Người đẹp thập thò đi khám… trĩ

Ngồi chờ đến lượt khám mà Hân ngay ngáy lo gặp người quen, sợ người ta phát hiện người xinh đẹp, sành điệu như cô lại mắc căn bệnh ‘tế nhị’ đến vậy.

Ngồi chờ đến lượt khám mà Hân ngay ngáy lo gặp người quen, sợ người ta phát hiện người xinh đẹp, sành điệu như cô lại mắc căn bệnh ‘tế nhị’ đến vậy.

Bệnh xấu xí nhưng rất nhiều người đẹp mắc

Hân 30 tuổi, là nhân viên phòng hành chính của một cơ quan bộ ở Hà Nội. Cô luôn được các nam nữ đồng nghiệp ngưỡng mộ vì dung nhan, phong thái kiêu sa, sang trọng và lối ăn mặc rất có gu. Vì thế khi thấy mình có nhiều triệu chứng của bệnh trĩ, cô không dám chia sẻ với mấy đồng nghiệp thân thiết để lắng nghe gợi ý của họ như khi gặp các vấn đề khác.

Đến lúc không chịu nổi nữa, Hân đành tiết lộ với một cô bạn. Bạn khuyên Hân đến khám và điều trị ở một bệnh viện đa khoa tư nhân rất nổi tiếng về điều trị trĩ, nơi làm việc của vị giáo sư đầu ngành về hậu môn – trực tràng. Nhưng Hân giãy nảy: “Không được, cứ thò mặt đến đó thì người ta biết thừa là bị bệnh gì rồi, nhất là đến phòng bác ấy thì lại càng chỉ có một bệnh ấy thôi”. Cân đi nhắc lại, cuối cùng Hân đến một bệnh viện lớn của nhà nước, nơi mà lĩnh vực nào cũng xuất sắc, để cô có thể “trà trộn” với những người mắc đủ loại bệnh khác. Dù sao, người đẹp như cô, mắc bệnh tim, thậm chí ung thư, nghe còn lãng mạn và đậm mùi tiểu thuyết, chứ bảo mắc trĩ thì…



Để đảm bảo kín đáo và đỡ chường mặt trước bàn dân thiên hạ, nhiều chị em “rỉ tai” nhau trên các diễn đàn mạng địa chỉ và số điện thoại của một số chuyên gia có khám tại nhà. Ngọc Bình, 28 tuổi, nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng từng “phi” mười mấy cây số từ đầu này sang đầu kia thành phố trong giờ tắc đường để đến khám ở nhà một vị giáo sư. Dù không có ai quen ở khu này, cô vẫn bịt mặt kín mít cho đến khi lọt vào trong nhà. Hóa ra ngoài Bình ra còn có mấy phụ nữ nữa chờ khám, và Bình ngạc nhiên thấy họ cũng đều lịch sự, phong lưu cả, tuổi cũng độ trên dưới 30.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội Hậu môn – trực tràng Việt Nam, cho biết phụ nữ làm văn phòng là một trong những đối tượng mắc trĩ nhiều nhất, bởi lối sống ít vận động và công việc phải ngồi nhiều làm gia tăng nguy cơ mắc trĩ. Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều chị em xinh đẹp phải lo lắng thấp thỏm vì bệnh này.

Xấu hổ nên mới cực khổ


Cũng vì cho đó là căn bệnh đáng xấu hổ, không xứng đáng hoặc “ăn nhập” gì với hình ảnh của mình trong mắt mọi người nên những chị em xinh đẹp mắc trĩ thường rất ngại đi khám. Nghĩ đến chuyện phải thoát y rồi nằm trong tư thế kỳ cục để người khác quan sát kỹ càng bộ phận khó nói đó, trong tình trạng cũng cực kỳ khó nói, là đã đủ toát mồ hôi. Thế là họ cứ lần lữa mãi, khiến bệnh ngày càng nặng.

“Hồi có bầu và mới sinh con, em rất hay bị đau rát khi đi ngoài, lại còn ra máu nữa”, Mai Thi, 29 tuổi, chia sẻ, “Tình trạng đó ngày một nặng hơn, em cũng biết mình bị trĩ rồi, nhưng nghĩ đến khám thì sợ quá nên cứ tự thuyết phục mình rằng thỉnh thoảng táo bón nên nó thế, táo thì là chuyện thường rồi. Mấy năm sau ở hậu môn lòi ra một cục tròn tròn thì em không tự dối mình được nữa, nhưng vẫn không dám đến bệnh viện. Em đọc các bài lên mạng rồi mua thuốc để đặt, bôi nhưng chả khỏi mà cái cục đó lại càng ra nhiều hơn, đau đớn, ngứa, rát, cực khổ không kể xiết, đành phải đi khám. Bác sĩ bảo nặng thế này thì dĩ nhiên là phải mổ rồi”.

Chị Phạm Hương, 42 tuổi, cũng kể lại những ngày “sống chung” với bệnh trĩ: “Khổ đến nỗi tôi ăn một miếng ngon cũng nghĩ đến cái lúc nó đày đọa mình ở khâu ‘đầu ra’. Những ngày có đợt viêm tấy cấp tính, tôi làm việc phải ngồi lệch một bên, mỗi lần cần cử động như trở mình, đứng dậy, đi lại đều đau đớn nhưng phải cố làm ra vẻ bình thường tự nhiên. Đến cả đêm ngủ cũng không ngon giấc vì cảm giác đau đớn, ướt át, thành thử lúc nào thần kinh cũng căng như dây đàn. Khổ nhất là khi đi cầu, đau đến mức chỉ muốn thét lên, nhìn máu tươi vọt thành tia mà kinh hoàng chỉ muốn ngất xỉu”.

Cực như vậy mà vì xấu hổ, chị Phạm Hương vẫn không chịu đi bệnh viện. Gần đây vì chồng thúc ép quá, chị mới chịu đi khám rồi phẫu thuật. Thoát khỏi những ngày đọa đày vì bệnh tật, tinh thần thoải mái nhẹ nhõm trở lại, chị mới ân hận sao trước đây cứ e ngại mà tự làm khổ mình suốt một thời gian quá dài.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Nhâm cho biết, phần lớn các ca trĩ mà ông khám và điều trị đều đã ở mức độ nặng, phải điều trị bằng tiêm thuốc hoặc phẫu thuật. Ngoài những trường hợp thiếu hiểu biết, phần nhiều đi khám muộn là do tâm lý ngại ngần, xấu hổ. Điều đó đã khiến bệnh có thời gian để phát triển nặng thêm, gây nhiều đau đớn phiền lụy, và việc điều trị cũng phức tạp hơn.

Các dấu hiệu của trĩ

Để hạn chế tổn thương và đau đớn, các chuyên gia khuyên nên dẹp bỏ sự e ngại, đến bác sĩ ngay khi có triệu chứng. Dấu hiệu sớm nhất và hay gặp nhất của bệnh trĩ là đau khi đại tiện và chảy máu ở hậu môn, ban đầu rất nhẹ, chỉ là vài vệt máu dính vào phân (nếu không chú ý có thể bỏ qua) hoặc có vệt máu ở giấy vệ sinh. Tình trạng chảy máu ngày một rõ rệt hơn, sau đó thành giọt, rồi thành tia. Một thời gian sau, bệnh nặng hơn, mỗi khi đại tiện phải rặn nhiều thì ở hậu môn có khối nhỏ lồi ra ngoài, sau đó tự tụt vào được, nặng hơn nữa thì không tự tụt vào, và thậm chí không chỉ có một khối.

Tình trạng búi trĩ sa ra ngoài rất dễ kèm theo tình trạng đau, ngứa, tiết dịch và viêm nhiễm. Mức độ đau cũng tùy từng người, có người không đau, có người thi thoảng mới đau, có người đau thường xuyên. Đau là biểu hiện có biến chứng như nứt hậu môn, áp xe, tắc mạch, sa trĩ nghẹt…

Chất lượng cuộc sống – cả về mặt tinh thần và thể xác – giảm dần đều theo sự phát triển của bệnh. Việc đến bệnh viện là không thể tránh khỏi, vì vậy thay vì phải chịu đựng suốt thời gian dàu, người bệnh nên chiến thắng cảm giác xấu hổ để sớm giải phóng cho mình khỏi sự hành hạ của bệnh trĩ.

Theo Xzone



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.