Mỗi sáng nuốt 49 hạt đậu đen có chữa được bách bệnh?

"Nuốt 49 hạt đậu đen xanh lòng mỗi buổi sáng sẽ có tác dụng đẹp da, sáng mắt, chữa bách bệnh" là phương pháp dân gian đang được nhiều người rỉ tai nhau áp dụng.

"Nuốt 49 hạt đậu đen xanh lòng mỗi buổi sáng sẽ có tác dụng đẹp da, sáng mắt, chữa bách bệnh" là phương pháp dân gian đang được nhiều người rỉ tai nhau áp dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc làm này chưa được kiểm chứng qua bất kỳ một công trình nghiên cứu nào. Vì vậy, người dân cần thận trọng.

"Phải nuốt đúng 49 hạt, nếu không sẽ mất tác dụng"

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, hiện vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều xung quanh việc xác minh công dụng thực sự của phương pháp này. Chị Lê Thị Hòa (ở Mỹ Đức, Hà Nội) là người đã phải bỏ dở giữa chừng "liệu pháp" nuốt hạt đậu đen sống vì không thấy có tác dụng. Theo chị Hòa, cách đây 2 năm, nghe một số người mách dùng hạt đậu đen sống có thể chữa nhiều bệnh, trong đó có chứng nóng trong hay bị “bốc hỏa” của mình, chị Hòa đã đi mua 5kg đậu đen xanh lòng về áp dụng.

“Họ nói đậu đen sống rất tốt cho sức khỏe, có thể làm sáng mắt, đẹp da, đen tóc, giải nhiệt cơ thể nên tôi đã dùng thử. Cách làm cũng đơn giản, mỗi buổi sáng chỉ cần đếm đủ 49 hạt đậu đen, sau đó rửa sạch và nuốt trực tiếp. Cứ áp dụng đều đặn như vậy trong vòng 1 tháng sẽ bắt đầu có tác dụng. Tuy nhiên, tôi đã làm liên tục trong vòng 3 tháng nhưng không thấy có tiến triển gì, đôi khi còn bị tiêu chảy. Sốt ruột, không kiên trì thêm được nữa, tôi đã bỏ cuộc”, chị Hòa chia sẻ.

Khác với trường hợp của chị Lê Thị Hòa, chị Nguyễn Thị Hân (ở Long Biên, Hà Nội) là người đã và đang áp dụng phương pháp nuốt hạt đậu đen để chữa bệnh trong suốt hơn một năm qua. Chị Hân cho biết, phương pháp này thực sự giúp chị cải thiện đáng kể bệnh đục thủy tinh thể của mình.

Chị tâm sự: “Tôi bị bệnh đục thủy tinh thể gần 20 năm, mắt thường bị mờ, thị lực rất yếu. Từ ngày nghe mấy người bạn gợi ý nuốt 49 hạt đậu đen có thể giúp mắt sáng hơn, tôi đã làm thử. Nói thật, thời gian đầu, tôi cũng không tin cho lắm nhưng nghĩ cách làm đơn giản, với lại qua tìm hiểu thấy đậu đen cũng lành tính nên tôi kiên trì làm theo. Ấy thế mà đem lại hiệu quả thật. Sau hơn một năm áp dụng, tôi thấy mắt sáng hơn nhiều và không hay bị ốm vặt như trước nữa. Tôi sẽ tiếp tục áp dụng và khuyên chồng tôi làm theo để nâng cao sức khỏe”.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao phải dùng 49 hạt đậu đen mà không phải một con số khác, chị Hân cũng không lý giải được cơ sở của con số này. “Người ta nói “nguyên tắc” để có thể đem lại hiệu quả là phải nuốt 49 hạt, không hơn không kém thì mới có tác dụng. Hơn nữa, phải nuốt trước khi ăn sáng, tức là lúc bụng đói. Nếu làm ngược lại thì coi như phí công. Có thể ngâm hạt trong nước lọc khoảng vài tiếng hoặc qua đêm cũng được. Lúc đó, hạt nở ra, mềm hơn và dễ nuốt hơn”, chị Hân chia sẻ thêm.

Ăn đậu đen sống có thể gây tiêu chảy, loét dạ dày

Chia sẻ về thực hư công dụng của việc nuốt hạt đậu đen mỗi sáng có tác dụng đẹp da, sáng mắt, chữa nhiều loại bệnh… PGS.TS Trần Quốc Bình - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, khẳng định: “Đó chỉ là bài thuốc lưu truyền trong dân gian. Hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc nuốt 49 hạt đậu đen có thể chữa bách bệnh. Y học cổ truyền cũng không khuyến khích người dân tùy tiện áp dụng phương pháp này”.

PGS.TS Trần Quốc Bình phân tích: Trong Đông y, đậu đen mang tính hàn, vị hơi ngọt, có tác dụng dưỡng âm, bổ thận. Đây được coi là vị thuốc bổ trợ giống như thực phẩm chức năng, chứ hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh. Vì vậy, nhiều người thường dùng loại hạt này để chế biến thành các món ăn để giải nhiệt như chè đậu đen, cháo đậu đen và là thành phần của một số bài thuốc trong Đông y.

Còn việc nuốt hạt đậu đen sống trực tiếp để chữa bệnh là hoàn toàn phi lý. Hơn nữa, con số 49 hạt cũng chỉ là tượng trưng, truyền miệng trong dân gian chứ không có cơ sở khoa học nào chứng minh con số này có ý nghĩa đối với khoa học. Không những thế, việc nuốt hạt đỗ đen sống đôi khi còn gây hại cho một số người dùng.

“Không phải người nào cũng “hợp” với đậu đen, do vậy, không nên dùng đậu đen một cách tùy tiện, kể cả việc ăn chè hoặc cháo đậu đen. Đối với những người có cơ địa tốt thì việc nuốt hạt đậu đen về cơ bản là không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nó có thể gây tiêu chảy, loét dạ dày, thậm chí là xuất huyết dạ dày… với những người cơ địa kém, trẻ nhỏ và người cao tuổi”, PGS.TS Trần Quốc Bình khuyến cáo.

Lý giải về những trường hợp “trẻ ra” nhờ áp dụng phương pháp này, PGS.TS Trần Quốc Bình cho rằng, đó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên do cơ địa thích ứng của mỗi người hoặc trong quá trình nuốt hạt đậu đen, người dùng kết hợp sử dụng thêm nhiều vị thuốc bổ khác. Tuy nhiên, để có được hiệu quả như vậy, cần kiên trì áp dụng trong một thời gian dài và tuân thủ việc ăn uống, sinh hoạt điều độ.

Hiện nay, cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều chưa nghiên cứu được bài thuốc có thể chữa bách bệnh. Vì vậy, mọi lời đồn thổi về công dụng “thần kỳ” của việc nuốt hạt đậu đen sống cũng chỉ là truyền miệng. Người dân không nên quá tin tưởng và phải cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng.

Nhập viện vì nuốt hạt đậu đen

Cách đây vài năm, khi thông tin nuốt hạt đậu đen có thể chữa bách bệnh bắt đầu xuất hiện, đã có không ít trường hợp phải nhập viện vì tự ý áp dụng phương pháp trên.

Theo đó, năm 2012, bà H.T.Q (72 tuổi, ở TPHCM) nghe theo lời đồn thổi nuốt 49 hạt đậu đen mỗi buổi sáng sẽ trường sinh bất lão nên đã mua 2kg đậu đen để dùng dần. Được ít ngày, bà Q thấy đau ở ngực, khó thở nên được đưa vào Viện tim Tâm Đức (quận 7, TPHCM) cấp cứu. Sau 2 ngày theo dõi, xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, tim mạch bình thường, không có biểu hiện của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi siêu âm bụng và nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện bà Q bị xuất huyết dạ dày nghi do nuốt hạt đậu đen.

Theo Gia đình & Xã hội

chữa bệnh bằng đậu đen

phương pháp chữa bệnh dân gian


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.