Đúng hay sai lời can ngăn "Đừng dội nước đá" cho nạn nhân bỏng vụ nổ bốt điện Hà Đông?

Nhiều người khi thấy bỏng, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu là tìm cách hạ nhiệt càng nhanh càng tốt, và nếu vậy, nước đá là lựa chọn tối ưu nhất?

Nhiều người khi thấy bỏng, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu là tìm cách hạ nhiệt càng nhanh càng tốt, và nếu vậy, nước đá là lựa chọn tối ưu nhất?

Vụ nổ bốt điện tại Hà Đông, Hà Nội ngày 17/11 lan truyền khắp các mạng xã hội, không chỉ vì sự kinh hoàng của nó, những thiệt hại nó gây ra, hình ảnh đầy ám ảnh của nạn nhân bị bỏng nặng, mà còn cả cách sơ cứu của những người dân gần đó. Khi một phụ nữ múc nước dội lên người bị bỏng, đã có người lên tiếng can ngăn, “Đừng dội nước đá, bác ơi!” Hành động và câu nói này khiến rất nhiều người giật mình tự hỏi, ai đúng, ai sai, thật sự mình đã biết cách hành xử đúng nhất để cứu mình, cứu người hay chưa.

sơ cứu khi bị bỏng
(Ảnh: Internet)

PGS.TS Lê Năm, nguyên giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết các nạn nhân của các vụ nổ bốt điện, trạm biến áp thường là bỏng nhiệt chứ không phải bỏng điện, do các tia lửa điện phóng cháy tạo lửa lan ra những người gần đó. Và nguyên tắc sơ cứu khi này là dùng nước dội ngay lập tức để hạ nhiệt, giúp vết thương đỡ sâu hơn, tạo thuận lợi cho việc điều trị và hồi phục của người bị nạn, và việc này phải được thực hiện càng sớm càng tốt, để lâu sẽ không còn tác dụng.

Trong trường hợp không lập tức tìm được nước sạch thì có thể dùng các nguồn nước khác để tiến hành sơ cứu, nhưng đồng thời cũng phải tìm nước sạch để rửa sạch vết thương cho người bị nạn càng sớm càng tốt và đưa đến bệnh viện gần nhất. Nếu không có bất cứ loại nước nào khác, bất khả kháng có thể dùng nước đá tan chảy ra nhưng phải hết sức lưu ý chỉ dùng trong thời gian rất ngắn, bởi đá và nước đá rất dễ khiến nạn nhân bị thêm nguy cơ bỏng lạnh sâu.

Ngoài ra, cần tuyệt đối:

- Không tìm cách cởi quần áo của nạn nhân bị bỏng nặng, vì việc làm này sẽ gây lột da. Thay vào đó, cần dội hoặc ngâm ngay vùng da bị bỏng trong nước sạch, nới lỏng quần áo, dùng vật sắc nhọn cẩn thận cắt bỏ từng chút một;

- Không tùy tiện áp dụng các biện pháp dân gian như đắp lá, nước mắm, kem đánh răng… sẽ có thể khiến vết bỏng bị nhiễm khuẩn sâu, gây khó khăn trong việc điều trị;

- Sau khi sơ cứu, cần lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Lưu ý các trường hợp bỏng đặc biệt cần có những cách sơ cứu đặc biệt:

Bỏng điện là trường hợp bỏng sâu, nghiêm trọng, có thể khiến tim ngừng đập. Khi này cần lập tức ngắt nguồn điện, tách nạn nhân khỏi nguồn điện, nếu nạn nhân bị ngừng tim thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo cho đến khi tim đập lại rồi mới đưa đi cấp cứu.

Bỏng hóa chất có thể gây hoại tử, cần lập tức rửa ngay và liên tục bằng nước và đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Bỏng nhiệt (do lửa, nước sôi, hơi nóng…) cấp độ 3, là tình trạng tất cả các lớp da đã bị tổn thương, chuyển màu trắng như sáp, nâu hoặc cháy xém, da sần sùi, có thể đau rất ít, thậm chí không đau do dây thần kinh và mô da đã bị tổn thương. Khi này cần lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện, không tìm cách ngâm vết bỏng vào nước, tránh để dính vùng tổn thương vào bất cứ loại vải vóc, quần áo nào, và nếu có thể, hãy nâng phần bị bỏng cao hơn tim.

Với những trường hợp bỏng nhiệt nhẹ hơn:

sơ cứu đúng cách khi bị bỏng
(Ảnh: Internet)

- Bỏng nhiệt cấp độ 1 - da đỏ, đau, sưng nhẹ: cần ngâm nước sạch ít nhất 5 phút để hạ nhiệt, giảm sưng, sau đó sử dụng các loại thuốc thoa trị bỏng đặc trị;

- Bỏng nhiệt cấp độ 2 - da rất đỏ, sưng nhiều, vết bỏng dày hơn, đau, tạo mụn nước: cần ngâm nước sạch ít nhất 15 phút, có thể đắp gạc ướt lạnh vài phút mỗi ngày, thoa thuốc mỡ kháng sinh, kiểm tra vết bỏng hàng ngày, theo dõi các dấu hiệu sưng, đau hơn, nếu có.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.