Dùng gì thay thế mì chính, bột nêm?

Nhiều chị em không muốn dùng mì chính, bột nêm nhưng lúng túng không biết dùng loại gia vị hoặc cách chế biến thực phẩm nào thay thế.

Nhiều chị em không muốn dùng mì chính, bột nêm nhưng lúng túng không biết dùng loại gia vị hoặc cách chế biến thực phẩm nào thay thế.
Mì chính hay bột nêm đều không có giá trị dinh dưỡng

Chị Nguyễn Thu Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, sau nhiều lần bị “say mì chính”, đã quyết tâm “cạch” hẳn loại gia vị này trong gian bếp của gia đình. Theo chị Mai, nhiều lần đi làm về muộn, trót nhờ chồng nấu hộ, mình ăn xong là bị nhức đầu, chóng mặt giống y hệt như sau khi ăn phở ngoài hàng.

Hỏi chồng, chị Mai mới biết, chồng đã cho rất nhiều bột nêm vào món rau xào và canh. “Cảm giác rất khó chịu, lại đọc thông tin truyền nhau trên mạng cho rằng bột nêm là siêu bột ngọt chứ không phải là từ nước xương hầm và thịt nên mình cạch hẳn luôn, không mua bột nêm hay mì chính về nữa”, chị Mai nói.

Tuy nhiên, vốn thói quen từ  bé, chồng chị Mai lại rất thích ăn các món ăn có nhiều bột nêm vì vị đậm đà, dễ ăn hơn. Mấy bữa nay món ăn không có chút bột nêm nào khiến chồng chị chưa thích nghi được, vừa ăn vừa kêu vị cứng, khó ăn nhưng chị Mai lại chưa tìm ra gia vị nào thay thế.

Nhiều chị em khác cũng rất “dị ứng” với loại gia vị nêm nếm này và cho biết có cảm giác rất khó chịu sau khi ăn những món ăn ở ngoài hàng có cho nhiều mì chính như phở, bún, các món xào…

Nhiều chị em phân vân khi dùng loại gia vị tạo ngọt này (Ảnh minh họa)

Nên dùng nước xương non, thịt non

Trước thông tin của các chị em về hiện tượng say mì chính, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, hoàn toàn không có hiện tượng say mì chính xảy ra. Theo giải thích của PGS TS Thịnh, mì chính hay bột nêm đều không có tác dụng gì với cơ thể, không độc hại nên không thể xảy ra hiện tượng say mà có thể là do bị dị ứng với thành phần nào đó trong món ăn.

Về bột nêm, thành phần bao gồm có các chất gia vị, cũng có thịt cá, các loại bột ngọt được phép sử dụng 2% – 4% khối lượng, còn lại là bột nang, là tinh bột biến tính… PGS TS Thịnh nói: “Thực ra, những loại chất gia vị như mì chính, còn một số loại tạo ngọt khác đã được Bộ Y tế cho phép được sử dụng ở mức nhất định, không có tác hại gì. Tất nhiên, khi sử dụng, chị em không nên lạm dụng vì nó hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng nhưng cũng không độc hại như mọi người vẫn nghĩ”.

Theo lời khuyên của PGS TS Thịnh, nếu có điều kiện về thời gian và kinh tế, chị em có thể không sử dụng loại gia vị này mà thức ăn vẫn có vị ngọt, đậm đà bằng cách lấy vị ngọt từ các loại thực phẩm như trứng, thịt, đậu phụ, cá…, đặc biệt là các loại thịt non như thịt bò non, thịt lợn non, sườn non, cá non…Các loại thực phẩm này hàm lượng ngọt rất cao và giàu giá trị dinh dưỡng, nhiều axit amin, khoáng…

Không nên cho trẻ em, bà bầu ăn mì chính, bột nêm

Nhiều người phân vân không biết có nên nêm mì chính hay bột nêm vào các món cho bà bầu hoặc trẻ nhỏ hay không, PGS TS Thịnh khuyến cáo: Không nên cho bà bầu và trẻ nhỏ ăn. Lý do không phải gia vị này độc hại với bà bầu và trẻ em mà nếu lạm dụng để nêm các món dễ ăn mà xem việc bổ sung các chất từ thịt, cá, trứng, sữa…. trẻ sẽ dễ bị thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng vì chỉ ăn ngon miệng mà không đủ thức ăn.

Nếu cần thiết để cải thiện khẩu vị thì chỉ dùng với lượng cực kỳ ít. Tốt nhất nên lấy ngọt và cải thiện khẩu vị từ thực phẩm như thịt, con vật còn non, lợn đang non, bò non. Những loại này thịt ngon, mềm, dễ tiêu. Trong trường hợp không kiểm soát được độ non của các loại thịt thì có thể dùng các loại thịt như bình thường nhưng nên ninh nhừ, hoặc nghiền nhỏ để hệ số tiêu hóa cao, thức ăn dễ hấp thu dinh dưỡng.

Theo Khám phá
 


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.