Khát khao... chân dài

Ngày nay, giới trẻ ngày càng ưa chuộng những “đôi chân dài.” Nhiều ông bố bà mẹ “thấp người” luôn lo lắng đến thế hệ mai sau. Thậm chí, các bạn trẻ cũng đua nhau vào bệnh viện vì muốn "nâng cấp" cái chiều cao khiêm tốn.

Ám ảnh về chiều cao

Cứ đến hẹn lại lên, chiếu thứ ba nào, Ngô Lam L.-16 tuổi (cao 1,50m) và Nguyễn Chánh. H , 17 tuổi (cao 1,60m) vẫn “ngồi đồng” ở phòng khám Nội tiết, BV Đại học Y Dược TPHCM, với một thái độ sầu não đến tội nghiệp. Chúng muốn được “chích” thuốc tăng trưởng chiều cao cho mình.

"Chiều cao của em khiêm tốn quá chị ơi... Em cảm thấy mất tự tin và nhất là sẽ rất khó tìm được một “công việc” ưng ý," L. ủ rũ nói.

Phần lớn trẻ em hoàn toàn phát triển bình thường, không gặp trục trặc gì về các nội tiết tố (ảnh minh họa)

Không riêng gì chúng, đến cả những người làm cha làm mẹ cũng lo lắng đưa con đến khám để cải thiện chiều cao. Vợ chồng anh Trần Quang T. (Q3, TP.HCM) là một ví dụ.

"Hai vợ chồng cao chưa tới 1,6m. Còn con gái của mình đã 15 tuổi, mà chỉ cao 1,52 m. Cháu chắc cũng bị ảnh hưởng bởi gen “lùn” của cha mẹ. Tốn bao nhiêu tiền cũng được, tôi chỉ mong các bác sĩ có loại thuốc nào cũng được, ví dụ như hóc-môn tăng trưởng, để giúp con tôi cao được 1,7m," Anh T. tâm sự.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên về điều trị nội tiết cho rằng, các em này hoàn toàn phát triển bình thường, không gặp trục trặc gì về các nội tiết tố. Vì vậy, họ chỉ mắc phải những nỗi ám ảnh về chiều cao, và chỉ có các bác sĩ tâm lý mới giúp giải tỏa được những tâm trạng của họ.

Hóc-môn tăng trưởng: Chích hay không?

Theo BS Trần Quang Khánh, một chuyên gia về Nội tiết, ĐH Y Dược TPHCM, chiều cao của con người phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Gen di truyền, dinh dưỡng và nội tiết. Trong số này, chỉ có yếu tố gen là không thể thay đổi, còn dinh dưỡng và nội tiết đều có thể tác động được, nếu có bằng chứng rõ ràng về thiếu hụt hormone.

Ngoài ra, bệnh lý về xương, bệnh mãn tính (suy thận mạn, bệnh tiểu đường nhưng kiểm soát không tốt), bệnh liên quan đến nội tiết hoặc suy dinh dưỡng....cũng làm trẻ chậm phát triển chiều cao.

Đối với các trường hợp chiều cao thấp do thiếu hóc-môn tăng trưởng, nếu được phát hiện và điều trị sớm, chiều cao của trẻ có thể phát triển như những bạn cùng tuổi bình thường khác. Tuy nhiên, việc điều trị này cần có sự theo dõi sát sao của bác sĩ. Thời gian điều trị lý tưởng nhất khi trẻ được 6-8 tuổi.

Tuy nhiên, nếu chiều cao không tăng quá 2cm/năm sau 2 năm dùng thuốc, bị tác dụng phụ (đau khớp, gây khối u - đặc biệt là u não, tăng áp lực nội sọ lành tính, phản ứng giả bệnh bạch cầu - lượng bạch huyết cầu tăng trong máu số lượng nhiều...) thì các bác sĩ sẽ dừng ngay việc điều trị. Ngoài ra, do tuổi xương đã lớn (nữ: 13 tuổi, nam: 14 tuổi), việc dùng thuốc cũng không hiệu quả.

Tại Việt Nam hiện nay, các bác sĩ chỉ sử dụng một loại thuốc tăng trưởng hóc môn ở dạng chích. Còn những loại thuốc dạng uống hay xịt được quảng cáo trên báo, trên mạng hiện nay giúp làm tăng chiều cao đều hoàn toàn chưa có chứng cứ khoa học. Hơn thế nữa, ở người trưởng thành, do đầu xương đã hợp nhất với thân xương, nên hóc môn tăng trưởng mất hiệu quả, không còn khả năng làm dài xương nữa.

Thiếu hụt hóc-môn tăng trưởng đơn thuần chỉ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ (có trẻ cao tối đa khoảng 1,2-1,3m) nhưng không ảnh hưởng gì đến trí tuệ của trẻ cả. Trong khi đó, việc điều trị rất tốn kém, có khi hàng trăm triệu đồng, một đợt điều trị kéo dài cả năm trời. Vì vậy, BS. Khánh cảnh báo các bậc phụ huynh phải cân nhắc trước khi quyết định đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo Thiên Hương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.