Một nửa số người bị tiểu đường không biết mình có bệnh

Số người mắc tiểu đường tại Việt Nam hiện có thể lên đến gần 5 triệu, vượt xa so với dự đoán đến năm 2030 là 3 triệu. Thế nhưng, một nửa số này không hề biết mình có bệnh và chỉ đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm.

Số người mắc tiểu đường tại Việt Nam hiện có thể lên đến gần 5 triệu, vượt xa so với dự đoán đến năm 2030 là 3 triệu. Thế nhưng, một nửa số này không hề biết mình có bệnh và chỉ đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm.

Theo công bố của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới vào năm 2011, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ này thực chất cao hơn rất nhiều.

Trong số này ở nhiều trường hợp, bệnh đang diễn tiến âm thầm, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Thực tế, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có 6 người đã có biến chứng. Ngay cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức.

Bệnh tiểu đường không thể chữa được nhưng có thể ổn định bằng chế độ ăn hợp lý, luyện tập thường xuyên, uống thuốc đủ. Ảnh: N.P.

Chia sẻ bên lề buổi lễ khai mạc Làng thay đổi bệnh đái tháo đường tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, đa số bệnh nhân đều không đạt được mục tiêu điều trị.

Theo bà, với bệnh nhân tiểu đường việc điều chỉnh chế độ ăn là một trong những mục tiêu quan trọng. Một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức khó khăn.

Câu chuyện của bác Thuận, 63 tuổi, ở Khâm Thiên, Hà Nội là một ví dụ. Cũng như rất nhiều bệnh nhân tiểu đường khác, bác biết bệnh hoàn toàn do tình cờ. Cách đây 10 năm, bác đến công viên gần nhà đi bộ thì thấy có một đoàn bác sĩ đến thử đường huyết miễn phí. Bác cũng đến thử chỉ để cho biết, chứ không hề nghĩ mình có nguy cơ mắc chứng bệnh của nhà giàu này dù cân nặng khi đó của bác là 75 kg.

“Tôi ăn ngủ rất khoẻ, 12h ăn, đến 3h có thể ăn tiếp, 5h vẫn ăn được nữa. Ngày có khi ăn đến 9 bát cơm. Chính vì thế mà đến khi bác sĩ tư vấn ăn uống giảm đi đối với tôi thực sự rất khó khăn. Đói lắm, một bữa tôi ăn 3-4 bát cơm, giờ thì phải giảm xuống 2 rồi 1 bát”, bác Thuận chia sẻ.

“Với chế độ ăn được khuyến cáo tôi chỉ thực hiện được 50%. Đợt trung thu vừa rồi đường huyết của tôi lại tăng vọt chỉ vì ăn quá nhiều bánh ngọt. Cũng may là tôi cũng đã giảm được 5 kg, và chưa có biến chứng gì”, bác Thuận cho biết thêm.

Theo phó giáo sư Khuê, khẩu phần ăn của bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo: chất bột đường chiếm 50-60%, nên chọn loại đường hấp thụ chậm, nhiều xơ như gạo lứt, chất đạm chiếm 15%, khoảng 1 gam tính trên mỗi kg cân nặng một ngày, mỡ động vật ít dưới 7%.

Bên cạnh đó, hiện nay một số người bệnh chưa hiểu đúng về việc ăn chay khi bị tiểu đường. Có người cho rằng, người bệnh chỉ ăn chay, ăn quá nhiều tinh bột thì không tốt. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, nếu ăn chay mà vẫn đảm bảo tỷ lệ như trên thì không vấn đề gì.

Ngược lại, nhiều người lại nghĩ ăn chay là để chữa bệnh cũng không đúng. Ăn chay không phải là thuốc nên chắc chắn không thể dùng ăn chay để thay thuốc chữa bệnh. Nhiều nhà sư ăn chay nhưng vẫn có người bị tiểu đường.

Ngoài ra, khi ăn chay người bệnh có nguy thiếu một số vi chất cần thiết như sắt, kẽm, vitamin B12, vitamin D, canxi… Vì thế, có thể khắc phục bằng nhóm thực phẩm chay có trứng sữa, ăn chay linh hoạt, ăn chay bán phần hoặc uống bổ sung vitamin và khoáng chất.

“Người bệnh cần tính toán để có một chế độ ăn hợp lý, cái gì quá cũng là không tốt. Như trái cây rất tốt nhưng cũng chỉ ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều, vì như thế một lượng đường fructose đáng kể trong trái cây biến thành mỡ. Như thế lại thành ra có hại”, phó giáo sư Khuê phân tích.

Nhiều nguời bệnh đang chịu ảnh hưởng nhiều của quảng cáo, gây hiện tượng nhiễu thông tin. "Họ nghĩ ăn cái này, uống cái kia thì có thể khỏi được bệnh, trong khi đó đây là bệnh chỉ có thể ổn định được. Ăn uống đúng cách, luyện tập thường xuyên, uống thuốc đầy đủ thì đường ổn định, biến chứng sẽ rất ít xảy ra. Ngược lại nếu bắt đầu thờ ơ điều trị, ăn ẩu trở lại, ít vận động, người tăng cân trở lại, hậu quả kéo theo là biến chứng", phó giáo sư Khuê cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo hậu quả của bệnh tiểu đường rất nặng nề, là thủ phạm của nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi... Vì thế, nếu đang ở giai đoạn cửa sổ hay tiền đái tháo đường thì người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt để không tiến triển thành bệnh. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh (đường huyết lúc đói 5,6-7mmol/l). Nếu không can thiệp 33% bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh.

Trường hợp đã mắc bệnh thì cần tuân thủ đúng hướng dẫn. Với tiểu đường tuýp 2, việc chữa trị thời gian đầu gồm: giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục. Khi những phương pháp trên không thể kiểm soát được sự tăng đường huyết nữa, bệnh nhân sẽ được uống thuốc. Nếu thuốc vẫn không đáp ứng tốt, phương pháp trị liệu với insulin và loại thuốc tiêm khác sẽ được xem xét tới.

Người có các biểu hiện như: thường xuyên khát, uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng… thì cần nghĩ đến bệnh tiểu đường, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo  VNE



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.