Con trai 5 tháng tuổi suýt chết vì một nụ hôn và lời cảnh báo của bà mẹ dược sĩ

Một bà mẹ người Thái Lan là dược sĩ cho biết cậu con trai mới 5 tháng tuổi của mình đã phải trải qua điều trị y tế...

Một bà mẹ người Thái Lan là dược sĩ cho biết cậu con trai mới 5 tháng tuổi của mình đã phải trải qua điều trị y tế và suýt mất mạng chỉ vì lây nhiễm virus RSV khi bị người lạ hôn.

Cách đây 5 ngày, vào ngày 24/7, trên mạng xã hội facebook của Thái Lan, một bà mẹ đã chia sẻ về câu chuyện của chính mình khi con trai cô suýt chết chỉ vì một nụ hôn từ người lạ.
 
Nụ hôn từ người lạ
Câu chuyện về lần suýt chết của con trai từ bà mẹ dược sĩ người Thái Lan đã thu hút rất nhiều sự chú ý
 
Ngay lập tức, câu chuyện này đã được 15.275 người chia sẻ và 2.4K bình luận, trong đó, rất nhiều người mẹ cũng đã đồng tình với bà mẹ dược sĩ này và chia sẻ rằng con họ cũng đã từng gặp phải tình huống tương tự.
 
Bé trai suýt chết
Bé trai 5 tháng tuổi đã bị lây nhiễm virus RSV từ người lạ.
 
Cụ thể, bà mẹ người Thái Lan này kể lại:
 
"Con trai 5 tháng tuổi của tôi, Jake đã bị nhiễm virus RSV và phải nhập viện để điều trị. Nguyên nhân là bởi vì con đã phải nhận một nụ hôn từ một người nào đó mà tôi không để ý khi họ đến thăm bé. Mặc dù tôi đã thường xuyên lau má và tay cho bé nhưng điều không may vẫn đến. 
 
Virus RSV có khả năng lây lan rất nhanh, nhất là vào thời điểm mùa mưa này. Nó là một căn bệnh đáng sợ đối với trẻ dưới 3 tuổi.
 
May mắn rằng, đứa con trai kháu khỉnh của tôi không bị sốt. Cháu vẫn chịu bú mẹ thường xuyên và không bị nhiễm trùng nên vi khuẩn không có cơ hội trở nên tồi tệ hơn. Con đã hồi phục nhanh hơn so với những gì các bác sĩ dự kiến. 
 
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, nếu cha mẹ không phát hiện sớm để điều trị, dẫn đến bệnh tình trở nặng, đứa trẻ có thể tử vong nhanh chóng".
 
Sau đó, vì là một dược sĩ, bà mẹ này đã có những chia sẻ kỹ hơn, mang tính chuyên môn hơn về loại virus này và các triệu chứng cảnh báo cho các bà mẹ khác.
 
RSV – virus hợp bào hô hấp
 
Virus hợp bào đường hô hấp (respiratory syncytial virus - RSV) là loại virus gây bệnh ở đường hô hấp, có thể xảy ra cả ở trẻ em và người lớn. Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh , virus RSV là tác nhân hàng đầu gây viêm tiểu phê quản và viêm phổi. Khi trẻ nhiễm virus này, phổi của bé sẽ có rất nhiều chất nhầy gây tắc nghẽn phế quản, trẻ cũng sẽ thấy nóng ran ở cổ, chảy nước mũi và nghẹt mũi kéo dài.
 
Các triệu chứng cảnh báo con có thể đang bị lây nhiễm virus RSV
 
 Hãy chú ý các triệu chứng lạ ở con để giúp con một cách kịp thời nhất (Ảnh minh họa)
 
1. Thở khò khè, cảm giác như con đang bị đờm ở trong cổ họng, nghẹt mũi.
 
2. Khó thở, thở nhanh.
 
3. Ho nhiều với đờm vàng, xanh hoặc xám.
 
4. Chảy nước mũi.
 
5. Sốt cao, thường quấy khóc và không nhanh nhẹn, có các biểu hiện thiếu nước nghiêm trọng như khóc không ra nước mắt, không đi tiểu suốt 6 giờ, bỏ bú mẹ, bú bình…
 
6. Tím tái ở môi và móng tay (trường hợp nặng)
 
Hiện tại, y học vẫn chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nào có hiệu quả, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng. Cách duy nhất cha mẹ có thể làm chỉ làm điều trị các triệu chứng, làm giảm nhẹ các triệu chứng này cho đến khi chúng biến mất.
 
Ngoài các biện pháp y tế có sự can thiệp của bác sĩ, bà mẹ này còn chia sẻ một số cách đơn giản có thể làm giảm các triệu chứng này ở con bao gồm:
 
 Mẹ có thể giúp con giảm bớt các triệu chứng do virus RSV gây ra bằng một số cách đơn giản (Ảnh minh họa)
 
- Cho con dùng dụng cụ hỗ trợ hít oxy trong khi ngủ.
 
- Dùng máy phun sương để tạo ẩm và giữ không khí sạch thường xuyên, khoảng vài giờ lại dùng một lần.
 
- Thường xuyên hút các chất dịch trong mũi trẻ để mũi trẻ được thông thoáng và sạch các chất nhầy, bẩn.
 
Đó là một trong rất nhiều cách mà bà mẹ này đã làm thường xuyên đến khi tình trạng của con tốt lên.
 
Cuối cùng, bà mẹ này muốn nhắn nhủ với các mẹ rằng: “Tôi muốn gửi lời nhắc nhở đến tất cả mọi người, kể cả những bậc phụ huynh có con nhỏ và những người không có con nhỏ nhưng vẫn có thói quen thích ôm ấp trẻ sơ sinh rằng có thể, bạn thấy chúng (những đứa trẻ) rất đáng yêu, nhưng bạn hãy đừng bao giờ cưng nựng, vuốt má hay thậm chí hôn một em bé sơ sinh khi cơ thể chưa sạch sẽ. Bởi cơ thể của chúng ta chứa rất nhiều loại virus và vi khuẩn. Những thứ này có thể không gây bệnh khi chúng ở trên người bạn, nhưng với những đứa trẻ, chúng lại có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng".
 
Những gợi ý giúp ngăn ngừa hiệu quả lây nhiễm virus RSV cho con 
 
 Đừng bao giờ để người lạ hôn trẻ (Ảnh minh họa)
 
- Thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự như cảm cúm.
 
- Không để người khác chạm vào bé trước khi rửa sạch tay. Tuyệt đối tránh cho người lạ hôn trẻ.
 
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người
 
- Không để trẻ tiếp xúc với môi trường hút thuốc, hoặc ở cạnh người đang hút thuốc.
 
- Đối với các em bé thuộc nhóm nguy cơ cao, hạn chế đưa trẻ ra khỏi nhà vào mùa đông xuân vì đây là mùa mà virus RSV hoạt động mạnh và có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
 
- Nếu có thể hãy cách ly bé khi xung quanh bé đang có người xuất hiện dấu hiện cảm cúm hoặc đang cảm cúm.
 
- Các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá.
 
- Khi đi ra đường nên giữ ấm và bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ sau khi đi chơi về.
 
- Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý. Nếu trẻ có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa ngay trẻ đến các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng.
 
Nguồn: Tổng hợp
 Theo Ngọc Anh / Trí Thức Trẻ


Trẻ sơ sinh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.