Hiểm họa sức khỏe giống nòi từ thuốc trừ sâu!

Các bệnh viện tuyến trung ương ngày càng quá tải. Tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc sinh con dị tật, dị dạng, tim bẩm sinh ngày càng tăng. Ít ai biết rằng tác nhân của hiện trạng trên do việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất.

Hậu quả từ thiếu hiểu biết

Phun thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu ở các vùng nông thôn hiện chủ yếu do chị em đảm nhiệm, tuy nhiên khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu do không am hiểu hoặc không đánh giá hết tác hại mà thuốc trừ sâu gây ra nên nhiều chị em đã coi thường các quá trình sử dụng thuốc trừ sâu. Đa số chị em khi phun thuốc trừ sâu, không đi găng tay, ủng bảo vệ mà chỉ dùng khăn bịt miệng sơ sài. Nhiều chị em sau khi bơm hết thuốc trừ sâu trong bình đã sử dụng lại bình thuốc trừ sâu đó để đựng nước uống khiến cả gia đình phải đi cấp cứu.

Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Giới – Gia đình và Môi trường (CGFED) hiện, Việt Nam có khoảng 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Gần 90% trong số đó là phụ nữ, 98% trường hợp đã lạm dụng thuốc trừ sâu hoặc pha đặc hơn so với hướng dẫn trên bao bì từ 2 – 3 lần, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi phun. Phần lớn phụ nữ nông thôn không mặc áo mưa, không đeo khẩu trang, kính, găng tay… khi sử dụng thuốc trừ sâu khiến nguy hiểm hơn, nhiều chị em mặc dù mang thai vẫn “vô tư” đi phun thuốc trừ sâu gây nguy hiểm đến sức khỏe và dễ phát sinh những bệnh hiểm nghèo, và ảnh hưởng đến thai nhi.

Những con số đáng buồn

Cũng theo số liệu khảo sát của Trung tâm CGFED tại vùng thuần nông ới 100 hộ trồng chè ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho thấy: Phụ nữ tiếp xúc với thuốc trừ sâu gấp nhiều lần so với nam giới. Cụ thể, thời gian tiếp xúc với thuốc trừ sâu của phụ nữ là 2 tiếng/ngày, chiếm 54%; 3 tiếng/ngày chiếm 17% cao gấp 2 lần nam giới. Trung bình mỗi năm, một phụ nữ phải tiếp xúc với hơn 400 bình thuốc trừ sâu. Kết quả khảo sát 100 hộ thuần nông ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thì trong 2 vụ lúa /năm, mỗi phụ nữ phải phun trung bình 5 lần thuốc trừ sâu, mỗi lần 6 bình, như vậy một phụ nữ cũng phải tiếp xúc với 60 bình thuốc trừ sâu/năm. Tại vùng trồng chè ở Phổ Yên, Thái Nguyên có tới 21% phụ nữ bị dị ứng, viêm da. Còn các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, ngây ngất như bị cảm cúm, khó thở, tối ngủ li bì, sáng dậy đau toàn thân thì thường xuyên xảy ra với những phụ nữ tiếp xúc quá nhiều với thuốc trừ sâu.

Số liệu của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy: Gần 70% người sử dụng thuốc trừ sâu có triệu chứng ngộ độc. Ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Các bác sĩ Trung tâm CGFED khẳng định: Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh, di truyền, nội tiết hoặc các hệ miễn dịch của cơ thể. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khiếm khuyết về sinh sản của phụ nữ và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh đối với thai nhi. Việc bị nhiễm thuốc trừ sâu tăng nguy cơ vô sinh, ung thư vú, ung thư đường sinh sản và gây sẩy thai. Vì vậy cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới chị em tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu và quy trình sử dụng an toàn, như khi phun cần pha đúng nồng độ, cần trang bị bảo hộ như áo mưa, kính, khẩu trang, mũ kín đầu, găng tay. Đặc biệt, cần giãn thời gian tiếp xúc trực tiếp với thuốc càng xa càng tốt, tránh hậu quả về sức khỏe và môi trường.

Theo Nguyên Huân – Mai Thuyết



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.