ở miền Nam thì đang phát triển mạnh đến đáng báo động. 10 tỉnh là "ổ" sốt xuất huyết gồm Bình Phước, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, An Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đồng Nai, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Số bệnh nhân các tỉnh này tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có tỉnh tăng gần 4 lần so với năm 2011.

Đến hẹn lại lên, sốt xuất huyết thường tăng nhanh từ tháng 5 và kéo dài đến khoảng tháng 11. Theo “quy luật”, đỉnh dịch ở miền Nam thường rơi vào từ tháng 7-9, miền Bắc khoảng tháng 9-10. Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và gây dịch.

Nguyên nhân khiến số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh là do bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho mật độ muỗi phát sinh nhiều làm bệnh lây lan nhanh hơn.

Để dịch không lây lan và giúp người bệnh điều trị khỏi bệnh, một trong những yếu tố quyết định là phát hiện sớm. Vì thế, các địa phương trong cả nước cần tăng cường biện pháp phòng chống dịch, phát hiện sớm ổ dịch để kịp thời xử lý, không để dịch lan rộng.

Mùa mưa là mùa bệnh phát triển mạnh

Bác sĩ Nguyễn Viết Lâm, trưởng khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Thời điểm hiện tại, dịch đang phát triển mạnh ở phía Nam và lan rộng khu vực miền Trung. Miền bắc chưa phát hiện ổ dịch nào nhưng cũng có một số trường hợp lẻ.

Dịch bùng phát vào đầu và cuối mùa mưa, lây truyền từ người sang người qua đường máu. Sau khi hút máu một người nhiễm virus Dengue, muỗi cái có thể truyền sang người khác virus Dengue sau khi đã ủ bệnh 3-10 ngày, hoặc có thể truyền bệnh ngay nếu đang hút máu dở dang ở một người này rồi chuyển sang đốt người khác.

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết do virus, người bệnh có nhiều triệu chứng lâm sàng rõ nét. Biểu hiện chung là sốt cao (39- 40 độ C) kéo dài 7-10 ngày kèm theo chảy máu đường hô hấp, nhức đầu, mỏi cơ khớp, đau bụng, nôn, có những nốt đỏ nhỏ phát ban, sưng hạch, chảy máu cam…

Xuất huyết là biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh, có thể là xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc hoặc xuất huyết phủ tạng. Trường hợp nặng dẫn đến nguy kịch với những triệu chứng xuất huyết phủ tạng, sốc, hôn mê…

Phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hiệu quả biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh. Người dân cần thực hiện theo nguyên tắc, không lăng quăng, bọ gậy, không muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết. Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ.

Tránh muỗi đốt, từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay, không cho trẻ em chơi chỗ tối, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi.

Khi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời hoặc vào mùa dịch cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.

Không nên tự ý mua hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Phun hóa chất nào, nồng độ bao nhiêu để có tác dụng diệt muỗi nhưng không làm tăng khả năng kháng thuốc của muỗi phải do cơ quan y tế dự phòng địa phương quyết định.

Trên thực tế, có những loại hóa chất có tác dụng diệt muỗi ở khu vực này nhưng lại không hiệu quả ở khu vực khác.

Khi phát hiện người nhà bị ốm với các triệu chứng trên, biểu hiện rõ nhất là sốt cao và xuất huyết, gia đình hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời. Mặt khác cần có biện pháp cách li người bệnh hợp lý, tránh để lây lan thành ổ dịch.

Theo TTVN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.