Đau dạ dày nên điều chỉnh sinh hoạt

Hơn bất cứ loại bệnh nào, đau dạ dày có liên quan mật thiết đến thức ăn, vệ sinh ăn uống và trạng thái thần kinh.

Stress và những lo toan hàng ngày đang làm đảo lộn mọi sinh hoạt của chúng ta. Bạn ăn sáng lúc 10giờ, ăn trưa khi đã xế chiều và lên giường đi ngủ khi vừa nạp một bồ thức ăn. Rồi bạn thấy dạ dày ngâm ngẩm đau. Cũng chả sao, làm vài viên giảm đau là hết ấy mà. Tiếp tục những chè chén với tiệc tùng thâu đêm, là làm việc quên giờ giấc. Rồi những cơn đau tăng cả về cấp độ lẫn thời gian. Lại thuốc, và lại đau. Bệnh đau dạ dày không đơn giản như bạn nghĩ, bởi nó nhẹ thì khiến bạn nằm nhà cả tuần, nặng có thể dẫn đến chảy máu dạ dày, thậm chí là ung thư. Nhưng nó hoàn toàn là căn bệnh mà bạn có thể ngừa được, chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Riêng tôi thường đặt ra mấy nguyên tắc sau cho mình để phòng ngừa chứng bệnh khó chịu này:

Về sinh hoạt: Nghề thầy thuốc như tôi rất khó có được một chế độ sinh hoạt đều đặn, khi phải trực đêm, lúc lại đến việc gấp vì một ca bệnh phức tạp, và chuyện là quá giờ thì không hiếm. Nhưng bất cứ lúc nào có thể tôi đều cố gắng duy trì ngủ 8 tiếng, không thức khuya và buổi trưa có giấc ngủ ngắn. Một nguyên tắc bất di bất dịch của tôi là luôn gạt mọi lo lắng, căng thẳng của công việc ra khỏi cửa. Tám, chín tiếng làm việc ở cơ quan đã đủ để thần kinh căng thẳng rồi nên bù lại, về đến nhà, tôi chỉ dành cho ngủ nghỉ và sinh hoạt gia đình.

Ăn đúng cách: Tôi luôn ăn đúng giờ. Trừ những khi có ca cấp cứu hoặc bận việc đột xuất, tôi luôn tuân thủ một giờ ăn cố định. Khoảng cách giữa bữa sáng, trưa, tối thường cách nhau 5 tiếng. Với thời gian đó, đảm bảo dạ dày không còn no nhưng cũng chưa đến mức quá đói. Và bữa tối của tôi bao giờ cũng luôn trước 7 giờ bởi tôi thường đi ngủ vào lúc 10 giờ. Theo khoa học, bữa tối nên cách giờ đi ngủ ba tiếng. Trong thực đơn các bữa cơm tối tôi thường cố gắng hạn chế các đồ rán, nướng, hun khói hay đồ biển. Và dù đói đến đâu thì bữa tối tôi cũng không cho phép mình ăn quá nhiều. Chỉ ăn vừa chớm no. Nhiều người quan niệm ăn cay thì đỡ đau dạ dày nhưng thực tế, đồ ăn cay chỉ khiến cơn đau nặng hơn mà thôi. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng hạn chế mở ti vi trong bữa ăn, không vừa ăn vừa đọc sách báo và không đem những căng thẳng vào bữa ăn. Sau bữa ăn, tối thiều nửa giờ tôi mới nghĩ đến việc làm gì đó.

Ăn đủ chất: Protein, lipid, glucid, vitamin là những chất cần thiết có trong bữa ăn. Để có được những chất này trong thực đơn hàng ngày cần có đủ thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và hoa quả.

Tôi từng thấy nhiều bệnh nhân bị đau dạ dày do sử dụng thuốc chống đau, giảm viêm sai quy cách. Nhiều trường hợp nặng việc sử dụng thuốc sai này thậm chí còn gây chảy máu dạ dày, thủng dạ dày. Bất cứ thuốc giảm đau, giảm viêm nào mà bạn muốn dùng đều cần tham khảo ý kiến bác sỹ.

Có một thói quen rất không tốt của người dân mình là mẹ hay mớm cơm cho con. Vì xoắn khuẩn H pyloen gây đau dạ dày lây từ người này sang người khác qua nước bọt, cao răng nên việc mớm cơm có thể làm cho bệnh của mẹ lây sang con hoặc ngược lại. Tôi thường khuyến cáo bệnh nhân của mình tuyệt đối không nhai cơm cho con hoặc mớm thức ăn cho bé.

Theo Ths-Bs Phạm thị Bình (Chuyên khoa II, bệnh viện Bạch Mai, HN)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.