Nghìn trẻ đang đau đớn vì dịch, vẫn có mẹ hồn nhiên hỏi: “Bệnh tay chân miệng là gì?”

Trong khi nhiều ông bố, bà mẹ lo “sốt vó” vì những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, thì một số bà mẹ trẻ vẫn không biết căn bệnh khiến 6 trẻ tử vong là gì.

Trong khi nhiều ông bố, bà mẹ lo “sốt vó” vì những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, thì một số bà mẹ trẻ vẫn không biết căn bệnh khiến 6 trẻ tử vong là gì.

Theo thống kê của ngành Y tế, tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có trên 52.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay số ca mắc tay chân miệng gia tăng rất nhanh ở khu vực phía Nam và một số tỉnh thành phía Bắc.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện này đang điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó đa số những trẻ có biến chứng, thậm chí phải thở máy.

Dù bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, các phương tiện truyền thông liên tục hướng dẫn cách phòng bệnh… Tuy nhiên, khi được hỏi một số phụ huynh tỏ ra khá thờ ơ, chủ quan với bệnh.

 

Nghìn trẻ đang đau đớn vì dịch, vẫn có mẹ hồn nhiên hỏi: Bệnh tay chân miệng là gì?”-1

Tại TP HCM các bác sĩ đang hàng ngày quay cuồng với bệnh tay chân miệng, khi số ca mắc và bị biến chứng không ngừng gia tăng.

Chị Hạnh (24 tuổi, ở Vĩnh Phúc), có con 2 tuổi bị ho và sốt đang phải đưa đến BV Nhi Trung ương để khám, nhưng khi hỏi về bệnh tay chân miệng thì hoàn toàn không hề biết thông tin gì. “Tôi suốt ngày đi làm, có lúc nào đọc báo, xem tivi đâu mà biết dịch bệnh. Nay con ho sốt quá nên tôi xin nghỉ đưa xuống Hà Nội thăm khám. Mà bệnh tay chân miệng là gì? Có nguy hiểm không?”, người mẹ trẻ này nói.

Chị Mai (32 tuổi, ở Hà Nội), có con gái 4 tuổi cũng chủ quan không kém khi cho rằng, con gái mình đã từng mắc căn bệnh này nên không lo mắc lại. “Tôi đọc trên mạng thấy bảo, khi mắc bệnh tay chân miệng, thủy đậu hay sởi rồi sẽ không mắc nữa, nên tôi hoàn toàn yên tâm. Hôm nay, con tôi vào viện là do bị viêm phổi, chứ không phải do mắc bệnh tay chân miệng”, chị Mai chia sẻ.

 

Nghìn trẻ đang đau đớn vì dịch, vẫn có mẹ hồn nhiên hỏi: Bệnh tay chân miệng là gì?”-2

Chị Thơm hàng ngày ở viện chăm con rất cẩn thận, vì lo sợ con lây nhiễm chéo từ các bệnh nhi khác.

Trái ngược với hai bà mẹ trên, chị Trần Thị Thơm (ở Nam Định) đang có con phải điều trị ở viện thì lo lắng, khi hàng ngày đọc báo thấy liên tục cảnh báo về căn bệnh tay chân miệng.

“Con tôi bị bệnh mạn tính, phải điều trị ở viện lâu nên sức đề kháng kém. Vì thế, tôi rất lo lắng khi bệnh có nguy cơ bùng phát. Ngày nào tôi cũng phải vệ sinh cá nhân và cho con ăn uống đủ chất, chỉ hy vọng không mắc thêm căn bệnh nào nữa”, chị Thơm nói.

 

Nghìn trẻ đang đau đớn vì dịch, vẫn có mẹ hồn nhiên hỏi: Bệnh tay chân miệng là gì?”-3

Anh Lâm cho biết, lo lắng con mắc bệnh nên phải đưa con xuống Hà Nội để cho kết quả chính xác nhất.

Còn anh Lâm (ở Sông Công, Thái Nguyên) khi nói về bệnh tay chân miệng cũng “giật mình” vì nơi anh sống căn bệnh này cũng đã xuất hiện. “Tôi thấy con ốm là đưa thẳng về trung ương khám luôn cho chắc, kết quả cháu chỉ bị tiêu chảy do Rota Virus chứ không phải tay chân miệng”, anh Lâm nói.

Theo anh Lâm, từ khi đài báo nói nhiều về căn bệnh này, anh thường xuyên lên báo đọc về cách phòng bệnh. Hiện trong gia đình anh luôn chuẩn bị sẵn các loại xà phòng rửa tay theo khuyến cáo, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh nguy cơ lây bệnh.

 

Nghìn trẻ đang đau đớn vì dịch, vẫn có mẹ hồn nhiên hỏi: Bệnh tay chân miệng là gì?”-4

Phụ huynh cần phân biệt bệnh tay chân miệng với những bệnh khác để không bị những biến chứng khi mắc bệnh.

Các chuyên gia cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Đặc trưng của bệnh là các thương tổn phát ban kiểu bóng nước ở tay chân miệng kèm theo sốt. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, những người bị tay chân miệng dễ gây lây lan nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh.

Một số người, đặc biệt là người lớn, những người bị nhiễm virus gây bệnh có thể không có bất cứ dấu hiệu nào, tuy nhiên, họ vẫn có thể lây lan virus cho người khác.

Theo đó, virus có thể lây lan khi tiếp xúc gần gũi, như ôm, hôn, hoặc chia sẻ bát và dụng cụ ăn uống; ho và hắt hơi; tiếp xúc với phân, có thể xảy ra trong quá trình thay tã; tiếp xúc với dịch mủ; chạm vào những bề mặt có virus…

Khi trẻ mắc tay chân miệng, đặc biệt là bệnh do virus EV71 gây ra, thường gây nên những biên chứng nặng và nguy hiểm như: viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM và hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong, cũng như không để dịch bùng phát lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 6 biện pháp dưới đây:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo Khám phá


trẻ bị tay chân miệng

tay chân miệng

Chân tay miệng

Bệnh tay chân miệng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.