Giã từ hải sản?

Cua rang me, bạch tuộc nướng, sò hấp hành... các món ăn từ hải sản thật hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người đành phải ngậm ngùi từ chối vì cơ địa của họ không cho phép vị giác được thỏa mãn.

Cuối tuần, chị Bạch Hoa, trưởng phòng nhân sự một công ty dệt tại Q.10, TP. HCM, cùng gia đình đi Vũng Tàu hóng gió và mừng sinh nhật chị.

Ngày đầu của chuyến đi thật tuyệt. Tắm biển xong, cả nhà chị Hoa thưởng thức một bữa tiệc hải sản nướng ngon không tả nổi. Sau đó, mọi người kéo vào phòng karaoke giải trí.

Thế nhưng, chưa được ba mươi phút, chị Hoa bỗng cảm thấy đau đầu khủng khiếp. Từng cơn đau như búa giáng vào đầu khiến chị lảo đảo, xây xẩm mặt mày. Ngay lập tức, người nhà chị Hoa cùng một vài nhân viên tại phòng karaoke của khách sạn đưa chị cấp cứu tại bệnh viện gần đấy.

Dị ứng hải sản, những triệu chứng khó lường

(Ảnh minh họa)

Sau hai giờ nằm trong phòng cấp cứu, chị Hoa đã được bác sĩ khoa Dị ứng chẩn đoán chứng đau đầu phần lớn bị ảnh hưởng do ăn nhiều bạch tuộc. Chị Hoa cũng kể rõ, trong bữa tiệc lúc chiều, món bạch tuộc nướng rất ngon.

Trước đây, có lần chị Hoa cũng bị đau đầu khi nếm thử một món ăn chế biến từ bạch tuộc. Thế nhưng lần này, vì mùi thơm nức mũi của nó, chị phớt lờ nhược chứng của mình, ăn một lần "cho đã". Chính vì nuông chiều vị giác, chị Hoa đã bị dị ứng nặng. Không chỉ đau đầu, chị còn bị nôn nhiều, toàn thân nổi mề đay ngứa ngáy rất khó chịu.

Dị ứng bạch tuộc là một phần của chứng dị ứng hải sản. Tình trạng dị ứng này phổ biến ở các quốc gia, khu vực gần biển, trong đó các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đối tượng bị dị ứng hải sản nhiều nhất là người lớn.

Theo bác sĩ Lư Hoàng Vũ, khoa Dị ứng, Trung tâm Y khoa Medic, TP. HCM, hàng ngày có khoảng 30 bệnh nhân dị ứng đến khám tại khoa. Trong số đó, phần lớn các bệnh nhân sau một thời gian theo dõi, thăm khám, đều phát hiện mình bị dị ứng do ăn các loại hải sản như tôm, cua, mực, bạch tuộc, cá ngừ, sò, ốc...

Bác sĩ Lư Hoàng Vũ cho biết, dị ứng hải sản cũng như các dị ứng khác, triệu chứng biểu hiện từ mức độ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể phát hiện triệu chứng ba mươi phút hoặc vài giờ sau khi ăn, thậm chí vài ngày sau đó.

Ban đầu, bệnh nhân phát hiện da bị nổi mề đay, cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Cùng lúc, da hoặc các đầu ngón tay có thể bị sưng tấy, đầu bị choáng váng, chóng mặt. Nặng hơn, bệnh nhân cảm thấy khó thở, một số người có thể bị tụt huyết áp do mạch máu dãn nở hoặc nôn mửa, tiêu chảy.

Không chỉ ăn hải sản mới gây nên chứng nổi mề đay, ngứa ngáy. Một số người chỉ cần ngửi mùi cá hộp hoặc mùi hải sản đã nấu chín cũng cảm thấy chóng mặt, choáng váng. Một số người bị ngạt thở và ngất đi do không chịu nổi mùi của các loại cá, tôm. Đó là những trường hợp dị ứng nặng, bệnh nhân quá mẫn cảm với các loại hải sản.

Không dễ tìm chính xác nguyên nhân gây dị ứng

Theo các bác sĩ, việc tìm ra nguyên nhân chính xác gây dị ứng ở một trường hợp cụ thể là điều hoàn toàn không dễ dàng. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Dị ứng hải sản phần lớn xảy ra ở những người có cơ địa không hấp thụ được các loại tôm, cá... Cụ thể hơn, cơ thể họ thiếu chất kháng histamin tự do.

Histamin tự do có nhiều trong các loại cá ngừ, cá thu, bạch tuộc. Khi hấp thụ vào cơ thể, histamin sẽ được phóng thích, gây ngứa, khó thở, đau đầu, tụt huyết áp và lãm dãn mạch ở "nạn nhân" của nó.

Bên cạnh yếu tố cơ địa con người, các loài hải sản đánh bắt lâu ngày ngoài khơi, trữ lạnh hàng tháng trời mới vào đến bờ cũng có thể gây nên dị ứng. Do để lâu ngày, cá, tôm mất đi độ tươi sống, vi khuẩn xâm nhập nhiều làm chuyển hóa lượng đạm thành histamin. Chính vì vậy, histamin càng được tích tụ nhiều trong các loại cá, đặc biệt là cá thu và cá ngừ đại dương.

Ngoài ra, chất saxitoxin có trong một số loại sò biển cũng có thể gây nên dị ứng nặng, dẫn đến tê liệt cơ thể con người. Chất này rất bền vững, tồn tại dai dẳng trong các loại sò và không hề mất đi trong quá trình bạn nấu chín thực phẩm. Khi được cơ thể hấp thụ, saxitoxin sẽ tác động mạnh vào hệ thần kinh con người và gây tê liệt.

Đề phòng dị ứng giả và dị ứng chồng chất

Do các loại hải sản rất dễ gây dị ứng nên nhiều người thường "đổ lỗi" rằng cá, tôm, sò, ốc là "thủ phạm" gây nên dị ứng. Điều này có thể không chính xác. Nếu bạn bị nôn mửa, tiêu chảy vì ăn món mực nướng, còn với món mực luộc hay xào lại không hề hấn gì, như vậy mực không phải là "thủ phạm" gây dị ứng. Rất có thể các gia vị tẩm ướp mới là "kẻ chủ mưu".

Đây là kiểu dị ứng nghi oan. Nếu không kịp thời nhận ra tác nhân chính xác, việc chữa trị sẽ trở nên vô hiệu.

Bên cạnh đó, một số người còn bị dị ứng bởi nhiều loại thực phẩm như: bánh mì, lạc (đậu phộng), rau mùi. Nếu bữa ăn của họ chứa tất cả những loại trên, họ sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Việc tìm hiểu và chẩn đoán chính xác loại thực phẩm nào gây nên dị ứng đòi hỏi một thời gian khá dài. Ví dụ như bạn dùng loại hải sản đó nhiều lần và lần nào cũng bị nổi mề đay, ngứa ngáy, nhức đầu, chóng mặt, khi ấy, bạn có thể kết luận loại hải sản đó là nguyên nhân chính gây nên dị ứng.

Hơn nữa, muốn khẳng định mình có bị dị ứng với loại hải sản nào đó hay không, bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán lâm sàng và theo dõi trong một thời gian dài.

Uống thuốc có phải là cách điều trị triệt để?

Nhận thức rõ cơ địa của mình không phù hợp với các loại hải sản, nhiều bệnh nhân đã khéo léo tìm cách lánh xa thức ăn hảo hạng này. Tuy nhiên, vẫn có những người không thể kiềm chế trước những con tôm trong bóng, đĩa mực nướng thơm nức mũi hay những con sò hấp hành, xào tỏi... quá ư là hấp dẫn. Vậy là họ bất chấp tất cả với suy nghĩ: "Chỉ nếm thôi mà. Một chút thì không sao đâu".

Cũng có người dùng biện pháp "dĩ độc trị độc": Ăn thật nhiều các loại hải sản để cơ địa được thích nghi, quen dần. Sau khi ăn xong, họ lại dùng thuốc kháng histamin để đẩy lùi triệu chứng do dị ứng gây nên. Đây thật sự là một giải pháp thiếu khoa học, bởi một khi thiếu chất kháng histamin, cơ thể không thể nào thích nghi với lượng chất cá, tôm đưa vào.

Hơn nữa, việc dùng thuốc phòng dị ứng lâu ngày và nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc. Những lần dùng thuốc sau này, liều lượng sẽ tăng dần so với lần trước. Lượng thuốc ngày càng nhiều càng gây nguy cơ tai biến như trữ nước, nứt da, ảnh hưởng trầm trọng đến hệ tim mạch, hô hấp và các bộ phận khác của cơ thể.

Biện pháp hữu hiệu để tránh dị ứng hải sản

Cách tốt nhất để cơ thể không bị nguy hại là người bị dị dứng không nên ăn hải sản. Họ buộc phải giã từ tất cả những món ăn có thành phần là hải sản, thậm chí một miếng bánh pizza hải sản cũng không được ăn.

Nếu quyết định dùng thuốc chống dị ứng, bệnh nhân nên hợp tác chặt chẽ với bác sĩ về việc chọn loại thuốc nào phù hợp với thể trạng hiện thời. Những người có tiền sử về tim mạch, huyết áp, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú đều phải được bác sĩ chỉ định trước khi cho dùng thuốc.

Theo Nguyên Cao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.