Dưa lê, dưa bở ngon bổ rẻ nhưng sợ ngâm thuốc: Chuyên gia bày cách chọn dưa an toàn

Tháng 5, 6 là mùa dưa lê, dưa bở và chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Tuy nhiên, vì lo sợ dưa lê, dưa bở ngậm thuốc mà nhiều người tiêu dùng quay lưng với loại quả thơm mát này.

Tháng 5, 6 là mùa dưa lê, dưa bở và chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Tuy nhiên, vì lo sợ dưa lê, dưa bở ngậm thuốc mà nhiều người tiêu dùng quay lưng với loại quả thơm mát này. Chuyên gia sẽ hướng dẫn cách chọn dưa lê, dưa bở an toàn.

Những quả dưa bở đã nứt vỏ thì không nên mua. Ảnh: T.G
Những quả dưa bở đã nứt vỏ thì không nên mua. Ảnh: T.G

Chọn dưa lê tránh hóa chất

Dưa lê ngọt và thanh mát, ăn rất hợp khi trời nắng nóng nhưng đã có nhiều người bị ngộ độc. Nguyên nhân là do dưa lê có hương vị thơm ngon (đặc biệt là dưa lê xanh) nên rất hút sâu bọ. Vì vậy, người trồng hay phun thuốc trừ sâu trước khi đem bán, do chưa đủ thời gian nên lượng thuốc tồn dư còn ở quả có thể gây ngộ độc cho người ăn. Một số thương lái muốn bảo quản quả tươi lâu để bán lâu ngày nên cũng sử dụng hóa chất, vỏ dưa lê rất mỏng nên dễ ngấm qua vỏ, gây ngộ độc khi ăn phải.

Theo các tiểu thương, tại các chợ đầu mối có hai nguồn dưa lê. Dưa lê ta thường từ Sóc Sơn (Hà Nội), Thanh Hà (Hải Dương) và các tỉnh lân cận Hà Nội nhập về, giá dưa lê ta vỏ xanh 15.000 - 20.000 đồng/kg. Một phần nhỏ là dưa lê Trung Quốc, quả trắng tròn hơn, mùi chỉ thơm nhẹ nên giá rẻ hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa), để ăn dưa lê an toàn, người tiêu dùng nên ăn đúng chính vụ sẽ ít bị phun thuốc trừ sâu hơn dưa trái vụ. Nếu biết rõ dưa có nguồn gốc càng tốt, chọn quả tươi mởn, hương thơm tự nhiên. Các bà nội trợ sành ăn trong dân gian có những bí kíp chọn dưa lê như sau:

- Nên ăn dưa lê ngày nắng vì độ ngon, ngọt cao. Sau ngày mưa thì không nên mua vì vị dưa lê rất nhạt.

- Chọn dưa lê vỏ màu xanh nhạt pha chút vàng. Cầm quả dưa lên ngửi từ cuống tới đáy, nếu thấy càng thơm thì càng ngon. Dưa không có mùi thơm thường rất nhạt và không giòn. Dưa lê vỏ xanh vị ngọt đậm và thơm hơn. Loại dưa vỏ trắng, cùi dày nhưng chọn quả ngả sang màu ngà sẽ ngọt hơn. Tránh chọn dưa lê vỏ xanh đậm là dưa non, nhạt, thậm chí có vị đắng.

- Cầm quả dưa lên, lắc nhẹ nếu thấy ruột chắc đặc, hình dáng tròn đều, vỏ cứng, cuống nhỏ và tươi, không bị nứt hay sứt. Phần dưới quả hơi lồi ra là dưa chín già, cùi giòn, ngọt vị, thơm ngon hơn.

Tuyệt đối không mua những trái dưa lê nứt nẻ, vẹo, mềm vì dễ nhiễm khuẩn, bụi bẩn, ăn vào không tốt cho cơ thể. Nếu lắc thấy trong quả dưa có tiếng ọc ọc của nước là ruột dưa đã bị hỏng, không nên mua.

TS Nguyễn Văn Khải (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội, Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng, trước khi ăn dưa lê cần rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng, hoặc sục máy ozone để loại trừ tối đa độc tố ngoài vỏ. Khi ăn dưa lê nên gọt dày lớp vỏ, phần thịt dưa ngon ngọt hơn. Nên ăn cả hạt vì các axit béo omega-3 rất tốt cho tim mạch. Nếu bổ ra thấy ruột dưa không còn đặc thì không nên ăn.

Dưa bở

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, dưa bở theo Đông y là loại hoa quả giàu dinh dưỡng, ngon bổ, mát dễ ăn, giúp thanh nhiệt, giải khát, trị hiệu quả một số chứng bệnh như táo bón, lợi tiểu, chống say nắng, chữa mụn trứng cá, giúp da nhẵn mịn, chữa mất ngủ, ho khan, táo bón, giảm béo phì… rất hiệu quả. Món dưa bở dầm đường, bỏ đá (hoặc bỏ vào ngăn mát tủ lạnh một lúc) ăn rất thơm mát.

Do dưa bở dễ hỏng nên đã có thương lái ngâm dưa vào hóa chất bảo quản. Dưa tươi là trên vỏ còn một lớp lông măng mỏng mịn, tỏa mùi thơm dễ chịu. Dưa bở ngâm hóa chất sẽ mất đi lớp lông măng và mùi hương. Vì thế, bạn không nên chọn dưa bở có vỏ quả nứt vỡ (có thể chọn quả hơi rạn vỏ) vì không an toàn, bởi ruồi muỗi, côn trùng dễ bám vào, đẻ trứng… sinh bệnh tật. Phần nứt vỡ còn dễ bị bám bụi bẩn.

Cho trái cây vào túi nilon để thử hoá chất

Theo các chuyên gia, không chỉ dưa lê, dưa bở mà một số loại hoa quả như cam, lê, táo… cũng hay bị dùng hóa chất bảo quản, hay phun, hoặc tiêm thuốc. Nếu xưa kia dân gian làm hoa quả chín bằng cách thắp hương, dùng đất đèn ủ thì ngày nay có những chất bảo quản chỉ cần cho cho hoa quả vào ngậm thuốc qua đêm là chín, và để được lâu. Những hóa chất này thị trường có nhiều loại không nhãn mác, phải dùng máy móc mới có thể phân tích đa dư lượng hóa chất và giá tự người dân kiểm nghiệm rất tốn kém.

TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên rằng, nếu nghi ngờ hoa quả có hóa chất bảo quản có thể thử bằng cách đơn giản là bỏ vào túi nilon, buộc túm lại một lúc rồi mở ra ngửi. Nếu thấy có mùi hắc, khó chịu thì đó là hóa chất tồn dư vẫn tồn đọng (do khi phun thuốc xong chưa đủ thời gian cách ly đã thu hoạch), thì không nên mua. Nhưng nếu hoa quả bị ngâm thuốc bảo quản thì bằng cảm quan khó có thể nhận biết được.

Trái cây nói chung tránh mua loại to mọng, bóng mịn... đẹp mắt, hình dáng lạ. Mua về nên rửa kỹ và không nên ăn ngay. Hãy để một thời gian để hóa chất (nếu có) bị phân hủy. Những loại quả bảo quản bằng đất đèn, lưu huỳnh để một vài ngày tự nó cũng bay hơi.

“Dưa lê, dưa bở vốn là hoa quả ngon, bổ, rẻ, giúp thanh nhiệt hiệu quả mùa hè. Ăn dưa lê, dưa bở và các loại quả khác cần ăn đúng mùa vụ, không nên ăn trái mùa, không ham rẻ mà chọn quả dưa sứt sẹo, vẹo vọ, mềm nhũn, ruột lỏng… để ăn vì dễ gây ngộ độc. Sau khi đã gọt vỏ dưa rồi thì nên ăn hết, nếu thừa cần bọc bảo quản trong môi trường thoáng mát để tránh ruồi muỗi, bụi bặm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

TS Nguyễn Duy Thịnh


Theo GĐXH


hóa chất độc hại

thuốc trừ sâu

dưa bở

dưa lê


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.